lundi 10 avril 2017

Hỏa tiễn của Trump ở Syria làm đảo lộn quan hệ Mỹ-Nga-Trung

Tổng thống Mỹ Donald Trump họp với các cố vấn an ninh về việc phóng hỏa tiễn sang Syria, 06/04/2017.
Sự kiện Mỹ bất thần cho bắn hỏa tiễn vào Syria là chủ đề được hầu như tất cả các báo Pháp bàn luận hôm nay. Le Monde đưa tít trang nhất « Bước ngoặt ngoại giao của Donald Trump » : Cơ hội hòa hoãn với Kremlin – đồng minh chính của Damas, đang trở nên mong manh. Tương tự, Les Echos  chạy tựa lớn « Trung Quốc, Syria, Nga : Bước ngoặt lớn của ông Trump ». Khi tấn công chế độ Al Assad, tổng thống Mỹ đã đảo lộn thế trận tại Syria. Không chỉ nhận lấy rủi ro làm ông Vladimir Putin giận dữ, Donald Trump còn gây khó xử cho vị khách mời Tập Cận Bình.

« America First » đi về đâu ?

Thông tín viên Les Echos tại New York nhận định, tổng thống Mỹ đã từ bỏ chủ trương cô lập, ít nhất là trong lúc này ; và cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (Daech, IS) được đưa xuống hàng thứ yếu.


Ai cũng thấy rằng ông Donald Trump hoàn toàn phản nghĩa với Barack Obama. Việc ông nhanh chóng ra lệnh bắn hỏa tiễn vào Syria tối thứ Năm 6/4 đã khẳng định thêm : vừa bước vào Nhà Trắng chưa đầy ba tháng, ông nhìn nhận đã hành động do xúc động trước những tấm ảnh các trẻ em nạn nhân vụ tấn công hóa học của chế độ Assad hôm thứ Ba 4/4.

Khu trục hạm hỏa tiễn dẫn đường USS Porter khai hỏa trong đêm 07/04/2017.
Vụ tấn công của Mỹ được tổ chức trong vòng chưa đầy 48 tiếng đồng hồ, trong khi trước đây ông Barack Obama chần chừ suốt nhiều tuần lễ về cách thức trừng phạt vụ tấn công hóa học của Assad mùa hè 2013, và rốt cuộc từ chối can thiệp quân sự. Các đồng minh của Mỹ như Pháp, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ… lúc đó cảm thấy như bị phản bội, nay đồng loạt lên tiếng hoan nghênh. Việc biểu dương sức mạnh này không chỉ nhắm vào Bachar Al Assad, mà còn vào Iran và Bắc Triều Tiên.

Tuy vụ tấn công đầu tiên nhắm vào chính quyền Damas chỉ ở mức độ khiêm tốn, nhưng đây là bước ngoặt ngoạn mục đối với tổng thống Donald Trump, trước đây vốn đòi ông Obama không hành động. Chuyên gia Marc Lynch của trường đại học George Washington cho rằng việc ông Trump thay đổi ý kiến nhanh như vậy cho thấy ông dễ bị ảnh hưởng. Vụ này cũng làm lung lay chủ trương « Nước Mỹ trước hết » đã góp phần làm nên chiến thắng của ông Trump. Lâu nay ông vẫn nghĩ rằng chống Daech mới là chính, sự ra đi của ông Assad chỉ là phụ.

Tuy nhiên, tác giả bài viết cho rằng khó thể biết được lời khẳng định của ông Trump muốn « chấm dứt sự tàn sát ở Syria » có bao nhiêu phần trăm thành thật ; khi ngân sách nhân đạo dành cho các nạn nhân chế độ Damas bị cắt bớt, và ông còn từ chối tiếp nhận người tị nạn.

Phải chăng vụ biểu dương sức mạnh vừa qua còn có mục đích nữa là làm quên đi những thất bại trong đối nội : cải cách Obamacare, những nghi ngờ về quan hệ với Nga. Về mặt này, việc tấn công Syria đã đảo ngược thế cờ cho ông Trump.

Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley tố cáo trước Hội đồng Bảo an việc chế độ Damas giết hại trẻ em Syria bằng vũ khí hóa học, 05/04/2017.
Trump chứng tỏ có thể chống Daech lẫn Assad cùng lúc

Trả lời phỏng vấn Les Echos, chuyên gia François Heisbourg, cố vấn giám đốc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược cho rằng « Với vụ bắn hỏa tiễn này, ông Trump chứng tỏ có thể đồng thời chống cả Daech lẫn Assad ».

Đây chỉ là « one shot » : tấn công vào các bunker và kho trữ chất độc sarin mà thôi. Điều này làm an tâm, cho thấy ông Trump không muốn lao vào chiến tranh. Washington cũng không thực sự muốn phá hủy phi đạo - vì có thể sửa chữa nhanh, nên phải không kích mỗi 48 giờ. Mỹ cũng chừa các trực thăng Nga gần đó ra. Không việc gì phải làm Assad yếu đi trước quân thánh chiến, chỉ nhằm cảnh cáo việc sử dụng vũ khí hóa học mà thôi.

Theo ông Heisbourg, quan hệ Mỹ-Nga vẫn trong vòng kiểm soát, Kremlin sẽ không phản ứng quá mạnh. La Croix Le Monde nói thêm, quân đội Nga tại chỗ được báo trước, đã không sử dụng hệ thống phòng không để đối phó, trong khi có sẵn các hỏa tiễn S-300 và S-400 ở căn cứ Hmeimim, Tartous. Ngược lại, với nhân tố quan trọng thứ hai là Trung Quốc, thì đáng ngại hơn. Ông Trump cho bắn hỏa tiễn ngay trong lúc Tập Cận Bình đang ở Washington, làm mất mặt ông Tập - một điều cấm kỵ đối với người châu Á.

Le Monde ghi nhận, Trung Quốc vốn theo chân Nga, sử dụng 6/7 lần quyền phủ quyết về Syria, lần này tỏ ra hòa dịu bất thường, có lẽ do sự hiện diện của ông Tập ở Florida. Ví von đây là một cú đúp bi-da, chuyên gia Heisbourg nhận định vụ không kích như một sự dằn mặt Bắc Kinh về vấn đề Bình Nhưỡng, sẽ đè nặng lên quan hệ Mỹ-Trung sau này. Ông nhắc nhở đừng quên những nguy hiểm chiến tranh ở bán đảo Triều Tiên lẫn Biển Đông, đặc biệt là tham vọng của Bắc Kinh trên vùng biển này. Nhưng họ không phản ứng ngay, « dây pháo Trung Quốc thường rất dài ». Về hồ sơ này, Le Figaro phân tích kỹ lưỡng trong bài viết « Xung đột Mỹ-Trung sẽ nổ ra tại châu Á ? »

Theo Les Echos, nếu trước đây ông Obama để Syria rơi vào tay Nga, với vụ tấn công vừa rồi, ông Trump đã giúp thoát được chiếc bẫy do Assad giăng ra : « Nếu quý vị chống lại tôi có nghĩa là ủng hộ thánh chiến ». Một thế lưỡng nan mà lâu nay nhiều nước phương Tây vẫn chưa biết giải quyết ra sao.

Tam giác căng thẳng Mỹ-Nga-Trung

Trong bài xã luận mang tên « Mỹ, Nga, Trung : Một tam giác căng thẳng », tác giả Jacques Hubert-Rodier của Les Echos cho rằng sự đối địch hoặc hòa hoãn của bộ ba Donald Trump, Vladimir Putin và Tập Cận Bình sẽ phác họa bộ mặt thế giới trong những thập niên đầu của thế kỷ 21.

