jeudi 30 août 2012

Bắc Kinh sứt mẻ uy tín do áp lực chủ nghĩa dân tộc trong nước

Bài đăng : Thứ năm 30 Tháng Tám 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 30 Tháng Tám 2012 
 
Trong bài viết mang tựa đề « Sự chia rẽ trong nội bộ Trung Quốc » đăng trên trang diễn đàn của nhật báo Le Figaro hôm nay, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách Đông Á, ông Christopher R.Hill nhận xét, hình ảnh của Trung Quốc trên trường quốc tế đã bị tổn thương vì chính sách đối ngoại thiếu nhất quán.

Tác giả viết, trong những năm gần đây, sự suy tàn của Hoa Kỳ đã được bàn đến rất nhiều, mà hệ quả là Trung Quốc có thể giành được ngôi vị cường quốc số một thế giới. Nhưng cho dù Hoa Kỳ phải đối mặt với những vấn đề cần khẩn trương giải quyết, nếu Trung Quốc muốn mở rộng tầm vóc quốc tế, chưa nói đến việc qua mặt Hoa Kỳ, thì trước hết cần chỉnh đốn trong nội bộ.

Gần đây Trung Quốc ngày càng dấn sâu vào những cuộc xung đột âm ỉ như hồi thế kỷ 19, với nhiều nước láng giềng Đông Nam Á, qua những yêu sách chủ quyền trên Biển Đông. Yêu sách « đường lưỡi bò 9 đoạn » này, chủ yếu nhằm chuyển toàn bộ Biển Đông thành vùng biển riêng của Trung Quốc, là thừa hưởng từ thời Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch.

Vì sao lại dựa vào ông thống chế này để làm cơ sở cho yêu sách ? Trung Quốc khẳng định Biển Đông thuộc về Trung Hoa từ nhiều ngàn năm trước, nhưng nguồn gốc các tranh chấp lãnh hải thì chỉ mới đây, liên quan đến việc quân phiệt Nhật chiếm đóng Đài Loan đến năm 1945. Thế là Trung Quốc mà nền văn hóa và những thành tựu được thế giới ngưỡng mộ, nay lại lao vào cuộc đấu võ mồm – có thêm vài chiến hạm hỗ trợ - với hầu như toàn bộ các nước láng giềng xung quanh, về một vấn đề lẽ ra cần phải là một tiến trình thương lượng quốc tế nghiêm chỉnh.

Theo tác giả bài viết, thì thái độ vụng về của Bắc Kinh tại Biển Đông chủ yếu là do bộ phận dân tộc cực đoan trong nước đã lên án các nhà lãnh đạo là « mềm yếu », đòi họ phải cứng rắn hơn. Chẳng hạn có thể thấy rõ sự trỗi dậy của khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa trong số 500 triệu người Trung Quốc sử dụng internet, với những châm biếm về « sự nhu nhược » của chính quyền trong việc bảo việc lợi ích đất nước.

Chính quyền Trung Quốc vô cùng nhạy cảm trước những chỉ trích này. Nếu một blogger đả kích chính phủ về việc đàn áp phong trào Pháp Luân Công, hay ủng hộ đối lập Tây Tạng, thì công an sẽ can thiệp ngay. Nhưng nếu giới blogger đưa ra lời kêu gọi sô-vanh nước lớn cho việc chinh phục các nguồn cung nguyên vật liệu mới, chính phủ hoan nghênh và tìm cách áp dụng.

Áp lực từ bên trong cũng đã đặt Trung Quốc vào tình thế khó khăn, trong những trường hợp khác. Nhiều quan sát viên quốc tế có thể bỏ qua cho thái độ của Trung Quốc tại Biển Đông, vì nhiều nước khác lớn cũng như nhỏ cũng có những tranh chấp trên biển với các láng giềng. Nhưng các nhân tố cực đoan Trung Quốc, từ cư dân mạng cho đến các định chế chính thức, đã góp phần làm cho tổng thể các hoạt động quốc tế của Bắc Kinh bị thiên hạ chê cười, từ các nước lân bang nhỏ bé cho đến các cường quốc trên thế giới.

Một ví dụ điển hình là sự ủng hộ không mệt mỏi của Trung Quốc đối với Bắc Triều Tiên – nước muốn sở hữu vũ khí nguyên tử. Không có bất kỳ quốc gia có trách nhiệm nào trên thế giới ngày nay có thể chấp nhận được thái độ của Bình Nhưỡng. Nhưng Bắc Kinh quan tâm quá nhiều đến chính sách đối nội, đến nỗi không thấy được cái giá phải trả cho việc không hề phản ứng trước làn sóng lên án sau mỗi hành động khiêu khích của Bắc Triều Tiên. Sự thản nhiên của Bắc Kinh trước vụ Bắc Triều Tiên tấn công quân sự vào Hàn Quốc năm 2010 chẳng hạn, đã khiến nước láng giềng này trở nên lạnh nhạt trong quan hệ song phương.

