jeudi 1 novembre 2012

Ôn Gia Bảo làm lung lay đảng Cộng sản Trung Quốc

Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo (phải), hai lãnh đạo sẽ rời chức vụ  năm 2013.

(Le Monde 29/10/2012) Đối với đa số người Trung Quốc, ông chỉ đơn giản là “Ôn gia gia”. Trong nhiệm kỳ mười năm, ông Ôn Gia Bảo, Thủ tướng đồng thời là nhân vật số ba trong đảng Cộng sản Trung Quốc, đã được người dân gọi bằng một cái tên chất chứa cảm tình, vì ông quan tâm đến những người bất hạnh nhất.

Hình ảnh luôn được đánh bóng bởi các bài diễn văn tuyên truyền của một chế độ luôn là cộng sản, cho dù trên thực tế, những người thừa kế của Mao từ hơn ba chục năm qua, đã áp dụng chủ nghĩa tư bản và sản sinh ra một nền kinh tế song đôi, trong đó các công ty quốc doanh đóng vai trò chủ đạo.

Không có một cái Tết nào mà một Ôn Gia Bảo hòa nhã, mặc bộ vét đơn giản, lại không đến thưởng thức món hoành thánh với các công nhân nhập cư – việc khai thác lực lượng lao động này đã làm nên phần lớn phép lạ Trung Quốc.

Không một nơi nào bị thiên tai mà ông không tìm đến, để bày tỏ sự cảm thông với các nạn nhân. Như trong vụ động đất ở Tứ Xuyên năm 2008, tại đó ông đã chỉ huy hoạt động cấp cứu, và càng được nhân dân yêu mến.

Ông cũng nổi bật với những bài diễn văn chống tham nhũng. Năm 2007, ông đã kêu gọi các lãnh đạo cao cấp “đảm bảo là các thành viên gia đình, bạn bè và các người thân khác không lợi dụng ảnh hưởng từ chức vụ trong chính phủ”.

Cú đòn thật thô bạo: một cuộc điều tra chi tiết của New York Times về tài sản tích lũy được của những người thân ông Ôn - chỉ sơ sơ có 2,7 tỉ đô la, nhất là của vợ ông là bà Dương Bội Lị, được mệnh danh là “Nữ hoàng kim cương” do sự khống chế của bà trong lãnh vực này - đã đánh mạnh vào hình ảnh đẹp đẽ trên.

Được đăng vào cuối tuần rồi, bài báo khẳng định điều mà nhiều người vẫn nghi ngờ: gia đình ông đã lợi dụng vị thế của “Ôn gia gia” để làm ăn. Tuy hai luật sư của gia đình ông Ôn đã cố gắng phản công hôm Chủ nhật 28/10, nhưng tác hại về mặt chính trị là khủng khiếp, vào thời điểm chưa đến 15 ngày nữa là đến đại hội 18 ĐCSTQ. Đại hội này sẽ đổi mới ban lãnh đạo, ông Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo sẽ rời chức vụ từ nay đến tháng 3/2013.

Nhiều người con của giới “quý tộc đỏ” đã lao vào làm kinh tế, trong một đất nước tăng trưởng nhanh chóng. Tình trạng đặc quyền đặc lợi đã làm lung lay uy tín của ĐCSTQ, hiện đang đối mặt với sự bất bình của người dân, và phải giảm bớt bất bình đẳng xã hội ngày càng trầm trọng tại Trung Quốc.

Các cuộc đấu đá nội bộ được tiết lộ qua vụ Bạc Hy Lai – một trong những lãnh đạo nổi tiếng nhất, vừa bị loại khỏi thượng tầng quyền lực và đang chờ ngày ra tòa – cũng là những trận chiến để duy trì lợi lộc của những gia đình quyền thế khác nhau.

Trước khi bị Mao Trạch Đông đánh bại, lãnh tụ quốc gia Tưởng Giới Thạch đã tóm tắt cái thế mà các lãnh đạo tương lai của Trung Quốc phải chọn lựa: “Nếu đấu tranh chống tham nhũng thì mất Đảng, nhưng nếu không chống tham nhũng thì sẽ mất nước”.

Mời đọc lại:
Gia tài nhiều tỉ đô la trong bóng tối của gia đình Ôn Gia Bảo (1)
Gia tài nhiều tỉ đô la trong bóng tối của gia đình Ôn Gia Bảo (2)
Gia tài nhiều tỉ đô la trong bóng tối của gia đình Ôn Gia Bảo (3)

Gia tài nhiều tỉ đô la trong bóng tối của gia đình Ôn Gia Bảo (3)

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo

Các nhà tài phiệt

Vào cuối thập niên 90, Đoạn Vĩ Hồng với tư cách công ty địa ốc Thái Hồng, phụ trách quản lý nhiều văn phòng và các cơ sở địa ốc khác tại Thiên Tân, nguyên quán của Thủ tướng ở miền bắc Trung Quốc. Ở tuổi đôi mươi vào thời đó, bà từng theo học ở trường đại học Khoa học Kỹ thuật Nam Kinh.

Năm 2002, bà Đoạn bắt đầu làm ăn với nhiều người thân của ông Ôn Gia Bảo, Thái Hồng thành một công ty đầu tư và nhờ đó bà đã trở nên hết sức giàu có.

Người ta không biết bà Đoạn Vĩ Hồng, 43 tuổi, có quan hệ họ hàng với Thủ tướng hay không. Trong một loạt các cuộc trao đổi, ban đầu bà nói không quen biết người nào trong gia đình ông Ôn, nhưng sau đó lại khẳng định mình là bạn của gia đình này, và đặc biệt rất thân với bà Trương Bội Lị, phu nhân Thủ tướng. Cũng giống như một số chủ doanh nghiệp Trung Quốc khác, cơ hội đã mỉm cười với bà Đoạn khi bà cùng làm ăn với gia đình ông Ôn, với mạng lưới bạn bè và đồng nghiệp của họ, cho dù bà nói là quan hệ này chỉ trên giấy tờ - kể cả phần hùn của bà trong Bình An – và hoàn toàn không có yếu tố tài chính.

Trung Quốc: Người biểu tình Trữ Ba và cư dân mạng đẩy lui chính quyền

Thanh niên Trữ Ba biểu tình chống nhà máy ô nhiễm, 28/10/12.

(Le Point 29/10/2012) Chính quyền Trung Quốc vừa từ bỏ dự án một nhà máy gây ô nhiễm, dưới áp lực của công luận. Một chiến thắng có thể dẫn đến nhiều cuộc chiến mới.

 

Đó là một sự kiện mang tính biểu tượng cao vừa diễn ra tại thành phố cảng Trữ Ba (Ningbo). Lần thứ ba trong vòng bốn tháng, những người biểu tình chống lại các nhà máy ô nhiễm đã thắng cuộc.

