mercredi 6 août 2014

HD-981: Việt Nam không hề thúc thủ trước Trung Quốc


Giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981
Bài đăng : Thứ tư 06 Tháng Tám 2014 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 06 Tháng Tám 2014 
Trọng Nghĩa 
Việc Trung Quốc rút giàn khoan HD-981 ra khỏi vùng biển Việt Nam ngày 15/07/2014 đã dẫn đến một cuộc tranh luận giữa các học giả về việc ai thắng ai thua trong cuộc đọ sức kéo dài hơn hai tháng. Theo chuyên gia Carl Thayer, rõ ràng là Việt Nam đã không khuất phục trước sức ép của Bắc Kinh. Trong bài viết trên báo mạng The Diplomat ngày 04/08/2014, mang tựa đề « Việt Nam, Trung Quốc và cuộc khủng hoảng giàn khoan : Ai chùn bước ? - Vietnam, China and the Oil Rig Crisis: Who Blinked ? », Giáo sư Carl Thayer đã kết luận như trên sau khi phân tích ý kiến trái ngược nhau của hai chuyên gia Mỹ Zachary Abuza và Alexander Vuving.

Thông báo bất ngờ của Trung Quốc vào ngày 15 rằng họ cho rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam đã dẫn đến một cuộc tranh luận giữa các học giả về lý do tại sao.


Zachary Abuza, một giáo sư tại Đại học Simmons ở Boston, cho rằng Việt Nam đã oằn mình dưới áp lực của Trung Quốc, trong khi Alexander Vuving, một giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương ở Hawaii, cho rằng Việt Nam đã đứng vững trên lập trường của mình còn Trung Quốc thì đã chùn bước.

Phân tích của Abuza xuất hiện trong phần "Phát biểu tự do" của báo mạng Asia Times ngày 29/07. Phân tích của ông rất độc đáo, đầy tính chất khiêu khích và suy diễn.

Zachary Abuza : Đa số trong Bộ Chính trị chiều theo áp lực của Trung Quốc 

Dương Khiết Trì tại Hà Nội
Abuza cho rằng việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan "biểu thị một nguy cơ gây chia rẽ nghiêm trọng nhất trong những năm tới đây trong giới lãnh đạo của Đảng Cộng sản Hà Nội." Không chỉ nội bộ Bộ Chính trị bị chia rẽ sâu sắc, mà đa số lại chọn giải pháp xuống thang trong cuộc khủng hoảng bằng cách chiều theo sức ép của Trung Quốc. Abuza viết : "Quyết định lùi bước của Hà Nội có hệ quả tiềm tàng rất hệ nghiêm trọng. Việt Nam đã xoa dịu được Trung Quốc, nhưng điều đó rất có thể sẽ dẫn đến nhiều hành vi gây hấn khác." Abuza kết luận : "Một chính sách nhân nhượng sẽ gây nguy hiểm cho chính chế độ... [và] tính hợp pháp của chế độ."

Để hỗ trợ cho lập luận của mình, Abuza cung cấp một số thông tin rất chi tiết về quá trình ra quyết định của lãnh đạo Việt Nam thường rất bí hiểm. Lập luận của Abuza có thể tóm lược trong bốn điểm :

Đầu tiên, để đối phó với thái độ quyết đoán của Trung Quốc trong việc hạ đặt giàn khoan dầu HYSY 981 trong vùng biển Việt Nam vào đầu tháng Năm, Abuza quả quyết rằng Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã họp lại vào tháng Sáu và "nhất trí quyết định lên án hành động gây hấn và xâm lược của Trung Quốc."

Thứ hai, chuyến thăm Hà Nội của Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì vào ngày 18 đã cho trở thành thiết yếu. Trước chuyến thăm, các nhà lãnh đạo Việt Nam hy vọng rằng ông Dương Khiết Trì sẽ có những nhượng bộ ngoại giao. Theo Abuza, điều ngược lại đã xảy ra. Ông Dương Khiết Trì "không một chút nhượng bộ..., quở mắng chủ nhà là đã "thổi phồng'tình hình" và cảnh cáo một cách thẳng thừng rằng Trung Quốc sẽ "dùng mọi biện pháp cần thiết" để bảo vệ giàn khoan."

