mercredi 13 janvier 2016

Bà Aung San Suu Kyi gặp các nhóm thiểu số vũ trang Miến Điện

Bà Aung San Suu Kyi và các đại biểu thiểu số, quân đội, Quốc hội tại Naypyitaw ngày 12/01/2016.

Bà Aung San Suu Kyi, lãnh tụ đảng đối lập đã thắng lớn trong cuộc bầu cử Quốc hội Miến Điện tháng 11 năm ngoái, hôm nay 12/01/2016 đã kêu gọi mở rộng tiến trình hòa bình với nhiều nhóm thiểu số vũ trang.
Hàng trăm đại diện của các nhóm này cùng với các đại diện quân đội và Quốc hội họp lại tại thủ đô Naypyitaw để khai mạc giai đoạn thứ hai của quá trình thương lượng. Bà Suu Kyi tuyên bố : « Chúng ta phải làm thế nào để tất cả các nhóm thiểu số vũ trang đều ký vào thỏa thuận ngưng bắn ».

lundi 11 janvier 2016

Vũ khí nguyên tử, chiến lược lợi hại của Bắc Triều Tiên

Người dân Bình Nhưỡng vui mừng nhảy múa tại quảng trường Kim Il Sung trước tin thử thành công bom khinh khí, 08/01/2016.

Le Monde hôm nay 11/01/2016 dành đến hai trang báo khổ lớn cho Bắc Triều Tiên, với hàng tựa « Nguyên tử, Chén Thánh của dòng họ Kim ». Khởi đầu do Liên Xô dẫn dắt và được nuôi dưỡng bởi những sai lầm của chính sách Mỹ, Bắc Triều Tiên rốt cuộc sở hữu được vũ khí hạt nhân, mặc cho cộng đồng quốc tế phản đối. Đối với Bình Nhưỡng đang bị cô lập, nguyên tử chính là bảo đảm cho sự sống sót của chế độ.
Quyết định chế tạo vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng là kết quả của một quá trình chuẩn bị lâu dài. Nhờ sự giúp đỡ của Liên Xô trong thập niên 50, Bắc Triều Tiên đã tự hoàn chỉnh được kỹ thuật nguyên tử, lén lút trang bị được kỹ năng và các thiết bị cần thiết trong thập niên 60 và 70, trước khi thiết lập được chương trình hạt nhân quân sự trong thập niên 80 và 90 kế tiếp. Trở nên quốc gia tự chiết xuất được plutonium, Bình Nhưỡng đã tiến hành vụ thử nguyên tử đầu tiên vào năm 2006.

vendredi 8 janvier 2016

Trung Quốc : Tượng Mao Trạch Đông khổng lồ bị phá hủy một cách bí ẩn

Tượng Mao Trạch Đông khổng lồ được dựng lên tại Hà Nam ngày 04/01/2016.

Một pho tượng khổng lồ của Mao Trạch Đông, người sáng lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã vừa được dựng lên trong tuần này đã bị phá hoại, theo một trang mạng thân chính quyền Trung Quốc.
Các hình ảnh của bức tượng Người cầm lái vĩ đại mạ vàng cao đến 37 mét, đặt tại một cánh đồng ở tỉnh Hà Nam thuộc miền trung Trung Quốc, đã được lan truyền khắp thế giới trong tuần này. Pho tượng Mao Trạch Đông ngồi trên ghế bành, đôi tay bắt chéo, đã hoàn thành vào tháng 12/2015 sau chín tháng xây dựng.

Cam Bốt : Bị bắt vì đe dọa Thủ tướng trên Facebook


Một người Cam Bốt đã bị bắt vì đăng trên Facebook những lời đe dọa đến tính mạng Thủ tướng Hun Sen, nhân vật quyền lực đã lãnh đạo nước này suốt 30 năm qua. Một tổ chức bảo vệ nhân quyền hôm nay 08/01/2016 cho biết như trên.
Am Sam Ath thuộc tổ chức Licadho loan báo : « Người thanh niên này đã bị bắt hôm qua và bị giải ra tòa án Phnom Penh sáng nay ». Hãng tin AFP liên lạc với chính quyền nhưng không được xác nhận.

jeudi 7 janvier 2016

Trung Quốc bó tay trước « Nhà nước du côn » Bắc Triều Tiên

Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đang quan sát một vụ bắn hỏa tiễn.