Điểm chung của ba nhà lãnh đạo này là chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi. « Giấc mơ Trung Hoa » của Tập Cận Bình là một sự pha trộn giữa cải cách và dân tộc chủ nghĩa cực đoan. « Chủ nghĩa ái quốc » của ông Putin nhằm tái lập quyền lực mạnh ở Matxcơva, tăng cường ảnh hưởng Nga trên thế giới, còn ông Donald Trump nêu cao khẩu hiệu « America First ».

Nhưng ngồi vào Nhà Trắng chưa ấm chỗ, ông Trump đã mặc vào bộ áo thủ lĩnh chiến tranh. Riêng với Trung Quốc, về mặt quân sự chưa chắc Bắc Kinh nhanh chóng chịu chấp nhận các lý lẽ của Mỹ về việc triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD ở Hàn Quốc, và mối đe dọa xung đột ở Biển Đông vẫn còn đó. Theo tác giả, việc liên tục thay đổi chủ trương cho thấy với chính quyền non trẻ của ông Trump, nguy cơ căng thẳng hiển hiện ở cả ba góc của tam giác Mỹ-Nga-Trung.

Nụ hôn thắm thiết Trump-Putin nay thành ảo tưởng

Về quan hệ với Nga, thông tín viên Les Echos tại Matxcơva trong bài « Trump và Putin, từ thắm thiết đến đối đầu », cho rằng ông Putin vốn trông cậy vào sự hỗ trợ của tổng thống Mỹ để được phương Tây dỡ bỏ trừng phạt, nay sẽ phải chờ đợi lâu.

Các báo Nga lâu nay vẫn vẽ lên một nụ hôn giữa Trump và Putin trong năm 2017, cũng « nóng bỏng » như chiếc hôn giữa tổng bí thư Liên Xô Leonid Brejnev và đồng minh Đông Đức Erich Honecker năm 1979, trong chiến tranh lạnh. Một bước tiến đầu tiên trong quan hệ quốc tế, mà Vladimir Putin hứa hẹn với dư luận Nga và những người hâm mộ ông ở phương Tây.

Nhưng nụ hôn ấy đã không biến thành hiện thực. Sau khi Mỹ phóng hỏa tiễn vào căn cứ không quân Chayrat của Syria, ông Putin tố cáo việc « tấn công một quốc gia có chủ quyền », chối cãi trách nhiệm của Assad. Trong khi hình ảnh khủng khiếp của các trẻ em chết vì vũ khí hóa học chiếm trang nhất báo chí phương Tây, dân Nga hầu như không biết đến. Truyền hình Nga chỉ nói sơ qua, và không đưa bất kỳ hình ảnh nào của các nạn nhân.

Từ khi Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ, truyền thông Nga thường nhắc đến ông, người đã ca ngợi ông Putin là « nhà lãnh đạo mạnh mẽ » nhiệt tình này gần đây đã nguội đi. Tướng Michael Flynn, người chủ trương bỏ cấm vận Nga gần đây phải từ chức ; còn tổng thống Trump trong bài diễn văn đầu tiên trước Quốc Hội, khi nói về việc tìm kiếm các đối tác mới cho Hoa Kỳ, đã không nhắc đến Nga. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson thì đánh giá Nga là « nguy hiểm », cáo buộc Nga đã « xâm lăng » Ukraina. Phát ngôn viên điện Kremlin Dimitri Peskov cay cú nói : « Nga và Mỹ đã mất thời gian vô ích ».

Hàng không mẫu hạm Mỹ USS Carl Vinson đang tiến về bán đảo Triều Tiên.
Bình Nhưỡng, mục tiêu sắp tới của Trump ?

Còn về châu Á, sau khi dằn mặt Assad ở Syria, việc hàng không mẫu hạm nguyên tử Mỹ hướng về bán đảo Triều Tiên cũng khiến dư luận rất chú ý. Liệu Bắc Triều Tiên sẽ là mục tiêu sắp tới hay không ?

