lundi 19 juin 2017

Helmut Kohl, công dân châu Âu vĩ đại

Thủ tướng Đức Helmut Kohl (G) bên cạnh đồng nhiệm Anh Margaret Thatcher và tổng thống Pháp François Mitterrand trong hội nghị thượng đỉnh châu Âu ở Hannova năm 1988.

Trong bài xã luận mang tựa đề « Bài học châu Âu của ông Helmut Kohl », cựu thủ tướng Đức vừa qua đời vào cuối tuần trước, Le Monde nhận xét, cái chết đôi khi mang lại công lý cho một vĩ nhân.
Trong những năm cuối đời, ông Helmut Kohl chỉ còn là cái bóng của chính mình. Người Đức đã có thói quen nhìn thấy nơi ông Kohl một ông già sức khỏe sa sút, ngồi xe lăn, và báo chí chỉ nhắc đến cùng với vụ kiện tụng nhà báo đã giúp ông viết hồi ký. Cựu thủ tướng cáo buộc nhà báo này đã công bố các cuộc đối thoại mà ông muốn giữ bí mật, về các cuộc đấu đá với nhiều nhân vật trong đó có bà Angela Merkel.

Sự kiện ông từ trần hôm thứ Sáu 16/6 ở tuổi 87, đã đặt lại mọi việc vào đúng chỗ của nó. Đã hẳn là Helmut Kohl rời chính trường Đức một cách không mấy vinh quang, sau khi thất bại trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 1998 và vài tháng sau thì uy tín bị sút giảm trong vụ quỹ đen của đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) mà ông lãnh đạo suốt 25 năm. Nhưng lịch sử đã lưu lại hình ảnh một Helmut Kohl khác.

Ông Helmut Kohl và tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbatchev (trái) tại Bonn tháng 11/1990.
Chính khách lớn của nước Đức, công dân châu Âu

Khi người tiền nhiệm qua đời, bà Angela Merkel đã vinh danh « một người Đức vĩ đại và là một người châu Âu vĩ đại ». Câu này có vẻ công thức, nhưng mang nặng ý nghĩa.

« Một người Đức vĩ đại ». Ông Helmut Kohl đúng là một chính khách lớn, một người công giáo bảo thủ của bang Rheinland-Pfanz, không hề nghĩ rằng định mệnh sẽ khiến ông lãnh đạo việc thống nhất một quốc gia đã bị chia đôi, sau khi thất trận trong Đệ nhị Thế chiến. Việc thống nhất nước Đức ngày nay tỏ ra logic, tuy nhiên vào thời đó lại đầy rủi ro chính trị, và cái giá phải trả về kinh tế quy mô đến nỗi chỉ có một vị nguyên thủ mang tầm vóc lớn mới có thể lãnh đạo được.

Khi lao vào công cuộc thống nhất Đức quốc, ông Helmut Kohl có thể quay lưng lại với châu Âu. Bây giờ thì người ta đã quên, nhưng vào thời điểm đó nhiều người lo sợ chủ nghĩa dân tộc Đức lại trỗi dậy. Tuy nhiên thủ tướng Helmut Kohl - khi công nhận sự bất khả xâm phạm của đường biên giới Oder-Neiße với Ba Lan, được ấn định bởi hiệp ước « 2+4 » sau Đệ nhị Thế chiến (1990), và áp đặt lên người dân Đức việc từ bỏ đồng Deutsche Mark, thay vào đó là đồng euro thông qua hiệp ước Maastricht (1992) - đã đi vào lịch sử khi thực hiện thành tích: làm nên một nước Đức thống nhất mà không khiến châu Âu tan rã.

Nhận định rằng có thể bảo vệ tầm vóc của nước Đức mà vẫn tôn trọng lợi ích châu Âu, và cả hai mục tiêu này chỉ có thể đạt được qua quan hệ đặt trọn lòng tin với Pháp : chính niềm tin ấy của Helmut Kohl đã mang lại âm hưởng đặc biệt khi ông từ trần.