Theo chuyên gia Shi Yongming của Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, Bắc Kinh chẳng có thể làm gì khác trước việc Bình Nhưỡng thử nguyên tử. Ông nói: « Dù sao đi nữa, Bắc Triều Tiên chưa bao giờ vâng lời Trung Quốc, nhất là từ khi Kim Jong Un lên nắm quyền ».
Sự kiện Bắc Triều Tiên thử bom khinh khí được tất cả các báo Pháp chú ý. Le Monde đăng trên trang đầu thông tin « Bắc Triều Tiên khẳng định sở hữu bom H ». Le Figaro đăng ảnh lãnh tụ Bình Nhưỡng ở trang nhất với tựa đề « Vụ khiêu khích mới về nguyên tử của Kim Jong Un ».

Vì sao Bắc Triều Tiên cho thử bom nguyên tử vào thời điểm này ?

Dân Bắc Triều Tiên nghe thông báo về vụ thử bom H qua màn hình khổng lồ, 06/01/2016.

Bắc Triều Tiên ngày 06/01/2016 loan báo vụ thử hạt nhân lần thứ tư, và là quả bom khinh khí đầu tiên. Nhân dịp này, hãng thông tấn Pháp AFP điểm qua hồ sơ nguyên tử của Bình Nhưỡng.
Bắc Triều Tiên có phải là một cường quốc nguyên tử ?

Không, ít nhất là chưa, khi Bắc Triều Tiên chưa chứng minh được năng lực trang bị đầu đạn nguyên tử cho một hỏa tiễn đạn đạo. Tuy nhiên Bình Nhưỡng vẫn tiến triển về mặt công nghệ. Quốc gia này đã thực hiện được ba vụ thử hạt nhân trong các năm 2006, 2009, 2013 ; có khả năng được chế tạo bằng plutonium làm giàu ở mức thấp đối với hai quả bom nguyên tử đầu tiên, và bằng uranium đối với quả thứ ba – rất có thể là được thu nhỏ.

Bom H có sức mạnh khủng khiếp hơn so với quả bom ở Hiroshima

Vụ nổ thử bom H đầu tiên, "Ivy Mike", ngày 01/11/1952, gần đảo Bikini, giữa Thái Bình Dương.

Bom H hay bom khinh khí, bom nhiệt hạch mà Bắc Triều Tiên khẳng định đã thử thành công hôm qua 06/01/2016, là loại bom có sức công phá mãnh liệt hơn nhiều so với hai quả bom A đã thả xuống Hiroshima và Nagasaki năm 1945.
Bom A giải thoát ra năng lượng nhờ kỹ thuật phân hạch các nhân nguyên tử uranium hay plutonium. Còn bom H sử dụng trước hết là kỹ thuật phân hạch, rồi đến kỹ thuật hợp hạch theo phản ứng dây chuyền. Cho đến nay, chưa có quả bom H nào được dùng đến trong chiến tranh, mà chỉ cho nổ thử nghiệm.

mercredi 6 janvier 2016

Giới chuyên gia: Bình Nhưỡng chưa chế tạo nổi bom H

Theo phân tích của giám đốc cơ quan địa chấn Nhật Bản, việc thử bom H đáng lẽ gây ra động đất cường độ 7, bậc thang Richter 06/01/2016.

Các chuyên gia về nguyên tử hôm nay 06/01/2016 đón nhận tin Bắc Triều Tiên thử quả bom H đầu tiên với đầy ngờ vực, vì cường độ địa chấn gây ra chỉ tương ứng với vụ nổ của một quả bom có sức công phá nhẹ hơn. Hồi tháng trước, giới chuyên gia cũng đã tỏ ra nghi ngờ khi lãnh tụ Bắc Triều Tiên ngầm cho biết đã hoàn chỉnh được bom H.
Vụ thử bom diễn ra hai ngày trước sinh nhật Kim Jong Un, đã gây ra một vụ động đất ở mức 5,1 độ Richter ở cách Kilju khoảng 50 km về phía tây bắc, có nghĩa là gần địa điểm thử nguyên tử Punggye Ri.