 

Dự án của Sinopec, tập đoàn dầu khí Trung Quốc, nhằm xây dựng một nhà máy sản xuất paraxylène, một chất phái sinh trong công nghiệp hóa dầu, được sử dụng trong việc sản xuất các chai nhựa. Nhưng nhiều người dân bắt đầu biểu tình từ tuần qua tại Trấn Hải (Zhenhai), địa điểm dự định đặt nhà máy. Cảnh giác trước nguy cơ các chất độc hại thải ra từ quy trình sản xuất paraxylène, họ đòi hỏi phải ngưng dự án trị giá 7 tỉ euro này.

 

Công an và người biểu tình

Hôm thứ Bảy 27/10, những người phản kháng đã đến thủ phủ của Trữ Ba và bắt đầu biểu tình trước trụ sở chính quyền địa phương. Theo các nhân chứng, ba người tổ chức biểu tình đã bị bắt, và chính quyền đã viện đến công an vũ trang tăng cường để duy trì trật tự, ném lựu đạn cay. Nhưng phản ứng này chỉ làm tăng sự giận dữ của người biểu tình, huy động thêm nhiều người khác tham gia. Hôm Chủ nhật đoàn biểu tình đã có đến mấy ngàn người, cho đến tối thì chính quyền loan báo sẽ ngưng dự án nhà máy. Tình hình đã hết căng thẳng, nhưng hàng ngàn người vẫn hiện diện, đòi trả tự do cho ba người bị bắt.

 

Sự thay hình đổi dạng

 

Từ hồi tháng Bảy, nhiều ngàn người biểu tình đã xuống đường phản đối một dự án xử lý rác thải từ một nhà máy bột giấy, cũng ở miền đông Trung Quốc, và đã giải tán sau khi chính quyền cam kết sẽ từ bỏ dự án. Vài tuần trước đó tại Thập Phương (Shifang) thuộc tỉnh Tứ Xuyên, một vụ đụng độ đã xảy ra giữa hàng trăm người biểu tình với công an, vì một dự án nhà máy luyện kim, và dự án này cũng đã bị ngưng.

 

Giữa trùng vây...

Vụ mới xảy ra ở Trữ Ba cho thấy rõ hơn về sự tiến triển trong lòng xã hội Trung Quốc. Trong ba thập kỷ vừa qua, Trung Quốc đã tiến hành một sự chuyển đổi kinh tế rất nhanh chóng, dựa trên xuất khẩu và công nghiệp hóa, giúp quốc gia này đánh bại mọi kỷ lục tăng trưởng (trên 10%/ năm trong hơn 15 năm). Nhưng sự thay hình đổi dạng này phải trả giá bằng môi trường xuống cấp nghiêm trọng. Hơn 70% nguồn nước và lớp nước bề mặt bị ô nhiễm nặng nề, nhiều vùng đất không còn có thể canh tác. Tỉnh Chiết Giang mà Trấn Hải trực thuộc, trước đây nổi tiếng với những cảnh quan tuyệt đẹp, nay là một trong những vùng công nghiệp hóa bị ô nhiễm nặng.

 

Điều mà xưa nay được chấp nhận như là định mệnh, nay không còn như thế nữa. Nhất là đối với thế hệ mới, thế hệ những người con một trong gia đình, sinh ra trong thập niên 80, rất nhạy cảm với vấn đề ô nhiễm và bảo vệ thiên nhiên. Tương tự đối với chính quyền trung ương, một ý thức đã phát triển dần sau tai nạn nhà máy hóa chất khủng khiếp làm ô nhiễm sông Tùng Hoa tháng 12/2005. Vào thời kỳ đó, chính những người Nga sống ở bên kia dòng sông biên giới này đã lên tiếng báo động.

 

Hiệu ứng « Vi Bác »

 

Hình ảnh trên Vi Bác

Nhưng các công dân xuống đường không thể giành thắng lợi nếu không có hiệu ứng « Vi Bác », mạng Twitter Trung Quốc giúp lan truyền thông tin nhanh chóng. Năm 2006, những cuộc biểu tình bạo động của nông dân cũng đã nổ ra tại tỉnh Chiết Giang. Họ tranh đấu chống lại các nhà máy sản xuất bình điện đã làm cho đất đai và các nguồn nước trong vùng bị ô nhiễm thủy ngân, khiến rau quả không thể ăn được và một số trường hợp quái thai đã được ghi nhận. Nhưng vào thời đó, chính quyền đã ém nhẹm vụ việc. Tất cả những con đường dẫn đến các làng có biểu tình đều bị phong tỏa trong nhiều tháng, và báo chí Trung Quốc không nói một lời về sự kiện này.

 

Lần này thì báo chí cũng im lặng, cho đến khi các tấm ảnh khá phiền phức  do cư dân mạng chụp về các cuộc biểu tình ở Trữ Ba, bắt đầu lan truyền trên mạng Vi Bác hôm Chủ nhật 28/10. Các tài xế cũng đưa lên mạng những hình ảnh chụp bằng điện thoại di động, cho thấy nhiều xe tải chở những toán cảnh sát chống bạo động đến Trữ Ba. Tối Chủ nhật, 300 triệu độc giả trung thành của Vi Bác theo dõi từng giờ một những diễn tiến của sự kiện, và cuối cùng chính quyền quyết định thông báo trên trang web là dự án nhà máy đã bị ngưng, để cho thông điệp này được nhanh chóng truyền đi.

 

Khát vọng

 

Báo chí chính thức im lặng? Dân công kênh phóng viên ngoại quốc giúp ghi hình.

Sáng thứ Hai 30/10, rốt cuộc báo chí chính thức cũng đề cập đến. Một bài xã luận thú vị đăng trên Nhân dân Nhật báo, tờ báo chính thức của đảng Cộng sản, nhấn mạnh rằng các viên chức địa phương phải chấm dứt những « ám ảnh » tăng trưởng công nghiệp, và bây giờ là thời điểm của « phát triển bền vững ». Về phía Global Times có tiếng là nặng tính dân tộc chủ nghĩa, đòi hỏi hính quyền phải hành động một cách minh bạch hơn với việc tham khảo ý kiến dân chúng địa phương để tránh các sự cố tương tự…Tờ báo nhấn mạnh, xuống đường không phải là giải pháp, « Trong bất cứ trường hợp nào, sự lùi bước của chính quyền địa phương không thể được xem là chiến thắng của cư dân mạng ».

 

Blogger Tang Boqing không đồng ý, cho rằng « Vụ Trữ Ba liên quan đến tất cả mọi người dân Trung Quốc. Nếu hôm nay chúng ta không đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình, thì dần dà sẽ bị xói mòn ».