Vào lúc mà các cuộc thương lượng Brexit đang tiến hành, nước Pháp vừa bầu lên một tổng thống hứa hẹn gầy dựng lại châu Âu, và thủ tướng Merkel cổ vũ cựu lục địa « tự nắm lấy định mệnh của mình » - vì không thể trông cậy vào một nước Mỹ dưới quyền lãnh đạo của ông Donald Trump, Le Monde cho rằng sự qua đời của Helmut Kohl đã đưa chúng ta quay lại một thời kỳ mà ta cần rút tỉa các bài học. Một thời kỳ mà những biến đổi to lớn về địa chính trị, đồng thời có thể là những cơ hội lịch sử cho tương lai châu Âu.

Thủ tướng Kohl, chủ tịch đảng CDU tại Dortmund, 23/08/1998.
Cha đẻ của nước Đức thống nhất

Trong bài « Helmut Kohl, người thống nhất nước Đức », Les Echos nhắc lại, người giữ kỷ lục làm thủ tướng Đức lâu nhất sau thế chiến, cũng là người có viễn kiến về một nước Đức thống nhất và gắn bó với Liên hiệp Châu Âu.

Cuộc hẹn hò với lịch sử diễn ra vào ngày 09/11/1989, khi « Bức tường ô nhục » chia cắt thành phố Berlin, nước Đức và châu Âu suốt 28 năm trời đã sụp đổ. Helmut Kohl chủ động nắm lấy tiến trình, mạnh tay áp đặt một liên minh tiền tệ và chính trị mà sau này chính ông thú nhận : « Chúng tôi phiêu lưu vào một miền đất lạ ».

Bất chấp những ý kiến phản đối trong Quốc hội, Helmut Kohl có quyết định nổi tiếng « một đổi một » - một đồng mác Đông Đức được đổi ngang với đồng Deutsche Mark hùng mạnh của Tây Đức. Và buộc được điện Kremlin chấp nhận nước Đức thống nhất là thành viên của NATO.

Ngày 01/10/1990, vừa 330 ngày sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, một đám đông khổng lồ tập trung trước Reichstag (Quốc hội Liên bang), mừng sự khai sinh một cường quốc 80 triệu dân. Một quốc gia thống nhất đã nhìn nhận trách nhiệm trong việc diệt chủng người Do Thái, và tìm lại thủ đô lịch sử là Berlin.

Hoa được người dân đặt trước tư gia của cố thủ tướng Helmut Kohl, 16/06/2017.
Ái quốc, nhưng không dân tộc chủ nghĩa

Helmut Kohl bước lên đỉnh vinh quang – tờ Vanity Fair gọi ông là « King Kohl », « nhân vật đã đóng vai trò quan trọng nhất trong việc thành lập một hệ thống chính trị mới và đưa đến thành công ».

Tiến trình hội nhập năm bang Đông Đức, một công trình to lớn, liên hệ chặt chẽ với việc xây dựng châu Âu. Theo thủ tướng Đức, đây chỉ là « hai mặt của cùng một tấm mề-đay ». Helmut Kohl là người ái quốc, nhưng không dân tộc chủ nghĩa. Ông đóng góp rất nhiều vào việc dựng lên « ngôi nhà châu Âu », với thị trường chung và hiệp ước Maastricht. Theo ông : « Châu Âu là vấn đề chiến tranh và hòa bình trong thế kỷ 20. Chúng ta, những người Đức, còn cần đến châu Âu hơn hẳn những nước khác, để không lại bị rơi vào một định mệnh khắc nghiệt ».

Vị thủ tướng hiểu rõ những gì mình nói. Một người cậu của Helmut Kohl tử trận trong Đệ nhất Thế chiến, còn người anh của ông ngã xuống trong Đệ nhị Thế chiến. Bản thân ông bị buộc phải thề trung thành với chế độ quốc xã ở tuổi 15, rồi sau đó phải lang thang trong một đất nước bị tàn phá vì bom đạn để tìm lại cha mẹ. Trải nghiệm về « cái chết và sự hủy diệt » đã thúc đẩy ông gắn bó với cựu thù là nước Pháp, làm nên cặp đôi cột trụ của châu lục.

