mardi 30 octobre 2018

Tác gia võ hiệp huyền thoại Kim Dung qua đời ở tuổi 94


Nhà văn Kim Dung trong một buổi trao đổi với độc giả. Ảnh: Hong Kong Apple Daily.

(Zing 30/10/2018) Kim Dung, tiểu thuyết gia nổi tiếng với hàng loạt tác phẩm võ hiệp kinh điển như "Anh Hùng Xạ Điêu", "Thần Điêu Đại Hiệp", "Ỷ Thiên Đồ Long"... vừa qua đời ở tuổi 94.

Apple Daily News cho biết nhà văn Kim Dung, tên thật là Tra Lương Dung, qua đời tại bệnh viện Hong Kong sau thời gian dài chiến đấu với bệnh tật. Con rể của ông là Ng Wai Cheong xác nhận thông tin này với South China Morning Post vào tối cùng ngày.

Kim Dung sinh năm 1924 tại tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) trong một gia tộc khoa bảng với ông cố là nhà thơ nổi tiếng còn ông nội là tri huyện Đan Dương ở tỉnh Giang Tô.

"Kim Dung Quán", nơi trưng bày về cuộc đời và sự nghiệp Kim Dung ở Hong Kong. Ảnh: Apple Daily.
"Võ lâm minh chủ" về kiếm hiệp

Ông là tác giả tiểu thuyết võ hiệp xuất sắc nhất thế kỷ 20, được mệnh danh là "Võ lâm minh chủ" về sách kiếm hiệp. Ông cũng là người sáng lập tờ Minh Báo nổi tiếng tại Hong Kong.

Các cuốn tiểu thuyết kiếm hiệp nổi tiếng nhất của ông có "Anh Hùng Xạ Điêu", "Thần Điêu Đại Hiệp", "Ỷ Thiên Đồ Long Ký", "Lộc Đỉnh Ký", "Tiếu Ngạo Giang Hồ", "Thiên Long Bát Bộ"...

Ông được coi là một trong những nhà báo, nhà văn và nhân vật mang tầm ảnh hưởng xã hội lớn nhất tại Trung Quốc và cộng đồng người nói tiếng Hoa nhiều thập niên qua. Ông cho ra mắt tiểu thuyết võ hiệp đầu tiên của mình, "Thư Kiếm Ân Cừu Lục" trên tờ New Evening Post vào năm 1955 với bút danh Kim Dung.

Tác phẩm lập tức gặt hái thành công vang dội. Ông tiếp tục cho ra đời 14 bộ tiểu thuyết võ hiệp khác, với tác phẩm cuối cùng là "Lộc Đỉnh Ký" hoàn tất vào năm 1972.

Sau khi hoàn thành các tác phẩm của mình, Kim Dung có lần ngâm tên tựa đề 14 bộ thành hai câu thất ngôn nổi tiếng: "Phi tuyết liên thiên xạ bạch lộc/Tiếu thư thần hiệp ỷ bích uyên" (Dịch nghĩa: Tuyết bay đầy trời bắn (nhìn) hươu trắng/Truyện cười thần hiệp tựa uyên xanh).

Diễn viên Lưu Đức Hoa vai Dương Quá và Trần Ngọc Liên vai Tiểu Long Nữ trong bộ phim "Thần Điêu Đại Hiệp" năm 1983, tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết Kim Dung. Ảnh: TVB.
Ảnh hưởng mạnh tới văn hóa châu Á

Các tiểu thuyết của ông được độc giả trên khắp thế giới đón nhận, là nguồn cảm hứng cho vô số tác phẩm điện ảnh, chương trình phát thanh cho đến trò chơi điện tử, tạo ra làn sóng văn hóa đặc trưng của Hong Kong trong nhiều thập niên.

Ông nằm trong số những nhà văn Trung Quốc có tác phẩm bán chạy nhất mọi thời đại. Sách của ông đã được in hơn 300 triệu bản.

Sau khi kết thúc những bộ truyện kiếm hiệp cuối cùng vào thập niên 1970, Kim Dung bắt tay chỉnh sửa lại nhiều tác phẩm trước đó của mình. Ông tiếp tục tung hoành trong làng văn chương võ hiệp Trung Quốc với hàng loạt tác phẩm tái bản từ năm 1999 cho đến khi thật sự gác bút vào năm 2006, theo Taiwan News.