 

Chỉ còn không lâu nữa đến đại hội 18 Đảng Cộng sản, sẽ chuyển giao quyền lực cho thế hệ lãnh đạo mới, chính quyền trung ương đã bỏ qua vụ việc mới này. Đã phải đối mặt với một loạt xì-căng-đan tham nhũng từ hồi đầu năm, do ba khuôn mặt quan trọng nhất của chế độ gây ra (Bạc Hy Lai, Tập Cận Bình và Ôn Gia Bảo), vụ nổi dậy Trữ Ba và các cư dân mạng lao vào vòng chiến đã nhắc nhở, một cung cách quản lý mới đang được tuổi trẻ Trung Quốc khao khát biết chừng nào !


Mời đọc thêm:

mercredi 31 octobre 2012

Gia tài nhiều tỉ đô la trong bóng tối của gia đình Ôn Gia Bảo (2)

Thủ tướng Ôn Gia Bảo gặp gỡ công nhân Tứ Xuyên sau trận động đất năm 2009.

Ông Ôn Gia Bảo đã tạo dựng được hình ảnh một Thủ tướng cải cách, gần gũi với nhân dân, và thói quen tiếp xúc với người dân bình thường, đặc biệt là trong những cuộc khủng hoảng như thiên tai, khiến báo chí Trung Quốc thường gọi ông là « Thủ tướng của nhân dân » hay « Ôn gia gia ».

Tuy khó thể xác định được rằng Thủ tướng biết đích xác tài sản của những người thân hay không, một bức điện trong số các tài liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ bị WikiLeaks tiết lộ năm 2010 khiến có thể nghĩ rằng Ôn Gia Bảo có biết về những vụ làm ăn của thân nhân mình, và ông không hài lòng về điều đó.

« Ông Ôn rất bất bình trước những hành động của gia đình, nhưng ông không thể, hoặc không muốn ngăn cản ». Trong bức điện đánh đi năm 2007, một nhà ngoại giao Mỹ đã nhận xét như trên với một người quản lý gốc Hoa của một công ty Mỹ ở Thượng Hải.

mardi 30 octobre 2012

Gia tài nhiều tỉ đô la trong bóng tối của gia đình Ôn Gia Bảo (1)

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo

(New York Times/Courrier International) Từ nhiều năm qua, đã có nhiều tin đồn về gia tài khổng lồ của gia đình Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Với tài liệu trong tay, New York Times công bố kết quả cuộc điều tra tỉ mỉ, khẳng định những nghi ngờ trên. Kết quả điều tra này được tung ra lúc chỉ còn 12 ngày nữa là khai mạc đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc, sẽ thay đổi hoàn toàn ban lãnh đạo - công cuộc chuẩn bị này đã bị hoen ố vì xì-căng-đan Bạc Hy Lai.

Mẹ của Thủ tướng Trung Quốc là giáo viên ở miền bắc. Cha của ông bị chuyển đến một trại nuôi heo trong một chiến dịch chính trị của Mao Trạch Đông. Trong một bài diễn văn vào năm ngoái, ông Ôn Gia Bảo nói : « Gia đình tôi cực nghèo ».

Nhưng đối với người mẹ, bà Dương Chí Vân (Yang Zhiyun), năm nay 90 tuổi, thì sự cơ hàn chỉ còn là một kỷ niệm xa xưa. Bà đã trở nên giàu có một cách khủng khiếp, ít nhất là trên giấy tờ. Cách đây 5 năm, bà đã đầu tư vào một công ty tài chính lớn của Trung Quốc với số tiền lên đến 92 triệu euro.

Không thể biết được chính xác vì sao bà Dương, một phụ nữ góa bụa, có thể tích lũy một gia tài như thế, và cũng khó lòng biết được bà có hay biết về các hoạt động được thực hiện dưới tên mình hay không.

dimanche 28 octobre 2012

Xác ướp của Mao có thể sẽ bị đưa ra khỏi Thiên An Môn

Mao sẽ bị xua đuổi khỏi Thiên An Môn ???

(Courrier International/Á châu tuần san 25/10/2012) Theo Á châu tuần san, thì Bắc Kinh rất có thể sẽ quyết định đưa xác ướp Mao Trạch Đông ra khỏi quảng trường Thiên An Môn. Và lăng Mao chủ tịch, tức « Mao Trạch Đông kỷ niệm đường » sẽ được đổi tên thành « Nhân dân anh hùng kỷ niệm đường ».

Tuy không dẫn nguồn cụ thể, nhưng tờ tuần báo Hồng Kông vốn thạo tin cho biết, trong dịp quốc khánh, con gái Mao Trạch Đông là Lý Mẫn (Li Min) cùng với con gái của bà là Khổng Đông Mai (Kong Dong Mei) và con rể là Trần Đông Thăng (Chen Dong Sheng) đã được giao việc đi đến Tỉnh Cương Sơn (Jinggangshan), cứ địa cách mạng của Mao trước đây, tìm một địa điểm để chuyển di hài Mao Trạch Đông đến.

Lăng Mao Trạch Đông
Gần đến đại hội thứ 18 của Đảng Cộng sản, có nhiều dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ giữ khoảng cách với « tư tưởng Mao Trạch Đông » vẫn ngự trị lâu nay.

Ngày 28/9, trong một hội nghị Bộ Chính trị, đề tài này không được nhắc đến. Còn số mới nhất của tờ báo Cầu Thị ra hai tháng một lần – tờ báo này là cơ quan chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc – đã đăng bài xã luận mang tựa đề « Đấu tranh để đẩy nhanh cải cách và mở cửa », mà không hề nói đến tư tưởng Mao Trạch Đông. Trong khi đó nội dung của tờ Cầu Thị trước đại hội luôn được xem là định hướng cho đường lối sắp tới của Đảng.

Bài viết liên quan:
Trung Quốc từ bỏ tư tưởng Mao Trạch Đông trên đường cải cách

Trung Quốc từ bỏ tư tưởng Mao Trạch Đông trên đường cải cách

Khẩu hiệu trước Trung Nam Hải: "Tư tưởng Mao Trạch Đông bất khả chiến bại vạn tuế!"

Reuters (23/10/2012) Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), mà ban lãnh đạo sẽ được thay đổi vào đầu tháng 11, có thể sẽ đi theo hướng cải cách, nếu căn cứ vào sự kiện cụm từ tư tưởng Mao Trạch Đông đã biến mất trong hai thông báo mới nhất.

Theo một số nhà phân tích, việc bỏ đi cụm từ nhắc đến « Người cầm lái vĩ đại » và tư tưởng của Mao trong hai thông báo đưa ra vào những tuần gần đây, có thể đánh dấu ý hướng cải cách từ ban lãnh đạo mới của Đảng.

