Thủ tướng VN Nguyễn Xuân Phúc và tổng thống Mỹ Donald Trump tại Washington ngày 31/05/2017. |
(Bùi Quang Vơm) Ngày
23/05/2017, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam phổ biến quy định
kiểm tra và giám sát tài sản của cán bộ đảng viên cao cấp.
Theo
bà Lê Thị Thủy, phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đối tượng kiểm tra và
giám sát thuộc quy định này sẽ bao gồm 1.000 cán bộ cao cấp, trong đó không
loại trừ ủy viên trung ương, thành viên Ban Bí thư và ủy viên Bộ Chính trị, bất
kể cán bộ đương chức hay đã nghỉ hưu.
Như
vậy, sau khi kỷ luật cách chức ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy thành phố
Hồ Chí Minh của ông Đinh La Thăng ngày 17/05/2017, nhìn toàn cảnh, người ta sẽ
thấy chiến trường là một chiến dịch đã được phát động tổng lực và toàn diện.
Vụ
án Ngân hàng Xây Dựng Phạm Công Danh, Ngân hàng Đại Dương Hà Văn Thắm, vụ bắt
giam Tổng giám đốc Nguyễn Xuân Sơn, khởi tố vụ án Trịnh Xuân Thanh, bắt giam Vũ
Đức Thuận, kỷ luật cách chức Bí thư Đảng đoàn và chức nguyên Bộ trưởng bộ Công
thương của Vũ Huy Hoàng, cách chức nguyên bí thư, nguyên chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh
của Võ Kim Cự, vụ kỷ luật cách chức ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy thành
phố Hồ Chí Minh của ông Đinh La Thăng, kỷ luật các bí thư và phó bí thư Bình
Định, bí thư và phó bí thư Hậu Giang, phát động điều tra xét xử 12 đại án ngành
ngân hàng thương mại, quyết định phế truất chức vị trong hội đồng quản trị
Sacombank của cha con Trầm Bê, mở màn cho những điều tra liên quan tới Ngân
hàng Nhà nước. Thành lập 8 đoàn kiểm tra các tỉnh ủy có đơn thư tố giác tham nhũng,
5 đoàn kiểm tra các tỉnh ủy vi phạm quy chế đề bạt và luân chuyển cán bộ, và
cuối cùng, ngày 23/05/2017, Bộ Chính trị quyết định phổ biến quy định kiểm tra
tài sản của 1.000 cán bộ cao cấp, kể cả ủy viên Bộ Chính trị.
Mọi
hiện tượng tham nhũng đều nhằm tới việc chiếm hữu tài sản công, mọi hành vi
tham nhũng cuối cùng cũng tất yếu kết thúc bằng việc gia tăng tài sản bất minh,
tức là tài sản không thể giải thích nguồn gốc chính đáng. Cho nên, nếu đã đi
tới kiểm tra tài sản, có thể thấy chiến dịch chống tham nhũng đã quyết định đi
tới bước cuối cùng. Nếu bước kiểm tra tài sản được tổ chức một cách hoàn hảo,
chất lượng của công việc kiểm tra được đảm bảo chuẩn xác và triệt để, thì, một
cách chủ quan, có thể khẳng định mọi biểu hiện tham nhũng sẽ bị phát hiện, ngay
cả khi thủ phạm đã mất tích. Càng tưởng là an toàn thì càng lộ diện. Càng có
cảm giác lãng quên thì càng dễ bị phát giác.
Khi
quyết định phổ biến quy định kiểm tra và giám sát tài sản của 1.000 cán bộ cao
cấp, Bộ Chính trị đã quyết định đánh tới phần tử tham nhũng cuối cùng. Cũng có
nghĩa rằng những người chủ trương chiến dịch cuối cùng này tuyên chiến với tất
cả những cán bộ có quyền có chức đang sở hữu tài sản bất minh, tài sản có được
bằng tham nhũng.
Quyết
định tuyên chiến này, vì vậy, mặc dù có thể được đưa ra trên danh nghĩa một
nghị quyết tập thể của Bộ Chính trị và Ban Bí thư, nhưng chắc chắn từ những
phần tử đang không hoặc có rất ít tài sản không rõ nguồn gốc.
Những
phần tử này chỉ có thể là những ủy viên trung ương hoặc ủy viên Bộ Chính trị
chuyên trách công tác đảng, thuộc “bộ máy đảng”, không thực sự nắm các quyền
chức liên quan tới cơ hội tham nhũng. Những đối tượng mà nó nhắm tới sẽ chủ yếu
là các quan chức thuộc “guồng máy chính phủ”, nơi bất cứ chức vụ nào cũng gắn
trực tiếp với một loại tài sản hay một lợi ích nào đấy, nguồn gốc của cơ hội
tham nhũng.
Vì
vậy, trên thực tế, quyết định kiểm tra giám sát tài sản này là quyết định tuyên
chiến của “khối chuyên trách” chống lại “khối chính phủ”, cũng tức là đảng
chống lại chính quyền, là “lãnh đạo” chống lại “quản lý”.
