Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama ngày 02/06/2016 đã
đề nghị Quốc hội phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển
(UNCLOS), nhằm đối phó với sự bế tắc trước hành vi độc chiếm Biển Đông
của Trung Quốc.
Phát biểu tại
Học viện Không quân Hoa Kỳ ở Colorado, ông Obama nhấn mạnh, Quốc hội nên
phê chuẩn công ước của Liên Hiệp Quốc, quy định việc giải quyết các
tranh chấp trên biển một cách hòa bình.
Trong nhiệm kỳ của tổng
thống Obama, căng thẳng về ngoại giao và quân sự đã tăng lên do Trung
Quốc cố áp đặt yêu sách chủ quyền lên hầu như toàn bộ Biển Đông - vùng
biển quan trọng cho giao thương quốc tế, đồng thời có nguồn tài nguyên
tiềm tàng rất lớn.
Biển Đông cũng là nơi mà Bắc Kinh tập trung nỗ
lực để chuyển đổi lực lượng hải quân từ việc phòng vệ vùng duyên hải
sang hoạt động ngoài khơi xa, để có thể phô trương sức mạnh răn đe trên
toàn khu vực. Các hoạt động quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông đã gây
lo sợ cho các láng giềng đang đòi hỏi chủ quyền, và dẫn đến một loạt các
động thái "ăn miếng trả miếng" giữa Bắc Kinh và Washington.
Tổng
thống Barack Obama đã ra lệnh cho Hải quân Hoa Kỳ tuần tra trong khu vực
để bảo vệ quyền tự do hàng hải. Nhà Trắng tin rằng việc Quốc hội không
phê chuẩn UNCLOS đã gây bất lợi cho chủ trương giải quyết hòa bình các
tranh chấp.
Ông Obama tuyên bố : « Nếu chúng ta thực sự quan
ngại trước các hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông, thì Thượng viện
phải hỗ trợ bằng cách phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển ».
Lời
kêu gọi của tổng thống Mỹ được đưa ra vào thời điểm nhạy cảm, lúc Tòa án Trọng tài Thường trực ở La Haye sắp quyết định về vụ Philippines kiện
Trung Quốc, và Bắc Kinh giận dữ tuyên bố là sẽ không chấp nhận phán
quyết.
Trong bối cảnh đó, tuần tới ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ
gặp gỡ ông Dương Khiết Trì, cố vấn cấp cao phụ trách vấn đề ngoại giao
của Trung Quốc, trong khuôn khổ Đối thoại thường niên Mỹ-Trung. Bản tin
ngày 02/06 của Tân Hoa Xã dẫn lời thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc bày
tỏ hy vọng Hoa Kỳ « giữ lời hứa không đứng về bên nào trong tranh chấp Biển Đông » và « chấm dứt mọi hành động khiêu khích » Bắc Kinh.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.