Bên cạnh đó, Tân Hoa Xã hôm thứ Hai 22/10 cũng đã loan báo, dự thảo sửa đổi điều lệ của ĐCSTQ sẽ được đưa ra thảo luận tại đại hội Đảng lần thứ 18, được dự kiến khai mạc vào ngày 8/11. Trong quá khứ đã từng có những sửa đổi điều lệ Đảng để làm cơ sở cho quyết định chính trị quan trọng, như việc chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường.

Mao Trạch Đông luôn được xem là chỗ dựa ý thức hệ chủ chốt, tất cả các văn kiện Đảng, theo truyền thống đều dẫn ra Mác, Lênin, các cựu chủ tịch Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân cũng như đương kim Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.

Giai đoạn quan trọng ?

Mỗi văn bản của Bộ Chính trị - cơ quan quyền lực cao nhất của ĐCSTQ, có khoảng hai chục ủy viên – xưa nay luôn kết thúc bằng công thức « Giương cao ngọn cờ tư tưởng Mao Trạch Đông và chủ nghĩa Mác - Lê ». Nhưng hai văn bản mới nhất chỉ nhấn mạnh rằng Đảng phải tiếp tục theo đuổi « luận thuyết Đặng Tiểu Bình », tức chủ thuyết « Ba đại diện »« Quan niệm phát triển khoa học » (« Ba đại diện » : ĐCSTQ đại diện cho sức sản xuất tiên tiến nhất, đại diện cho lợi ích của đại đa số nhân dân, và đại diện cho nền văn hóa tiên tiến của Trung Quốc - chú thích của người dịch).

Giáo sư Trịnh Vĩnh Niên (Zheng Yongnian), giám đốc Viện Đông Á của trường đại học quốc gia Singapore cho rằng : « Điều đó rất quan trọng. Trước khi Bạc Hy Lai bị thất sủng, định hướng này còn mập mờ, nhưng nay thì đã rõ ràng. Tôi muốn nói là, ít Mao hơn nhưng nhiều Đặng hơn ».

Khi làm biến mất cụm từ tư tưởng Mao Trạch Đông, các nhà lãnh đạo ĐCSTQ đã chứng tỏ quyết tâm cải cách. Giáo sư Trịnh Vĩnh Niên phân tích như trên, khi so sánh với việc Đặng Tiểu Bình đã đưa một liều lượng tư bản chủ nghĩa vào nền kinh tế kế hoạch hóa của Trung Quốc vào cuối thập niên 70.

Bạc Hy Lai, ngôi sao đang lên của ĐCSTQ mà chính sách Tân Mao được sự ủng hộ của cánh tả trong Đảng, đã bị ngưng chức vụ Bí thư Thành ủy Trùng Khánh và có thể bị bãi miễn chức đại biểu Quốc hội, sau xì-căng-đan đình đám mà ông Bạc và vợ bị dính vào (nay thì ông Bạc Hy Lai đã bị loại khỏi Quốc hội ngày 26/10 và bị truy tố - ND).

Đặng Tiểu Bình, người lãnh đạo nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ năm 1978 đến 1992, đã đưa ra ý tưởng Trung Quốc vừa có thể là nước cộng sản, mà vẫn có thể tiến hành cải cách dựa trên quy luật thị trường. Thuyết « Ba đại diện » là từ cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân, cho phép các nhà tư bản được vào Đảng ; trong khi Quan điểm phát triển khoa học - chủ trương phát triển kinh tế một cách hợp lý hơn và tôn trọng môi trường - là do Hồ Cẩm Đào khởi xướng.

Một cô gái trước căn nhà sẽ bị phá dỡ ở Bắc Kinh. Trưng thu nhà đất là một nguyên nhân gây căng thẳng xã hội.
Kêu gọi cải cách

Sự khác biệt về về chủ thuyết giữa những người chủ trương cải cách và cánh tả trong Đảng phản ánh sự mãnh liệt của những tranh cãi hiện nay trong ĐCSTQ nhằm xác định đường hướng cho ban lãnh đạo mới, sẽ chính thức được đề cử vào ngày 8/11 tới.

Đại hội 18 của ĐCSTQ diễn ra vào thời điểm mà đất nước này có tỉ lệ tăng trưởng hàng năm thấp nhất trong gần 13 năm qua, trong khi căng thẳng xã hội vẫn cao độ, do tệ nạn tham nhũng, trưng thu đất đai và các nhu cầu an sinh xã hội không được đáp ứng.

Báo chí chính thức và các chuyên gia thân cận với chính phủ thường xuyên hăng hái đưa ra lời kêu gọi tiến hành cải cách mạnh mẽ, mà theo họ thì đó là cách duy nhất để tránh được khủng hoảng, cho dù không ai chờ đợi việc Trung Quốc chọn lựa con đường dân chủ.

Study Times, tờ báo do Trường Đảng trung ương – nơi đào tạo các cán bộ cho ĐCSTQ – xuất bản, tuần này cũng đã ca ngợi mô hình Singapore, một nền dân chủ được kiểm soát chặt chẽ.

Mặc cho những chiến dịch chính trị phi nhân, đã làm cho nhiều chục triệu người chết, Mao Trạch Đông - mà chân dung vẫn ngự trị trên quảng trường Thiên An Môn - luôn đuợc thần thánh hóa như một lãnh tụ có sức thu hút, vì đã đối mặt với các nước lớn và thống nhất đất nước. Ban lãnh đạo Đảng vẫn kiên quyết duy trì hình ảnh của Mao để củng cố tính chính đáng của ĐCS, mà họ không có được nhờ đã kinh qua chiến tranh như Mao.

Một số nhà quan sát cũng cảnh báo việc từ bỏ quá nhanh chóng di sản của Mao. Wang Zhengxu, nhà nghiên cứu thuộc trường đại học Nottingham, Anh quốc cho rằng việc bỏ cụm từ tư tưởng Mao trong điều lệ Đảng: « Chỉ đơn giản là không thể được ». Một blogger viết : « Tư tưởng Mao Trạch Đông là linh hồn của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (…) và là ánh sáng soi đường công lý cho nhân dân».

Nhưng đối với giáo sư Trịnh Vĩnh Niên, đại học quốc gia Singapore, thì tầm nhìn của Mao Trạch Đông không còn phù hợp nữa, và ngày càng nhiều người Trung Quốc dửng dưng với Mao. Giáo sư nói : « Chỉ có cánh tả là quan tâm thôi. Đa số người dân, nhất là thế hệ trẻ, thì đã chán ngán. Ký ức đã bị xóa nhòa ».