Chuyên gia về nguyên tử Crispin Rovere ở Úc nhận xét : « Các dữ liệu địa chấn cho thấy vụ nổ rõ ràng là ít mãnh liệt hơn những gì người ta chờ đợi trong một vụ thử bom H. Mới nhìn thì có vẻ Bắc Triều Tiên đã thử nguyên tử thành công, nhưng họ không tiến được đến giai đoạn hai ».

Bình Nhưỡng loan báo thử thành công bom nhiệt hạch

Truyền hình Hàn Quốc loan tin về vụ Bình Nhưỡng thử bom nhiệt hạch.

Bắc Triều Tiên hôm nay 06/01/2016 khẳng định đã thử thành công quả bom nhiệt hạch đầu tiên, có sức công phá mãnh liệt hơn rất nhiều so với bom nguyên tử thông thường. Sự kiện này chứng tỏ Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục chương trình hạt nhân, bất chấp sự cấm đoán của Liên Hiệp Quốc.
Đài truyền hình nhà nước Bắc Triều Tiên loan báo : « Quả bom nhiệt hạch đầu tiên đã được thử nghiệm thành công vào lúc 10 giờ (1 giờ 30 GMT). Với thành công hoàn hảo của quả bom H lịch sử, đất nước chúng ta đã đứng ngang hàng với các quốc gia nguyên tử tiên tiến ». Đài này cũng cho biết thêm, đó là một quả bom đã được « thu nhỏ ».

Tị nạn: Áp lực gia tăng lên Thủ tướng Đức

Phụ nữ ở Köln giơ biểu ngữ phản đối Thủ tướng Merkel 05/01/2016.

Bà Angela Merkel hôm nay 06/01/2016 đang phải đối mặt các chỉ trích về chính sách cởi mở đối với người tị nạn, mà những người phản đối tìm cách gắn liền với vụ tấn công tình dục khoảng 100 phụ nữ tại thành phố Köln (Cologne) trong đêm giao thừa, thủ phạm được cho là những người nhập cư.
Vụ này chiếm trang bìa tất cả các tờ báo lớn ở Đức, làm phức tạp thêm công việc của Thủ tướng Merkel vào thời điểm đầu năm, vì nó khơi dậy một cách đầy kịch tính những lo ngại trước làn sóng người tị nạn từ Syria, Irak, Afghanistan đang tiếp tục đổ vào Đức, cũng như khả năng hội nhập của những người nhập cư.

mardi 5 janvier 2016

Việt Nam phải làm gì để được quốc tế xóa nợ ?

Phạm Chí Dũng : Muốn ăn phải lăn vào bếp. Trên đời không thể cứ mãi chỉ có nhận không có cho, chỉ có được không có mất. Giới quan chức Việt đang mê đắm trong mối giành giật quyền lực sẽ chợt tỉnh ngộ vào một thời điểm rất gần: tất cả sẽ chỉ là hư không, nếu không đẩy lùi được bóng ma khủng hoảng kinh tế. 

Cuba đi sau về trước?

Nếu Raul Castro đã tỏ ý sẽ trở về với giáo hội Công giáo, thì « Tin Mừng » đã đến với quốc đảo xã hội chủ nghĩa này vào tháng 12/2015: Người anh em « cùng nhau canh giữ hòa bình thế giới » với Việt Nam được Câu lạc bộ Paris bất ngờ xóa khoản nợ lên đến 4 tỉ USD.

Ngoại trưởng Cam Bốt : Can thiệp của siêu cường gây căng thẳng Biển Đông

Ngoại trưởng Cam Bốt Hor Namhong.

Hãng thông tấn Kyodo ngày 05/01/2016 cho biết Ngoại trưởng Cam Bốt Hor Namhong có những tuyên bố đổ lỗi cho một « siêu cường » đã làm cho tình hình Biển Đông thêm căng thẳng.
Trong buổi nói chuyện với sinh viên một trường đại học ở Phnom Penh ngày 04/01/2016, ông Hor Namhong tuyên bố: « Tình hình tại Biển Đông và các vấn đề liên quan đang trở nên tồi tệ hơn, căng thẳng hơn như hiện nay, là do có sự can thiệp của một siêu cường ».

