mardi 16 mai 2017

Vì sao 3.000 nhà báo nước ngoài đến Paris đưa tin bầu cử Pháp ?

Tân tổng thống Pháp Emmanuel Macron vẫy chào dân chúng trên đại lộ Champs Elysées sau lễ nhậm chức ngày 14/05/2017.

Kết quả bầu cử ở Pháp vừa qua khiến đảng Cộng sản Trung Quốc hài lòng, nước Mỹ của Donald Trump không hiểu nổi, còn nước Nga của Vladimir Putin không che giấu sự thất vọng. Theo nhà phê bình Alain Frachon của Le Monde, cuộc bầu cử tổng thống Pháp hôm Chủ nhật 07/05/2017 là một sự kiện mang tính toàn cầu. Không một nước lớn nào có thể dửng dưng trước chiến thắng của ông Emmanuel Macron.
Chuyện gì đã xảy ra ? Vì sao có đến 3.000 nhà báo nước ngoài đổ xô đến Paris để đưa tin ? Chẳng lẽ tương lai của một cường quốc bậc trung với gần 67 triệu dân như nước Pháp lại mang một sức nặng đặc biệt nào đó ?


Câu trả lời trên các mặt báo thế giới cho thấy, không phải vì để tìm kiếm một chút hương xa, mà đây là vấn đề quốc tế quan trọng. Cuộc bầu cử Pháp vượt lên trên tính cách của hai ứng cử viên. Một bên là chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN), bà Marine Le Pen ; còn bên kia là một « vật thể lạ » trên chính trường, nhân vật trẻ theo chủ trương trung dung Emmanuel Macron, 39 tuổi.

« Đó là một cuộc trưng cầu dân ý về châu Âu và toàn cầu hóa » - Pierre Briançon, một trong những nhà bình luận lớn của trang web Mỹ Politico nhận định. Lần đầu tiên từ rất nhiều năm qua tại châu Âu, mới có một ứng cử viên tổng thống vận động tranh cử với lá cờ màu xanh điểm những ngôi sao tung bay phất phới, tỏ rõ niềm tin châu Âu.

Theo Adam Nossiter của tờ New York Times, « Đây là toàn cầu hóa chống lại dân tộc chủ nghĩa ». Bên ngoài khuôn khổ châu Âu, cuộc bầu cử diễn ra vào thời điểm một trong những cuộc đại chiến ý thức hệ của đầu thế kỷ 21. Gideon Rachman, bình luận viên trưởng về ngoại giao của Financial Times đặt câu hỏi : « Vì sao Macron lại quan trọng như thế đối với toàn thế giới ? ». Trả lời : « Nếu Macron thành công, các lực lượng dân tộc chủ nghĩa và cực đoan chính trị sẽ thất bại ở khắp nơi, còn nếu ông thất cử, chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa bảo hộ sẽ ngóc đầu dậy ».

Báo chí Anh ngữ có phần vội vã khi hình dung ra chương sau logic của cuộc bỏ phiếu Brexit ở Anh (với chủ đề duy nhất là nhập cư), và việc ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ (chống nhập cư và toàn cầu hóa) năm 2016. Người ta đã quên mất đặc tính dân tộc.

Cảnh sát kỵ mã tháp tùng tân tổng thống trên đại lộ Champs Elysées ngày 14/05/2017.
Theo suy đoán của họ, thì đến lượt nước Pháp có nguy cơ rơi vào trò chơi dân túy. Pháp cũng sẽ quay cuồng trước cơn lốc toàn cầu hóa các trao đổi thương mại, cuộc cách mạng công nghệ thường trực, những luồng người nhập cư, chủ nghĩa đa văn hóa…tất cả những gì làm xã hội Pháp trở nên dễ tổn thương.

Nước Pháp cũng có thể nhường bước cho ảo ảnh của một thứ cocktail kiểu Donald Trump : bài ngoại, chủ nghĩa bảo hộ và tự cô lập. Vấn đề càng trầm trọng hơn khi Liên Hiệp Châu Âu (EU), một trong những định chế thương mại đầu tiên của thế giới, không thể sống sót với việc bà Le Pen đắc cử. Tương tự đối với đồng euro, đồng tiền dự trữ thứ nhì toàn cầu.

