Affichage des articles dont le libellé est Việt Nam Cộng Hòa. Afficher tous les articles
Affichage des articles dont le libellé est Việt Nam Cộng Hòa. Afficher tous les articles

mardi 2 avril 2024

Tôn Nữ Thu Dung - Những Ngày Của Tháng Tư

 

(Tặng Ba, người đã dạy con chữ nhân và Mẹ, người đã tập con chữ nhẫn.)

Ngày 2 tháng Tư, tôi mất Nha Trang.

Đêm trước, ba tôi không về nhà, ông ở lại nhiệm sở để đốt hồ sơ nhân viên. Mẹ bảo tôi mang Coramine và các loại thuốc Tension lên cho ông. Tôi với chiếc Cady nhỏ xíu đi trong một thành phố hoảng loạn…

Trước đó anh rể tôi đã giữ chỗ cho cả nhà trên một chiếc tàu hải quân neo ở Cảng Cầu Đá trước mặt Đội phòng thủ hải cảng. Nhưng ba tôi nói : Ba chưa đi được đâu. Ba còn nhiều việc. Con cứ lo cho gia đình con, ba sẽ đi sau… Sau đó nhiều năm anh kể: anh đã khóc như con nít, uất ức như năm 74 khi tàu anh ra gần tới Hoàng Sa thì nhận lệnh quay về. Nếu gia đình mình cùng đi thì ba đâu có chết.

lundi 1 avril 2024

Thọ Nguyễn - Tháng Tư, ám ảnh lý lịch

 

Từ bé tôi đã mang trên người một bản lý lịch « đẹp ». Ba má tôi tham gia kháng chiến chống Pháp ở Liên khu 5 rồi ra Bắc tập kết. Với bản lý lịch đó tôi có cuộc đời khá êm đẹp so với nhiều bạn bè.

Với năng lực chuyên môn của mình nhẽ ra tôi có thể làm quan to, thậm chí rất to và nếu khôn ngoan có thể hạ cánh an toàn, nhà cao cửa đẹp. Đến giờ tôi vẫn là anh thợ cần cù làm việc là do cá tính của mình chứ hoàn toàn không phải vì lý lịch.

Nếu như với tôi bản lý lịch là đôi cánh cho cuộc đời, thì đối với nhiều người Việt khác lý lịch lại là một cái gông, là một nỗi ám sảnh mỗi khi phải nghĩ đến nó. Hồi những năm 1960 ở Hà Nội tôi luôn cảm thông với những đứa trẻ bị thiệt thòi vì lý lịch « xấu ». Ví dụ như thằng Hà con ông Kỷ nhà số 8 Lê thánh Tông [1], hay thằng Min con ông Cần ở số 5 Phan Huy Chú [2], hay thằng Hùng Gã Đầu Bạc con nhà Cự Hương ở 35 Hàng Đào.

dimanche 31 mars 2024

Trịnh Đình Sĩ - Viên Ngọc Giữa Thành Phố

 

Bất cứ ai tự cho rằng mình là dân Sài Gòn chính gốc, đều không thể nói mình không biết tấm ảnh này thể hiện hình ảnh khu vực nào của thành phố đáng yêu ngày xưa trong lòng chúng ta. Ngay cả người không phải dân địa phương cũng vẫn biết!

Quá nhiều những cái tên, quá nhiều những ký ức, quá nhiều những kỷ niệm mà bất cứ ai, trong đời mình suốt thời quá khứ và đến cả bây giờ, như tôi và như nhiều bạn khác, một khi vẫn còn ở đây đều có thể nhớ ra.

Người phụ nữ trẻ trong ảnh đang đứng nơi vỉa hè thương xá Tax. Trước khi có nó, tại Sài Gòn cho tới 1945 thì cửa hàng Courtinat nằm ở ngã ba Catinat – Général Dupré (Về sau là Tự Do – Thái Lập Thành) do vợ chồng ông bà Auguste và Caroline Courtinat dựng lên vào năm 1893 với tên Bazar Saigon, mới là số 1 trong ý nghĩa một điểm tập trung bán hàng rộng lớn và rộng rãi cho giới thượng và trung lưu của thành phố.