Nhiều đồng minh của Ả Rập Xê Út cắt đứt quan hệ với Iran

Đại sứ quán Ả Rập Xê Út tại Teheran bị phóng hỏa ngày 02/01/2016.

Koweit, nước láng giềng và là đồng minh truyền thống của Riyad đã triệu hồi đại sứ ở Teheran. Đây là quốc gia Ả Rập thứ năm cắt đứt hay thu hẹp quan hệ với nước Cộng hòa Hồi giáo Iran, sau Ả Rập Xê Út, Bahrein, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất và Sudan.
Khủng hoảng giữa Ả Rập Xê Út và Iran thêm trầm trọng sau vụ Riyad hành quyết một giáo sĩ Shia, có uy tín đối với người Hồi giáo tại Iran. Phát ngôn viên chính phủ Iran tuyên bố : « Việc  Ả Rập Xê Út và các chư hầu chấm dứt quan hệ (với Teheran) không gây ra tác động nào đối với sự phát triển của Iran ».

Bầu Tổng thống Đài Loan : Ứng viên đảng Dân Tiến dẫn đầu các cuộc thăm dò

Bà Thái Anh Văn, chủ tịch đảng đối lập Dân Tiến, Đài Loan.

Mười ngày trước cuộc bầu cử Tổng thống Đài Loan, lãnh tụ đảng Dân Tiến (DPP), tổ chức bị các lãnh đạo Trung Quốc căm ghét, hiện đang dẫn đầu trong cuộc thăm dò dư luận cuối cùng được công bố ngày 05/01/2016.
Cuộc thăm dò do Cross-Strait Policy Association (tạm dịch: Hiệp hội chính sách hai bên eo biển Đài Loan) thực hiện, cho thấy có đến 45,2% trong số 1.052 người được hỏi ủng hộ bà Thái Anh Văn (Tsai Ing Wen), Chủ tịch đảng Dân Tiến. Còn ứng cử viên Chu Lập Luân (Eric Chu), Chủ tịch Quốc dân đảng đang cầm quyền chỉ được có 16,3% ủng hộ.

Luật Báo chí Ba Lan : Vacxava bị kiện lên Hội đồng Châu Âu

Mới chỉ hai tháng cầm quyền, đảng bảo thủ PiS của ông J. Kaczynski (giữa) liên tục bị phản đối là đã đưa ra nhiều đạo luật phản dân chủ.

Hiệp hội Nhà báo Châu Âu (EFJ), Liên minh Nhà báo Quốc tế (IFJ), Liên minh Nhà báo Châu Âu, và Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) ngày 04/01/2016 đã nộp đơn kiện lên Hội đồng Châu Âu về đạo luật gây tranh cãi vừa được thông qua tại Vacxava. Theo các tổ chức nói trên, tự do báo chí của Ba Lan đang bị đe dọa. 
Lá đơn nhấn mạnh, đạo luật vừa được Vacxava thông qua vào cuối năm đã « hủy bỏ các bảo đảm cho sự độc lập của các đài truyền hình và đài phát thanh công ».

lundi 4 janvier 2016

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đóng cửa sau khi sụt 7%

Cổ phiếu sụt thê thảm, Trung Quốc phải đóng cửa thị trường chứng khoán ngày 04/01/2016.

Việc giao dịch trên các thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến đã bị ngưng lại hôm nay 04/01/2016 sau khi các cổ phiếu bị sụt mất 7% giá trị, cùng với việc công bố các chỉ số tệ hại của nền kinh tế Trung Quốc.
Chỉ số CSI300 tổng hợp khoảng 300 công ty chủ chốt niêm yết trên cả hai thị trường trên bị lao dốc, khiến cho các giao dịch bị ngưng lại. Theo quy định mới, trong trường hợp chỉ số CSI300 - gồm các tên tuổi lớn trong đó có các tập đoàn dầu lửa và ngân hàng quốc doanh - dao động quá nhanh trong biên độ 7%, cơ quan phụ trách sẽ đình chỉ các giao dịch để tránh tâm lý hoảng loạn. 

