Tượng Lênin tại Kotovsk sau khi bị phá hoại. |
(LND :
Đối với các bạn đọc chú ý đến vụ tượng Lênin ở thủ đô Kiev của Ukraina bị người
biểu tình dùng dây cáp kéo đổ và gãy mất đầu mới đây -báo trong nước đã gỡ bài; có lẽ bài điều tra dưới
đây của báo Le Monde ngày 27/12/2013 về một Lênin khác cũng bị mất đi
« thủ cấp », sẽ làm rõ hơn bối cảnh hiện nay tại Ukraina - tuy xa
xôi, nhưng lại có điều gì đó quen quen…)
Tại Kotovsk - thành
phố nhỏ sử dụng tiếng Nga xưa nay không bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng chính
trị đang làm rung chuyển Kiev - bức tượng của nhà sáng lập Liên Xô đã bị phá
hoại. Bí mật vẫn bao trùm, nhưng người ta tha hồ đồn đại, và sự kèn cựa tại chỗ lại nổi lên.
Từ hiện trường, có thể tạo nên một tác phẩm nghệ thuật cách
mạng. Tại Kotovsk, người ta lại vội vã giấu đi : bức tượng Lênin bằng
bê-tông mạ vàng đã bị ai đó phạt mất đi phần đầu cho đến nửa ngực, được bọc
trong một tấm vải bạt. Phần trên của bức tượng cao năm mét được cho vào một xó
của Hội cựu công nhân đường sắt ở thành phố nhỏ miền nam Ukraina này.
Những mảnh sắt lòi ra khỏi đầu, khuôn mặt tượng đã bị hư hại
khi ngã đổ. Cánh tay phải trước đây giơ cao hướng về một tương lai huy hoàng,
nay lại chỉ về phía kho sắt vụn chìm khuất trong sương mù cách đó khoảng một
trăm mét. Vụ phá hủy bức tượng đã được báo cáo vào sáng sớm thứ Hai 9/12.
Phần trên tượng Lênin bị chặt đứt. |
Hôm trước đó, sau một cuộc biểu tình lớn của phe đối lập tại
Kiev, một bức tượng tương tự được dựng lên để vinh danh người sáng lập Liên Xô,
đặt tại quảng trường Bessarabiedans ở trung tâm thủ đô cũng đã chịu chung số
phận, gây náo động trong một Ukraina đang phải chịu đựng một cuộc khủng hoảng
chính trị lớn lao từ nhiều tuần qua.
Bị tập trung mọi nghi ngờ từ tối Chủ nhật 8/12, đảng dân tộc
chủ nghĩa cực đoan Svoboda nhanh chóng nhìn nhận các thanh niên mũ trùm đầu đã
hạ đổ tượng Lênin ở Kiev nhờ một sợi cáp kim loại to tướng, là người của mình. Một
thông điệp khá rõ ràng nhắm đến chính sách bảo thủ của Tổng thống Viktor
Innoukovitch, cũng như ý định xích gần lại với Nga – bị coi là đế quốc.
Tượng Lênin ở Kiev đã mất đầu, người biểu tình vẫn tiếp tục đập. |
Ngược lại, vụ tấn công vào Lênin ở Kotovsk, cách thủ đô 400
km, trong một vùng nói tiếng Nga nổi tiếng là ủng hộ chính phủ, lại không được
mấy ai biết đến. Ở đó không có caméra nào ghi lại cảnh tượng, và nhất là khác
với sự kiện tại Kiev, không có ai lên tiếng nhận là tác giả.
Các thành viên của Svoboda cũng là thủ phạm đã
« trảm » phần đầu của Lênin ở Kotovsk ? Cảnh sát thường là đồng
minh tốt nhất cho những người thích tìm tòi. Vấn đề là cảnh sát Kotovsk không
muốn tiếp.
Đành rằng theo thủ tục thông thường, cần phải gởi yêu cầu
chính thức với đầy đủ chi tiết cho Bộ Nội vụ, nhưng nếu làm đúng thủ tục thì
phải đợi mất mấy tuần. Và đã không có phép thì không cung cấp gì hết. Họ cho
biết một cuộc điều tra đã được mở theo điều 296 – tội danh hooligan – theo luật
hình sự Ukraina. Còn báo chí nêu ra giả thiết các thanh niên vô
công rỗi nghề, say xỉn.
Thế là chúng tôi phải đứng trước một hiện trường tội phạm
câm lặng – không nhân chứng, không có dấu vết nào về dụng cụ đã được sử dụng –
và hai hướng điều tra : hướng « chính trị » vốn hấp dẫn nhất
trong thời buổi khủng hoảng này, và hướng rượu chè – thật là chán.