Thứ ba, kết quả của chuyến thăm của Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc là đa số trong số 16 ủy viên Bộ Chính trị đã đảo ngược nghị quyết tháng Sáu của Ban Chấp hành Trung ương. Theo Abuza, một thiểu số gồm 6 ủy viên ủng hộ "một chiến lược nhiều mặt" để chống lại Trung Quốc, trong khi đa số 10 ủy viên ủng hộ việc xuống thang khủng hoảng để thích nghi với Trung Quốc.

Các tàu bảo vệ xung quanh giàn khoan TQ đặt trái phép ở Hoàng Sa.
Khía cạnh suy diễn mạnh nhất trong phân tích của Abuza là cách ông phân loại từng ủy viên Bộ Chính trị vào trong hai nhóm. Theo Abuza, nhóm thiểu số bao gồm sáu thành viên: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Bí thư Đảng ủy Thành phố Hồ Chí Minh và "ủng hộ cải cách" Lê Thanh Hải, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thông [sic] Thị Phong.

Đa số 10 ủy viên bao gồm: Tổng Bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Ban Bí thư Tô Huy Rứa và Lê Hồng Anh, Trưởng ban Kiểm tra Trung ương Ngô Văn Dụ, Trưởng ban Tuyên giáo Đinh Thế Huynh, Bí thư Thành phố Hà Nội Phạm Quang Nghị, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh, "có lẽ" Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang, và "rất có thể" Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Thứ tư, hệ quả của sự đảo ngược chính sách này là Bộ Chính trị đình hoãn một quyết định trước đó là xúc tiến hành động pháp lý chống lại Trung Quốc, bớt nhấn mạnh trên Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông mang tính chất ràng buộc, và hủy bỏ "chuyến đi Washington được dự kiến của Ngoại trưởng Phạm Bình Minh từng được quảng bá rộng rãi".

Bộ Chính trị đã quyết định thăm dò Washington về "mức độ cam kết đóng một vai trò trong một cuộc xung đột tiềm tàng với Trung Quốc tại Biển Đông" bằng cách phái lãnh đạo Đảng của thành phố Hà Nội đồng thời là ủy viên Bộ Chính trị Phạm Quang Nghị đi thay vào chỗ Ngoại trưởng Phạm Bình Minh.

Abuza kết luận rằng đa số Bộ Chính trị "không sẵn sàng chống lại Trung Quốc""có một hy vọng ở một số người rằng nếu Việt Nam nhượng bộ trên vấn đề quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc sẽ trả lễ trên vấn đề quần đảo Trường Sa."

Alexander Vuving : Động thái bắt nạt của Trung Quốc đã thay đổi cách tiếp cận Bắc Kinh của Hà Nội

Tàu TQ tấn công tàu VN bằng vòi rồng
Alexander Vuving cung cấp một cái nhìn ngược lại trong một bài bình luận với tựa đề "Có phải Trung Quốc chùn bước tại Biển Hoa Nam (Biển Đông)", được đăng trên báo mạng The National Interest. Vuving viết rằng cuộc khủng hoảng giàn khoan là "một trận đấu của ý chí... Bên nào có quyết tâm hơn sẽ có thể giành chiến thắng, ngay cả khi nó là bên yếu hơn. Với chủ quyền của mình bị đe dọa, cả hai quốc gia đã thử quyết tâm của nhau để xem ai xao xuyến trước".

Ngay sau khi Trung Quốc đặt giàn khoan trong vùng biển Việt Nam, các nhà lãnh đạo Hà Nội đã tìm cách thương lượng với Bắc Kinh. Trung Quốc phản ứng với bốn điều kiện tiên quyết : Việt Nam phải chấm dứt sách nhiễu giàn khoan; Việt Nam phải từ bỏ tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa; Việt Nam không được theo đuổi hành động pháp lý chống lại Trung Quốc; và Việt Nam không được lôi kéo môt bên thứ ba, chẳng hạn như Hoa Kỳ.

