mercredi 17 septembre 2014

Đại gia Trung Quốc mơ thiên đường tư bản

Gian tập thể dục khang trang của đại học Thiên Tân, với các lều dành cho phụ huynh và SV năm I qua đêm. Nhưng nguời giàu TQ vẫn thích cho con đi du học nước ngoài.
Đăng ngày 17-09-2014


Phụ trang kinh tế của Le Monde hôm nay 17/09/2014 nhấn mạnh « Những người Trung Quốc giàu nhất mơ rời khỏi đất nước ». Theo một cuộc thăm dò của Barclays, phân nửa số nhà giàu Trung Quốc muốn ra nước ngoài định cư trong năm năm tới. Giáo dục, y tế, an ninh : đó là những lý do khiến họ muốn rời bỏ Hoa lục.

Thông tín viên Le Monde tại Thượng Hải nhận định, sự thành công đối với những người Trung Quốc giàu có nhất chính là việc có thể xách vali ra khỏi tổ quốc. Theo thăm dò công bố hôm 15/9 của Barclays, có đến 47% người giàu nhất Trung Quốc muốn ra nước ngoài định cư trong 5 năm tới. Để so sánh, chỉ có 20% người Anh, 6% người Mỹ và 5% người Ấn giàu có nhất nghĩ đến việc ra đi.


Ngân hàng Anh đã đặt câu hỏi với 2.000 người ở 23 nước có tài khoản trên 1,5 triệu đô la, và trong số đó có 200 người sở hữu trên 15 triệu đô la. Hướng đến ưa chuộng nhất đối với nhà giàu Trung Quốc là Hồng Kông, với 30% muốn sang đặc khu này sinh sống. Được trao trả cho Trung Quốc năm 1997, cựu thuộc địa Anh được hưởng các quy chế đặc biệt ; chất lượng giáo dục và y tế cũng như Nhà nước pháp quyền tại đây khiến hàng tỉ người dân Hoa lục phải mơ ước.

Trong thứ tự tiếp theo là các quốc gia dễ dàng cho nhập tịch như Canada, với 23% người giàu Trung Quốc cho biết muốn sang định cư. Tuy vậy Ottawa trong những tháng gần đây đã giảm số hồ sơ xử lý vì bị tràn ngập trước vô số đơn xin của công dân Trung Quốc.

Trong số động cơ để ra nước ngoài sinh sống, giáo dục và cơ hội việc làm cho con cái được đặt lên hàng đầu, chiếm 78%. Tiếp theo là bối cảnh kinh tế và an ninh (73%), chất lượng y tế và dịch vụ công. Le Monde nhận xét, tuy bảng xếp hạng của OCDE về trình độ học môn toán, khoa học và sức đọc của các thiếu niên 15 tuổi đặt Thượng Hải đứng hàng đầu thế giới, nhưng bản thân người dân Trung Quốc lại không tin tưởng vào bảng xếp hạng này. Họ chỉ trích cách dạy từ chương, làm hại cho óc sáng tạo ở Hoa lục.

Trong bối cảnh đó, ai có khả năng đều phải tìm cách kiếm một chỗ cho con cái đi du học ở ngoại quốc. Tập Minh Trạch (Xi Mingze), con gái của đương kim Tổng bí thư Tập Cận Bình cũng đang học ở Havard. Điều này không ngăn trở cha cô kêu gọi củng cố ý thức hệ của đảng cộng sản tại các trường đại học Trung Quốc.

Để có được một chỗ cho con trong các trường đại học ngoại quốc sáng giá, các đại gia Trung Quốc tỏ ra hào phóng. Nhà sáng lập đế chế bất động sản Soho ở Trung Quốc, hai vợ chồng tỉ phú Phan Thạch Ngật (Zhang Xin) và Trương Hân (Pan Shiyi) đã tặng đại học 15 triệu đô la hồi mùa hè này. Tuy một số cư dân mạng chỉ trích, nhưng nhiều người nhìn nhận nếu ở vào vị trí các đại gia này, thì họ cũng sẽ làm y như thế.