Cẩm Hồng - Sài Gòn trong ký ức trước 1975

 

Gia đình bên ngoại tôi có cơ ngơi làm ăn vững chắc ở Sài Gòn. Ai đã từng ở trung tâm Sài Gòn mà không biết đến nhà hàng Thanh Thế nổi tiếng một thời.

Ông chủ nhà hàng Thanh Thế là con trai của chủ quán Trung Thành trong vùng Gia Định cũng nức tiếng không kém. Ông chủ Thanh Thế cũng là anh em cô cậu với má tôi. Tôi gọi ông Thanh Thế là cậu vì mẹ cậu và bà ngoại tôi là hai chị em ruột. Ba tôi làm việc cho nhà hàng từ buổi đầu khai trương.

Má tôi có sở thích yêu văn học nghệ thuật nên hay đọc truyện, báo chí văn nghệ, thích coi kịch, mê cải lương. Thời đó những tên các đoàn hát: Hoa Anh Đào Kim Chưởng, Kim Chung 1,2,3 và đặc biệt Thanh Minh Thanh Nga là má thuộc nằm lòng tên từng nghệ sĩ, và mê nhất những vở cải lương xã hội của đoàn Thanh Minh Thanh Nga.

samedi 30 mars 2024

Nguyễn Đắc Kiên - Trí thức hay nô bộc ?

 

Đọc cùng lúc các cuốn giáo trình luật của giáo sư Vũ Văn Mẫu (xuất bản ở Sài Gòn những năm 1960-1970) và các cuốn giáo trình của một đại học được coi là hàng đầu về luật ở TP.HCM (*) bây giờ, chưa cần đi sâu vào nội dung, nhìn vào tâm thế người viết thôi, tôi đã có thể chỉ ra một sự khác biệt rõ rệt.

Trong khi với những người như giáo sư Vũ Văn Mẫu, Hiến pháp 1956, 1967, cũng như các sắc luật khác, của Việt Nam Cộng Hòa, là đối tượng phê phán trong các bài giảng về pháp luật, mà ở đó, các giáo sư đại học như những vị thần linh trong ngôi đền thiêng khoa học chỉ tay phán xét công việc của người phàm (chính quyền).

Thì ngược lại, với “các giáo sư đại học ngày nay” (**) (trong các cuốn giáo trình luật mà tôi đã đề cập ở trên), các bản Hiến pháp, các sắc luật, kể cả các chủ trương, chính sách của chính quyền, lại như những cuốn thánh kinh. Mà ở đó, các thạc sĩ, tiến sĩ, các nhà khoa học của chúng ta, chỉ có thể len lén nhìn vào. Rồi có trót lỡ nhận ra điểm nào sai quấy thì cũng phải hết sức nhẹ nhàng và mềm mỏng, thưa thốt lên (đấng tối cao “chính quyền”) rằng, có lẽ đó chỉ là “khiếm khuyết của lịch sử”.

vendredi 29 mars 2024

Tuấn Khanh - Tưởng nhớ nhà thơ Viên Linh

 

Nhà thơ Viên Linh đã rời cõi tạm, vào lúc 11 giờ sáng, ngày 28 Tháng Ba, tại Virginia, Hoa Kỳ, hưởng thọ 86 tuổi.

Viên Linh lớn lên và trưởng thành tại Sài Gòn. Sống bằng nghề cầm bút từ 1962, là Tổng thư ký Tòa soạn nhiều tuần báo chuyên về văn học nghệ thuật như Kịch Ảnh, Nghệ Thuật, Khởi Hành, Hồng, Thời Tập, Dân Ta … Là thư ký Tòa soạn Nhật báo Tiền Tuyến của Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị trong hơn 6 năm thi hành nghĩa vụ quân dịch, với các chủ nhiệm Lê Đình Thạch, Hà Thượng Nhân. Giải ngũ năm 1972.