Trung Quốc : Khai trừ đảng viên mê tín

Ông Tập Cận Bình kêu gọi tăng cường kiểm soát ý thức hệ trong số 88 triệu đảng viên.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ khai trừ những đảng viên tham gia các « hoạt động mê tín dị đoan ». AFP hôm nay 04/01/2016 dẫn nguồn tin từ báo chí nhà nước cho biết, quy định kỷ luật mới này bắt đầu có hiệu lực kể từ đầu năm.
Ông Tập Cận Bình, Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư, trong những tháng gần đây đã kêu gọi tăng cường kiểm soát ý thức hệ trong số 88 triệu đảng viên, song song với chiến dịch đánh tham nhũng được tuyên truyền rầm rộ, đã làm nhiều cán bộ cao cấp lâm vào vòng lao lý trong ba năm qua.

MH17 : Một nhóm nhà báo công dân tố cáo lính Nga liên can

Giàn tên lửa BUK-M2 giống với tên lửa đã bắn hạ chiếc máy bay Boeing MH17 của hãng hàng không Malaysia.

Viện Kiểm sát Hà Lan ngày 03/01/2016 thông báo sẽ « xem xét nghiêm túc » một báo cáo của nhóm phóng viên điều tra, trong đó nhận diện được khoảng hai mươi lính Nga có thể liên can trong vụ chuyến bay MH17 bị bắn rơi hồi tháng 07/2014 ở miền đông Ukraina.
Ông Wim De Bruin, phát ngôn viên Viện Kiểm sát Hà Lan cho AFP biết : « Chúng tôi chỉ mới nhận được bản báo cáo sau Noel. Viện Kiểm sát sẽ nghiên cứu nghiêm túc và xác định xem có thể sử dụng cho điều tra hình sự hay không ». Hiện nay, Viện Kiểm sát Hà Lan đang cố gắng tìm ra các thủ phạm đã gây ra thảm họa làm 298 người thiệt mạng, trong đó đến hai phần ba là công dân Hà Lan.

Ấn Độ lập trạm vệ tinh ở Việt Nam để giám sát Biển Đông

Logo của Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (India Space Research Organisation, ISRO).

Theo The Economics Times hôm nay 04/01/2016, Ấn Độ sẽ có được một vị trí chiến lược tại Biển Đông, khi trạm giám sát vệ tinh mới đang chuẩn bị đi vào hoạt động và kết nối với một trạm khác đặt tại Indonesia, trước tham vọng chủ quyền của Trung Quốc trong khu vực.
Trạm theo dõi, thu thập và xử lý dữ liệu vệ tinh của Ấn Độ được đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh, trị giá 23 triệu đô la, sẽ được Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO) kích hoạt trong thời gian ngắn sắp tới. Ân Độ cũng đã có một trạm theo dõi tương tự đặt tại Brunei.

Pháp : Charlie Hebdo, hồi I của thảm kịch khủng bố Paris

Bìa số đúp của Charlies Hebdo ra thứ Sáu 08/01/2016.

Một năm sau vụ khủng bố ở tòa soạn Charlie Hebdo, tuần báo châm biếm này vào thứ Tư 06/01/2016 sẽ xuất bản số báo kỷ niệm vụ thảm sát. Trang bìa là hình vẽ một Thượng đế mang bộ râu quai nón, mang khẩu súng kalachnikov, quần áo dính máu, với dòng chữ « Một năm sau, kẻ sát nhân vẫn nhởn nhơ ».
Số báo ra đời trùng với kỷ niệm một năm vụ thảm sát làm 17 người thiệt mạng, được in một triệu bản trong đó có vài chục ngàn bản gởi ra nước ngoài. Trong tuần này cũng diễn ra một loạt các hoạt động tưởng niệm, được kết thúc bằng một cuộc mít-tinh lớn ở quảng trường République tại Paris, với sự hiện diện của Tổng thống François Hollande.