Ngoài sự nghiệp văn học đồ sộ, ông còn nổi tiếng với vai trò người sáng lập ra tờ Minh Báo của Hong Kong vào năm 1959, giữ vị trí tổng biên tập cho đến khi về hưu vào năm 1989 khi đã quá nửa lục tuần.

Kim Dung có năm người trong dòng họ từng làm quan dưới các triều vua Thanh - Khang Hy và Ung Chính. Kim Dung là hậu duệ trực hệ của một trong số họ, thư pháp gia Tra Thăng, lớn lên trong một ngôi nhà có tấm hoành phi được đích thân vua Khang Hy ban tặng.

Tượng Kim Dung tại đảo Đào Hoa, tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc. Ảnh: Wikimedia Commons.
Xuất bản cuốn sách đầu năm 15 tuổi

Thuở nhỏ, Kim Dung, con thứ hai trong 7 anh chị em, là đứa trẻ mê đọc sách. Ông dành nhiều thời gian nghiền ngẫm những cuốn tiểu thuyết của tác giả Ba Kim mà anh trai mang về từ Thượng Hải, cũng như như cuốn sách khác ông mượn từ anh em họ, chú bác.

Trong một tác phẩm có tính chất tự truyện hiếm hoi, Kim Dung viết về tuổi thơ giàu sang của ông, một sự trái ngược với những bất công trong xã hội Trung Quốc đương thời.

Năm 1939, Kim Dung xuất bản cuốn sách đầu tiên khi 15 tuổi; đó là sách hướng dẫn thi vào trường cấp ba ông tổng hợp cùng hai người bạn. Sách bán chạy, mang về đủ tiền cho cả ba theo học đại học tại Trùng Khánh.

Năm 1941, Kim Dung bị đuổi học vì viết một bài báo tường với nội dung châm biếm, nhưng hiệu trưởng đã giúp ông chuyển sang một trường khác.

Dù từng muốn theo đuổi ngành xuất bản, Kim Dung hy vọng trở thành nhà ngoại giao và ghi danh vào Trường Quản lý Trung ương ở Trùng Khánh vào năm 1944. Tuy nhiên, ông bị buộc thôi học sau khi phàn nàn về hành vi của các sinh viên là thành viên của Quốc Dân Đảng. Năm 1948, cuối cùng ông tốt nghiệp cử nhân luật quốc tế tại Đại học Tô Châu ở Thượng Hải.

Trong quá trình đi thực tập, ông lại bén duyên với báo chí, làm phóng viên cho Nhật báo Đông Nam tại Hàng Châu năm 1946, và chuyển sang tờ Đại Công Báo ở Thượng Hải làm biên dịch tin quốc tế năm 1947. Năm 1948, ông đã chuyển đến làm việc tại văn phòng Hong Kong của Đại Công Báo.

Sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập năm 1949, cha ông bị coi là cường hào địa chủ và bị xử tử. Nhận được tin cha mất, ông "ở Hong Kong khóc ba ngày ba đêm, và u buồn trong suốt nửa năm", ông viết trong "Nguyệt Vân".

Với suy nghĩ "kẻ yếu thế không nên bị áp bức", ông bắt đầu viết tiểu thuyết võ hiệp. Trong các tác phẩm của mình, ông kết hợp yếu tố cá nhân và yếu tố chính trị, những câu chuyện tuổi thơ và những chủ đề lớn.

Các tác phẩm của Kim Dung có ảnh hưởng sâu sắc lên nền văn hóa Hoa ngữ đại chúng. Trong ảnh, diễn viên Trương Mạn Ngọc trong một bộ phim của đạo diễn Vương Gia Vệ phóng tác từ tác phẩm "Anh hùng xạ điêu" của Kim Dung. Ảnh chụp màn hình.
Ba lần kết hôn và những câu chuyện "chạm đến trái tim"

Ông kết hôn ba lần. Người vợ đầu của ông là Đỗ Dã Phân, một phụ nữ khuê các. Họ làm đám cưới năm 1948 và bà chuyển đến Hong Kong cùng ông, theo Đại Công Báo. Họ ly hôn trong thập niên 1950.

