lundi 9 septembre 2013

Chương 4 : « Chúng ta sẽ chết hết »

Một thiếu niên làm việc trên cánh đồng hợp tác. Ảnh chụp ngày 30/09/2011 dưới sự kiểm soát của chính quyền BTT.
Bắc Triều Tiên, 9 năm để thoát khỏi địa ngục
Chương 4 : « Chúng ta sẽ chết hết »

Người tôi mỏng như một cành lá, nhưng tôi có cảm giác mình nặng cả tấn. Tôi sụp xuống trong tình trạng vô thức trên nền nhà lạnh buốt. Bóng tối giá băng của căn hộ nuốt chửng lấy tôi một cách nghiệt ngã. Tâm trí nhẹ như bông của tôi không còn sức chiến đấu, và trái tim tôi đã mất đi lòng can đảm.

Mẹ đã đi rồi. Thế là hết, tôi thậm chí còn không rung động khi nghe tiếng bước chân trên cầu thang. Buổi tối tháng Chạp năm 1997 ấy, tôi sẽ lìa bỏ cõi đời ở tuổi mười một…

Bỗng nhiên một tiếng động khô khốc xé lấy màng tai tôi. Một giấc mơ chăng ? Hay là một cơn ác mộng ? Tôi mở hé một bên mắt một cách máy móc. Một dáng người tiến thẳng về phía tôi, cái bóng lớn dần lên. Sợ hãi, tôi ló ra khỏi chỗ tranh tối tranh sáng. Và tôi chợt nhận ra những nét quen thuộc. Đó là mẹ tôi ! Và chị Keumsum, ở ngay phía sau bà.


Một đợt adrénaline bỗng trả lại cho tôi nghị lực, cơn khủng hoảng biến ngay. Một niềm vui sướng mênh mông ! Tôi chưa bao giờ vui mừng như thế.

Cách đó chỉ vài tiếng đồng hồ, tôi đã viết bản di chúc của mình. Thế mà hai người thân yêu đây rồi ! Một phép lạ…Tôi bỗng thấy xấu hổ vì đã thốt ra tiếng kêu tuyệt vọng lúc mẹ và chị đang trên đường về - thật không can đảm chút nào. Với lại tôi đã viết ra những lời khá căng về mẹ. Bà phát hiện ra bản di chúc trên chiếc bàn thấp. Tôi nín thở. Mẹ đọc tờ giấy và trở nên câm lặng. Khuôn mặt bà không biểu lộ một xúc cảm nào, tôi không bao giờ biết được lúc đó bà nghĩ gì. Niềm vui nhòa nhạt đi.

…Và biến hẳn, khi tôi nhận ra rằng mẹ và chị trở về tay không, trái với bao mong đợi của tôi. Chuyến đi Rajin-Sonbong đã thất bại. Hai người không mang về chút gì để tôi bỏ vào miệng, mà tôi thì vô cùng đói ! Tôi chưa được ăn gì sau món canh vô vị cách đây hai ngày. Thất vọng khủng khiếp, nhưng tôi không dám biểu lộ ra.

Mẹ có vẻ vừa kiệt sức vừa lúng túng sau chuyến đi dài vô ích ấy. Và việc đọc bản di chúc của tôi không giúp thêm được gì. Vì không có gì ăn, bà rót một ly nước lã để uống. Cái nhìn của bà lướt quanh căn phòng tối tăm và trống rỗng. Mẹ thốt lên bằng một giọng mệt mỏi :

-         Giờ thì mẹ con mình chỉ còn việc chết đi ở nơi đây. Tất cả chúng ta sẽ chết hết…

Trong im lặng, mẹ buông mình xuống chiếc mền vá víu nhiều chỗ, dọc theo vách ngăn gian bếp, dưới khung cửa trổ. Đây là chỗ ít lạnh nhất trong căn hộ. Chị tôi và tôi thu mình lại, dựa vào mẹ. Bóng tối bao trùm lên ba mẹ con. Tôi chìm vào giấc ngủ, nơi trú ẩn cuối cùng của chúng tôi. Chúng tôi đói khát, vô vọng, nhưng ít nhất tôi không đơn độc.

***
Buổi sáng, những tiếng động đường phố vọng đến, nhưng chúng tôi không ai động đậy. Mẹ vẫn nằm trên nền nhà suốt nhiều tiếng đồng hồ, như một giấc ngủ miên viễn. Áp lực đè nặng trên vai bà đã trở nên không thể chịu đựng nổi. Mẹ biết rằng bà là thành lũy cuối cùng chống lại một căn bệnh truyền nhiễm đã hoành hành trên đất nước từ ba năm qua và ngày càng thêm trầm trọng : đó là nạn đói.