Libération nêu ra bản báo cáo của Stratfor năm 2016, cho biết Hoa Kỳ có đủ phương tiện quân sự (oanh tạc cơ, phi cơ tiêm kích, tiềm thủy đĩnh, khu trục hạm) để bắn đi trên 600 hỏa tiễn và « bom thông minh », ngay trong đợt tấn công đầu tiên. Tuy nhiên, trận bão lửa này có thể làm Hàn Quốc và Nhật Bản gánh chịu nguy hiểm, Bắc Triều Tiên sở hữu các xe cơ giới có thể phóng tên lửa, khó thể phát hiện.

Giáo sư Carl Schuster, trường đại học Hawai Pacifique nhận định, về mặt quân sự thì tất cả đều khả thi, tuy nhiên cần cân nhắc giữa được và mất. Theo NBC, Hội đồng An ninh Quốc gia mới đây đã đề xuất với tổng thống Donald Trump một số hướng. Thứ nhất, có thể đưa vũ khí hạt nhân Mỹ đến Hàn Quốc - lần đầu tiên từ 25 năm qua, việc này sẽ khiến Bắc Kinh nổi giận. Thứ hai, cố gắng trừ khử Kim Jong Un và những quan chức chịu trách nhiệm về chương trình nguyên tử và đạn đạo. Hướng thứ ba là cho lực lượng đặc biệt Mỹ và Hàn xâm nhập vào miền Bắc để phá hoại các cơ sở hạ tầng chiến lược.

Hiện giờ, tất cả khả năng đều để ngỏ, và ông Trump đã từng cảnh cáo nếu Trung Quốc không giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên thì Hoa Kỳ sẽ hành động. Một số người cho rằng đây chỉ là lời nói suông. Các hỏa tiễn Tomahawk bắn vào Syria đã bất thần khiến những lời đe dọa của Donald Trump trở nên khả tín.

Le Monde nhắc lại câu nói của ông Obama : « Không phải vì có chiếc búa tốt nhất mà ở đâu có vấn đề chúng ta đều coi đó là những cây đinh ». Còn đối với ông Trump, có lẽ ông nghĩ rằng đã có búa tốt trong tay thì tại sao lại không sử dụng.

Áp-phích của ứng cử viên cực tả Jean-Luc Mélanchon và cánh hữu François Fillon.
Bầu cử tổng thống Pháp : Cơ hội dàn đều cho các bên

Cuộc đua vào điện Elysée ngày càng gay cấn. Libération chơi chữ « Mélenchon-Fillon, cuộc đấu tranh giành chỗ » - (thay vì cuộc đấu tranh giai cấp). Lãnh tụ đảng Nước Pháp Bất Khuất nay đã vượt qua ứng cử viên cánh hữu François Fillon trong thăm dò, với 42% người Pháp cho rằng ông sẽ là một tổng thống giỏi. Một sự ngoi lên ngoạn mục vào lúc chỉ còn 15 ngày nữa là đến kỳ bầu cử tổng thống.
Le Figaro nhận định « Fillon, 15 ngày để thay đổi định mệnh ». Ứng cử viên của đảng Những Người Cộng Hòa ngày 09/04 đã huy động đông đảo người ủng hộ tại Paris, cổ vũ cho « niềm tự hào Pháp » trước các đối thủ Macron, Le Pen.

Cũng về cuộc bầu cử tổng thống Pháp, nhật báo công giáo La Croix giải thích « Chủ thuyết xã hội của Giáo hội nói gì » : Giáo hội Công giáo đưa ra các tiêu chuẩn về xã hội để chọn lựa, chứ không thiên về một ứng cử viên nào.

tags: Donald Trump - Hỏa tiễn - Syria - Nga - Trung Quốc - Điểm báo - Hoa Kỳ - Quân sự - Châu Á - Tập Cận Bình - Vladimir Putin
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170410-hoa-tien-cua-trump-lam-dao-lon-quan-he-my-nga-trung 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.