Bài viết liên quan:

Dưới áp lực biểu tình, Trung Quốc ngưng một dự án nhà máy lọc dầu

Cảnh sát chống bạo động được huy động đến Trữ Ba ngày 27/10/12.
Bài đăng : Chủ nhật 28 Tháng Mười 2012 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 28 Tháng Mười 2012

Chính quyền Trung Quốc hôm nay 28/10/2012 loan báo đã cho ngưng việc xây dựng một nhà máy lọc dầu tại thành phố Trữ Ba (Ningbo) thuộc tỉnh Chiết Giang, thuộc một công ty con của tập đoàn dầu khí Sinopec. Quyết định trên đây được đưa ra sau các vụ đụng độ giữa công an và nhiều ngàn người biểu tình chống đối dự án này.

Thông báo đăng trên mạng của chính quyền quận Trấn Hải (Zhenhai), nơi định xây dựng nhà máy, cho biết: “Sau khi đã tham khảo ý kiến các nhà đầu tư, thành phố Trữ Ba đã quyết định hủy bỏ dự án và ngưng việc xây dựng”.

Công an đã sử dụng hơi cay để tấn công vào những người dân biểu tình từ gần một tuần qua, chống lại nhà máy lọc dầu tương lai. Đây là một dự án trị giá 55,9 tỉ nhân dân tệ (tương đương 6,9 tỉ euro) của một công ty trực thuộc tập đoàn dầu khí Sinopec.

Những tấm ảnh được đưa lên trang web www.molihua.org chuyên đưa tin về các cuộc biểu tình vì mục đích xã hội tại Trung Quốc, cho thấy đoàn biểu tình phải đối mặt với hàng ngàn cảnh sát chống bạo động.

Trong một thông cáo công bố trên mạng hôm nay, chính quyền quận Trấn Hải (Zhenhai) tố cáo « các hành động không thích hợp như tập trung đông người bất hợp pháp và nổi loạn » đã « ngăn trở công việc và cuộc sống người dân một cách trầm trọng, ảnh hưởng nặng nề đến phát triển và ổn định ». Chính quyền địa phương ra lệnh cho công an « duy trì sự ổn định theo như luật pháp » - một cách nói văn vẻ thường dùng để chỉ việc đàn áp bằng vũ lực những người phản kháng.

Người dân thành phố cảng Trữ Ba lo ngại hậu quả về sức khỏe từ nhà máy lọc dầu này, do sản sinh ra khí éthylène gây ô nhiễm không khí. Bên cạnh đó, theo báo chí Trung Quốc, nhiều ngàn người đã bị buộc phải di dời để lấy đất xây nhà máy.

Thông cáo chính thức cho biết, trong cuộc họp khẩn cấp hôm qua, các cán bộ lãnh đạo địa phương đã nhắc nhở rằng dự án vẫn chưa được chính thức xét duyệt, và họ luôn sẵn sàng lắng nghe những tiếng nói phản đối.
Theo báo chí Hồng Kông, nhiều xe cộ trong đó có cả xe cảnh sát đã bị lật ngửa, và nhiều công an viên bị thương khi những người biểu tình tấn công vào một đồn công an bằng gạch đá. Khi AFP liên hệ, các lãnh đạo địa phương không muốn trả lời về vấn đề này.

Một người dân quận Trấn Hải giấu tên nói rằng khoảng một ngàn người biểu tình sáng nay đã tập hợp lại trước trụ sở chính quyền địa phương, và đã tuần hành một cách hòa bình. Cuộc tuần hành phản đối tiếp diễn vào buổi chiều, dưới sự cảnh giới nghiêm ngặt của công an.

Phía công an cho rằng những tin đồn vô căn cứ về một sinh viên bị lực lượng an ninh đánh chết, là nguyên nhân của cuộc nổi dậy này. Trên tiểu blog, công an Trấn Hải tuyên bố : « Những người loan truyền tin đồn thất thiệt trên đã gây ra tác động hết sức tai hại. Sau khi điều tra, thì đó là do một phụ nữ đã phao tin, và người này sẽ bị xử lý theo pháp luật. Công an yêu cầu các công dân không nên tin vào các tin đồn và không loan truyền chúng ».

Các phong trào phản kháng việc xây dựng những nhà máy gây ô nhiễm đã tăng vọt trong những năm gần đây tại Trung Quốc, nơi mà môi trường đã bị xuống cấp sau ba thập kỷ công nghiệp hóa vô tổ chức. Hồi đầu tháng Bảy, một dự án nhà máy luyện kim đã bị ngăn chận tại thành phố Thập Phương (Shifang) thuộc tỉnh Tứ Xuyên, sau nhiều ngày đụng độ giữa công an và hàng trăm người biểu tình.

tags: Biểu tình - Châu Á - Dân chủ - Môi trường - Ô nhiễm - Trung Quốc - Xã hội
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20121028-duoi-ap-luc-dan-bieu-tinh-trung-quoc-ngung-xay-dung-mot-nha-may-loc-dau 

Ca sĩ Anh Gary Glitter, từng bị ba năm tù ở Việt Nam, bị bắt trong vụ Savile

Gary Glitter tại Luân Đôn, 28/10/12.
Bài đăng : Chủ nhật 28 Tháng Mười 2012 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 28 Tháng Mười 2012 
Vụ xì-căng-đan người dẫn chương trình truyên hình nổi tiếng của BBC là Jimmy Savile, bị nghi ngờ tấn công tình dục trẻ vị thành niên trong suốt bốn thập kỷ, đến hôm nay 28/10/2012 lại mang tầm vóc quy mô hơn với việc bắt giữ cựu ngôi sao nhạc pop Gary Glitter. Ca sĩ này đã từng bị Việt Nam kết án ba năm tù vì xâm phạm tình dục trẻ em.

Đây là vụ bắt giữ đầu tiên của Scotland Yard, trong khuôn khổ vụ án Savile. Nghi can Jimmy Savile đã qua đời năm ngoái ở tuổi 84, và cảnh sát loan báo một người đàn ông ở độ tuổi 60 “nghi ngờ là tội phạm tình dục” đã bị bắt sáng nay tại Luân Đôn, nhưng không cho biết nhân thân của người này.

Theo báo chí Anh, thì nghi can này chính là cựu ca sĩ Gary Glitter, 68 tuổi. Các báo đăng hình người đàn ông này đang được đẩy vào một chiếc xe màu xám, được một người mặc com-lê đi kèm, có lẽ là một cảnh sát mặc thường phục.

Cả Jimmy Savile, ngôi sao truyền hình trong thập niên 60-80 và Gary Glitter, đều đã gặt hái vinh quang trong những năm 70, và thăng tiến trong ngành giải trí. Một phụ nữ Anh khẳng định với BBC là lúc trẻ, cô đã thấy Gary Glitter quan hệ tình dục với một trong những cô bạn học cùng lớp, trong căn phòng dành cho Jimmy Savile ở BBC. Gary Glitter bác bỏ cáo buộc này.