Theo Vuving, tập thể lãnh đạo của Việt Nam đã phản ứng bằng cách hủy bỏ kế hoạch xúc tiến hành hành động pháp lý chống lại Trung Quốc và trì hoãn chuyến thăm Washington của Ngoại trưởng Minh. Điều này tạo tiền đề cho Trung Quốc để thực hiện "một hành động xuống thang tương ứng."

Tàu một ngư dân bị TQ tấn công 22 lần trong năm nay.
Vào ngày 15/07/2014, Trung Quốc thông báo rút giàn khoan HD-981 ra khỏi vùng biển Việt Nam và, trong một động thái riêng biệt, đã thả 13 ngư dân Việt Nam bị họ bắt giữ trước đó. Vuving kết luận rằng "các hành động của Bắc Kinh có thể trông giống như một sự mặc cả ngầm, nhưng bản chất thực sự của sự mặc cả là một cái gì đó rất khác." Vuving ghi nhận tính chất đối xứng và sự mong manh của sự nhượng bộ lẫn nhau của cả Trung Quốc lẫn Việt Nam. Nói cách khác bên nào cũng có thể đảo ngược hành động của mình vào bất kỳ lúc nào.

Trái với Abuza, Vuving xem xét động lực của cả Trung Quốc lẫn Việt Nam trong phân tích của mình. Vuving kết luận rằng thái độ nể trọng của Hà Nội đối với Bắc Kinh chỉ là "một phần nhỏ của các đối sách, nếu giả dụ rằng thực sự có phần đó."

Vuving lập luận rằng cho đến lúc cuộc khủng hoảng giàn khoan nổ ra, Trung Quốc vẫn áp dụng chiến thuật "cắt lát xúc xích / salami - slicing" theo đó Bắc Kinh theo đuổi "một sự cân bằng tinh tế giữa quyết đoán và kiềm chế sao cho hành động [của Trung Quốc] đủ để thay đổi thực tế trên hiện trường nhưng không đủ để tạo ra một lý do tốt cho người khác để kiên quyết chống lại".

Trái với Abuza vốn khẳng định rằng các lãnh đạo Việt Nam đã đầu hàng Trung Quốc, còn "Hoa Kỳ... thì đã không dấn thân một cách có ý nghĩa", Vuving kết luận ngược lại. Theo Vuving, động thái bắt nạt của Bắc Kinh đã dẫn tới một sự thay đổi chưa từng có trong nhận thức của Việt Nam về Trung Quốc, và "cùng với mối đe dọa về một liên minh trong thực tế với Mỹ, là một sự thay đổi lớn trong cách tiếp cận Bắc Kinh của Hà Nội."

Hơn nữa, Vuving ghi nhận là "xu hướng chung... đã thúc đẩy thêm một số nước, trong đó có Nhật Bản, Philippines, Úc, Ấn Độ và Việt Nam, điều chỉnh tư thế quân sự của mình và sắp xếp lại chính sách đối ngoại để đối phó hiệu quả hơn với thái độ hung hăng của Trung Quốc."

Trong phần kết luận, Vuving lập luận rằng trong quá khứ, nhiều nước, bao gồm cả Việt Nam và Hoa Kỳ, đã tạo ra một "cái trần nhà bằng thủy tinh""áp dụng chính sách tự kiềm chế vì sợ khiêu khích con rồng khổng lồ." Trung Quốc đã biết "khéo léo khai thác nỗi sợ hãi này với chiến thuật "cắt lát xúc xích". Do tác động của cuộc khủng hoảng giàn khoan, tấm trần thủy tinh đã bị phá vỡ và Trung Quốc đã lộ rõ bộ mặt "không khác nhiều so với các tác nhân khác" trong nỗi lo ngại một cuộc leo thang. Nói cách khác, Trung Quốc đã chùn bước.