Viên Linh là tác giả của hơn hai mươi cuốn sách trước 1975. Giải nhất Giải Văn chương Toàn quốc Việt Nam Cộng Hòa năm 1974 với tác phẩm Gió Thấp. Từ tháng 8 năm 1975, ông định cư tại Mỹ. Ông tiếp tục làm Chủ nhiệm Chủ bút nguyệt san Khởi Hành, Chủ Tịch Văn Bút Hải Ngoại 1991-1995.

lundi 25 mars 2024

Nguyễn Thông - Thời sự (2) : Chống tham nhũng

23.3

Đang ngồi uống chè (trà), Bình nói hôm nay rằm, đã mua gì cúng chưa. Rồi bảo bây giờ những kẻ vô thần nhất lại là đám cúng kiếng tợn nhất.

Bọn lý luận Mác Lênin thời này không cúng Mác Lê mà chỉ thắp hương khấn thần phật độ cho chúng tai qua nạn khỏi, thoát nạn, thoát lò tôn, giữ được chức tước và tiền bạc…

Y cười hỏi mày còn nhớ hồi miền Bắc trước 1975 không. Thời ấy, đọc báo Nhân Dân, nghe đài Tiếng nói Việt Nam, thấy cứ xảy ra chuyện hạ bệ người đứng đầu chính quyền Việt Nam Cộng Hòa ở Sài Gòn, hoặc ở bên Thái Lan thì phe ta rất mừng, gọi là đảo chính. Mừng bởi kẻ thù lục đục, đánh nhau, chúng không giữ được sự đoàn kết “như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

dimanche 24 mars 2024

Phạm Công Luận - Những từ ngữ nổi trôi

 

(Chuyện nhỏ về lời nói hằng ngày của một thời)

Hồi tôi còn nhỏ, lúc vốn hiểu biết còn ít ỏi (giờ cũng vậy) và chưa có định kiến với bất cứ điều gì, tôi thích âm thầm quan sát thế giới chung quanh mình. Thế giới của tôi là cái xóm nhỏ gần một ngôi chùa, hai khu cư xá, hai ngôi chợ và một cái nhà thờ.

Ở đó, gia đình tôi sống chung với đa số là người Nam, vài nhà gốc Bắc, một nhà có gia chủ là người Quảng Ngãi và một nhà có cô con gái lai Ấn, một nhà có người con rể người Hoa. Bước ra đầu hẻm, tôi chạm mặt ngay một trường trung học của ngũ bang người Hoa lập nên. Đám trẻ chúng tôi lớn lên trong môi trường đô thị đa dạng, chơi với nhau không bao giờ phân biệt từ đâu tới, không bao giờ lôi gốc gác, ngôn ngữ hay nghề nghiệp cha mẹ ra nói.

Trong cuộc sống như vậy, chúng tôi dung nạp đủ thứ từ ngữ ngoài đời. Ở đây không phải là những từ chửi rủa thô tục, mà là từ ngữ để dùng hàng ngày, lạ tai, miễn sao có thể hiểu nhau.

mardi 19 mars 2024

Nguyễn Văn Tuấn - Tiếng Việt thời nay

Hôm nay, tôi nhận được một email của một người Sài Gòn mở đầu bằng chữ “Kính gởi …” (thay vì ‘kính gửi’). Mát dạ ghê nơi! Và, làm tôi có cảm hứng thổ lộ vài tâm tình về tiếng Việt ngày nay.

Tôi là người lớn lên với Tiếng Việt thời trước 1975, tức là Tiếng Việt trong Tự Lực Văn Đoàn của những Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam, v.v…Đó cũng là tiếng Việt của các tiền bối như Hoàng Xuân Hãn, Phạm Quỳnh, và sau này là Mai Thảo cùng nhóm tạp chí Bách Khoa lừng danh một thời. Đó cũng chính là Tiếng Việt thời 1945 và sau này được gìn giữ ở trong Nam.