Từ năm 1995, những người trong gia đình chúng tôi đã ngã rạp như ruồi, người này theo chân người kia, và chúng tôi sẽ là những người kế tiếp trong danh sách. Trong hai năm qua, bà ngoại tôi đã mất đi, rồi đến ông ngoại. Cách đây một tháng, đến lượt ba tôi qua đời do kiệt sức vì đói khát. Dưới đôi mí mắt nhắm nghiền, hẳn là mẹ tôi lại thấy diễu qua cuộn phim đau thương – cha mẹ rồi đến chồng chết đói – một cuộn phim chưa có hồi kết.

Tôi không được ăn mì từ một năm qua. Cho đến tận năm 1994, tôi vẫn chưa hề bị thiếu ăn vì như đã nói, mẹ tôi mang về nhà những thức ăn thừa từ căng-tin bệnh viện. Nhờ bà mà chúng tôi được thường xuyên ăn cơm với món kimchi – đặc sản của Triều Tiên làm bằng cải thảo muối cay. Cái món dưa muối màu đỏ, cay nồng và ngon làm sao ! Một khi đã quen, thì cứ muốn thưởng thức mãi.

Nhưng từ khi lên chín tuổi, chúng tôi không còn có được cơm ăn mỗi ngày : tại bệnh viện, thức ăn ngày càng thiếu thốn. Thay vì cơm, mẹ cho chúng tôi ăn món bột bắp nấu chín, mà tôi không thích chút nào. Tôi rên rỉ :
-         Con không muốn ăn đâu !
Tuy vậy tôi biết rằng chẳng có thức gì khác.

Kể từ thời điểm này, các cửa hàng quốc doanh ở cạnh nhà gần như trở thành vô dụng. Đó là một cửa hàng nhỏ bằng xi-măng, có hai cửa sổ với chấn song sắt,  trông giống nhà tù hơn là cửa hàng. Toàn bộ nguồn thực phẩm cung cấp cho thành phố đều phải chính thức chuyển qua các gian hàng tối tăm này, vì tại Bắc Triều Tiên tất cả đều thuộc sở hữu Nhà nước - theo như giáo điều của chủ nghĩa xã hội. đó có thể tìm thấy từ đồng phục học sinh cho đến dầu ăn hay gạo - trên nguyên tắc

Từ hai năm qua, cửa hàng quốc doanh hầu như luôn đóng cửa vì không được tiếp tế. Dần dà, tiêu chuẩn phân phối cho các nhà máy trở nên không thường xuyên, rồi đứt hẳn. Và mỗi người tự xoay sở ở « chợ đen », mua bán những gì có thể tại jangmadang – chợ dân sinh được Nhà nước mặc nhiên cho phép tồn tại, hay ngay trên các đường phố. Trên bậc thềm những ngôi nhà, người ta chưng ra một vài món hàng, và mỗi khi bán được lại dùng để mua thực phẩm mà giá cả luôn tăng vọt.

***
Từ khi trốn được khỏi Bắc Triều Tiên, tôi mới biết rằng chúng tôi là nạn nhân của nạn đói khủng khiếp đã tàn phá đất nước vào giữa thập niên 90. Cho đến ngày nay, vẫn chưa có chuyên gia nào biết chính xác có bao nhiêu người đã bị chết đói, trong tấn bi kịch mà chính quyền luôn chối bỏ : ít nhất là 500.000 người, hay có lẽ hơn một triệu, theo một số tổ chức phi chính phủ. Tại Seoul, tôi phát hiện rằng tỉnh Hamgyong của tôi ở miền bắc, là nơi bị nạn đói hoành hành nhiều nhất.

Nguyên nhân của trận đói thì có nhiều và phức tạp. Trước hết, sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991 đã làm đảo lộn một nền kinh tế vốn lệ thuộc vào ông anh cả cộng sản. Các nhà máy lần lượt đóng cửa vì không còn nguồn điện, phân bón biến mất khỏi các cánh đồng, tiêu chuẩn thực phẩm co rút lại như miếng da lừa. Rồi kể từ năm 1994, những trận lụt khủng khiếp đã là phát súng ân huệ cho nền nông nghiệp èo uột của tỉnh chúng tôi.

Số lương thực tồn trữ hiếm hoi được dành cho các quân nhân và giai cấp ăn trên ngồi trước, trong khi dân chúng chết dần chết mòn vì đói khát. Trước hết là trẻ con, rồi đến người già và phụ nữ. Chất lượng thực phẩm phân phối từ khi tôi mới sinh ra cho đến giữa thập niên 80 ngày càng tệ hại, nhưng kể từ năm 1994, số lượng bị giảm mạnh, và những chuyến giao hàng thường xuyên bị hủy. Về mặt chính thức, những người có trách nhiệm của cửa hàng nói là hàng chỉ bị giao trễ mà thôi. Tuy nhiên đôi khi chúng tôi không nhận được gì trong suốt sáu tháng trời.