Vấn đề an ninh cũng là mối lo hàng đầu của các nhà giàu Trung Quốc. Tuy có được cơ hội làm giàu, nhưng sự thiếu vắng bảo đảm về luật pháp khiến họ không thể ngủ yên, nhất là tại Trung Quốc đặc biệt khó khăn khi muốn làm ăn mà không dính dáng đến tham nhũng.

Tình hình này làm gia tăng hiện tượng « lõa quan », các quan chức đã gởi vợ con ra nước ngoài và bản thân sẵn sàng phóng ra sân bay nếu biết sắp bị « sờ gáy ». Đảng nay đang nhắm đến các « lõa quan » này : trong tháng Bảy, chỉ riêng tỉnh Quảng Đông nhận dạng được 2.190 vị, trong đó có 866 quan chức bị sa thải ngay.

Đối với Andrew Lin, phụ trách châu Á của Access the USA, một tổ chức đề nghị các dự án đầu tư vào Mỹ cho những người muốn định cư, « chính là cuộc tìm kiếm một cuộc sống bảo đảm đã thúc đẩy người Trung Quốc ra đi ». Môi trường xuống cấp, các xì-căng-đan thực phẩm bẩn cũng là những nhân tố khiến họ không còn muốn sinh sống ở Hoa lục. Tuy vậy nhà phân tích Liam Bailey của Knight Frank ở Luân Đôn cho rằng do hiện đang kiếm tiền khá dễ tại Trung Quốc, nên các đại gia vừa tìm kiếm tấm hộ chiếu nước ngoài nhưng vẫn tiếp tục kinh doanh tại Trung Quốc.

Đạt La Lạt Ma đầu thai : Bắc Kinh lo sợ

Cũng về Trung Quốc, thông tín viên của Le Monde tại Bắc Kinh nhận xét : « Bắc Kinh lo ngại về việc đầu thai của Đạt Lai Lạt Ma ». Khi trả lời Welt am Sonntag, bản ra ngày Chủ nhật của tờ báo Đức Die Welt hôm 7/9, ngài đã nói : « Chúng tôi có một Đạt Lai Lạt Ma từ gần năm thế kỷ. Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 ngày nay rất nổi tiếng, như vậy cần kết thúc ở đây. Một Đạt Lai Lạt Ma yếu kém sẽ là một sự thất sủng cho định chế ».

Ngay lập tức, Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố, Trung Quốc giữ quyền quyết định về « đức tin và tôn giáo », kể cả « việc tôn trọng và bảo vệ các nghi thức chuyển tiếp trong Phật giáo Tây Tạng ». Có nghĩa là Đạt Lai Lạt Ma không thể tự mình quyết định người kế nghiệp.

Theo tờ báo, cuộc xung đột này không hề mới mẻ. Một Trung Quốc cộng sản luôn tự cho là người giám sát cát thủ tục tái sinh tại Tây Tạng để kiểm soát. Trong cuốn « Dragon in the land of snow, A history of modern Tibet since 1947 » xuất bản năm 1999, nhà sử học lớn của Tây Tạng Tsering Shakya thuật lại rất cụ thể các mưu mẹo của Bắc Kinh trong việc chỉ định Ban Thiền Lạt Ma khác có lợi cho mình. Nhờ thủ đoạn này, năm 1995 một cậu bé đã được đưa lên ngôi vị này, mà cho đến nay vẫn bị người Tây Tạng coi là giả mạo. Trong khi đó, vị Ban Thiền được chọn lựa trong bí mật ở tu viện Tashilhunpo đã bị bắt cóc.

Phản ứng về bài trả lời trên báo Đức, Chimme Rinzin Choekyapa, thư ký của Đạt Lai Lạt Ma tuyên bố hãy còn quá sớm để nói về sự đầu thai của ngài, vì sức khỏe của Đạt Lai Lạt Ma hiện rất tốt. Rinzin nhắc lại rằng năm 2011 ngài cũng đã loan báo là quan tâm đến việc tái sinh vào khoảng năm 90 tuổi. Thế mà Đạt Lai Lạt Ma hiện vừa tròn 79 tuổi mà thôi.