Người vợ thứ hai là nhà báo Chu Mai, hai người có với nhau hai con trai và hai con gái. Cuộc hôn nhân của họ bắt đầu xấu đi khoảng năm 1976, thời điểm cậu con trai 19 tuổi của hai người tự tử khi đang theo học năm nhất đại học ở Mỹ. "Đời sống hôn nhân của tôi có lẽ đã ảnh hưởng đến nó, tôi đã khiến nó thất vọng", Kim Dung sau đó nói.

Trong khoảng thời gian cuối cùng của cuộc hôn nhân thứ hai, Kim Dung làm bạn với một nữ bồi bàn tên Lâm Lạc Di, người nhỏ hơn ông đến 30 tuổi, làm việc cho một nhà hàng gần văn phòng Minh Báo. Họ kết hôn trong thập niên 1970.

Hạ Mộng, người tình trong mộng của nhà văn Kim Dung.
Ông không viết thêm tác phẩm nào sau tác phẩm "Lộc Đỉnh Ký" vào năm 1972. Thay vào đó, ông hai lần xem xét lại toàn bộ số tiểu thuyết võ hiệp, dự án cuối cùng dẫn đến việc tái bản "Lộc Đỉnh Ký" vào năm 2006.

"Các tiểu thuyết của Kim Dung viết không hay", ông viết trong "Nguyệt Vân", tác phẩm được xem là Kim Dung kể về bản thân mình.

Nhưng "khi ông viết và sau đó đọc lại tác phẩm của chính mình, ông thường khóc vì sự bất hạnh của nhân vật. Khi ông viết rằng Dương Quá mòn mỏi chờ đợi Tiểu Long Nữ cho đến khi mặt trời khuất bóng, ông khóc. Khi ông viết rằng Trương Vô Kỵ và Triệu Mẫn bị buộc phải chia tay nhau, ông khóc. Khi ông viết rằng Kiều Phong giết người yêu A Châu vì hiểu nhầm, ông khóc càng thảm hơn".

Những câu chuyện đều xuất phát từ trái tim của ông, và cũng chạm đến vô số trái tim khác.

Kim Dung mất đúng vào ngày mà hai năm trước, Hạ Mộng - người tình trong mộng của ông, tuyệt sắc giai nhân màn ảnh Hong Kong những năm 1950 - cũng tạ thế, theo Apple Daily. Sự trùng hợp này khiến không ít người hâm mộ buông lời cảm thán: "Tôi nghĩ kiếp sau, họ nhất định có thể hoàn thành duyên phận chưa trọn ở kiếp này".

Lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình trong một lần gặp nhà văn Kim Dung. Ảnh: Hong Kong Apple Daily.
Trong suốt 30 năm, ông từng bước đưa Minh Báo trở thành tờ báo chính trị - kinh tế có ảnh hưởng nhất Hong Kong. Với tiếng nói tự do, ông từng bị người ta gửi bom thư đe dọa, được cảnh sát bảo vệ 24/24, cũng như phải sang Singapore ở ẩn suốt một tháng rưỡi. Ông cũng từng phải thay đổi biển số xe mỗi lần ra khỏi nhà để tránh bị theo dõi.

Khi Cách mạng Văn hóa nổ ra ở Trung Quốc, sách của ông bị cấm. Tình trạng ấy kéo dài đến năm 1981 khi lời đề nghị gặp Đặng Tiểu Bình của ông được đáp ứng.

Hóa ra, họ Đặng là "fan" của ông. Có giai thoại kể rằng nhà lãnh đạo từng yêu cầu mua cho ông một loạt sách truyện Kim Dung từ bên ngoài "bức màn tre".

Khi gặp nhau tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Đặng Tiểu Bình nói với Kim Dung: "Chúng ta đã là bạn lâu rồi, tôi đã đọc các tiểu thuyết của anh".

Năm 1984, lệnh cấm sách Kim Dung được gỡ bỏ, cho phép hàng triệu người Trung Quốc đại lục tiếp cận với các tác phẩm của ông. Các đoạn trích từ những tiểu thuyết hấp dẫn, vốn một thời bị xem là chẳng có gì đáng chú ý, cũng được đưa vào sách giáo khoa ở Trung Quốc và Singapore.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.