Nó
nhằm hai mục đích. Một là giải giáp uy lực của khối chính quyền, từ đó thu gom
quyền lực vào trong tay khối chuyên trách, gọi là tập trung quyền kiểm soát
quyền lực vào tay đảng. Hai là “dạy cho
khối chính quyền một bài học”, từ đó xác lập chế độ “tái phân phối” theo
nguyên tắc điều hòa giữa hai khối, nhằm giải quyết mâu thuẫn lợi ích đang ở mức
đã thành đối kháng giữa hai khối.
Khối
chuyên trách, được hiểu là khối “lập pháp”, là khối có quyền danh nghĩa cao
nhất nhưng không gắn với “bổng và lộc”, nên nói chung là “nghèo”. Trong khi
khối chính quyền hay “hành pháp”, dù chỉ là cấp thừa hành, trên thực tế gắn
liền với mọi loại “bổng và lộc”, tức là cơ hội tham nhũng, nhờ vậy giàu lên
nhanh chóng và có thực quyền chi phối trên toàn hệ thống.
Chiến
dịch chống tham nhũng sở dĩ được phát động tới giai đoạn kiểm tra tài sản cán
bộ cao cấp, tức là “đánh tới hang ổ cuối
cùng”, không phải là một quyết tâm tiêu diệt tham nhũng tới cùng, bởi vì ai
cũng biết, tham nhũng là sản phẩm tất yếu của chế độ chuyên chế độc đảng. Tham
nhũng sinh ra từ lạm dụng quyền lực. Quyền lực chỉ có thể bị quản chế bằng một
quyền lực khác ngang hàng và độc lập với nó. Nếu còn một điều 4 trong Hiến pháp
quy định đảng “là lực lượng duy nhất lãnh
đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội”, để từ đó các thiết chế quyền lực buộc phải
thống nhất trong tay đảng, thì tham nhũng hệ thống là tất yếu. Cá nhân ông tổng
bí thư đảng, hay thậm chí tập thể ban bí thư đảng nếu thực lòng muốn tiêu diệt
tham nhũng với mục đích bảo vệ tài sản quốc gia, bảo vệ lợi ích dân tộc, thì
tất yếu phải đoạn tuyệt với chế độ độc đảng, đảm bảo cơ chế độc lập của các
thiết chế công quyền gắn với tự do cạnh tranh chính trị, công cụ hữu hiệu duy
nhất có khả năng thực chất tiêu diệt nạn tham nhũng.
Cá
nhân ông Nguyễn Phú Trọng và một số cá nhân trong tập thể Bộ Chính trị vẫn kiên
quyết bằng mọi giá bảo vệ chế độ do đảng Cộng sản duy nhất cầm quyền, chứng tỏ,
chiến dịch “đánh chính phủ tới hang ổ cuối cùng” không hề mang mục đích chống tham
nhũng một cách đích thực. Nó chỉ mượn danh nghĩa chống tham nhũng để lạm dụng
chính danh tạo uy lực nhằm thoả mãn một thứ hằn học ganh ghét, xoa dịu lòng
tham bị giam hãm, cầm tù vì không có cơ hội.
Nhưng
đang xuất hiện một nghịch lý, những người nhân danh triệt để chống tham nhũng
là những người bảo thủ, giáo điều, chống cải cách thể chế. Trong khi những
người ủng hộ và có thiên hướng ủng hộ cải cách chính trị lại thuộc chính phủ,
những người thực tế gắn với cơ hội tham nhũng và thực chất là những đối tượng
tham nhũng, mục tiêu loại trừ của chiến dịch.
Có
một hiện tượng đã trở thành quy luật là bất cứ nhân vật nào khi phải gánh vác
trách nhiệm và cọ xát với nhu cầu tiến bộ xã hội, cụ thể là tăng trưởng kinh tế
và văn minh văn hóa, đều nhận ra một điều rằng, muốn tiến bộ, Việt Nam phải hội
nhập, Việt Nam phải hòa vào dòng chảy chung của nhân loại. Đó là một giác ngộ
tự nhiên. Những nhân vật này thường nằm trong bộ máy chính phủ, bởi một mặt đối
diện hàng ngày với những bức bối có thật trong xã hội, một mặt có cơ hội tiếp
cận thường xuyên với nền văn minh thế giới thông qua các hoạt động giao lưu
nghiệp vụ và các hoạt động ngoại giao của chính phủ. Trong bài phát biểu tại
Quỹ Di sản, 31/05/2017, ông Phúc không biết có ngụ ý gì khi dẫn lời ông Thomas
Jefferson : “Với xu hướng, hãy bơi theo
dòng; với nguyên tắc, hãy vững như bàn thạch”.
Các
cá nhân có tiếng nói tiến bộ và có đầu óc thực tiễn thường nằm trong ngành
ngoại giao và các cán bộ chủ chốt trong chính phủ, không và chưa bao giờ thuộc
hệ thống chuyên trách đảng. Điều này tạo ra một ấn tượng rằng Chính phủ luôn
cấp tiến và Chuyên trách luôn bảo thủ, trên thực tế tạo ra hai luồng tư duy
giành giật ưu thế lẫn nhau.