Thời đó, chúng tôi nói và viết Tiếng Việt theo thứ tự tự nhiên. Chẳng hạn như chúng tôi được dạy là 'hôi thúi' (hay 'hôi thối') vì một vật thể khi bị chết đi, nó đi từ 'hôi' mới đến 'thúi.' Chúng tôi nói 'khai triển' (khai trương rồi mới phát triển). Các thầy dạy cho biết đó là cách nói của người Việt được coi là thuận với thiên nhiên.

mercredi 13 mars 2024

Nguyễn Chương - Ngày mốt 15/03/2024 : Lễ giỗ Hai Bà Trưng lần thứ 1981

 

(Nhằm ngày 6 tháng Hai âm lịch năm 2024, cách đây 1981 năm Hai Bà Trưng tuẫn tiết: 6 tháng Hai âm lịch, năm 43)

1/ Hôm 8 tháng Ba (ở nước Việt Nam đời nay gọi là mừng ngày Quốc tế phụ nữ), tôi cảm thấy nặng lòng. Chuyện gì nên nỗi? Rảo trên mạng, trên Facebook, tôi thấy những dòng viết như sau: "Kỷ niệm ngày Hai Bà Trưng nổi lên khởi nghĩa: 8 tháng 3 năm 40"!

Thấy gì? Hậu quả nhãn tiền của việc lắp ghép "Kỷ niệm 8/3 với Khởi nghĩa của Hai Bà Trưng", trộn lại với nhau.

dimanche 10 mars 2024

Nguyễn Mỹ Khanh - Điều gì tạo ra vẻ đẹp của “Hòn Ngọc Viễn Đông”?

 

Không chỉ là vẻ đẹp thơ mộng từ những đường cong uốn lượn mềm mại của các dòng sông chảy trong lòng thành phố.

Không chỉ là không gian đô thị xanh mát với những con đường rợp bóng bởi hai hàng cây cao, lao xao tiếng lá reo xen lẫn tiếng chim, lá me bay, hoa dầu bay rợp trời vào những chiều lộng gió.

Không chỉ là những tòa nhà với kiến trúc mang vẻ đẹp hài hòa với không gian, cố ẩn mình trong không gian (chứ không phô trương lồ lộ), tinh tế tới từng đường nét trang trí nhỏ nhất.

vendredi 8 mars 2024

Nguyễn Đình Bổn - 8 tháng Ba ghép với Hai Bà ?

 

Tôi thật sự không hiểu vì sao một (hai) nhân vật lẫy lừng trong lịch sử Việt như vậy nhưng vẫn chưa được nhà nước vinh danh thành một ngày Quốc lễ.

Mà nhiều nơi vẫn ghép ngày 8 tháng Ba chung với ngày kỷ niệm 6 tháng Hai âm lịch, ngày mà theo lịch sử, Hai Bà tuẫn tiết tại dòng sông Hát.

Nếu được chọn một nhân vật lịch sử xứng đáng nhứt cho tinh thần quật khởi chống Tàu, tui sẽ chọn Hai Bà Trưng mà không ngần ngại.

jeudi 7 mars 2024

Nguyễn Chương - Bùng binh : Duyên nợ phương Nam

Ta nói, ở Sài Gòn này, gặp khá nhiều bùng binh.

Như bùng binh hằm giữa hai đại lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi, bùng binh ngã sáu Phù Đổng, bùng binh chợ Bến Thành, bùng binh Cây Gõ, bùng binh trước bưu điện Chợ Lớn, bùng binh ngã bảy Lý Thái Tổ, bùng binh ngã tư giữa đường Hùng vương (trước 75: Hồng Bàng) và đường Châu Văn Liêm (trước 75: Tổng đốc Phương) v.v...

"Bùng binh" là gì vậy?

1/ Nhiều người từng biết đến câu chuyện về Bùng binh Bồn Kèn, vào thập niên 20 và 30 của thế kỷ XX. Bùng binh này nằm phía trước Tòa Thị chính (nay là UBND TPHCM), giữa hai đại lộ Charner (sau đổi tên: Nguyễn Huệ) và Bonard (sau này: Lê Lợi).

dimanche 3 mars 2024

Dương Quốc Chính - Phim tuyên truyền this và that

 

Cũng là phim tuyên truyền nhưng ngày xưa làm hay hơn bây giờ rất nhiều. Ví dụ như Cánh đồng hoang, Ván bài lật ngửa, Biệt động Sài Gòn...Hồi bé mình xem mấy phim đó cảm thấy nó sống động như bước chân vào cuộc sống thời ấy.