Lập luận của Abuza không hợp lý, thiếu xác thực

Dương Khiết Trì và Tổng bí thư  Nguyễn Phú Trọng
Tường trình của Abuza về tiến trình lấy quyết định của Việt Nam có thể bị xét lại về tính hợp lý và xác thực.

Trước hết, không có thông tin công khai nào về sự kiện Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã họp lại vào tháng Sáu. Một nhà quan sát tại Hà Nội đã ghi nhận trong một thông tin cá nhân: "Không hề có một tiếng thì thầm nào tại Hà Nội về một cuộc họp như vậy... Che giấu một sự kiện lớn như một cuộc họp của Ban Chấp hành Trung ương cũng là một điều rất khó khăn." Một quan chức cấp cao của chính phủ xác nhận vào cuối tháng Bảy rằng không hề có một cuộc họp nào của Ban Chấp hành Trung ương Đảng kể từ Hội nghị Trung ương lần thứ chín (08-14/05).

Hơn nữa, như một nhà ngoại giao tại Hà Nội đã nói riêng với báo The Diplomat, "nếu quả là cuộc họp vào tháng Sáu của Ban Chấp hành Trung ương đã "nhất trí quyết tâm lên án sự gây hấn và xâm lược của Trung Quốc", tại sao Đảng lại không công bố bất kỳ nghị quyết nào về điều này sau cuộc họp ? Điều đó há không phải là sẽ phục vụ mục tiêu đối nội giúp trấn an công chúng rằng Đảng đang xử lý tình hình ?"

Thứ hai, tường trình của Abuza về chuyến thăm Hà Nội ngày 18/06 của Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì tập trung một cách quá hạn hẹp vào các thái độ công khai của ông Dương Khiết Trì. Trước chuyến thăm của ông, Trung Quốc đã từ chối khoảng 30 đề nghị tiếp xúc của Việt Nam để đàm phán về cuộc khủng hoảng giàn khoan, nhưng ông đã đến Hà Nội tham dự cuộc họp thường niên dự trù từ lâu của Ban chỉ đạo chung về hợp tác song phương. Đây là một dấu hiệu quan trọng cho thấy là Trung Quốc sẵn sàng đối thoại với Việt Nam.

Biểu tình phản đối giàn khoan TQ.
Khi đọc kỹ các thông cáo chính thức của Bộ Ngoại giao Việt Nam, ta thấy rằng khi ông Dương Khiết Trì gặp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai bên đã có một thỏa thuận chung là « tiếp tục thảo luận về cách giảm bớt căng thẳng và giải quyết các vấn đề liên quan đến biển. ». Sau chuyến thăm của ông Dương Khiết Trì, các phương tiện truyền thông Trung Quốc mô tả kết quả bằng những từ ngữ tích cực hơn rất nhiều so với các phương tiện truyền thông phương Tây được ông Abuza trích dẫn. Theo ghi nhận của Vuving, chuyến thăm của ông Dương Khiết Trì tạo điều kiện cho một cuộc mặc cả để xuống thang.

Thứ ba, Abuza không dẫn nguồn khi ông khẳng định rằng Bộ Chính trị đã họp lại sau chuyến thăm của ông Dương Khiết Trì và bác bỏ một nghị quyết của Ban Chấp Hành Trung ương lên án Trung Quốc xâm lược. Ban Chấp Hành Trung ương là cơ quan lãnh đạo cao nhất giữa hai kỳ đại hội Đảng. Bằng chứng là vào năm 2013, Ban Chấp Hành Trung ương đã nhiều lần phản bác một quyết định của Bộ Chính trị.

Được biết là Bộ Chính trị đã họp nhiều lần nhân cuộc khủng hoảng giàn khoan cả lúc trước và sau chuyến thăm của ông Dương Khiết Trì. Trong một chuyến viếng thăm Việt Nam vào cuối tháng Bảy, tác giả bài này đã được một số nguồn tin Việt Nam và ngoại giao cho biết là Bộ Chính trị đã bỏ phiếu với tỷ lệ 9-5 để « thông qua một đề nghị xúc tiến thủ tục trọng tài quốc tế ».

