Thủ đô Caracas và nhiều thành phố Venezuela lại chìm trong bóng tối mênh mông. Ảnh chụp ngày 25/03/2019. |
Tại châu Mỹ la-tinh, thông tín viên Le Monde ở Bogota mô tả « Những cố gắng xoay sở của dân Venezuela trong lúc cúp điện ». Gần một tháng sau vụ cúp điện đầu tiên, một lần nữa cư dân quốc gia dầu lửa này lại bị chìm trong bóng tối.
Đã là ngày thứ Ba, nhưng tại
Caracas và hầu hết các thành phố Venezuela, có vẻ như ngày Chủ nhật. Các
đường phố thủ đô hầu như hoang vắng, tất cả đèn giao thông đều tắt. Đa
số các cửa hàng, tiệm ăn, quán cà phê đều đóng cửa, tàu điện ngầm không
hoạt động. Một Chủ nhật buồn !
Suốt cả ngày, trên mạng xã hội,
những ai có thể sạc được điện thoại thông báo cho nhau về tình trạng
điện lưới, đồng thời bày tỏ sự bất lực, phẫn nộ. Họ viết : « Khó có
gì tệ hơn thế. Không có điện, phải chờ đợi ánh sáng quay trở lại rồi lại
bị cúp điện tiếp ? ». « Chưa kịp lấy lại sức sau đợt cúp điện hôm
07/03/2019, rồi bây giờ lại phải đối phó lần nữa »…
Sau năm ngày đất nước bị tê liệt trong đợt đầu tiên, đến 21 giờ 30 tối thứ Hai 25/3, sự cố lại tái diễn. Một cư dân mạng viết : «
Những ai ở nước ngoài không thể hình dung được đó là như thế nào. Im
lặng như tờ, bóng tối bao trùm lên tất cả, nỗi sợ len vào từng người một
».
Đêm đen gây sợ hãi. Thủ đô Venezuela đứng thứ ba trong số những thành phố nguy hiểm nhất thế giới. Nhà báo Rey Mozo cho biết : « Không có cảnh sát lẫn nhân viên cứu hộ trên đường phố Caracas, người dân bị phó mặc cho số phận ».
Thủ đô Caracas nhìn từ trên cao, 27/03/2019. |
Và họ cầu nguyện đừng bị bệnh. Video quay cảnh các bác sĩ ở bệnh viện
Ciudad Ojeda phải giải phẫu trong bóng tối, dưới ánh sáng lập lòe của
một chiếc smartphone, đăng trên trang web ElPitazo gây sợ hãi. Tại sân
bay Maiquetia, những chuyến bay quốc tế hiếm hoi vẫn có thể cất cánh hôm
thứ Ba 26/3, nhưng nhân viên phải viết thẻ lên tàu bằng tay.
Những
lời khuyên và đề nghị giúp đỡ lan truyền trên mạng. Một công ty điện
thoại khuyến cáo khách hàng mở wifi để những người láng giềng có thể sử
dụng, một siêu thị thông báo dành những tủ lạnh cho ai cần trữ lạnh
thuốc men.
Nhưng hầu hết các tweet là những lời nguyền rủa chế độ, từ lãnh tụ quá cố Hugo Chavez cho đến tổng thống Nicolas Maduro và « toàn bộ bè lũ bất tài » của ông ta. Đối
lập tin chắc rằng những vụ cúp điện liên tục là do cơ sở hạ tầng bị
xuống cấp nặng nề, còn ông Maduro thì tố cáo là đập thủy điện Guri, nơi
cung cấp gần 80% điện năng cho cả nước, bị phá hoại.
Bà Angela, cư
ngụ ở khu phố Chacao, Caracas cho biết lần này đã trữ sẵn nước và cá
thu đóng hộp. Ở tuổi 74, bà không thể lên xuống 12 tầng lầu khi thang
máy không hoạt động. Cũng như bà, nhiều người dân Venezuela đã « phát huy tài nghệ của người tiền sử để sống sót » - theo tài khoản Tachira Fuerte.
Cư
dân cũng đã trở nên quen thuộc với sự cố : nay thì họ biết những nơi
nào có thể nhận được tín hiệu vệ tinh. Ngay từ sáng sớm thứ Ba, người
dân xúm xít tại những nơi này để cố gắng liên lạc với người thân ở nước
ngoài vốn đang lo lắng. Trên ba triệu người Venezuela đã bỏ xứ sở ra đi
kiếm sống từ khi kinh tế bị suy sụp.