Ván bài lật ngửa Biệt động Sài Gòn là phim nhiều tập, bao cảnh rộng lớn, quay trong thời gian rất dài, đến nỗi diễn viên già hẳn đi. Nhưng từ diễn xuất đến phim trường đều rất thật.

Tất nhiên hồi bé, khi phim mới ra, thì mình ít có kiến thức lịch sử, nên không thể thấy sạn, nếu có. Nhưng kể cả sau này xem lại vẫn không thấy có sạn mấy, trừ những đoạn hơi phóng đại cho tuyên truyền, nhưng đại ý là nó không có những đoạn phi logic ngớ ngẩn như phim Đào. Hai phim này có lẽ là dạng bom tấn của điện ảnh xã hội chủ nghĩa.

samedi 2 mars 2024

Bông Lau - Những người Nga tử tế

Đám tang của thủ lãnh đối lập Nga Alexei Navalny hôm qua quy tụ hàng ngàn người tham dự trong thời tiết băng giá ở Mạc Tư Khoa. Khắp nơi quần chúng tụ tập tưởng nhớ một người trẻ tuổi can đảm dám đứng lên chống lại một bạo quyền sắt máu Vladimir Putin và chống cuộc chiến phi nghĩa ở Ukraine. Có hàng trăm người bị bắt vì bày tỏ lòng thương tiếc.

Cách đây mấy năm Alexei Navalny bị đầu độc nhưng được chính phủ Cộng Hòa Liên Bang Đức giúp di tản qua Đức chữa trị và cứu sống. Sau khi bình phục Alexei Navalny quay trở lại Liên Bang Nga để đấu tranh cho nền tự do dân chủ, nhưng anh bị bắt vào tù ngay và thọ án 19 năm.

Hơn một tuần trước Alexei Navalny bỗng đột ngột qua đời trong nhà tù Kharp ở vùng hoang vu cực bắc lạnh giá. Cả thế giới phẫn nộ và cho rằng Vladimir Putin đã giết Alexei Navalny trước cuộc bầu cử, để triệt hạ một mối đe dọa.

Thái Vũ - Hậu « Ga tàu thủy Bạch Đằng »

Câu chuyện "ga tàu thủy Bạch Đằng" đã yên ổn tốt đẹp rồi, vừa bụng bọn bàn phím Facebook lắm rồi. Nhưng cho nói một suy nghĩ gọi là hết nhẽ.

Từ khi thay tên Saigon bằng một tên khác, rồi sau đó thay tên hàng loạt con đường, không có ai không có bất kỳ một suy xét, cân nhắc nào tới tâm tư người dân Saigon, người miền Nam.

Chính cái đó tạo ra tâm lý đè nén để ra cớ sự "ga tàu thủy Bạch Đằng".

vendredi 1 mars 2024

Phan Xuân Trung - Cái bến ở Sài Gòn

Xưa kia Sài Gòn có nhiều sông rạch, giao thông đường thủy nhiều ; do đó có nhiều bến bãi cho ghe, tàu neo đậu. Các bến đó là Bến Thành, Bến Nghé.

Sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm thành lập, các tên đường phố Sài Gòn được chuyển đổi từ tên Tây sang tên Ta. Ông Ngô Văn Phát, nhà văn – bút hiệu Thuần Phong được giao nhiệm vụ đặt lại tên đường cho Sài Gòn.

Tất cả các tên đường được sắp xếp rất khoa học, có liên quan với nhau. Ví dụ đường Hai Bà Trưng và đường Thi Sách ở bên nhau, đường Hai Bà Trưng thì dài còn Thi Sách thì ngắn, nhỏ do công trạng trong lịch sử. Cô Giang, Cô Bắc, Nguyễn Thái Học được đặt gần nhau. Võ Tánh, Gia Long, Ngô Tùng Châu... ở gần nhau. Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Huệ được đặt cho các con đường lớn nhất...

jeudi 29 février 2024

Huỳnh Duy Lộc - Anh Việt Thu và “Người ngoài phố”

 

(Mấy ngày nay trên mạng rộ lên những phản hồi về việc đổi tên Bến tàu hay Bến Bạch Đằng thành Ga tàu thủy Bạch Đằng. Mình cũng có một bài viết về một nhạc phẩm lấy bối cảnh là công viên ở Bến tàu Bạch Đằng).

