(Cyrille Pluyette,
thông tín viên Le Figaro tại Bắc Kinh, 08/01/2016) Chủ tịch Trung Quốc muốn
thu hút những người ưu tú vào đảng Cộng sản để dễ kiểm soát hơn, và tránh cho
chế độ khỏi tan rã.
Đi ngược lại ý thức hệ mác-xít, đảng Cộng sản Trung Quốc
(ĐCSTQ) muốn trở thành nơi tập trung giới tinh hoa. Bị ám ảnh trước việc Liên
Xô tan rã vào đầu thập niên 90, Tập Cận Bình cho rằng chỉ có chiến lược « nâng cấp » này mới giúp cho
chế độ Bắc Kinh tránh được số phận tương tự. Vừa lên nắm quyền, nhân vật số một
Trung Quốc ngay từ đầu năm 2013 đã cổ vũ cho một đảng bớt cồng kềnh, thiên về
chất lượng hơn là số lượng, với kỷ luật sắt. Mục tiêu nhằm mang lại cho đảng
sức mạnh, sức sống, và uy tín đã bị bào mòn do nạn tham nhũng.
Cụ thể, nhà lãnh đạo Trung Quốc độc đoán nhất kể từ thời Mao
Trạch Đông đến nay kêu gọi tống khứ các thành viên « không có chất lượng » của tổ chức già cỗi này, thay thế
bằng các nhân tố trẻ tài năng hơn và trung thành hơn. Vài năm sau đó, chỉ thị
này bắt đầu mang lại kết quả. Năm 2015, hàng ngũ ĐCSTQ, tổ chức chính trị lớn
nhất thế giới, hẳn là tiếp tục mở rộng với 88,76 triệu đảng viên (chiếm 6,5%
dân số). Nhưng nhịp độ phát triển đã giảm 1,1%
trong vòng một năm, so với năm 2013 tăng 1,8%, theo một công trình
nghiên cứu công bố thứ Năm 5/1 vừa qua trên Nhân dân Nhật báo.
Tạ Xuân Đào (Xie Chuntao), tác giả bản nghiên cứu, hiệu
trưởng trường Đảng trung ương nhấn mạnh, tình trạng chậm dần lại là kết quả của
« tầm quan trọng mà đảng dành cho
việc phát triển chất lượng đảng viên và kiểm tra kết nạp đảng trong những năm
gần đây ». Theo ông, trong khi số lượng xin gia nhập đảng tiếp tục
tăng lên, từ 21,66 triệu năm 2013 lên 22,25 triệu năm 2015, số lượng được chọn
làm « cảm tình Đảng » đã
giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước, từ 10,51 triệu còn 9,98 triệu. Chỉ những
người đã vượt qua những thử thách sau một năm dự bị trong đảng mới trở thành
đảng viên chính thức.
Mặc cho sự bất mãn và nỗi sợ hãi từ cuộc trường chinh chống
tham nhũng quy mô do Tập Cận Bình tung ra từ khi lên ngôi cách đây hơn bốn năm,
ĐCSTQ rõ ràng vẫn thu hút. Trong một đất nước mà mạng lưới quan hệ là cốt yếu
để có thể thăng tiến, « đây là câu thần
chú cho mọi người trẻ có tham vọng trở thành quan chức hay lãnh đạo một doanh
nghiệp, cơ quan » - Jean-Pierre Cabestan, nhà Trung Quốc học của
trường đại học Báp-tít Hồng Kông nhắc nhở. Nghiên cứu của Tạ Xuân Đào cho thấy « trình độ văn hóa của đảng viên tăng
dần » : năm 2015 có 44,3% tốt nghiệp đại học, so với tỉ lệ hai
năm trước đó là 41,6%. Và chẳng có gì quan trọng nếu sự chọn lựa này đụng chạm
đến lý tưởng cộng sản. Chuyên gia Jean-Pierre Cabestan nhấn mạnh : « ĐCSTQ tiếp tục ưu tiên kết nạp giới
tinh hoa, đặc biệt là sinh viên, bỏ rơi giai cấp công nhân và nông dân. Điều
này gây phức tạp cho quan hệ của đảng với các giai cấp xã hội mà đảng tự cho là
đại diện ».
Nhưng mục tiêu chủ yếu mang tính chính trị. Khi chọn lựa gay
gắt hơn, Tập Cận Bình còn cố « làm
tăng giá trị cho việc kết nạp đảng, vào thời điểm mà con đường dẫn đến thành
công đã đa dạng hơn trước : bất kỳ ai làm việc trong lãnh vực tư nhân hay
dịch vụ không có lý do gì để tham gia », theo nhà nghiên cứu Pháp. Ông
Tập muốn duy trì kiểm soát giới tinh hoa nhằm ngăn cản họ hoạt động trong các
lực lượng chính trị độc lập ngoài đảng.
Tập Cận Bình cũng tìm cách buộc các đảng viên mới tuyên thệ
trung thành với mình. Việc siết lại này diễn ra với tốc độ nhanh hơn, vào lúc
gần đến Đại hội Đảng lần thứ 19 sẽ diễn ra vào nửa cuối năm nay.Trong sự kiện
lớn này, Tập Cận Bình sẽ tiếp tục là tổng bí thư đảng, và phần lớn ủy viên
trung ương sẽ được thay đổi. « Chỉ
những ai vừa đạo đức tốt vừa có năng lực nổi bật mới được thăng tiến »
- người quyền lực nhất chế độ đã cảnh báo. Dù vậy, con đường còn dài đối với tổ
chức đảng khổng lồ này để có thể thay đổi theo chiều sâu. Tác giả Tạ Xuân Đào
nhấn mạnh đến những thách thức từ sự thiếu kinh nghiệm của các đảng viên mới,
cần phải đào tạo họ.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.