lundi 29 mai 2017

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mang món quà gì cho Mỹ ?

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trong hội nghị bộ trưởng Thương mại APEC tại Hà Nội ngày 20/05/2017.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc là lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên và là lãnh đạo châu Á thứ ba được tổng thống Mỹ Donald Trump đón tiếp tại Nhà Trắng, sau thủ tướng Nhật Shinzo Abe và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Cho dù điều này không có nghĩa Việt Nam là quốc gia châu Á quan trọng thứ ba đối với Hoa Kỳ, nhưng sự hăng hái gặp gỡ nhau và dành ưu tiên trong chương trình nghị sự của đôi bên, cũng nói lên được một ý nghĩa nào đó.
Hoa Kỳ và Việt Nam có các vấn đề quan trọng về an ninh và kinh tế cần thảo luận. Với con số xuất siêu 32 tỉ đô la, Việt Nam đứng hàng thứ sáu trong số những nước đã khiến Mỹ bị thâm hụt thương mại 502 tỉ đô la trong năm ngoái. Nhờ sự gần gũi về ý thức hệ với Bắc Triều Tiên, Hà Nội có thể đóng một vai trò trong nỗ lực của Washington nhằm cô lập và gây áp lực lên Bình Nhưỡng. Và là đất nước nằm trải dài ở bờ tây của Biển Đông, Việt Nam nắm giữ chiếc chìa khóa cho sự thăng bằng sức mạnh trong khu vực.

Sau khi Mỹ rút khỏi TPP, Hà Nội rất muốn biết chính quyền Trump có thể đề nghị những gì để thay thế cho hiệp định này. Hà Nội cũng rất lo lắng về khả năng Washington có thể bỏ qua những quyền lợi của Việt Nam ở Biển Đông, để đổi chác sự hợp tác của Trung Quốc nhằm kềm chế Bắc Triều Tiên.

Theo nhà nghiên cứu Alexander Vuving, nếu những vấn đề nóng bỏng này khiến cho chuyến công du của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được chờ đợi, đó là nhờ một cấp độ mới trong quan hệ Mỹ-Việt. Nếu không, Việt Nam không phải gởi một trong những lãnh đạo cao cấp đến, và tổng thống Mỹ không phải sắp xếp lịch làm việc của mình để đến thăm Việt Nam vào giai đoạn sớm sủa này. Để hiểu được động lực căn bản, trước hết cần nhìn lại những diễn tiến trong thời gian qua.

Nhìn lại những bước ngoặt ngoại giao Mỹ-Việt

Từng là nơi mà ba triệu người Mỹ chiến đấu trong một cuộc chiến kéo dài hàng mấy chục năm, Việt Nam không còn là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ trong thập niên 80 và 90. Trong thời kỳ dài này, Raymond Burghadt, đại sứ Mỹ tại Việt Nam từ năm 2001 đến 2004, ghi nhận « cách tiếp cận của Hoa Kỳ với Việt Nam tách biệt với bất kỳ kế hoạch chiến lược nào tại Đông Á ». Việc tái lập quan hệ ngoại giao Mỹ-Việt năm 1995 là một dấu mốc hết sức to lớn trong quan hệ song phương, nhưng không phải là một sự xoay chuyển lớn trong chủ trương của Hoa Kỳ. Theo ông Burghadt, quan hệ đôi bên đã được siết chặt hơn vào cuối thập niên 90, chủ yếu nhắm vào các cơ hội kinh doanh, nhưng tiến độ vẫn chậm chạp.

Bước ngoặt lớn diễn ra vào năm 2001, khi chính quyền George W.Bush có quan điểm khắt khe hơn với Trung Quốc so với thời ông George H.W.Bush và Bill Clinton. Tổng thống Bill Clinton năm 1997 đã cam kết hướng tới việc « xây dựng quan hệ đối tác chiến lược » với Bắc Kinh, nhưng ứng cử viên Bush năm 1999 cho rằng Trung Quốc cần được coi là « đối thủ chiến lược », chứ không phải là « đối tác chiến lược ».
Bà Condoleezza Rice, cố vấn an ninh của ông Bush, trong một bài viết năm 2000 nhận định Trung Quốc có « các lợi ích cốt lõi không thể giải quyết, đặc biệt về Đài Loan và Biển Đông ». Bắc Kinh « bực tức trước vai trò của Hoa Kỳ tại châu Á-Thái Bình Dương », « muốn thay đổi sự thăng bằng quyền lực tại châu Á sang hướng có lợi cho mình ». Quan điểm địa chính trị này đã giúp nâng cao vai trò của Việt Nam trong chính sách Mỹ.