Nhưng tinh thần hài hước vẫn chưa biến mất. Một người tên José châm chọc : « Lính Nga đến Venezuela huấn luyện trong điều vô cùng khắc nghiệt ». Mariana Blanco đăng trên Twitter : « Các bạn có còn nhớ Bộ Hạnh Phúc không ? Ai có số điện thoại cho tôi xin với, tôi có một vài đề nghị ». Hồi năm 2013, ông Nicolas Maduro loan báo đặt ra chức « thứ trưởng vì hạnh phúc tuyệt vời của nhân dân ». Nhưng từ lâu chức vụ này đã bị rơi vào quên lãng.
Tổng thống Pháp, thủ tướng Đức và chủ tịch UBCA cùng nghênh tiếp chủ tịch Trung Quốc tại điện Elysée ngày 26/03/2019. |
EU-Trung Quốc : Bước ngoặt rạch ròi của Paris
Về quan hệ giữa Liên hiệp Châu Âu và Trung Quốc, bài xã luận của Le Monde nhận định đó là « một bước ngoặt đúng đắn của Paris ».
Sự
hiện diện của thủ tướng Đức Angela Merkel và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu
Jean-Claude Juncker bên cạnh tổng thống Pháp trong buổi đón tiếp chủ
tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mang lại một tầm vóc lịch sử. Ban đầu chỉ
đơn giản là một cuộc gặp thượng đỉnh Pháp-Trung, nhưng khi mở rộng ra
cho hai đối tác hàng đầu, tổng thống Pháp đã chứng minh sự chân thành
trong chính sách châu Âu của mình, và dấn thân vào chiến lược mới của
Bruxelles để đối phó với Bắc Kinh.
Trong văn bản công bố cách đây
hai tuần, Ủy Ban Châu Âu đã tạo một bước ngoặt quan trọng, coi Trung
Quốc là đối thủ chiến lược mang tính hệ thống và khuyến cáo các quốc gia
thành viên nên có kế hoạch hành động, đoàn kết với nhau để đối phó. Tại
Paris, bà Merkel và ông Juncker nêu ra trước ông Tập sự bất tương xứng
trong việc mở cửa thị trường, còn ông Macron nhấn mạnh « sự ngây thơ » của châu Âu với Trung Quốc đã chấm dứt.
Tập Cận Bình kêu gọi vượt qua những « nghi kỵ »,
nhưng ông không đưa ra được bằng chứng nào để trấn an về « Con đường tơ
lụa mới ». Trung Quốc và Liên Hiệp Châu Âu sẽ gặp lại ở hội nghị thượng
đỉnh vào ngày 9/4. Con đường trước mặt còn dài, nhưng theo Le Monde, từ
hôm thứ Ba đã có được một bước ngoặt rạch ròi.
Châu Âu trở thành chiến trường Mỹ-Trung
Cũng trên Le Monde, tác giả Sylvie Kauffmann nhận xét « Châu Âu, chiến trường của Hoa Kỳ và Trung Quốc ».
Trong
cuộc đối đầu mới giữa hai cường quốc, đối với các quốc gia Tây Âu -
giàu mạnh nhất và ổn định nhất về chính trị - Bắc Kinh và Washington ưu
tiên cho quan hệ song phương với Berlin, Luân Đôn, Paris, Roma, La Haye
hoặc Stockholm. Còn với các nước thuộc Liên Xô cũ và Nam Tư cũ, mới gia
nhập vào Liên Hiệp Châu Âu (EU) và do vậy ít gắn bó hơn, lọt vào tầm
ngắm của Bắc Kinh còn do kinh tế chưa phát triển cao, cần nhiều cơ sở hạ
tầng.
Thông qua công thức « 16+1 » do Bắc Kinh đưa ra tại
Vacxava năm 2012, bao gồm các nước cộng sản cũ trong đó có 11 nước nay
là thành viên Liên hiệp Châu Âu, khu vực này trở thành bản lề trong dự
án « Con đường tơ lụa mới ». Thủ tướng một nước nhỏ vùng Balkan cho biết
chỉ trong vòng hai năm, ông đã có đến sáu cuộc họp song phương với phía
Trung Quốc.