Trung Quốc thẳng tay với những tiếng nói ôn hòa Duy Ngô Nhĩ

Cũng về Trung Quốc, Le Figaro chú ý đến « Tohti, tiếng nói ôn hòa của người Duy Ngô Nhĩ bị đưa ra tòa ». Nhà trí thức lỗi lạc này bị kết tội ly khai và có nguy cơ bị lãnh án khổ sai chung thân. Bắc Kinh ngày càng cứng rắn hơn trong chính sách đối với các dân tộc thiểu số.

Bị bắt hồi tháng Giêng, Ilham Tohti bị xét xử hôm nay tại Urumqi, thủ phủ Tân Cương. Ông bị kết tội « phản loạn », và dưới mắt Bắc Kinh thì rõ ràng là ông có tội, vấn đề là bản án nặng đến mức nào mà thôi. Theo Le Figaro, tuy Ilham Tohti sẽ thoát án tử, nhưng ông có thể bị kết án từ 10 năm tù giam cho đến chung thân khổ sai.

Luật sư của ông, Li Fangping cho biết : « Ilham không ảo tưởng về phiên tòa. Các tội trạng bị gán cho ông không hề có cơ sở. Ông đã thành lập một trang web để bày tỏ quan điểm về các vấn đề của Tân Cương, đây không hề là một hành động hay yêu sách ly khai ».

Là người sáng lập trang web uighurbiz.net, một trang mạng thông tin bằng tiếng Hoa và tiếng Duy Ngô Nhĩ, Tohti thường xuyên bị giám sát , đặc biệt là những lúc ông đến Tân Cương. Bị mặc nhiên cấm rời Hoa lục, ông đã bị nằm trong tầm ngắm của chính quyền từ nhiều năm qua.

Sau khi ông bị bắt, bộ máy khủng khiếp nhằm nghiền nát tù nhân của chính quyền Trung Quốc bắt đầu khởi động. Bị quản giáo cấm theo chế độ ăn kiêng halal của người Hồi giáo, ông tuyệt thực và được cấp cho vài cái bánh, sau đó không được cho ăn trong vòng 10 ngày. Tohti sụt mất 17 kí lô. Bị hoại thư ở chân vì bị cùm ngày cũng như đêm, ông di chuyển rất khó khăn. Luật sư cho biết : « Chúng tôi đã yêu cầu nhiều lần đòi gỡ cùm sắt, nhưng luôn đụng phải một bức tường. Hôm thứ Hai ông Ilham bị cúm, chúng tôi đã gởi quần áo mùa đông cho quản giáo, nhưng họ không đưa cho ông dù trong nhà tù đang lạnh khủng khiếp ».

Là nhà kinh tế giảng dạy tại trường đại học Bắc Kinh danh tiếng, nhà đấu tranh không mệt mỏi cho quyền của người Duy Ngô Nhĩ, Ilham Tohti là tiếng nói duy nhất từ bên trong Hoa lục. Tuy luôn thận trọng không đòi độc lập cũng như tự trị cho Tân Cương, nhưng ông tố cáo việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ.

Tohti được nhiều trí thức và nhà tranh đấu cho cải cách ủng hộ. Nhưng tiếng nói của ông đã bị rơi vào im lặng bởi các vụ tấn công của những người Duy Ngô Nhĩ cực đoan tại Tân Cương và Trung Quốc trong một năm qua. Thay vì đối thoại với những người ôn hòa, Bắc Kinh đã chọn lựa đàn áp thô bạo Tân Cương. Nicholas Bequelin, phụ trách Human Rights Watch ở Hồng Kông nhận định : « Việc kết tội nổi loạn cho Tohti là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh cứng rắn hơn về vấn đề Duy Ngô Nhĩ. Điều này có nghĩa Trung Quốc đã đốt tất cả các nhịp cầu nối với các tiếng nói ôn hòa trong chính sách người thiểu số ».

Le Figaro kết luận, khi dập tắt phe ôn hòa, Bắc Kinh đã trao tặng chiến thắng cho « phe khủng bố Hồi giáo » mà họ đang phải chiến đấu.