Sự cởi mở của chính quyền Bush đối với Việt Nam – đối thoại về các vấn đề chiến lược và hợp tác trong lãnh vực quốc phòng, an ninh – ban đầu vấp phải thái độ cứng rắn của Hà Nội. Sau một thời gian ngắn ngả sang phương Tây từ 1987-1989, Việt Nam lại xoay sang phía Trung Quốc vào năm 1990, đánh dấu bởi mật nghị Thành Đô vào tháng Chín. Trong khi những người chủ trương cải cách muốn duy trì quan hệ với Mỹ như một cánh cửa mở ra với thế giới, và là đối trọng với Trung Quốc, phe bảo thủ lại khăng khăng nói rằng Trung Quốc là bạn, người Mỹ là kẻ thù.
Năm 1990, cán cân quyền lực nghiêng hẳn về phía bảo thủ. Hậu quả là Việt Nam ở lại trong quỹ đạo của Trung Quốc, và thận trọng « đi dây » giữa hai đại cường. Trong chuyến thăm Bắc Kinh tháng 12/2001, tổng bí thư Nông Đức Mạnh hứa sẽ chống lại « chủ nghĩa bá quyền », lặp lại khẩu hiệu của Trung Quốc nhằm đối đầu với vai trò và sức mạnh của Hoa Kỳ. Đó là lần đầu tiên câu « thần chú » chống Mỹ xuất hiện trong thông cáo chung Việt-Trung, nhưng cũng là lần cuối cùng.

Tập Cận Bình tiếp ông Trần Đại Quang tại Bắc Kinh ngày 11/05/2017.
Chiến tranh Irak và thế giới đơn cực

Việc Hoa Kỳ đưa quân sang Irak năm 2003 đã khiến Việt Nam thay đổi hẳn quan điểm chiến lược. Chỉ trong không đầy 50 ngày, một cường quốc Trung Đông đã sụp đổ dưới sức mạnh quân sự của Mỹ. Chế độ bảo thủ Việt Nam bỗng thức tỉnh, chợt hiểu rằng đang sống trong một thế giới đơn cực do Hoa Kỳ dẫn đầu. Nhà nghiên cứu Alexander Vuving cho biết, lúc đó các quan chức Hà Nội đã hỏi ông một cách nghiêm túc, là liệu Việt Nam và Bắc Triều Tiên sẽ trở thành mục tiêu sắp tới hay không.

Tháng 7/2003, Trung ương Đảng ra Nghị quyết 8, không còn coi ý thức hệ là chìa khóa để xác định bạn-thù. Hà Nội chấp nhận các tiêu chí thực tiễn hơn để đánh giá một chính phủ nước ngoài là « đối tác » hay « đối tượng ». Cựu đại sứ Mỹ Burghadt nhớ lại : « Vào nửa cuối năm 2003, các nhà lãnh đạo Việt Nam thông báo cho tôi là họ hoan nghênh những bước đi quan trọng mà nhiều năm qua họ từng chống đối ».