"Tàn dư" thời xô-viết: Danh sách công nhân tiên tiến trước cửa tòa thị chính. |
Anatoly Pavlovitch Ivanov nhanh chóng chọn lựa hướng thứ
hai. Dưới mắt vị thị trưởng, sự giống
nhau giữa các sự kiện ở Kiev và Kotovsk chỉ
« đơn thuần là sự trùng hợp » : « Dân địa phương tôi là những người ôn hòa, tôn trọng di sản. Vụ
bức tượng sụp đổ là một cú sốc cho tất cả mọi người ».
Là cựu đảng viên cộng sản, ông Pavlovitch là thành viên Đảng
các vùng đang nắm quyền tại Kiev. Lãnh đạo tòa thị chính từ năm 1988, ông cho
rằng mình hiểu rõ các thần dân, « những
người biết điều, không hồ đồ như phe cực đoan ở miền tây Ukraina ».
Ông tiếp chúng tôi, thậm chí rất nhiệt tình, ở nhà hàng Chez
grand-père. Chủ nhà hàng, ông Vassil Chepitko giơ cao ly rượu khi mời món bánh
mì nướng, nhấn mạnh : « Điều quan
trọng đối với chúng tôi là đứng ngoài những vụ lộn xộn như thế và có thể tiếp
tục làm ăn ».
Ông thị trưởng tiếp lời : « Người dân hiểu rất rõ chính sách của Tổng thống. Hãy nhìn xem
những gì diễn ra tại đây. Khi các nhà máy dời đi, địa phương đã bị mất một phần
lớn thu nhập. Tổng thống Ianoukovitch phải tìm kiếm tại Matxcơva khí đốt rẻ
hơn, trong khi châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế muốn tăng giá đối với cá nhân sử
dụng. Đó là những vấn đề mà tôi quan tâm ».
Stepan Efimovitch Batsoura, bí thư đảng Cộng sản địa phương
cũng có mặt ở đây, hứa hẹn rằng bức tượng sẽ sớm được sửa chữa. Ông nhấn
mạnh : « Công việc của thị
trưởng trong lãnh vực xã hội là quan trọng… » Anatoly Ivanov ngắt
ngang : « Điều mà Stepan
Efimovitch muốn nói, đó là tình hình ở đây khá hơn những nơi khác. Có lẽ là
những người từ nơi khác đến đã phá hoại tượng Lênin. Các vị biết đấy, ở gần bức
tượng có một trường trung học kỹ thuật với rất nhiều học sinh ngoại tỉnh… »
Đường phố chìm trong sương mù lạnh giá. |
Có hai thứ
trong một. Hoặc là ông thị trưởng nắm được dân của mình, hoặc là các lãnh đạo
Kotovsk chỉ muốn được yên thân. Thủ phủ của vùng dù có đến 40.000 dân, vẫn mang
dáng vẻ của một ngôi làng lớn với những ngôi nhà thấp ở khu trung tâm, những
thân cây tuyết phủ và những bà già đi lại trên đường phố, đầu trùm khăn để
tránh sương mù lạnh giá từ Hắc hải.
Các “sự kiện
ở Maidan”, quảng trường lớn của Kiev
nơi diễn ra cuộc chiến đấu giữa chính quyền và đối lập, chừng như đã giảm đi
tầm quan trọng tại đây. Trước giáo đường Chính thống giáo Thánh Nicolas, một bà
cụ tránh né: “Đối với những vấn đề khó
thì phải hỏi Cha sở”.
Ngôi làng
với những tòa nhà từ thời Kút-sếp và các nhà máy bị bỏ hoang một phần, là chứng
nhân cho quá trình công nghiệp hóa thành phố trong thập niên 60. Tuyến đường
sắt, nhà máy đường, tổ hợp nhà máy nông sản thực phẩm đã khiến Kotovsk trở
thành một thành phố xô-viết thịnh vượng. Quá trình chuyển tiếp diễn ra một cách
khó khăn.
Khu vực các nhà máy ngày xưa. |
Thị trưởng
ra lệnh cho chúng tôi: “Hãy quên Lênin
của các vị một chút đi. Tốt nhất là viết rằng thành phố sẵn sàng đón nhận đầu
tư nước ngoài”.
Thế là phải đi
cả đoàn đến thăm xi-lô mới được lắp đặt để trữ các loại hạt, đã tạo ra được 90
công ăn việc làm. Giám đốc Iouri Tchistiak, vừa từ Dniepropetrovsk ở miền đông đến,
ca ngợi công trình này. Rồi ông hạ giọng: “Tôi
cũng đã có mặt ở Maidan. Tôi thông cảm với người dân, đặc biệt là các doanh
nhân, đã biểu tình vì một Nhà nước pháp quyền, chống nạn tham nhũng. Tại đây
cũng đã có một cuộc biểu tình nhưng nhỏ xíu. Khó lắm, trong một thành phố nhỏ
mà mọi người đều quen biết nhau”.
Có nghi ai
không? Ông trả lời: “Không phải chúng tôi
đã dựng lên bức tượng đó, nên dỡ bỏ đi cũng không phải là việc của chúng tôi.