Cuộc
chiến kiểm tra tài sản nhìn trên góc độ này sẽ thấy rằng đây là chủ trương của
phe chuyên trách bảo thủ tràn sang chiếm chỗ của chính phủ. Kết quả của chiến
dịch tổng kiểm tra tài sản sẽ như việc san mặt bằng, dọn chỗ cho nhất thể hóa,
sắp xếp lại tổ chức đảng đã được lên kế hoạch cho hội nghị TW6 vào khoảng tháng
10/2017.
Phát
động chiến dịch này, thâm ý của ông Trọng là tạo ra một cảm giác như mục tiêu
chỉ là nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và vây cánh tham nhũng của ông Dũng,
điều sẽ đem lại cho ông ưu thế chính danh, nhưng thực tế, ông đánh cả chính phủ
hiện nay của ông Phúc. Vì chính ông Phúc cũng là một trong những nhân vật sở
hữu rất nhiều đơn tố cáo. Và chính phủ của ông cũng phôi thai từ chính phủ của
ông Dũng theo “quy trình quy hoạch cán bộ” khó có ai “trong sạch”.
Quyết
định này được chính thức phổ biến ngày 23/05/2017, ông Phúc đi Mỹ ngày
29/05/2017 và ông mang theo ông Tô Lâm, bộ trưởng Công an. An ninh chính trị
của Việt Nam đang “có vấn đề” và phải được các bạn Mỹ “chia sẻ”.
Ông
Trump không thích ông Trọng. Một ông phổi bò, ruột ngựa, một kẻ đứng không có
bóng, đi không để dấu, trăm tay, nghìn mặt, vạn lưỡi.
Khi
nói: “Rõ ràng là những giá trị nhân văn
cao đẹp, có tính cốt lõi, xuất phát từ lịch sử của hai nước chúng ta sẽ làm
tiền đề vững chắc để hai nước cùng nhau xây dựng mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ
bền vững, sâu sắc và lâu dài”, là ông Phúc khẳng định tính nhân văn, nếu đã
là cao đẹp thì không phải của riêng ai. Con người là sản phẩm chung của tiến
hoá. Con người sinh ra ở Việt Nam không nhất thiết có “nhân quyền” riêng, nghèo
hèn, lạc hậu và khác với nhân quyền Mỹ và thế giới.
Ông
Đinh Thế Huynh, ông Võ Văn Thưởng dù thuộc giới chuyên trách, nhưng nghề nghiệp
buộc các ông tiếp xúc thường xuyên với những nghịch lý không thể diễn giải của
lý thuyết “định hướng XHCN”, cho nên chỉ trừ khi nhắm mắt đưa chân, lương tâm
vẫn đẩy các ông sang hướng “bơi theo dòng”.
Đối
thoại để đi đến thiết lập một thể chế “Đại nghị hay Tổng thống lưỡng tính” như
gợi ý của Tiến Sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên phó Văn phòng Quốc hội: “Nhất thể hoá: phân tích để lựa chọn mô
hình” đăng trên Tạp chí Tia Sáng, bộ Khoa học Công nghệ, ngày 17/5/2017,
giống như một xu thế không thể lẩn tránh.
Những
cánh én đầu tiên hay cánh chim báo bão?!
Có
lẽ vì vậy mà nhiều người gọi chiến dịch kiểm tra tài sản của 1.000 cán bộ cao
cấp là “trận huyết chiến cuối cùng, được
ăn cả, ngã về không”.
BÙI QUANG VƠM 05/06/2017 (Tác
giả gởi cho blog Thụy My)
Sẽ không có CÁNH ÉN hoặc CÁNH CHIM BÁO BÃO nào trong lúc này đâu, vì Thể chế này không giống ai. Không giống Dân Chủ và cũng không giống Quân Chủ, vì Thể chế Dân Chủ thì có Tổng Thống, dưới đó có Thượng Viện và Hạ Viện, có Thẩm phán độc lập. Lưỡng viện và Thẩm phán có thực quyền và có quyền giám sát Tổng thống. Quân chủ trên thì có Vua, dưới Vua có Nghị viện do dân bầu. Đảng nào được dân tín nhiệm thì có quyền lập Chính phủ để lãnh đạo đất nước. Nhưng các thể chế trên đều phải tuân thủ HIẾN PHÁP. Nêu ra như vậy để thấy rằng cái thể chế hiện nay của Việt Nam nó không giống ai, không phải Quân chủ như lại rất nhiều vua, gồm một trưởng vua(bí thư) và một số vua bé(bộ chính trị) dưới nữa là những vua con(ủy viên trung ương). Gần giống Dân chủ là có thêm bộ máy cai trị nữa, cũng có Tổng thống(chủ tịch nước) và cũng có lại có nghị viện(quốc hội), mà các ngài nghi sĩ này không cần bầu vẫn trúng cử, cũng cử ra THỦ TƯỚNG chính phủ, chính phủ cũng có các cơ quan để trực tiếp củ soát nội tình và đối ngoại. Nói chung là các vua và quan này người nào cũng cố giữ an toàn bổng lộc trong nhiệm kỳ đã được xắp xếp thôi. Hèn lắm.
RépondreSupprimer