Bước ngoặt trong chính sách đối ngoại của Việt Nam năm 2003 đã mở đường cho việc tham gia trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo. Hà Nội đẩy nhanh việc thương lượng gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trở thành thành viên năm 2006 ; và đến năm 2008 sẵn sàng chấp nhận đề nghị của chính quyền Bush về việc tham gia hiệp định TPP.
Bắt đầu từ cuối những năm 2000, những thách thức không ngừng tăng lên từ phía Trung Quốc, đặc biệt là thái độ hung hăng của Bắc Kinh trên Biển Đông, đã tạo động lực mới cho mối quan hệ đối tác Việt-Mỹ. Một năm sau tuyên bố tại diễn đàn ASEAN ở Hà Nội tháng 7/2010, rằng « Hoa Kỳ có lợi ích quốc gia » trên Biển Đông, ngoại trưởng Hillary Clinton đã nêu ra chiến lược mới của Mỹ được gọi là « xoay trục », theo đó Hoa Kỳ muốn triển khai quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Trong chuyến đi Việt Nam tháng 7/2012, bà Clinton đã có động thái hết sức ưu ái, là mời tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm Hoa Kỳ. Người Mỹ hy vọng chuyến thăm chưa có tiền lệ này được thực hiện vào năm 2013.

Nhưng phe bảo thủ ở Hà Nội đã phá ngang chuyến đi của ông Trọng. Những gì mà phái cải cách và các đối tác Mỹ đạt được, là không phải ông Nguyễn Phú Trọng, mà chủ tịch nước Trương Tấn Sang đi thăm Mỹ, và kết quả là bản thông cáo chung về Hợp tác toàn diện Việt-Mỹ. Cần phải có một hành động khiêu khích lớn từ Bắc Kinh mới xoay chuyển được giới bảo thủ.

Tàu hải cảnh bảo vệ giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 Trung Quốc trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam.
Giàn khoan Trung Quốc khiến Hà Nội mở mắt

Mùa hè năm 2014, Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan lớn nhất trị giá 1 tỉ đô la mang tên Hải Dương Thạch Du 981 sang vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại Hoàng Sa. Sự kiện này gây ra phong trào chống Trung Quốc đại quy mô kéo dài nhiều tháng trời tại Việt Nam. Đây là cuộc khủng hoảng tệ hại nhất giữa hai nước, kể từ sau vụ Trung Quốc thảm sát gần 70 thủ Việt Nam và chiếm sáu đảo nhỏ tại Trường Sa năm 1988.
Cuộc khủng hoảng giàn khoan này đã khiến các lãnh đạo Việt Nam nhận ra rằng Trung Quốc mới thực sự là đối thủ, còn người Mỹ là bạn. Cũng vào thời điểm này, Hà Nội quyết định đẩy nhanh việc chuẩn bị cho chuyến công du của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, tiến hành vào tháng 7/2015.
Việc tổng thống Barack Obama phá vỡ mọi nghi thức để đón tiếp tổng bí thư Việt Nam, vốn không có chức vụ chính thức trong chính quyền, là một sự kiện mang tính đột phá. Đây là dấu hiệu đáng giá, đã thuyết phục được các lãnh đạo Hà Nội, là Hoa Kỳ không câu nệ chế độ cộng sản của họ.

Nếu vụ giàn khoan năm 2014 lần đầu tiên cho thấy Hà Nội tin tưởng ở Washington hơn Bắc Kinh, thì chuyến đi của ông Trọng càng củng cố thêm khuynh hướng này, và giảm hẳn mối nghi ngại về sự đe dọa của Mỹ. Chuyến công du Việt Nam của ông Obama tháng 5/2016, nhân đó ông đã bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí áp đặt lên Việt Nam từ nhiều thập niên qua, càng làm tăng thêm sự tin cậy giữa hai cựu thù.
Quan hệ Mỹ-Việt còn chịu ảnh hưởng gián tiếp của Trung Quốc. Là một nước nhỏ, vấn đề sống còn của Việt Nam là phải khôn khéo trong quan hệ ngoại giao và chính trị, giữa Trung Quốc ở sát bên cạnh, và nước Mỹ tận bên kia đại dương. Từ 1990 đến nửa cuối năm 2003, Việt Nam còn nằm trong quỹ đạo của Bắc Kinh. Cuộc khủng hoảng giàn khoan năm 2014 đã giúp Hà Nội vượt qua cái giới hạn mong manh mà lâu nay vẫn tự hạn chế, để xích lại gần hơn với Mỹ. Đó là bối cảnh thuận lợi đồng thời là khó khăn trong chuyến thăm của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Người dân Saigon nồng nhiệt chào đón tổng thống Mỹ Barack Obama tháng 5/2016.
« Make America Great » và quan hệ với Việt Nam