Nhưng việc nó bị phá đi chẳng làm tôi phải nhỏ lệ”.
Còn Larissa
Chirokova thì có tham gia vào vụ “Maidan của Kotovsk”, tổ chức hôm 4/12, ở
đường 50 Năm – Tháng Mười, để ủng hộ việc hòa nhập với châu Âu. Khoảng ba mươi
người đã tập hợp lại, không hơn. “Hai
tuần trước đó, chúng tôi đã sẵn sàng lên đường đi Kiev . Đã chuẩn bị pirojki
(ND: một loại bánh nướng nhân thịt băm hoặc phô mai, khoai tây của Nga, hơi
giống bánh patêsô) để ăn đường, đã thuê
hai chiếc xe buýt. Chiếc đầu tiên bị vỡ kính phải quay trở lại, chiếc thứ hai
không bao giờ tới”.
Bà Chirokova |
Bà Chirokova
năm nay 50 tuổi, bán mỹ phẩm và nước hoa Pháp. Bà rất linh hoạt, ăn mặc lịch sự
với chiếc mũ trùm đầu bằng lông thỏ, đôi bông tai và chiếc khăn quàng cổ. Người
ta coi bà là lớp trung lưu của Kotovsk, nhưng cửa hàng của bà “gần như là thú giải trí mà thôi” – bà nói
với vẻ gần như có lỗi. Bà Chirokova sống với món trợ cấp hưu trí 1.000 hrivna
(khoảng 90 euro) một tháng.
Ông thị
trưởng đã ra xa, người ta dám nói hơn. Người phụ nữ thổ lộ: “Ai cũng chán sống trong cái xã hội côn đồ
này! Chồng tôi làm việc ở Viện Kiểm sát. Người ta đã buộc ông ấy phải từ chức
rồi giải thích rằng ông phải đưa hối lộ, nếu muốn quay lại vị trí cũ”.
Larissa đến cùng với con trai là Iouri, 19 tuổi. Bà ra lệnh
cho cậu con : « Kể lại đi
Iouri ! » Và anh con trai bèn kể : « Các bạn của tôi là sinh viên ở Odessa, cứ mỗi cuối học kỳ là
phải hối lộ nếu muốn lấy bằng. Ngay cả những bạn học giỏi nhất cũng vậy. Đến
với châu Âu không dễ, nhưng người ta không đến nỗi gặp phải tình trạng ấy, và
có thể có được một việc làm đàng hoàng ».
Iouri, 19 tuổi |
Bản thân Iouri học ngành nấu bếp và nay đang làm ở Doka
Pizza, nơi hai mẹ con dùng trà. Mười sáu giờ một ngày, bốn mươi phút đi đường,
một vợ, một con gái sáu tháng tên Nastia và lương tháng 90 euro. Cho dù họ có bất
mãn, nhưng khó thể tưởng tượng ra một bà Larissa lịch sự và anh chàng Iouri
hiền lành, khi đêm xuống, leo lên bức tượng ở công viên Công nhân đường sắt.
Nhưng vụ hai chiếc xe buýt cũng đáng để đến quán cà phê Perle,
do Valentin Perle làm chủ. Ông là chủ nhân hai chiếc xe buýt trên, và du hành
với chúng khắp châu Âu. Từ những chuyến đi này, ông khẳng định : « Châu Âu, đó là luật lệ, và đây là
điều chúng tôi đang cần ở đây ».
Tuy không muốn gặp phiền phức, nhưng ông rất muốn kể với
chúng tôi « những gì mà ai cũng
biết ». Trước hết, buổi sáng khởi hành đi Kiev hôm 21/11, ông đã phải
chịu các cuộc kiểm tra hành chính dài vô tận. Rồi người tài xế, bị bốn chiếc xe
hơi khác theo sát nút ngay từ lúc mới ra khỏi ga-ra, sau khi dừng trước nhà vài
phút đã thấy kính xe bị đập vỡ. Valentin Perle muốn có được băng hình từ caméra
quan sát của siêu thị đối diện nhà anh tài xế, nhưng các băng ghi hình này đã
biến mất. Vợ ông, người dọn các bánh « pizza môn-đa-vi » tại quán cà
phê Perle kết luận : « Đúng là
hành động của những kẻ chuyên nghiệp ».
Còn phần (2) hả nhà báo? Đọc hấp dẫn y như tác phẩm hồi ký « Bắc Triều Tiên, 9 năm để thoát khỏi địa ngục »
RépondreSupprimerCám ơn TM nhiều nhiều.
Cảm ơn lời khen của TS. Phần 2 cũng đã dịch xong nhưng ngày đầu năm mới, đăng tiếp thì phũ phàng cho Lênin quá TS ạ.
Supprimerđọc bài này mà thấy ở việt nam bây giờ giống quá. cái gì cũng cần hối lộ
RépondreSupprimerkể cả khi đi đường bạn cũng cần hối lộ
nản
lioa
on ap standa
on ap