« Sự nghiệp độc đáo, vinh danh đặc biệt ». Le Figaro cho biết, chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker đã đề nghị vinh danh cố thủ tướng Đức ở cấp độ châu Âu chứ không chỉ trong phạm vi nước Đức vì sinh thời ông đã là công dân danh dự châu Âu. Từ tối thứ Sáu, những lá cờ được treo rủ tại các công sở Đức, và cả tại Quốc hội châu Âu ở Strasbourg - đây là lần đầu tiên.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại điện Elysée, 12/06/2017.
« Làn sóng Macron » từ Dinh Tổng thống tràn sang Quốc hội

Chiến thắng đã được báo trước trong vòng hai cuộc bầu cử Quốc hội Pháp của đảng Cộng Hòa Tiến Bước (LREM), do tân tổng thống Emmanuel Macron thành lập chỉ mới một năm, chiếm trang nhất của tất cả các báo Paris ra hôm nay.

Nhật báo cánh hữu Le Figaro chạy tựa : « Sau điện Elysée lại đến Quốc hội ». Trang bìa tờ Libération thiên tả là một hình bán nguyệt với tỉ lệ ghế của các đảng trong Quốc hội, trong đó màu vàng của LREM áp đảo, chơi chữ « L’Emprise du Milieu » (tạm dịch « Dấu ấn cánh trung », gợi nhớ đến « L’Empire du Milieu », cụm từ thường dùng để chỉ Trung Quốc). Cũng với biểu đồ này, Les Echos đánh giá Macron đã « Thắng được thử thách », còn theo La Croix thì đây là một « Thành công bị tỉ lệ vắng mặt làm mờ nhòa ». Le Monde ra từ cuối tuần nói về những gì đang chờ đợi tại một Quốc hội mà đa số thuộc phe tổng thống.

Libération tóm lược kết quả cuộc bầu cử Quốc hội : Với 310 ghế, ông Emmanuel Macron có được đa số tuyệt đối. Đảng Những Người Cộng Hòa (LR) giữ được thể diện, trong khi đảng Xã Hội (PS) đếm trên đầu ngón tay số người sống sót. Và với không đầy chục dân biểu, đảng Mặt Trận Quốc Gia (FN) chuẩn bị đối đầu với một cuộc nội chiến.

Tờ báo thiên tả nhận định, cách đây một năm, Emmanuel Macron hầu như chẳng có gì trong tay, bây giờ ông có tất cả. Quyền lực tập trung ? Độc tài cánh trung ? Tờ báo cho rằng cần tỉnh táo : Hiến pháp vẫn nguyên vẹn, các quyền tự do được tôn trọng, đối lập vẫn giữ được các thành phố lớn và các vùng, một sự hiện diện khiêm tốn nhưng có thực tại Quốc hội. Điều đáng lo là phe đối lập thiếu cân bằng trong Quốc hội mới.

Cánh hữu bị giảm sút, nhưng cánh tả thì chỉ còn hiện diện tối thiểu. Phe Macron có xu hướng hữu khuynh để vô hiệu hóa các đối lập chủ chốt, bằng chứng là ba hồ sơ tình trạng khẩn cấp, luật lao động và giáo dục. Việc này có nguy cơ làm cho tân chính phủ tách rời khỏi cử tri cánh tả. Từ khẩu hiệu « không tả không hữu » trong vận động tranh cử, chính phủ của ông Macron có thể chuyển thành « phi cánh tả » - một sự bội ước.