Hai bước ngoặt chính trong chính sách Mỹ đối với Việt Nam (2001 và 2011) là từ quan điểm cần phải cầm chân Trung Quốc, và Việt Nam có thể đóng vai trò chủ chốt trong nỗ lực này. Sự hung hăng của Bắc Kinh cũng khiến cho Washington một lần nữa chìa tay cho Hà Nội (2014). Còn phía Việt Nam, như đã nói, là từ sau vụ Mỹ can thiệp vào Irak (2003).
Theo chuyên gia Vuving, trong lúc việc giữ thăng bằng quan hệ ngoại giao và chính trị giữa Washington và Bắc Kinh là vấn đề sống còn đối với nước Việt Nam nhỏ bé, thì việc giúp Hà Nội ý thức được cán cân quyền lực trên thế giới là chìa khóa thành công cho Hoa Kỳ tại châu Á. Có ba phương diện chính : tăng cường năng lực kinh tế và quân sự của đôi bên, chứng tỏ sức mạnh của Mỹ trước Trung Quốc, và duy trì thái độ hữu nghị với Việt Nam.

Các mục tiêu trên cần được thực hiện qua một loạt các chính sách rộng rãi, chứ không giới hạn ở quan hệ song phương Mỹ-Việt. Đó là : một hiệp định thương mại và đầu tư hướng đến tương lai, chú trọng mặt luật pháp chứ không phải dựa theo hiện trạng đối với Biển Đông, và quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam.

1- Hiệp định thương mại và đầu tư bền vững

Đôi bên cần có một hiệp định thương mại và đầu tư vững chắc, giúp đẩy mạnh nền kinh tế và làm tăng sức mạnh quân sự một cách gián tiếp, mang lại lợi ích địa chính trị lâu dài. Tuy một thỏa thuận đa phương như TPP khó thể đạt được, Hoa Kỳ và Việt Nam có thể thương lượng một hiệp định mới, không chỉ nhằm cải thiện tình trạng giao thương Mỹ-Việt hiện nay, mà cả môi trường kinh tế Việt Nam. Một ví dụ là năm 2016, Việt Nam xuất siêu 32 tỉ đô sang Hoa Kỳ, nhưng lại nhập siêu 28 tỉ đô la từ Trung Quốc. Hiệp định mới cần nhắm đến việc giảm xuất siêu sang Mỹ qua việc tăng nhập khẩu thiết bị, hàng hóa kỹ thuật cao từ Hoa Kỳ và giảm nhập siêu hàng chất lượng thấp từ Trung Quốc.

2- Quan điểm trọng luật chứ không trọng hiện trạng tại Biển Đông

Ai kiểm soát được tuyến đường hàng hải quan trọng này sẽ khống chế được châu Á, trong khi các đảo nhân tạo do Bắc Kinh hối hả bồi đắp gần đây đã biến Biển Đông thành một nút cổ chai. Nếu Trung Quốc biến được Biển Đông thành ao nhà của mình, thì vai trò và ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á sẽ bị sút giảm nghiêm trọng.
Trong nhiều năm qua, Hoa Kỳ chỉ nhắm đến việc giữ nguyên trạng, trong khi Trung Quốc nham hiểm lấn dần từng bước theo kiểu tằm ăn dâu. Bắc Kinh đã thành công trong việc vừa làm thay đổi tình trạng địa lý lẫn cán cân quyền lực, nhưng không gây ra xung đột vũ trang với các đối thủ. Khi chấp nhận hiện trạng, Washington vô hình trung đã khiến Trung Quốc có được lợi thế, trong khi mục tiêu phải là giữ nguyên hiện trạng ban đầu, chưa có bàn tay nhào nặn của Bắc Kinh.

