vendredi 17 janvier 2020

Trương Nhân Tuấn - Nhân ngày 17 tháng Giêng, nói về trách nhiệm làm mất Hoàng Sa


Ngày 17 đến 19 tháng Giêng năm 1974 Trung Quốc đem quân đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Quần đảo Hoàng Sa là lãnh thổ của Việt Nam, được sáp nhập vào lãnh thổ Việt Nam từ thời vua Gia Long triều nhà Nguyễn, với những thủ tục phù hợp với tập quán quốc tế thời đó. Các đời vua tiếp theo, như Minh Mạng, đã dựng bia, trồng cây trên các đảo hoang khác thuộc Hoàng Sa để mở rộng bờ cõi. Đến thời thuộc Pháp, nhà nước bảo hộ đã tuyên bố trước cộng đồng quốc tế, sáp nhập Hoàng Sa vào Việt Nam, chiếu theo thủ tục đưa một vùng dất của đế quốc Đại Nam vào trách nhiệm bảo hộ của Pháp, theo các điều ước của Hiệp ước 1874.

Hoàng Sa bị mất vào tay Trung Quốc từ ngày 19 tháng Giêng năm 1974. Luật sư Hoàng Duy Hùng ở Houston (Texas) cho rằng trách nhiệm việc làm mất Hoàng Sa là thuộc về Việt Nam Cộng Hòa (VNCH).

Ý kiến của luật sư Hùng có nhiều điều không đúng, về pháp lý cũng như thực tế và đạo đức làm người.

Thứ nhứt, về trách nhiệm. Nguyên tắc về trách nhiệm trong công cuộc "bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ" của quốc gia thuộc về toàn dân, trong đó chính phủ là pháp nhân đại diện.

Nếu nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) có quan niệm Hoàng Sa là lãnh thổ của Việt Nam, thì bất kỳ người dân nào, Nam hay Bắc, sinh ra vào thời điểm đó, đều có trách nhiệm như nhau trong công cuộc bảo vệ lãnh thổ Hoàng Sa.

Thứ hai, nhà nước VNDCCH công nhận chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa và hải phận hai quần đảo này của Trung Quốc, thông qua công hàm 14 tháng 9 năm 1958.

Tuyên bố công nhận chủ quyền này có giá trị pháp lý ràng buộc hay không, ta phải quy chiếu qua tập quán và công pháp quốc tế (về hiệu lực ràng buộc của các tuyên bố đơn phương).

Nếu công hàm 1958 của VNDCCH có giá trị pháp lý ràng buộc. Thì hành vi chiếm Hoàng Sa của Trung Quốc là một hành vi "giải phóng một vùng lãnh thổ của Trung Quốc bị VNCH xâm chiếm bất hợp pháp".

Trong trường hợp này trách nhiệm "mất" Hoàng Sa thuộc về VNDCCH. Đơn giản vì VNDCCH đã "nhìn nhận" lãnh thổ đó thuộc Trung Quốc.

Thứ ba, nhà cầm quyền VNCH đưa hải quân ra nghênh chiến, chống lại quân xâm lược Trung Quốc.

Quân VNCH quân yếu thế cô. Hải quân tàu bè không đủ xăng dầu và đạn dược. Không quân cũng gặp khó khăn cùng một lý do.

Trong khi áp lực của quân miền Bắc đè nặng trên các mặt trận ở các tỉnh thành. Không quân VNCH không thể ra Hoàng Sa can thiệp vì xăng dầu phải tiết kiệm. Tình hình là quân VNCH đề phòng quân VNDCCH đánh úp.

Tức là, trận Hoàng Sa, VNDCCH đứng chung một chiến tuyến với Trung Quốc. Nhờ VNDCCH làm áp lực trên khắp các mặt trận đất liền, VNCH cô đơn tứ bề thọ địch, bó tay phải bỏ Hoàng Sa.

Trường hợp này, VNDCCH là một bên hỗ trợ cho Trung Quốc. Mất Hoàng Sa là trách nhiệm của VNDCCH, nếu thực thể chính trị này tuyên bố họ là người Việt.

Thứ tư, VNDCCH cũng "hiến tặng" Trung Quốc một món quà pháp lý có giá trị lớn lao : "giữ thái độ im lặng trước sự xâm lược của Trung Quốc".

Theo công pháp quốc tế, sự im lặng của một quốc gia trước một vấn đề bắt buộc quốc gia đó phải lên tiếng, được hiểu như là sự "đồng thuận".

VNDCCH đã im lặng trước hành vi xâm lược Hoàng Sa của Trung Quốc.

Hoàng Sa thế hệ tương lai Việt Nam nếu không lấy lại được, bằng phương tiện pháp lý, là trách nhiệm của VNDCCH.

Nhà nước CHXHCNVN hiện nay có trách nhiệm liên đới làm mất Hoàng Sa, vì nhà nước này là nhà nước tiếp nối VNDCCH.

Luật sư Hoàng Duy Hùng, với tư cách là một người biết luật, tức người biết đúng sai, biết phải quấy, đã đổ trách nhiệm làm mất Hoàng Sa cho một thực thể đã không còn hiện hữu. VNCH đã "chết", không thể lên tiếng để tự biện hộ. Đây là một hành vi vô đạo đức của một người hành nghề luật sư, một thái độ hèn mạt không đáng giá một xu của một kẻ "hàng thần lơ láo". Sự nghiệp chính trị của luật sư Hoàng Duy Hùng xem như phá sản.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.