Đa số tuyệt đối, trách nhiệm tối đa

Trong bài xã luận mang tựa đề « Đa số tuyệt đối, trách nhiệm tối đa », Le Figaro nhận định cuộc cách mạng « Tiến Bước » ào đến như một trận sóng thần. Cánh tả, cánh hữu, cực tả, cực hữu, tất cả những đảng truyền thống trong đời sống chính trị nước Pháp, nếu không bị chìm ngập thì cũng bị rung chuyển. Trên đống gạch vụn của « thế giới cũ xưa » này, một thế hệ mới đã nổi lên nắm lấy quyền lực của ngành lập pháp hôm nay, như đã nắm được chính quyền hôm qua. Đây là sự kiện chưa từng thấy từ năm 1958 đến nay. Tuy đã từng có tình trạng đa số tuyệt đối trong Quốc Hội, nhưng đó là nhờ sự liên minh của các đảng chính trị, chứ một đảng nắm độc quyền thì chưa có tiền lệ.

Tổng thống Emmanuel Macron nay chẳng cần đến ai khác để lập đa số, kể cả đảng cánh trung MODEM đang liên kết. Đảng LREM chưa hề hiện hữu trước đó, và các dân biểu của đảng này được bầu lên nhờ gắn với tên ông. Chưa bao giờ một tổng thống được toàn quyền hành động như thế.

Tuy nhiên Le Figaro nhắc nhở, với tỉ lệ cử tri vắng mặt cao trong kỳ bầu cử tổng thống lẫn Quốc hội, chưa bao giờ một tổng thống có quyền lực như thế lại dựa trên một cơ sở bó hẹp đến vậy. Nếu một nước Pháp hầu hết là thị dân, có thu nhập khá sẵn sàng ủng hộ những cải cách của ông Macron, thì còn có một nước Pháp khác là dân ngoại ô có cuộc sống khiêm tốn, (66% công nhân và 61% nhân viên không đi bầu vòng một Quốc hội), đứng bên ngoài sự hồ hởi của giới tinh hoa.

Họ không chống đối ông, nhưng thất vọng với cả cánh tả lẫn cánh hữu, họ chờ đợi. Và các cử tri này sẵn sàng nhảy sang khuynh hướng cực đoan, một khi không có dịp bày tỏ chính kiến bằng lá phiếu (hai năm nữa mới có kỳ bầu cử mới), họ có thể sử dụng những hình thức chống đối khó kiểm soát hơn.

Nhắc lại những kết thúc đáng buồn của các đa số tuyệt đối từ thời vua Louis 18 cho đến Jacques Chirac năm 1987, tờ báo cho rằng Emmanuel Macron đang trên đà thắng lợi, khó thể lắng nghe những lời cảnh báo. Nhưng từ nay ông cần biết rằng việc nắm trọn quyền hành có cái giá của nó.

Cổng vào Câu lạc bộ Mar-a-Lago của ông Donald Trump.
Donald Trump thu nhập 600 triệu đô la trong năm qua

Nhìn sang nước Mỹ, Le Figaro cho biết « Việc làm ăn của tổng thống Trump rất khấm khá ». Nhà tỉ phú đã thu được ít nhất 600 triệu đô la trong khoảng năm 2016 đến tháng Tư 2017, qua nhiều hoạt động kinh doanh khác nhau.

Theo một tài liệu 98 trang được cơ quan phụ trách về mặt đạo đức chính phủ công bố hôm thứ Sáu, ông Trump có thu nhập ít nhất 594 triệu đô la. Số tài sản này thực ra còn lớn hơn trên thực tế. Chỉ riêng câu lạc bộ Mar-a-Lago tại Florida, mà phí đăng ký đã được tăng gấp đôi, ông Trump đã thu được 37 triệu đô la với « Nhà Trắng mùa đông » này. Sân gôn ở Scotland thu nhập trên 50 triệu đô la, cuốn sách « The Art of the Deal » (Nghệ thuật thương lượng) mang về 5 triệu đô la, và cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ giúp ông bỏ túi 11 triệu đô la. Tuy nhiên làm ăn lớn thì nợ lớn, Donald Trump có số nợ gần 316 triệu đô la.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170619-helmut-kohl-cong-dan-chau-au-vi-dai

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.