jeudi 9 avril 2020

Virus corona : Trung Quốc ca khúc khải hoàn quá sớm

Ảnh minh họa : Tượng Mao Trạch Đông tại Vũ Hán, khi Trung Quốc tổ chức quốc tang tưởng niệm các nạn nhân của virus corona nhân tiết thanh minh, ngày 04/04/2020. © REUTERS/Aly Song
Đăng ngày:


Quay lại cuốn phim Vũ Hán

Bác sĩ Ngải Phân (Ai Fen) mất tích ? Sự tái xuất hiện trên mạng xã hội ở Hoa lục những ngày gần đây đã bác bỏ các tin đồn cho rằng bà đã bị bắt. Tuy nhiên những tin đồn này cho thấy người dân không tin tưởng vào chính quyền trong việc xử lý cuộc khủng hoảng dịch tễ xuất phát từ Vũ Hán.

…Trưa ngày 30/12/2019, bà Ngải Phân, bác sĩ trưởng khoa cấp cứu bệnh viện trung tâm Vũ Hán quan sát buồng phổi của một bệnh nhân bị nhiễm virus qua video mà một đồng nghiệp tại một bệnh viện khác chuyển cho, với một thông tin đang lan truyền trên mạng : « Đừng đến chợ thịt rừng Hoa Nam, có rất nhiều người đã bị sốt ». 

Từ gần hai tuần qua, khoa cấp cứu của bà và khoa hô hấp tiếp nhận một số bệnh nhân bị sốt và ho, mà các loại thuốc thường dùng tỏ ra không tác dụng. Bác sĩ Ngải Phân yêu cầu kiểm tra kỹ lưỡng hơn một bệnh nhân nay đã chuyển qua khoa hô hấp, và đến chiều 30/12 thì nhận được kết quả : « Coronavirus – SARS. Lây nhiễm qua giọt bắn ở khoảng cách gần hay các cơn ho ». Bà run bắn người khi đọc được.

Sau khi trao đổi với đồng nghiệp khoa hô hấp, bác sĩ Ngải Phân gởi video cùng với bản báo cáo cho các bạn học cùng khóa và các bác sĩ trong khoa, khoanh đỏ dòng chữ « Coronavirus-SARS ». Một bác sĩ nhãn khoa trong bệnh viện là Lý Văn Lượng (Li Wenliang) chuyển tiếp cho khoảng 100 đồng nghiệp với ghi chú « Bảy ca SARS từ chợ Hoa Nam ». 

Dập tắt mọi tiếng nói cảnh báo

Trường hợp bác sĩ Lý Văn Lượng, bị công an bắt làm kiểm điểm và sau đó nhiễm bệnh rồi qua đời thì chúng ta đều đã biết. Đối với bác sĩ Ngải Phân, mọi rắc rối cũng bắt đầu từ đây.

Theo lệnh của Bắc Kinh, chính quyền Vũ Hán hôm 31/12/2019 ra thông báo trấn an, tuy đã phát hiện được 27 ca liên quan đến chợ Hoa Nam nhưng không có bằng chứng cho thấy có thể lây từ người sang người. Tuy nhiên chỉ vài giờ sau, ngày 01/01/2020, đến phiên chủ một dưỡng đường tư nhân bên cạnh ngôi chợ này, đã chữa nhiều bệnh nhân bị sốt, lại phải nhập viện khoa cấp cứu. Bác sĩ Ngải Phân không nghi ngờ gì nữa : rõ ràng đã lây nhiễm từ người sang người, và yêu cầu ê-kíp phải đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên.

Đến 23 giờ 46 phút cùng ngày, bà được tin nhắn của trưởng ban thanh tra kỷ luật yêu cầu trình diện. Bà bị phê phán lan truyền tin đồn, được lệnh không đề cập đến chứng bệnh mới này, « kể cả với chồng ». Bác sĩ Ngải Phân xin từ chức nhưng không được. Khi về nhà, bà chỉ nói đơn giản với người chồng là : « Nếu tôi có mệnh hệ gì, ông ráng lo cho con ».

Sự thật chỉ được sáng tỏ vào ngày 20/01/2020, sau khi giáo sư Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan) tiết lộ với cả nước điều mà Ngải Phân và các đồng nghiệp đã biết từ ba tuần trước : virus corona chủng mới lây từ người sang người.

Nếu sớm có biện pháp, giảm được đến 95% số ca bị nhiễm 

Sự trễ tràng này gây hậu quả nghiêm trọng. Trong một nghiên cứu công bố hôm 13/3, mười hai nhà khoa học khẳng định : « Nếu các sáng kiến không cần dùng thuốc như giãn cách xã hội đã được tiến hành ba tuần trước đó tại Trung Quốc, thì số ca bị nhiễm virus corona đã giảm được đến 95% ». 

Ngày 10/03/2020, tạp chí Nhân Vật (Ren Wu) ở Hoa lục đăng bài phỏng vấn bác sĩ Ngải Phân với tiêu đề « Phát tiêu tử đích nhân » (Những người thổi sáo cảnh báo). Chỉ ba tiếng đồng hồ sau khi đăng, bài báo đã bị gỡ bỏ.

Những cố gắng của chế độ Bắc Kinh nhằm dập tắt tiếng nói của những người cảnh báo là một vết nhơ khó thể xóa nhòa. Ba tuần lễ quý giá ấy bị mất đi, giúp cho con virus độc hại lan tràn với tốc độ khủng khiếp, vượt qua các biên giới. Trong lúc đó Trung Quốc gây sức ép lên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để làm chậm trễ việc tuyên bố đại dịch.