Chính sách không nhất quán của Trung Quốc bắt nguồn từ sự bất lực trong việc xác định đường hướng nội trị : nhiều người Trung Quốc vẫn xem Bắc Triều Tiên là nước anh em đồng minh.

Syria là sai lầm quốc tế gần đây nhất của Trung Quốc. Không ai chờ đợi Bắc Kinh có cùng quan điểm với châu Âu hoặc Hoa Kỳ trong hồ sơ này. Nhưng sự chọn lựa mặc nhiên đứng về phía đối địch – ngay cả khi điều này bất lợi cho lợi ích quốc gia – khiến người ta phải đặt câu hỏi, liệu Trung Quốc có đủ nội lực để đóng vai trò hàng đầu trên trường quốc tế ?

Apple kiện Samsung : Táo nuốt không trôi 

Cũng liên quan đến châu Á nhưng trên lãnh vực kinh tế, nhật báo cánh tả Libération có bài viết mang tựa đề « Seoul nuốt không nổi quả táo Apple ». Bản án phạt một tỉ đô la cho Samsung vì đã vi phạm bản quyền của tập đoàn Apple, Mỹ, đã đụng chạm đến lòng tự hào dân tộc của Hàn Quốc.

Bị tòa án Mỹ buộc phải bồi thường 1,05 tỉ đô la cho đối thủ cạnh tranh vì đã vi phạm 6 bằng sáng chế đã đăng ký cho iPhone và Ipad, ngoài ra còn bị cấm bán 8 loại điện thoại Samsung trên thị trường Hoa Kỳ, tập đoàn Hàn Quốc không bó tay chịu hàng, và đã động viên đội ngũ của mình trong khi chờ đợi bản án phúc thẩm. Samsung tuyên bố sẽ huy động mọi phương tiện cần thiết để các sản phẩm này vẫn được bán tại Mỹ.

Thông tín viên của tờ báo tại Seoul nhận định, đây là một đòn hết sức nặng nề cho tập đoàn Hàn Quốc. Một nhà phân tích cho biết, ngay cả những người thường hăng hái chỉ trích Samsung nhất như báo chí cánh tả cũng đã bày tỏ sự thất vọng trước bản án, như là lòng kiêu hãnh của chính họ cũng bị tổn thương. Tờ Korea Times nhắc nhở rằng Samsung đã đóng góp nhiều vào nền kinh tế Mỹ, và phiên tòa diễn ra chỉ cách Cupertino, trụ sở mang tính lịch sử của Apple, chỉ có vài cây số.

Về mặt kinh tế, cho dù cổ phiếu của Samsung hôm thứ Hai đã bị sụt mất 7,5% trên thị trường chứng khoán Seoul, thiệt hại về tài chính của tập đoàn hàng đầu thế giới về điện thoại di động thật ra không nhiều lắm. Và tuy nhiều model bị tòa án Mỹ cấm bán trên thị trường nước này, nhưng các sản phẩm đó đã cũ. Còn với các kiểu điện thoại mới, Samsung từ nay sẽ quan tâm đến vấn đề bằng sáng chế hơn.

Đáng lo ngại nhất là tiếng xấu « sao chép », và theo nhiều nhà phân tích, thì đây cũng là dịp để Samsung chỉnh đốn lại, trở thành cột trụ trong lãnh vực thay vì chạy đua theo các nhà sản xuất khác. Vốn là nhãn hiệu duy nhất dám cạnh tranh với iPhone, trong khi Nokia và Motorola đã quy hàng, Samsung có thể thành công nếu nỗ lực tối đa, vì tập đoàn này đang quy tụ các kỹ sư giỏi nhất nước.

Thủ tướng Đức nổi bật trên trường quốc tế


Tại châu Âu, Le Monde chú ý đến bà Angela Merkel qua chuyến công du mới nhất tại Trung Quốc trong hai ngày 29 và 30/8. Theo tờ báo, bà Merkel đang đóng vai trò ngày càng nổi bật trên chính trường quốc tế, đại diện cho tiếng nói đối ngoại của Đức và của châu Âu.