***
Năm 1995, bà ngoại tôi là người đầu tiên ngã xuống tại Chongjin. Rồi năm sau đó, đến lượt ông ngoại tôi, một quân nhân về hưu qua đời, hậu quả của việc tư nhân hóa. Sức khỏe mong manh của ông không chịu đựng nổi khi Nhà nước chấm dứt chế độ phân phối nhu yếu phẩm. Mẹ tôi biết được thảm kịch này qua một lá thư, mà sau đám tang rất lâu mới đến tay bà. Cũng do thư từ chậm chạp mà mẹ chưa bao giờ có thể nói lời vĩnh biệt người cha. Dưới đôi mắt nhắm nghiền, nhất định bà đang nghĩ về điều đó.

Điều nghịch lý là gia đình tôi đã phải trả giá đắt cho vị thế « ưu tiên » và lòng tin mù quáng vào chế độ. Chưa bao giờ những người thân của tôi lại nghĩ rằng chế độ có thể để cho họ chết đói ! Họ hoàn toàn lệ thuộc vào tiêu chuẩn lương thực của Nhà nước, và bỗng chốc bị ngã gục nhanh chóng hơn những người biết « chân trong chân ngoài » để tồn tại.

Chỉ có những ai biết buôn bán chợ đen kiếm tiền mới có khả năng mua được thực phẩm ngoài chợ. Các cán bộ và sĩ quan cao cấp thì được hưởng chế độ cung cấp đặc biệt. Cuối cùng, chỉ có những viên chức trung cấp như ông ngoại tôi bị ảnh hưởng nhiều nhất khi chế độ phân phối chấm dứt. Ông ngoại không có khiếu kinh doanh, và không có khả năng làm những việc khác để sống còn.

Rồi vào mùa hè năm 1997, nạn đói tấn công vào ba tôi. Thể chất yếu ớt của ông lại càng hom hem thấy rõ, ngay sau khi tiêu chuẩn của nhà máy không còn nữa. Tôi vẫn còn nhớ được khuôn mặt ông, ngày càng hốc hác thêm. Một buổi tối, khi vác than về để cả nhà sưởi ấm, thân hình gầy còm của ông bỗng ngã gục vì mệt nhọc, trước cặp mắt tuyệt vọng của mẹ.

« Trước khi từ giã cõi đời, những người sắp chết thường làm những điều dại dột » - một câu châm ngôn Triều Tiên nói như thế. Trong những ngày cuối, cái đói đã làm cho ông mất trí. Ông có những hành động kỳ cục, làm cho mẹ bực mình. Một hôm khi đi làm về, bà thấy căn nhà hầu như trống rỗng. Mẹ tôi hoảng sợ, tưởng là bị trộm khuân. Thật ra, những người hàng xóm đã thuyết phục ba tôi giao cho họ tất cả những gì chúng tôi có để mang ra chợ bán. Hết sức giận dữ, mẹ tôi đã tìm lại ở jangmadang những vật dụng quý giá nhất đối với bà, đặc biệt là chiếc mền xinh đẹp vốn là quà cưới. Nhưng đã quá trễ, những món đồ đó đã bị bán đi !

Rồi đến một hôm, ba tôi đã gục ngã hẳn. Chúng tôi thậm chí còn không có khả năng chi trả cho một tang lễ. Trên ngôi mộ của ông được đào trong bùn, chúng tôi chỉ có thể cắm một mảnh gỗ có khắc tên ông, để người ta không quên mất ông quá sớm. Vài tuần sau đó, mảnh gỗ này đã bị lấy cắp mất, có lẽ là để sưởi ấm. Người ta sẵn sàng làm bất kỳ thứ gì để sống sót.

***
Từ khi ba tôi qua đời, cuộc sống của chúng tôi trở thành địa ngục, với viễn cảnh duy nhất là cuộc đấu tranh sinh tồn. Ngay cả bệnh viện cũng không còn khả năng nuôi ăn các bệnh nhân, không còn ai nhận được tiêu chuẩn phân phối. Chị em tôi không còn đến trường nữa, như tôi đã nói, vì chẳng còn trông ra hồn người. Nhất là vì chúng tôi không có thì giờ, suốt cả ngày trời đều dành cho việc kiếm ra thứ gì đó có thể ăn được.

