mardi 30 octobre 2018

Thẩm Tuyên - Kim Dung, Độc Cô Cầu Bại



Tôi đến với Kim Dung khoảng năm 1962 hay 63 gì đó (7-8 tuổi), với bộ khởi đầu là Võ Lâm Ngũ Bá (sau này có ý kiến nói là Kim Dung giả nhưng xét về mạch các tác phẩm tiếp theo: Anh hùng Xạ điêu, Thần điêu Đại hiệp...thì rất hợp logique). Trước đó, tôi chỉ nghiền ngẫm Phong Kiếm Xuân Thu, Xuân Thu Oanh liệt, Thuyết Đường, Tây du ký, Tam quốc chí, Mạnh Lệ Quân.

Và, tôi bắt đầu chạy đua cùng người lớn theo sát feuilleton của ông trên nhật báo. Lúc đó, ba tôi, ký giả Quốc Ấn là chủ bút nhật báo nên mỗi chiều, ông mang cả xấp báo khoảng 30 tờ về, tôi và đứa em kế chia nhau đọc, khỏi tranh giành.

Mấy tác phẩm đầu của Kim Dung do Tiền Phong Từ Khánh Phụng dịch nhưng về sau Hàn Giang Nhạn nổi lên lấn lướt. Phải nói, ông dịch mà như Việt hóa, ngôn ngữ cực kỳ sống động, ví dụ điển hình là lời lẽ Đào Cốc lục tiên, Bao Bất Đồng, Vi Tiểu Bảo...Ông là người quen thân với ba tôi nên mỗi khi truyện in thành sách, ông sai con đem đến tận nhà tặng, tôi lại được dịp luyện lại từ đầu. Lại thêm chú Tàu già chủ NXB Đại Hưng trên đường Cao Thắng gần ngã tư Phan Đình Phùng, chuyên xuất bản cho Hàn Giang Nhạn, cũng là người quen thân của ba tôi, nên thỉnh thoảng tôi đi học ngang, ông kêu vào cho lựa một bộ đem về...

Trong các tác phẩm của Kim Dung, tôi say mê nhất là Cô gái Đồ Long, Thần Điêu Đại hiệp, Tiếu ngạo Giang hồ, Lộc Đỉnh ký.

Anh hùng Xạ điêu, Lục mạch Thần kiếm, Hiệp Khách hành cũng mê nhưng chỉ vừa vừa thôi, không đọc đi đọc lại nhiều lần. Bây giờ nhớ lại, ba nhân vật chính của ba bộ này đều khờ khờ ngu ngu như Quách Tĩnh, Thạch Phá Thiên hoặc dại gái quá cỡ như Đoàn Dự tôi không thích, một cách vô thức. Hoàng Dung láu cá tôi cũng không ưa. Dù sao trong Lục mạch Thần kiếm còn có Kiều Phong bù đắp.

Nếu hỏi, đến với Kim Dung sớm như vậy, từ năm 7 tuổi, có bị ảnh hưởng trong việc hình thành tính cách không, tôi khẳng định là có. Đó là sự phân biệt chính tà rõ rệt, là quan niệm về quân tử đại trượng phu, là chút triết lý Lão Trang qua Vương Trùng Dương, Xung Hư, Trương Tam Phong, là tình yêu thánh thiện của Dương Qua-Tiểu Long Nữ hoặc hồn nhiên tự đến chống cũng không được của Vô Kỵ-Triệu Minh...

Thấp thoáng trong những bộ truyện đầu "tà chính phân minh" này, hình ảnh những con người có tính cách "người thường"nhiều hơn là con người lý tưởng hóa chẳng hạn như Hoàng Dược Sư, Đoàn Chính Thuần, Đoàn Hoàng gia-Nhất Đăng.

Nhưng, phải tới Tiếu Ngạo giang hồ, Lộc đỉnh ký thì một xã hội thật ngoài đời và những con người rất bình thường tốt xấu xen lẫn mà hoàn cảnh mới có thể làm cho nó bộc lộ hết, xuất hiện rõ. Không còn những Quách Tĩnh tốt quá cỡ như kẻ khùng không có thật.

Một Ngụy quân tử Nhạc Bất Quần đáng kinh tởm, một Mộ Dung Phục đáng ghét khoác áo quân tử bụng dạ tiểu nhân, một Vi Tiểu Bảo xuất thân hèn hạ lại có những suy nghĩ và hành động rất có đạo lý và khôn ngoan, tính toán đâu ra đó và "tà chính bất khả phân", lấy mục tiêu biện minh cho hành động nhưng từ trong thâm sâu là người có nghĩa có tình...

Hình tượng Vi Tiểu Bảo đã thấp thoáng ở Dương Qua nhưng phải đến Lộc Đỉnh Ký thì nghệ thuật xây dựng nhân vật cuả Kim Dung mới đạt cảnh giới tối cao: Dù có cường điệu điển hình hóa nhưng không cứng nhắc quân tử tàu, tách rời cuộc sống.

Dù những ngày đầu sau 75, nhiều bài báo, nhiều nghiên cứu cố gắng phê phán Kim Dung với một quan định luận nào đó nhưng tôi tin chắc sẽ không thành công. Và, thực tế đã chứng minh. Trương Vô Kỵ, Triệu Minh, Tạ Tốn, Dương Qua, Tiểu Long Nữ, Kiều Phong, Lệnh Hồ Xung vẫn hiên ngang với cuộc sống của mình, tiếp nhận thêm nhiều người đọc mới.

Tản mạn vài dòng tưởng nhớ Kim Dung
THẨM TUYÊN
Paris, 30-10-2019

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.