Đây là lần thứ sáu kể từ khi lên nắm quyền, và lần thứ hai trong năm bà Merkel đến thăm Trung Quốc, chứng tỏ quan hệ mật thiết giữa hai nước. Chuyến đi này trong khuôn khổ các cuộc gặp liên chính phủ Đức – Trung mỗi hai năm một lần, nhưng lần này chính Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã đề nghị gặp gỡ sớm hơn, trước khi diễn ra Đại hội Đảng. Và địa điểm gặp không chỉ ở Bắc Kinh mà còn tại Thiên Tân, sinh quán của ông Ôn Gia Bảo.

Tháp tùng bà Merkel có đến 9 bộ trưởng và khoảng hai chục doanh nhân, còn phía Trung Quốc thì đến 13 thành viên chính phủ đón tiếp, trong đó có Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và những nhân vật sẽ kế vị là Lý Khắc Cường, Tập Cận Bình, chứng tỏ sự quan trọng của chuyến công du. Theo phía Đức, Trung Quốc không tổ chức các cuộc gặp liên chính phủ tương tự với bất cứ quốc gia nào khác. Thông tín viên Le Monde tại Berlin nhận xét, kỹ nghệ Đức chuyên về máy công cụ và xe hơi hạng sang, bổ sung được cho một Trung Quốc muốn trưng ra sự giàu có của mình, và sản xuất được hàng cao cấp hơn.

Bên cạnh đó, Đức và Trung Quốc đều xem nhau là đối tác chính trị chủ yếu. Việc đối thoại với Berlin giúp Bắc Kinh tránh đối mặt với Washington, còn Đức lấp đầy sự vắng mặt ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bằng một chính sách đối ngoại năng động, chủ yếu dựa vào sức mạnh kinh tế của mình.

Với trọng lượng của nền kinh tế Đức và sự yếu kém trong đối ngoại của Liên hiệp châu Âu, trong những chuyến công du, bà Angela Merkel thường lên tiếng nhân danh châu Âu. Còn đối với Nga, nếu Matxcơva vẫn là đối tác chiến lược của Berlin, thì quan hệ giữa bà Merkel với ông Putin vẫn căng thẳng. Bà cũng sẽ đến thăm Matxcơva vào tháng 11 tới, nhưng không lưu lại qua đêm, chỉ giữ quan hệ tối thiểu. Ngược lại với một nước nhỏ như Tunisia, mà Thủ tướng Đức cho là tấm gương cho Mùa xuân Ả Rập, thì bà sẽ công du vào tháng 10 với một đoàn doanh nhân khá hùng hậu, khiến một số nước có thể ganh tị, trong đó có Pháp.

Syria : Lý do thái độ không khoan nhượng của Al Assad  

Nhìn sang Syria, Libération phân tích về thái độ không khoan nhượng của Tổng thống Bachar Al Assad, khi trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi mới đây, nhà độc tài hứa hẹn sẽ đập tan phe nổi dậy.

Tờ báo nhận định, một vùng đệm để đón tiếp người tị nạn Syria không thể hình thành nếu không có vùng cấm bay. Mà vùng cấm bay không thể được thành lập nếu không có nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, trong khi Assad có thể trông cậy vào việc Nga và Trung Quốc sử dụng quyền phủ quyết – vốn đã được hai nước này sử dụng ba lần để vô hiệu hóa các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc trừng phạt Syria.

Libération chú ý đến phát biểu của ông Assad trong cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình Ad Dounia : « Nói về vùng đệm, trước hết không phải là một chọn lựa trên bàn đàm phán, thứ đến là một ý tưởng siêu thực đối với các nhà nước thù địch với Syria ». Tờ báo cho rằng tuyên bố không khoan nhượng này của ông Assad nhắm đến người Nga. Đây có thể coi là câu trả lời cho tuyên bố đầy ngạc nhiên hôm 21/8 của ông Qadri Jamil, Phó thủ tướng Syria, rằng chế độ Damas sẵn sàng thảo luận về sự ra đi của ông Assad.

Theo tờ báo cánh tả Pháp, thì ông Jamil, thành viên đảng Cộng sản Syria vốn liên minh với đảng Baas từ lâu, có thể là nhân viên tình báo Nga. Như vậy tuyên bố của ông có lẽ đã được Kremlin mớm lời, cho thấy Nga bắt đầu chán ngán Tổng thống Syria.

Cũng theo Libération, nếu nhà độc tài cảm thấy đang ở thế mạnh, cũng là vì phe đối lập không thể vượt qua được những chia rẽ trong nội bộ cũng như bên ngoài, nên rất khó, nếu không nói là bất khả, hình thành được một chính phủ lâm thời có thể được phương Tây công nhận. Bên cạnh đó là sự can thiệp ngày càng sâu của Iran trong cuộc nội chiến Syria.

tags: Châu Á - Trung Quốc - Điểm báo
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120830-su-chia-re-trong-noi-bo-trung-quoc 
 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.