Tâm chấn chuyển sang phương Tây, Trung Quốc muốn trở thành hình mẫu

Sau những đau thương ở Vũ Hán, trung tâm đại dịch chuyển sang châu Âu rồi đến Hoa Kỳ. Tập Cận Bình muốn lợi dụng sự đảo ngược tình hình này để chuyển bại thành thắng. Cách đây hai tháng, ông Tập cho rằng đại dịch « là một thử thách quan trọng cho hệ thống Trung Quốc và năng lực quản lý », cho rằng thử nghiệm này đã thành công, và Trung Quốc phải được coi là mô hình để thế giới noi theo.
Cây bút bình luận Sylvie Kauffmann của Le Monde nhận định « Cuộc chiến đấu chống virus corona còn lâu mới kết thúc, Trung Quốc đã sai lầm khi ca khúc khải hoàn quá sớm ». 

Bức tranh toàn cảnh thật ấn tượng. Tại Hoa Kỳ, tổng thống Donald Trump đã phải nhìn nhận thực trang sau khi cố giảm thiểu tác hại của con « virus Vũ Hán ». Số người chết phá tất cả mọi kỷ lục, lượng người thất nghiệp bùng nổ, nhân viên y tế thiếu thốn các trang bị.

Châu Âu cũng không hơn gì tuy mạng lưới y tế ra sức chống chọi và có hệ thống an sinh xã hội. Sự tranh giành mua khẩu trang, máy thở…biến thành cuộc chiến tương tàn giữa các thống đốc tiểu bang và chính quyền liên bang Hoa Kỳ, giữa các quốc gia thành viên của Liên Hiệp Châu Âu. Sau nhiều cuộc hội nghị truyền hình, các nước EU cố vượt qua bất đồng để chia sẻ gánh nặng kinh tế. Châu Âu biết rằng chỉ có thể trông cậy vào chính mình : tính lãnh đạo của Mỹ không còn nữa.

Lợi dụng dịch bệnh, Trung Quốc sẽ đi xa hơn trên Biển Đông ?

Đó là lúc Trung Quốc bắt đầu « hành tẩu giang hồ ». Khi Vũ Hán ra khỏi tình trạng phong tỏa, Bắc Kinh xuất hiện khắp nơi, trên mọi lãnh vực từ nhân đạo cho đến thương mại, tỏ ra quan tâm đến việc giúp đỡ các nước trên thế giới đang tuyệt vọng, sau khi tung hê con virus corona sang họ.

Hình ảnh những chiếc máy bay Trung Quốc giao khẩu trang và thiết bị y tế cho các nước châu Âu được các đại sứ Trung Quốc lan truyền trên mạng xã hội khắp thế giới một cách hãnh tiến, trong một chiến dịch tuyên truyền đại quy mô. Bất chấp sự thật là chính các quốc gia châu Âu đã hào hiệp viện trợ y tế cho Trung Quốc hồi tháng Giêng và tháng Hai nhưng không hề khoe khoang.

Ý là mục tiêu ưu tiên : Roma năm 2019 đã ký thỏa thuận nguyên tắc tham gia « Con đường tơ lụa mới ». Tập Cận Bình còn cho biết cũng sẽ hào phóng giúp đỡ Hoa Kỳ - một chiến dịch « quyền lực mềm » khổng lồ. Nga cũng cố gắng đóng một vai trò.

Khi làm bật lên sự lệ thuộc của phương Tây về dược phẩm thiết yếu và thiết bị y tế, con virus corona đã giúp Trung Quốc đóng lại vai trò trung tâm. Tập Cận Bình cho rằng thời cơ đã đến, cần phải chứng tỏ sự hiệu quả của mô hình Trung Quốc. Liệu ông ta sẽ đi xa hơn hay không, có thúc đẩy lợi thế mang tính chiến lược ? Washington lo ngại điều này, sau khi một tàu hải cảnh Trung Quốc đã tông chìm một tàu đánh cá của Việt Nam trên Biển Đông vào tuần trước.

« Con đường tơ lụa y tế » trước hết đi qua trụ sở WHO ở Genève

Tuy nhiên phải chăng như tiêu đề của Le Monde, Bắc Kinh đã ca khúc khải hoàn quá sớm ?

Dù các con số được Trung Quốc công bố cho thấy có vẻ hiệu quả hơn các nước dân chủ - buộc phải minh bạch – không có gì chứng tỏ lợi thế này tồn tại nếu sự thật được kiểm chứng. Cũng chưa biết được thế giới sẽ trỗi dậy như thế nào sau thảm họa kinh tế, ai thắng ai bại, cũng như tác động đến chế độ chính trị.

Cuối cùng nếu xem xét kỹ, « ngoại giao dịch tễ » của Trung Quốc nổi bật nhờ sự ủng hộ nhiệt tình của Tổ chức Y tế Thế giới, mà giờ đây mới thấy được hậu quả. Nhà Trung Quốc học Alica Ekman đã phân tích bài diễn văn hôm 18/08/2017 tại Bắc Kinh của tổng giám đốc WHO, vài ngày sau khi được bầu lên nhờ sự hỗ trợ của Trung Quốc. Thật khủng khiếp : hơn một chục lần ông Tedros Adhanom Ghebreyesus lặp lại y nguyên « các cụm từ chính thức, quan điểm và cơ chế của chính quyền Trung Quốc ».

Tờ báo kết luận, « Con đường tơ lụa y tế » trước hết đi qua Genève, trụ sở của WHO và hệ thống Liên Hiệp Quốc.

Cũng cần nói thêm, kiến nghị đòi tổng giám đốc WHO từ chức trên trang change.org đến ngày 08/04/2020 đã thu thập được gần 750.000 chữ ký.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.