Gắn bó nhất với toàn cầu hóa, các nền kinh tế mới nổi quan sát kỹ lưỡng những dấu hiệu đến từ nước Pháp. Đứng đầu trong số đó, các lãnh đạo Trung Quốc hôm thứ Hai 8/5 không che giấu rằng họ đã thở phào nhẹ nhõm. Bài xã luận của Global Times tức Hoàn cầu Thời báo của đảng Cộng sản, tỏ ra mừng rỡ trước sự xuất hiện của tổng thống Macron.

Sau chấn thương Brexit, cuộc bầu cử Pháp chứng tỏ sự chối từ xu hướng bảo hộ, « sẽ làm ổn định châu Âu » - theo Global Times. Nhà bình luận hồ hởi : « Đối với nhiều người, chiến thắng của ông Macron sẽ được đón nhận như một bằng chứng cho thấy nước Pháp vẫn là nguồn cảm hứng cho cả thế giới. Mãi về sau này, khi nhìn lại sự kiện, người ta có thể nói rằng người Pháp đã có sự chọn lựa mang tính quyết định cho nền văn minh ».

Matxcơva thì không văn vẻ như thế. Vẫn thường chỉ trích công cuộc toàn cầu hóa – bị coi là mối đe dọa cho thế giới da trắng Cơ Đốc giáo, với « linh hồn Nga » hay bản sắc đất nước - Vladimir Putin là một trong những người thua thiệt trước kết quả bầu cử tổng thống Pháp ngày 7/5.

Ông Putin đã từng long trọng đón tiếp bà Le Pen tại điện Kremlin, hai người chủ trương dân tộc chủ nghĩa ca ngợi lẫn nhau. Truyền thông Nga không ngừng loan tải tất cả những tin đồn sai lạc, vu khống và lăng mạ trên các mạng xã hội về Emmanuel Macron. Bên cạnh đó còn có mối nghi ngờ lớn về tin tặc Nga – vốn không còn là chuyện lạ - đánh cắp và phổ biến các thư điện tử của ê-kíp tranh cử phong trào Tiến Bước.

Người dân chen nhau bắt tay tổng thống trẻ tuổi.
Như là một sự tình cờ, chính các trang web cực hữu Mỹ là những nơi đầu tiên lan truyền các dữ liệu của vụ « MacronLeaks ». Trong số đó có những trang có liên hệ hoặc gần gũi với mạng lưới của Steve Bannon, một trong những cố vấn của tổng thống Mỹ Donald Trump ; tấn công vào toàn cầu hóa và bảo vệ một thế giới da trắng. Nếu các chọn lựa của chính phủ Mỹ ngày nay có khác đi, đã thực tiễn hơn, thì ít nhất ông Trump cũng đã từng vận động tranh cử với các chủ đề tương tự. Hôm 21/4, ông Trump cũng đã bày tỏ một dạng ngưỡng mộ đối với bà Le Pen, tức một cách ủng hộ cực hữu Pháp.

Phe chống châu Âu đã thất bại ở Áo và Hà Lan, bây giờ đến Pháp. Liệu chúng ta có thể kết luận đây là sự thụt lùi của làn sóng phản kháng, nảy sinh ra từ những rạn nứt xã hội và văn hóa do toàn cầu hóa ? Sự nổi loạn của cử tri chống lại « giới tinh hoa » phải chăng đã bị bẻ gãy trước ngưỡng cửa nước Pháp ? Theo cây bút Alain Frachon, suy luận này là sai lầm.

Bà Le Pen đã đạt được tỉ lệ phiếu « vô cùng lớn » - theo như cách nói của ông Trump. Tại các nước châu Âu, các phong trào phản kháng cánh hữu cũng như cánh tả, chỉ đạt được khoảng 15% đến 20% trong các cuộc bầu cử quốc gia. Các đảng này đã trở thành lực lượng thứ hai hoặc thứ ba tại các nước liên quan, vẽ lại tấm bản đồ chính trị của Cựu lục địa.

Ông Emmanuel Macron đã không nhầm lẫn về ý nghĩa việc thắng cử của mình : ông tuyên bố cần phải đáp lại « cơn giận dữ » này và làm giảm bớt những lá phiếu phản kháng tại Pháp. Alain Frachon kết luận, tham vọng này đã vượt xa khỏi biên giới nước Pháp.

http://vi.rfi.fr/phap/20170515-vi-sao-3000-nha-bao-nuoc-ngoai-den-paris-dua-tin-bau-cu-phap


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.