(Reuters 02/08/2017) Đức hôm thứ Tư 02/08/2017 tố cáo Việt Nam đã bắt cóc
một cựu cán bộ ngành dầu khí đang xin tị nạn tại Berlin để đưa về nước trả lời
về tội danh tham nhũng. Berlin ra lệnh cho các nhân viên tình báo Việt Nam phải
rời khỏi nước Đức trong vòng 48 giờ.
Phía Đức cho biết đang xem
xét những động thái tiếp theo, trước hành động vi phạm luật pháp nước Đức và
quốc tế “chưa từng thấy” qua việc bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, người bị cáo
buộc đã gây thiệt hại khoảng 150 triệu đô la cho một công ty quốc doanh Việt
Nam.
Một phát ngôn viên bộ Ngoại
giao nói với báo chí: “Rõ ràng là có sự tham gia của cơ quan tình báo và đại sứ
quán Việt Nam trong việc bắt cóc một công dân Việt trên lãnh thổ Đức”. Bộ Ngoại
giao Việt Nam hiện chưa trả lời hãng tin Reuters.
Công an Việt Nam tuần này
nói rằng ông Trịnh Xuân Thanh đã ra đầu thú hôm thứ Hai 31/7 sau 10 tháng bị
truy nã quốc tế, tuy nhiên không cho biết chi tiết vì sao ông Thanh quyết định
hồi hương và tự nộp mình.
Báo chí Đức cho biết ông
Thanh bị bắt những người vũ trang bắt đi hôm 23/7 tại Tiergarten, một công viên
lớn ở trung tâm Berlin. Ông Trịnh Xuân Thanh, 51 tuổi, là một quan chức tham
vọng, bị cáo buộc đã quản lý tồi, gây thiệt hại cho Tổng công ty Xây lắp Dầu
khí (PVC), là công ty trực thuộc tập đoàn PetroVietnam.
Ông được dư luận chú ý từ
giữa năm 2016, khi bị phát hiện sở hữu một chiếc xe Lexus sang trọng mang biển
số nhà nước, gây phản đối trong một đất nước mà các viên chức được cho là phải
sống giản dị. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bèn ra lệnh cho thanh tra về sự
nghiệp ông Thanh, vì sao lại được thăng quan tiến chức dù gây thiệt hại cho PVC.
Ông Thanh xin nghỉ bệnh vào năm ngoái và ra nước ngoài, biến mất khỏi tầm mắt
mọi người cho đến nay.
Tháng 9/2016, Việt Nam ra
lệnh truy nã quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh, tuyên bố sẽ tìm được ông ta dù
lẩn trốn ở bất kỳ nơi nào, bên cạnh đó còn khai trừ đảng. Qua việc thanh tra
PetroVietnam, nhiều viên chức chính phủ và lãnh đạo tập đoàn đã bị bắt. Một cựu
lãnh đạo PetroVietnam bị loại khỏi Bộ Chính trị và bị cách chức vào đầu năm
nay.
Cả hoạt động chống tham
nhũng và trấn áp các nhà hoạt động mạnh mẽ nhất trong những năm qua đều diễn ra
vào thời điểm có những biến động trong nội bộ đảng Cộng sản, sau khi ưu thế
nghiêng về phe bảo thủ vào đầu năm 2016.
Đức là đối tác thương mại
lớn nhất của Việt Nam trong Liên hiệp Châu Âu. EU đang xem xét thông qua hiệp
định tự do mậu dịch với Việt Nam, một trong những thị trường phát triển nhanh
nhất khu vực Đông Nam Á.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.