Năm 2015, Ba Lan đưa ra một đề nghị mới : Sáng kiến
Tam Hải (Initiative des Trois Mers - I3M hay còn gọi là IMBAMN) gồm 12
nước hầu hết là Đông Âu, thành viên EU nằm dọc theo biển Baltic, biển
Adriatic và Hắc Hải. Khi tổng thống Mỹ Donald Trump đến Vacxava tháng
7/2017 tuyên bố ủng hộ sáng kiến này, Bruxelles cho rằng Mỹ lại muốn
chia rẽ châu Âu. Nhưng thực ra đối với chính quyền Trump, đây là cách để
đặt chân vào Trung Âu, khu vực chiến lược mà cả Nga và Trung Quốc đều
muốn gây ảnh hưởng.
Xe tăng Thụy Điển trong cuộc tập trận Northern Wind, 22/03/2019. |
Bắc Âu tập trận để phòng bị Nga
Cũng tại châu Âu, thông tín viên của Le Figaro ở Thụy Điển cho biết « Quân đội các nước Bắc Âu tập trung sức mạnh trước áp lực của Nga ». Mười ngàn quân nhân Thụy Điển, Phần Lan và Na Uy tham gia một cuộc tập trận chưa từng thấy kéo dài 8 ngày tại Bắc Cực.
Cuộc
tập trận Northern Wind diễn ra tại vịnh Botnie, vùng biên giới Phần
Lan, nhằm thử nghiệm năng lực của các quân đội Bắc Âu trong điều kiện
mùa đông khắc nghiệt. Kể từ cuộc chiến Gruzia năm 2008 cho đến việc sáp
nhập Crimée bằng vũ lực năm 2014 và can thiệp vào cuộc xung đột Ukraina,
nước láng giềng Nga ở cách đó 300 km luôn là mối đe dọa, không khí trở
nên nặng nề.
Tuy Matxcơva không trực tiếp hăm dọa, nhưng nhiều sự
cố thường xuyên xảy ra với các nước Bắc Âu. Hồi tháng Hai, một chiếc
Sukhoi của Nga đã áp sát một phi cơ thám sát Thụy Điển, chỉ cách chưa
đầy 20 mét. Cũng trong tháng Hai, một nghi can được cho là gián điệp của
Matxcơva bị bắt tại một nhà hàng ở Stockholm. Và từ nhiều tuần qua,
chính phủ Na Uy tố cáo hệ thống định vị GPS bị gây nhiễu ở biên giới
phía bắc, gây nguy hiểm cho các máy bay chở khách. Phần Lan, vốn có
chung 1.300 km đường biên giới với Nga, luôn phải đề cao cảnh giác.
Sống đến 300 tuổi để làm gì ?
Trong lãnh vực xã hội, trên trang Ý kiến của Le Figaro, tác giả Luc Ferry đặt lại câu hỏi của triết gia La Mã Cicéron sinh 106 năm trước Công nguyên : « Sống đến 300 tuổi để làm gì ? »
Câu hỏi này được Le Figaro
đưa ra vào năm ngoái, đã được đại đa số độc giả trả lời là không cần
thiết. Đó cũng là ý kiến của người xưa, trong đó có nhà triết học cổ đại
Cicéron, là không nên sợ hãi tuổi già cũng như cái chết, cho dù với giả
thiết là ở tuổi đó người ta vẫn khỏe mạnh về thể chất cũng như tinh
thần. Cần phải sống thuận với thiên nhiên, mà thiên nhiên thì có những
chu kỳ rõ rệt. Còn theo triết gia Platon, cái chết giải phóng chúng ta
ra khỏi nhà tù là thân thể, đưa chúng ta vào cõi vĩnh hằng của niềm vui
và chân phúc.
Tựa chính báo Pháp
Các báo Pháp hôm nay quan tâm đến nhiều lãnh vực khác nhau. Les Echos nhận định « Brexit : Lá bài cuối cùng của bà Theresa May ». Le Figaro chạy tựa trang nhất « Bầu cử châu Âu : Cánh hữu muốn gây trở ngại cho cuộc song đấu Macron-Le Pen ». Libération tố cáo « Sách nhiễu ở trường sĩ quan dự bị Saint-Cyr : Quân đội vẫn im lặng ». Le Monde nhìn sang một thuộc địa cũ của Pháp ở châu Phi, với tựa đề « Algérie : Quân đội bỏ rơi ông Bouteflika để cố gắng cứu vãn chế độ ». Nhật báo công giáo La Croix kêu gọi « Chỉnh đốn lại Giáo hội ».
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.