Ngôi sao nhạc “glam rock” đã hai lần bị kết án vì quan hệ với trẻ vị thành niên. Năm 1997 khi sự nghiệp đang trên đà đi xuống, Glitter bị bắt tại Anh vì tải các phim khiêu dâm trẻ em trên mạng. Hai năm sau ca sĩ này bị kêu án bốn tháng tù.

Nhưng chính tại Việt Nam, vào năm 2006 Gary Glitter, tên thật là Paul Francis Gadd, đã phải nhận lãnh bản án ba năm tù giam vì có những hành vi xâm hại tình dục hai bé gái Việt 11 và 12 tuổi. Ca sĩ đã kêu ca rằng đây là một vụ dàn dựng để hại ông ta.

Việc Glitter bị bắt trong vụ Savile là tiến triển mới nhất của xì-căng-đan đang làm rung chuyển nước Anh từ vài tuần qua, và mỗi ngày lại có thêm những tiết lộ mới. Vụ việc nổ ra vào đầu tháng 10, khi kênh truyền hình ITV chiếu bộ phim tài liệu, trong đó 5 phụ nữ tố cáo Jimmy Savile đã lạm dụng tình dục, và sau đó nhiều người khác cũng đã đứng ra cáo buộc. Hiện nay Scotland Yard ước tính số nạn nhân lên đến 300 người, chủ yếu là các thiếu nữ, nhưng cũng có vài thiếu niên nam.

Vụ tai tiếng này đã hủy hoại hình ảnh của Jimmy Savile, khuôn mặt sáng chói được hoan nghênh với các chương trình truyền hình dành cho giới trẻ, như show ca nhạc “Top of the Pops”. Người điều khiển chương trình này cũng nổi tiếng với các hoạt động từ thiện, đã được Nữ hoàng Elizabeth II phong tước và Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo đệ nhị gắn huy chương.

Xì-căng-đan đình đám trên cũng gây ra chấn động tại BBC, bị lên án là đã giấu nhẹm vụ việc. Tập đoàn nghe nhìn này đã phải xin lỗi và tiến hành hai cuộc điều tra độc lập.

http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20121028-ca-si-anh-gary-glitter-tung-bi-ba-nam-tu-o-viet-nam-bi-bat-trong-vu-savile

Tàu Trung Quốc lại đến gần quần đảo tranh chấp với Nhật

Bài đăng : Chủ nhật 28 Tháng Mười 2012 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 28 Tháng Mười 2012
Lực lượng tuần duyên Nhật Bản cho biết, bốn tàu hải giámTrung Quốc hôm nay 28/10/2012 đã tiến vào vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Tokyo quản lý, nhưng Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền. Bốn chiếc tàu hải giám này vào lúc 11 giờ, giờ địa phương, (2 giờ GMT) đã xâm nhập khu vực cách Senkaku/Điếu Ngư 22 km tại biển Hoa Đông, và rời vùng biển này vài giờ sau đó.

Còn Tân Hoa Xã trích lời cơ quan hải dương Trung Quốc nói rằng, các tàu trên thực hiện « các cuộc tuần tiễu thường lệ và hoạt động cảnh sát ». Đoàn tàu hải giám đã ra lệnh cho các tàu tuần duyên Nhật « phải rời khỏi vùng biển của Trung Quốc ngay lập tức », và ghi hình các hoạt động « để tập hợp các bằng chứng về việc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc ».

Các tàu hải giám này không phải là những chiếc hôm thứ Năm 25/10 đã từng xâm nhập vào vùng biển của Nhật Bản.

Căng thẳng đã diễn ra từ đầu tháng Chín, khi chính quyền Nhật Bản quyết định mua lại ba hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ các chủ tư nhân người Nhật. Bắc Kinh ngay lập tức đã gởi sáu tàu công vụ đến vùng này, và khởi đầu một tuần lễ biểu tình chống Nhật – đôi khi với bạo động – trên khắp nước Trung Quốc, rõ ràng là với sự ủng hộ ngầm của chính quyền.

Các cuộc biểu tình này tập hợp hàng chục ngàn người trong hơn một chục thành phố, trong đó có Bắc Kinh, cho đến giữa tháng Chín. Những tập đoàn lớn của Nhật, đặc biệt là các tập đoàn xe hơi, đã phải tạm ngưng toàn bộ hay một phần sản xuất.

Từ đó đến nay, các tàu hải giám và tàu ngư chính Trung Quốc đã nhiều lần xâm nhập vùng biển thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư - tức là trong phạm vi 22 km vùng xung quanh quần đảo - cũng như các tàu tuần duyên Đài Loan, vì Đài Bắc cũng đòi hỏi chủ quyền tại đây.

tags: Biển Hoa Đông - Chủ quyền - Nhật Bản - Senkaku / Điếu Ngư - Trung Quốc
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20121028-tau-trung-quoc-lai-den-gan-quan-dao-tranh-chap-voi-nhat 

Bạo động lại bùng lên tại Syria

Bài đăng : Chủ nhật 28 Tháng Mười 2012 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 28 Tháng Mười 2012 
Hôm nay 28/10/2012 bạo động lại tái diễn với các cuộc tập kích của không quân và các cuộc tấn công của phe nổi dậy, khai tử hoàn toàn thỏa thuận ngưng bắn mà đặc sứ Liên Hiệp Quốc Lakhdar Brahimi hằng mong đợi.

Từ khi thỏa thuận ngưng bắn được loan báo hôm thứ Sáu 26/10, hơn 250 người đã thiệt mạng trong các cuộc dội bom và các trận giao tranh ở Syria. Một lần nữa mọi hy vọng về cơ hội chặn được cuộc xung đột suốt 19 tháng qua làm cho trên 35.000 người chết, lại bị lùi xa.

Đặc sứ Liên Hiệp Quốc và Liên đoàn Ả Rập, ông Brahimi, vốn trông mong sẽ tiến hành ngưng bắn trong bốn ngày lễ Aïd Al Adha của người Hồi giáo bắt đầu từ hôm thứ Sáu, sẽ phải quay lại trước Hội Đồng Bảo An vào đầu tháng 11. Ông cho biết có « một số ý tưởng hành động » để đưa Tổng thống Bachar Al Assad và phe đối lập đến bàn thương lượng.

Nhưng cả chế độ Damas lẫn phe nổi dậy dường như không bên nào sẵn sàng buông súng, lên án lẫn nhau là đã vi phạm ngưng bắn. Quân chính phủ cố tái chiếm các cứ điểm của phe phản kháng bằng các cuộc không kích, cam đoan rằng họ chỉ « đánh trả » các cuộc tấn công. Còn phe nổ dậy cho rằng sáng kiến của ông Brahimi đã chết từ khi mới được khai sinh, và là một thất bại, trước các cuộc bắn pháo liên tục của chế độ.