Chính hiện trạng khởi thủy mới nằm trong lợi ích của Mỹ. Tình trạng hiện nay tại Biển Đông, với những đảo nhân tạo rộng lớn do Bắc Kinh xây lên, những phi đạo dài, các cảng nước sâu, hỏa tiễn địa-không và hỏa tiễn đối hạm, radar cao tần…hoàn toàn bất lợi so với trước khi Trung Quốc đào đắp.
Theo chuyên gia Vuving, Washington cần nhấn mạnh việc tôn trọng luật pháp, gồm toàn bộ các đạo luật và án lệ phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Bên cạnh đó là buộc Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye, coi đường 9 đoạn do Bắc Kinh tự vẽ là bất hợp pháp. Quan điểm « trọng luật » này có thể gây căng thẳng tạm thời, nhưng giúp tránh được chiến tranh sau này.

Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer nói chuyện với bộ trưởng Công Thương VN Trần Tuấn Anh tại hội nghị APEC ở Hà Nội ngày 21/05/2017.
3- Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam

Cho dù Hoa Kỳ vẫn là siêu cường, Trung Quốc đang nhanh chóng thu ngắn khoảng cách tại Đông Á, sẵn sàng trở thành ngang hàng với Mỹ trong khu vực. Để duy trì ảnh hưởng, Hoa Kỳ rất cần đến các đồng minh trong vùng. Nếu Việt Nam trở thành đồng minh, cán cân sẽ nghiêng về phía Mỹ, với một quốc gia có vị trí chiến lược, khả năng kháng cự đã ăn sâu trong 90 triệu dân và kinh nghiệm hơn 2.000 năm đối phó với Trung Quốc cả trong thời chiến lẫn thời bình.
Liên minh này còn hơn cả một hiệp ước quốc phòng, có thể không đòi hỏi những cam kết tương tự như Hoa Kỳ đã ký kết với các đồng minh khác trong khu vực, và có thể được gọi là « quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện ».

Theo ông Vuving, Washington và Hà Nội đang tiến đến hướng này. Tuyên bố về đối tác toàn diện Mỹ-Việt năm 2013 đề ra việc hợp tác trong nhiều lãnh vực, từ quan hệ ngoại giao cho đến kinh tế thương mại ; từ công nghệ, giáo dục đến quốc phòng và an ninh ; từ văn hóa, thể thao, du lịch cho đến di sản chiến tranh ; từ môi trường, y tế đến vấn đề nhân quyền. Trước thách thức ngày càng lớn từ Trung Quốc, quan hệ đối tác này cần được đào sâu thêm, nâng cấp lên mức độ chiến lược, giúp Hoa Kỳ và Việt Nam đối mặt được với thử thách của thời đại.

Khi nói chuyện với đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer hôm 20/5 tại Hà Nội, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói : « Tôi mong rằng Hoa Kỳ tiếp tục duy trì sự hiện diện trong khu vực ». Chỉ 5 năm trước đây, đó là điều mà các lãnh đạo Việt Nam chỉ nghĩ trong đầu mà không nói ra.

Chuyên gia Alexander Vuving kết luận, muốn thành công trong đối sách với Việt Nam, Hoa Kỳ cần phải thực hiện ba mục tiêu trên : một hiệp định thương mại đầu tư cho tương lai, buộc Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế trong vấn đề Biển Đông, và hoàn thành liên minh Mỹ-Việt, làm vô hiệu hóa ưu thế của Bắc Kinh tại Đông Nam Á. Đó cũng là những gì mà ông Nguyễn Xuân Phúc có thể bàn thảo tại Washington trong chuyến đi này.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20170529-thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-mang-mon-qua-gi-cho-my

1 commentaire:

  1. Nghe nói món quà mang cho Mỹ là một cây đèn cầy, hay còn gọi là đèn Hoa Kỳ. Đó là món quà hiện vật mà công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Còn món quà mà ẩn sau cái đèn đó thì thật khó ai có thể xác định chính xác, đó có thể là lời mời gọi tham gia sâu vào vấn đề Biển Đông để hạn chế hoạt động của Trung Quốc, hoặc có thể là các hợp đồng kinh tế mà có lợi cho cả hai bên. Nói chung tôi nghĩ chuyến thăm này có giá trị phần nhiều về kinh tế và để làm bước đệm cho Tổng thống Mỹ sang Việt Nam cuối năm nay.

    RépondreSupprimer

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.