Anh Việt Thu tên thật là Huỳnh Hữu Kim Sang, sinh năm 1939, quê ở Cái Bè, An Hữu thuộc tỉnh Mỹ Tho. Sau một năm theo đoàn du ca Phù Sa do ông thành lập - gồm ông, Anh Việt Thanh, Hà Phương, Phạm Minh Cảnh - biểu diễn từ Cần Thơ ra đến Huế, ông về hoạt động văn nghệ ở Sài Gòn vào những năm 1970.

Nhà văn Nguyễn Đình Toàn đã viết về nhạc sĩ tài hoa yểu mệnh Anh Việt Thu: “Anh Việt Thu mất sớm. Những ngày còn làm việc tại Phòng Văn nghệ thuộc Tổng cục Chiến tranh Chính trị (do Thiếu tá Ðinh Thành Tiên, tức thi sĩ Tô Thùy Yên, làm trưởng phòng), Anh Việt Thu chỉ mới ngoài 30 tuổi; cùng làm việc trong Phòng Văn nghệ còn có nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, tức ca sĩ Nhật Trường.

dimanche 25 février 2024

Đặng Đình Mạnh - Mãi Lai Thục trong vụ án Tân Hiệp Phát

 

Tôi tin rằng, người từ trên 60 tuổi có thể đã từng nghe về Mãi Lai Thục (bán có thể chuộc lại), một từ Hán Việt. Nhưng người dưới tuổi ấy, có lẽ chưa từng nghe về Mãi Lai Thục trong đời để biết nó là gì.

Tôi may mắn, tuy chưa đầy 60 tuổi, nhưng cùng với nhiều bạn đồng môn đã từng được học về Mãi Lai Thục trong những ngày theo học chương trình cử nhân luật dưới những giờ giảng quý báu của cố tiến sĩ Đào Quang Huy, người thầy của nhiều thế hệ, kể cả những người từng theo học tại Trường Quốc Gia Hành Chánh từ trước những năm 1975.

Mãi Lai Thục là một chế định về loại khế ước rất đặc sắc của luật lệ điền sản Việt Nam từ trước năm 1945. Nguyên thủy, từ loại khế ước mua đứt, bán đoạn về ruộng đất, thì Mãi Lai Thục là thỏa thuận cho phép người bán ruộng đất có quyền chuộc lại trong một thời gian giao kết.

samedi 24 février 2024

Nguyễn Thông - Tết, lại nhớ xuân Mậu Thân (5)

Tôi (và chắc nhiều người lứa tôi) còn nhớ, sau “chiến công” Mậu Thân 1968, bộ máy tuyên truyền ở miền Bắc ca tụng dữ lắm.

Cứ như đài Tiếng nói Việt Nam, như các báo Nhân Dân, Quân đội Nhân dân (hồi thập niên 60 chủ yếu là hai tờ này, chứ báo địa phương hoặc báo của các tổ chức, đoàn thể khác đều không đáng kể) thì đây là đòn đánh bất ngờ, choáng váng, kỳ diệu, khiến kẻ thù (Mỹ và ngụy, hồi đó chính quyền Sài Gòn bị chết tên là ngụy) trở tay không kịp.

Đài hát suốt ngày, nào là “Tiến về Sài Gòn/ta quét sạch giặc thù/tiến về Sài Gòn/ta tiến về thành đô” (lời bài hát Tiến về Sài Gòn của Huỳnh Minh Siêng (Lưu Hữu Phước). Đoạn này về sau được dân chúng cải lời thành “Tiến về Sài Gòn/ta chiếm nhà mặt tiền/tiến về Sài Gòn/ta chiếm nhà thật toooo”.