Theo một nhà ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc, thì « tiến trình chính trị không thể bắt đầu được trước khi ông Assad hay phe nổi dậy bị đánh quỵ khiến không còn chọn lựa nào khác. Hiện nay thì chưa phải lúc, tuy nhiên ông Brahimi có một số sáng kiến khác ».

Thỏa thuận ngưng bắn do đặc sứ Liên Hiệp Quốc đề nghị đã chịu chung số phận với thỏa thuận hồi tháng Tư của người tiền nhiệm Kofi Annan, cũng đã tan thành mây khói chỉ sau vài tiếng đồng hồ.

tags: Bạo động - Quốc tế - Syria - Theo dòng thời sự - Trung Cận Đông
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20121028-bao-dong-lai-bung-len-tai-syria

Ukraina bầu Quốc hội, một trắc nghiệm dân chủ

Bài đăng : Chủ nhật 28 Tháng Mười 2012 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 28 Tháng Mười 2012 
Hôm nay 28/10/2012 người dân Ukraina đi bầu Quốc hội. Cuộc bầu cử này được phương Tây chú ý quan sát vì lo ngại có gian lận. Đảng cầm quyền được dự kiến sẽ dẫn đầu, tiếp đến là đảng của nhà đối lập Ioulia Timochenko đang bị cầm tù, và của võ sĩ quyền Anh Vitali Klitschko. Nga đang trông đợi chiến thắng của Tổng thống Ukraina đương nhiệm, một đối tác quan trọng của Matxcơva.

Các phòng phiếu mở cửa từ 6 giờ đến 18 giờ GMT, và các kết quả sơ khởi sẽ được biết vào đêm Chủ nhật rạng sáng thứ Hai. Cuộc bầu cử quy mô nhất kể từ khi Tổng thống Viktor Ianoukovitch lên cầm quyền đang được phương Tây quan tâm theo dõi. Người ta lo ngại nền dân chủ sẽ bị thụt lùi tại Ukraina, mà việc cựu Thủ tướng Ioulia Timochenko bị tống giam từ tháng 8/2011 được xem là trường hợp điển hình.

Bị kết án bảy năm tù giam vì tội lạm dụng quyền lực, bà Timochenko không thể ra tranh cử. Vụ này vốn được cho là có động cơ chính trị, đã gây ra một cuộc khủng hoảng lớn giữa Kiev và Liên Hiệp Châu Âu, và kỳ bầu cử Quốc hội sẽ là một thử nghiệm cho Ukraina. Bà Timochenko sẽ bỏ phiếu tại bệnh viện Kharkiv, nơi bà đang nằm điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm.

Theo các cuộc thăm dò, thì « Đảng các Vùng » của Tổng thống Ianoukovitch sẽ dẫn đầu, theo sát là liên minh đối lập chính mà nòng cốt là đảng của bà Timochenko. Đảng Udar (« Cú đánh » theo tiếng Ukraina) của võ sĩ quyền Anh nổi tiếng Vitali Klitschko trước đây chỉ hoạt động tại Kiev, là một ngạc nhiên lớn trong kỳ bầu cử này, được dự đoán sẽ về thứ ba, và lần đầu tiên có đại diện trong Quốc hội.

Là vô địch thế giới hạng nặng giải quyền Anh nhà nghề, ông Klitschko đã bày tỏ tham vọng trở thành thủ lãnh các phe đối lập trong Quốc hội mới. Hai đảng khác có khả năng vượt ngưỡng 5% số phiếu là đảng Cộng sản và đảng dân tộc chủ nghĩa Svoboda. Đảng Udar và đảng Svoboda đã hứa hẹn sẽ hợp tác để thành lập đa số, nhưng các nhà chuyên môn nghi ngờ khả năng tìm được một thỏa thuận lâu dài giữa đôi bên.

Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ lo ngại trước các vấn đề đã quan sát được trong chiến dịch tranh cử, trong đó có việc huy động bộ máy hành chính tạo thuận lợi cho Tổng thống đương nhiệm, và việc các ứng viên mua chuộc cử tri bằng tiền bạc, quà cáp.

Chính quyền đã trang bị webcam cho các phòng phiếu. Những hình ảnh sẽ được trực tiếp truyền lên một trang web trong thời gian bỏ phiếu, đảm bảo kỳ bầu cử này là minh bạch. Nhưng các nhà đối lập và quan sát viên quan ngại gian lận sẽ diễn ra khi kiểm phiếu, vì không truyền hình ảnh trực tiếp.

Cuối 2004, các vụ gian lận bầu cử hàng loạt trong kỳ bầu cử tổng thống đã dẫn đến cuộc Cách mạng màu Cam – một cuộc nổi dậy hòa bình chưa có tiền lệ ở Ukraina. Tư pháp đã phải hủy bỏ « chiến thắng » của ông Ianoukovitch, đưa một nhà đối lập thân phương Tây lên cầm quyền.

Matxcơva mong là đảng cầm quyền sẽ thắng cuộc, vì lợi ích của Nga tại quốc gia thuộc Liên Xô cũ này. Tuy ông Ianoukovitch là một đối tác thiếu nhất quán, nhưng Matxcơva hy vọng tiếng Nga vẫn tiếp tục là ngôn ngữ quan trọng thứ hai tại Ukraina, cũng như dẫn dụ Kiev gia nhập Liên hiệp Thuế quan hiện nay giữa Nga với Kazakhstan và Belarus.

tags: Bầu cử - Chính trị - Dân chủ - Quốc tế - Ukraina
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20121028-ukraina-bau-quoc-hoi-mot-trac-nghiem-dan-chu 

vendredi 26 octobre 2012

Từ Mao đến Đặng : Sự cất cánh của Trung Quốc

Du khách thăm quảng trường Thiên An Môn
Bài đăng : Thứ sáu 26 Tháng Mười 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 26 Tháng Mười 2012 
 
Trung Quốc đầu thế kỷ 21 là một nước giàu với đầy người nghèo, một quốc gia trẻ nhưng dân số sẽ già đi trước khi trở thành giàu có. Đứng thứ hai thế giới sau Hoa Kỳ về tổng sản phẩm nội địa, nhưng chia ra theo đầu người thì Trung Quốc lại lẹt đẹt gần thứ 100. Liệu thế hệ lãnh đạo mới có sẵn sàng theo đuổi tự do hóa và mở cửa kinh tế, đồng thời khởi đầu cải cách chính trị ?

Về châu Á, nhật báo Le Monde có bài viết mang tựa đề « Từ Mao Trạch Đông đến Đặng Tiểu Bình, làm thế nào Trung Quốc đã giành được vị trí ». Đây là bài viết giới thiệu tập hai của bộ sưu tập « Tìm hiểu một thế giới đang đổi thay » gồm 20 tập, mang tên « Trung Quốc : Từ cách mạng đến sự ra đời của một đại cường ». Trong lời bạt, tác giả Erik Izraelewics nhận định, tuy cất cánh về kinh tế rất nhanh, nhưng Trung Quốc hiện đang gặp những cản ngại chủ yếu về chính trị.