Cả ba mẹ con sống ẩn dật trong căn hộ, trốn tránh mọi cái nhìn. Mỗi ngày chúng tôi âm thầm ra đồng để ăn cắp lúa và bắp, trốn tránh các cuộc tuần tra của các toán lính. Chúng tôi lén nhổ từng bụi cây, rồi đi lên núi để tướt hạt mà không ai nhìn thấy. Chúng tôi cũng tìm kiếm rễ củ và nấm. Đôi khi mẹ con tôi hái củi – vốn ngày một hiếm, mang đi bán, dành dụm để có được miếng ăn hàng ngày. Mẹ tôi dồn chút sức lực cuối cùng vào những nhát búa bửa củi, trong khi chị Keumsun và tôi bẻ những cành cây nhẹ nhất để bó thành những bó củi nhỏ. Thật là khó nhọc ! May thay, chúng tôi chưa bao giờ bị bắt quả tang.

***
Nằm bất động, đôi mắt khép hờ, trong đầu mẹ tôi hẳn đã liên tục chiếu đi chiếu lại những hình ảnh này. Chuyến đi Rajin-Sonbong là hy vọng cuối cùng của bà. Mẹ nghĩ rằng ở cảng, bà có thể kiếm ra tiền hay tìm được thức ăn, cứu được chúng tôi. Nhưng nỗ lực tận cùng này đã thất bại.

Mẹ vẫn không nhúc nhích, nhưng kỳ lạ thay, tôi cảm thấy bà đang vạch ra một kế hoạch trong im lặng.

Bên ngoài, mặt trời đã lên cao. Bỗng dưng mẹ ngồi bật dậy, ánh mắt sáng rực. Bà đã quyết định chuyển sang hành động. Bản năng sinh tồn của bà vẫn chưa bị tước đoạt.


Mời đọc lại:

14 commentaires:

  1. Cám ơn Thụy My vì bản dịch này. TL nghĩ ở VN và các nước từng trải qua độc tài, đây là thời khắc của dòng văn học Hồi kí có đất dụng võ. Và cần thiết khuyến khích Hồi Ký phát triển hơn bất cứ thể loại văn học nào...Nó là nguồn tư liệu khổng lồ cho tương lai. Rất tiếc ở VN chưa có nhiều hồi kí dung dị mà cảm động như thế này (mà đáng lẽ phải có nhiều lắm)...
    Thân mến.

    RépondreSupprimer
    Réponses
    1. Merci chị Thùy Linh, nhận xét của chị gợi nhiều suy nghĩ...

      Supprimer
  2. Cam on Thuy My. Mong cho nhung chuong tiep theo :)

    RépondreSupprimer
    Réponses
    1. Bạn yên tâm, sẽ dịch tiếp mà. Đã có chương 5, mời bạn đọc nha :)

      Supprimer
  3. Thật là kinh khủng, gần giống Việt Nam những năm từ 1976 - 1986

    RépondreSupprimer
  4. Réponses
    1. Đúng,phải xóa bỏ cái comment của NẶC DANH lúc 15:18

      Supprimer
  5. Nước uống vận động C+14 septembre 2013 à 14:22

    Nhân dân vẫn được nhồi sọ về thiên đường
    Thật là vô phúc cho dân tộc nào quàng phải cái quái thai ác quỷ đội lốt đỉnh cao trí tuệ

    RépondreSupprimer
  6. Quả là một chế độ quá tàn nhẫn và ác độc, đây là quái thai của loài người Cần phải dẹp bỏ

    RépondreSupprimer
  7. thuy my de thuong qua, nam nay em bao nhieu tuoi roi ?

    RépondreSupprimer
  8. lần đầu tiên đọc được các bài dịch của cháu về BTT ( xin được gọi như vậy vì chú thấy ảnh cháu quá trẻ) .Chú cũng có đọc một số bài về BTT nhưng không ngờ dân BTT lại đau khổ đến như vậy. Cám ơn cháu rất nhiều

    RépondreSupprimer
  9. Hoang Hoa Tham24 mai 2014 à 11:02

    Rất chân thành cảm ơn Thuy My về câu chuyện này, cũng là những gì đã xảy ra tại Việt Nam từ năm 1945 cho đến 1992-( khi mà sự đổi mới bắt đầu ).
    Những câu chuyện về những thảm cảnh dưới những chế độ cộng sản man rợ , xin chị cố gắng phổ biến ngày càng rộng rãi trong cộng đồng Việt và International. Riêng tôi đã tận mắt nhìn thấy tất cả thảm cảnh như thế trong những vùng quê xa xôi ở miền Nam VN, cảnh cướp bóc công khai diễn ra trên những trạm kiểm soát kinh tế/ giao thông, súng đạn đánh đập dân lành .....đây được bọn VC gọi là " giải phóng ". Sau này, khi tôi kể những chuyện này cho những người bạn Úc nghe, họ nói rằng hầu như họ không thể hiểu được câu chuyện này !!!

    RépondreSupprimer

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.