Các nhà ngoại giao tại Hà Nội theo dõi sát các sự kiện trên cho rằng cuộc họp mang tính chất quyết định đó của Bộ Chính trị diễn ra vào đầu tháng Bảy, trước lúc Trung Quốc thông báo rút giàn khoan HD-981.

Dương Khiết Trì và Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh
Không thể nào biết một cách chắc chắn là từng thành viên của Bộ Chính trị đã biểu quyết như thế nào tại cuộc họp đầu tháng bảy đó. Số liệu từ một số nguồn thạo tin Việt Nam và nước ngoài ở Hà Nội gợi lên kết quả như sau:

Đa số bao gồm: Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Sinh Hùng, Lê Thanh Hải, Lê Hồng Anh, Tòng Thị Phóng, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thiện Nhân và có khả năng là Phùng Quang Thanh. Năm ủy viên thiểu số bao gồm Nguyễn Phú Trọng, Tô Huy Rứa, Phạm Quang Nghị, Ngô Văn Dụ và Đinh Thế Huynh.

Các thông tin theo đó có hai Ủy viên Bộ Chính trị bỏ phiếu trắng không chính xác. Vào đầu tháng Bảy, có hai Ủy viên Bộ Chính trị đang ở nước ngoài và không thể tham dự cuộc họp. Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đã đến thăm Đức ngày 3-4/07, trong khi Phó Chủ tịch Quốc hội, bà Nguyễn Thị Kim Ngân thì đến thăm Argentina và Chile từ 30/06- 5/07.

Thứ tư, Abuza đã sai trong việc khẳng định rằng chuyến đi của Ngoại trưởng Minh sang Hoa Kỳ đã bị hủy bỏ và Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Quang Nghị đã được cử đi thay. Chuyến công du của Ngoại trưởng Phạm Bình Minh chỉ hoãn lại cho đến tháng Chín. Hiện nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Washington và Bộ Ngoại giao Mỹ đang thảo luận về thời điểm của chuyến thăm của ông Minh.

Chuyến thăm của ông Phạm Quang Nghị được cho là nhằm tôi luyện lãnh vực đối ngoại của ông và thăm dò hiện trạng quan hệ với Mỹ trước chuyến thăm của Ngoại trưởng Phạm Bình Minh.

Khó có khả năng Việt Nam thôi kiện Trung Quốc hay từ bỏ COC !

Cảnh sát biển VN trong "cuộc chiến giàn khoan"
Về việc Bộ Chính trị đã dẹp bỏ một quyết định kiện Trung Quốc hoặc là Việt Nam giảm nhẹ việc nhấn mạnh đến bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông, đây là một khả năng khó có thể xẩy ra.

Vào ngày 26/07, trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh tổ chức một hội nghị quốc tế về « những giải pháp hợp pháp trước sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan HD 981 tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ». Những người Việt Nam tham dự đã nói riêng là những khuyến nghị của hội nghị sẽ được đưa lên lãnh đạo cấp cao, trước cuộc họp Ban Chấp hành Trung ương dự trù vào tháng 8 này.

Việt Nam vẫn hoàn toàn gắn kết với ASEAN và hậu thuẫn cho một bộ Quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông. Năm ngoái Trung Quốc đã thay đổi thái độ và đồng ý gặp các viên chức trong ASEAN để bàn về Quy tắc ứng xử COC, trong khuôn khổ tiến trình thảo luận về việc thực thi Bản Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC).

Rất khó có khả năng Việt Nam giảm hậu thuẫn cho COC để được lòng Trung Quốc. Cả hai bên đều dấn thân vào tiến trình ngoại giao. Bây giờ Việt Nam có thực sự nghĩ là COC sẽ được đúc kết hay không, đó là một chuyện khác. Như một viên chức cao cấp Việt Nam trả lời tờ Diplomat, « hành trình quan trọng hơn là điểm đến ».

Cuộc họp thường niên các ngoại trưởng ASEAN, Diễn đàn ARF, các cuộc gặp gỡ với các đối tác ASEAN, tất các cuộc họp đó sẽ bàn thảo về cuộc khủng hoảng do giàn khoan Trung Quốc gây ra, về hướng đi sắp tới.