Khi đàn ông Nhật vào bếp

Cũng tại châu Á trên lãnh vực xã hội, phụ trang kinh tế của Le Monde trong bài « Tại Tokyo, nam giới vào bếp » cho biết các cơ sở dạy gia chánh cho đàn ông đã nở rộ trong thời gian gần đây và đều làm ăn khấm khá, chứng tỏ đã có một sự mềm dẻo đối với vị trí của nam và nữ trong xã hội Nhật.

Khai trương từ ngày 1/9, Shoku-G (đọc là shokuji tức bữa ăn trong tiếng Nhật, mở cách buổi dạy gia chánh riêng cho phái nam, nhắm vào những người về hưu muốn phụ vợ và con cháu một tay, hay những nhân viên muốn tự nấu để ăn uống đầy đủ. Trong khi từ trước đến nay, các khóa học gia chánh chỉ dành cho các thiếu nữ sắp lấy chồng. Shoku-G còn đề nghị gentlemen’s cooking cho các ông để biết cách phối hợp giữa các món ăn và rượu.

Một công ty hàng đầu về cooking studio là ABC có 124 chi nhánh nay cũng nhắm vào khách hàng nam từ ngày 1/4, và đã có trên 6.000 người đăng ký học. Các lớp gia chánh còn biến thể thành các gokon, những bữa tiệc tối để tạo điều kiện gặp gỡ giữa năm người nam và năm phụ nữ.

Tuy chi phí khá đắt, nhưng các công thức trên đây rất thành công. Điều này cho thấy đã có một sự linh hoạt giữa quan hệ nam giới và nữ giới trong xã hội Nhật Bản bảo thủ. Thủ tướng Shinzo Abe coi việc đấu tranh cho bình đẳng giới là một phần quan trọng trong chính sách của ông. Ngày đầu tiên trong Đại hội thế giới vì phụ nữ hôm 12/9 ở Tokyo, ông Abe cho biết trong kỳ nghỉ mát, khi vợ ông nấu ăn thì ông rửa chén.

Tàu ngầm : Một cuộc chiến mới 

Nhìn ra thế giới, đặc phái viên Le Monde trong phần hai « Cuộc chiến tàu ngầm mới » của bài phóng sự « Một tháng dưới đáy biển », nhà báo nữ đầu tiên hiện diện trong một chiếc tàu ngầm nguyên tử đang làm nhiệm vụ nhận xét, dưới đáy biển sâu, không có bạn hữu cũng không có kẻ thù, nhưng mỗi giây phút đều luôn phải cảnh giác.

Một sĩ quan hải quân của tàu ngầm nguyên tử Perle (Trân Châu) của Pháp nhận định, trong lúc các phương tiện chiến tranh điện tử ngày nay nằm trong tầm tay của nhiều nhân tố khác nhau, tàu ngầm là phương tiện duy nhất để có thể đi đến một nơi nào đó mà không bị phát hiện. Ngày nay, hành tinh chúng ta chằng chịt đầy những vệ tinh và máy bay không người lái, tuy vậy những người lính trong tiềm thủy đĩnh có được đặc quyền ưu tiên là sống trong bí mật tuyệt đối.

Trang nhất báo Pháp : Khó khăn của chính phủ cánh tả

Thời sự trong nước chiếm lĩnh trang nhất các báo Paris hôm nay. Nếu Le Monde cho rằng « Các đề nghị quá đáng của Medef (hiệp hội giới chủ Pháp) gây trở ngại cho chiến lược của Thủ tướng Manuel Valls », thì Le Figaro chạy tựa « Valls : Mức tín nhiệm co rút lại như tấm da lừa ». Tờ báo kinh tế Les Echos cảnh báo « Sau cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, ông Valls đối diện với bức tường nợ ». Nhật báo cộng sản L’Humanité cho rằng quan điểm của Thủ tướng Pháp « vừa thiểu số trong Quốc hội, vừa là thiểu số trong cả nước ».

Trên lãnh vực xã hội, nhật báo Libération nói về « Nước Pháp ngoại vi », một cuốn sách của nhà địa lý học Christophe Guilluy, chỉ trích đảng xã hội đã để cho giới bình dân sống ở vùng ngoại ô xa trung tâm đô thị ngày càng xa rời cánh tả để quay sang với phe cực hữu.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20140917-dai-gia-trung-quoc-mo-thien-duong-tu-ban/ 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.