Điều rõ ràng là Trung Quốc sẽ bị sức ép ngoại giao rất mạnh để "đóng băng" các hành động khiêu khích ở Biển Đông.

Việt Nam sẽ không thúc thủ trước Trung Quốc, nhưng cũng không liên minh với Mỹ

Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Sự cố giàn khoan đã chứng tỏ khả năng của Việt Nam đứng lên chống Trung Quốc, và cho thấy quyết tâm của mình. Việt Nam có lẽ sẽ không khóa cửa đối với bất kỳ giải pháp nào, kể cả việc kiện Trung Quốc. Vì quyền lợi của mình, Việt Nam nên giữ lại biện pháp này để phòng hờ.

Các lãnh đạo thận trọng của Việt Nam có lẽ sẽ không xuôi tay trước sức ép của Trung Quốc cũng như sẽ không liên minh với Hoa Kỳ.

Việt Nam và Trung Quốc phải nỗ lực rất nhiều để hàn gắn quan hệ song phương đã bị tổn thương và tái lập sự tin tưởng chiến lược vào nhau. Việt Nam có lẽ sẽ dấn thân sâu hơn vào quan hệ đối tác với Hoa Kỳ.

Đường lối ngoại giao Việt Nam có lẽ sẽ tiếp tục như hiện nay hơn là thay đổi. Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện đượng lối ghi trong nghị quyết số 8 của Ban Chấp hành Trung ương, đấu tranh và hợp tác với các cường quốc lớn thế giới, đẩy mạnh lợi ích quốc gia và tiếp tục cách tiếp cận đa phương trong quan hệ đối ngoại.

tags: Châu Á - Quốc tế - Biển Đông - Việt Nam - Trung Quốc - HD-981 - Carlyle Thayer - Chuyên mục trên mạng 
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20140806-hd-981-viet-nam-khong-he-thuc-thu-truoc-trung-quoc

5 commentaires:

  1. lập luận của ông Abuza rất chính xác . hầu hết cá nhân bọn lảnh đạo csvn đả đầu hàng trung quốc .

    RépondreSupprimer
  2. Lập luận của Tien huynh Kim rất hồ đồ

    RépondreSupprimer
  3. Nếu không đầu hàng tại sao bộ chính trị không dám công bố nội dung hội nghị thành đô ,? điều mà nhiều đảng viên , nhân dân cần biết . Chính dlv trúc nguyen mới hồ đồ .

    RépondreSupprimer
  4. Nếu không đầu hàng tại sao bộ chính trị không dám công bố nội dung hội nghị thành đô , điều mà nhiều đảng viên , nhân dân cần biết ? chính dlv truc nguyen mới hồ đồ .

    RépondreSupprimer
  5. Nó như thế này

    Với thỏa thuận Thành Đô, VN sẽ thuộc về TQ, nhưng Trung Quốc cần biển Đông sớm vì đã tới lúc TQ bung ra khỏi cái áo chật chội của mình . Vả lại, TQ biết không thể giữ đất nước trong vòng kiềm tỏa mãi mãi mà không gặp phải chống cự nên TQ đớp biển Đông trước . Có mất VN, TQ vẫn còn biển Đông . Chính vì thế TQ có những hành động khá lộ liễu là đem giàn khoan khủng vô ngay trong hải phận của VN mà không cần để ý .

    Vụ giàn khoan làm lộ rõ những khoản thỏa thuận ở Thành Đô, có điều TQ đang mất hết kiên nhẫn, thế thôi .

    Cứ thử tưởng tượng 2 người đang chuẩn bị làm đám cưới để chính thức chung sống như vợ chồng . Và anh chàng cứ đòi ăn cơm trước kẻng . Nàng phải làm sao để giữ thể diện mình nhưng vẫn không làm chàng nổi xung mà bỏ đi kiếm con khác giải tỏa ? Học cách ứng xử của chính quyền Việt Nam .

    RépondreSupprimer

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.