Theo tác giả bài báo, thì điều bất thường của lịch sử không phải là sự quay lại của Trung Quốc trong hàng ngũ các cường quốc, mà là sự vắng mặt lâu dài của quốc gia này, từ 1830 đến tận 1980. Trung Hoa từng là một đế quốc hùng mạnh, giàu có và sáng tạo. Sau chiến tranh nha phiến (1839-1860), bị nước ngoài chiếm đóng (Âu, Mỹ rồi Nhật), rồi đến những sai lầm trong chính sách, đã làm cho Trung Quốc yếu hẳn đi.

Vào cuối thập niên 70, Mao Trạch Đông đã để lại cho những người kế nghiệp một đất nước đóng cửa với thế giới bên ngoài, cô lập với tất cả, chịu đựng nạn đói khủng khiếp và giới trí thức bị Cách mạng văn hóa vùi dập. Nhưng trước khi rơi xuống địa ngục, Trung Hoa từng là cường quốc hàng đầu thế giới trong thời gian dài, theo như nhà sử học và kinh tế Angus Maddison. Nếu vào đầu thế kỷ 19, Trung Quốc tập trung một phần ba của cải trên hành tinh, thì đến giữa thế kỷ 20, chỉ còn chưa đến 1%.

Đặng Tiểu Bình : Mở cửa kinh tế nhưng vẫn độc đảng

Từ ba giáo điều của thời kỳ Mao Trạch Đông : Đảng nắm toàn quyền, kinh tế quốc doanh và tự lực, Đặng Tiểu Bình chỉ giữ lại nguyên tắc đầu tiên, nghĩa là Đảng Cộng sản thống trị xã hội. Đặng không hề đụng đến vấn đề mang tính chính trị này - dưới thời kỳ Đặng Tiểu Bình, chế độ cai trị vẫn tập trung và độc đoán. Ngược lại trong lãnh vực kinh tế, Đặng Tiểu Bình lại cho tự do hóa, với việc chấm dứt tình trạng mọi thứ đều quốc doanh, và khởi đầu mở cửa với bên ngoài.

Cũng chỉ trong vòng một thế hệ (30 năm), Trung Quốc đã làm được cuộc « cách mạng công nghiệp » của mình. Giai đoạn cất cánh kinh tế này, châu Âu và Hoa Kỳ từng trải qua một thế kỷ rưỡi trước đó, và mất gấp đôi, gấp ba thời gian. Tại Trung Quốc, tất cả đều được thực hiện nhanh chóng hơn : sự chuyển đổi từ nông nghiệp sang công nghiệp, nông thôn sang thành thị, sự trỗi dậy của giai cấp trung lưu và khởi đầu cho một xã hội tiêu thụ. Sản xuất cũng tăng trung bình gần 10% một năm, và trong 30 năm qua đã tăng lên gấp 7 lần. Một điều chưa từng thấy !

Chưa bao giờ trong lịch sử, một đất nước khổng lồ lại tăng trưởng mạnh mẽ đến thế trong một thời kỳ dài. Nhưng cho dù nay có nhiều tỉ phú, nhiều thành phố nhanh chóng mọc lên, và gu tiêu dùng hàng hiệu phương Tây, Trung Quốc đầu thế kỷ 21 là một nước giàu với đầy người nghèo, một đất nước trẻ nhưng dân số sẽ già đi trước khi trở thành giàu có. Đứng thứ hai thế giới sau Hoa Kỳ về tổng sản phẩm nội địa, nhưng chia ra theo đầu người thì Trung Quốc lại lẹt đẹt gần thứ 100 – một chỉ số cho thấy mức sống của người dân như thế nào.

Trung Quốc còn cần hai cuộc cách mạng : Xã hội và Tự do

Để duy trì vị thế, theo kế hoạch lần thứ 12 thì nay Trung Quốc phải chuyển từ tăng trưởng dựa trên xuất khẩu và đầu tư sang tiêu thụ nội địa, dịch vụ và sáng tạo. Nước Trung Quốc « cộng sản » trên thực tế cần hai cuộc cách mạng : « xã hội chủ nghĩa » với việc thiết lập Nhà nước phúc lợi, và « tự do » với một Nhà nước pháp quyền, triền khai các lực lượng đối trọng thực sự, và thúc đẩy tinh thần sáng tạo.

Nhưng theo Le Monde, thì hai cuộc cách mạng này vấp phải vô số trở ngại, nhất là về chính trị. Đây là trung tâm của các cuộc tranh luận dữ dội ở thượng đỉnh quyền lực, trong thời điểm sẽ chuyển giao cho ban lãnh đạo mới vào tháng 3/2013. Một thế hệ lãnh đạo thứ năm chưa bao giờ biết đến cách mạng, đến chiến tranh cũng như nạn đói. Liệu thế hệ này có sẵn sàng theo đuổi công cuộc tự do hóa và mở cửa kinh tế, đồng thời khởi đầu cải cách chính trị ? Ban lãnh đạo mới có chấp nhận gánh lấy trách nhiệm quốc tế như các đối tác phương Tây đòi hỏi ?

Họ vẫn chưa chịu chọn lựa, và Le Monde cho rằng, dù sao lớp lãnh đạo mới của Trung Quốc vẫn phải dựa vào dân - những người dân nay giàu hơn, được đào tạo tốt hơn và có thông tin hơn. Nửa tỉ người Trung Quốc sử dụng internet, 250 triệu người dùng mạng Vi Bác, nay là một lực lượng đáng gờm mà những chúa tể mới của chế độ không thể bỏ qua.

Tờ báo kết luận, ngay tại một Trung Quốc của đầu thế kỷ 21 này, Mao Trạch Đông vẫn chưa bị khai tử. Xung quanh Tử Cấm Thành, gần quảng trường Thiên An Môn, bóng đen của ông ta vẫn còn đó. Và theo Le Monde, internet có thể giáng những đòn chí mạng cho Mao.

Bắc Kinh tái khởi động chương trình hạt nhân

Cũng liên quan đến Trung Quốc, thông tín viên của Le Figaro cho biết Bắc Kinh đang quay lại với chương trình hạt nhân. Sau thời gian đóng băng do thảm họa Fukushima, nay đã có một số dự án xây dựng nhà máy điện nguyên tử được duyệt.

Như vậy chương trình hạt nhân đã được tái khởi động, nhưng với nhịp độ chậm hơn. Chính phủ chỉ thông qua « một số nhỏ » dự án nhà máy điện nguyên tử cho đến năm 2015, và ở những tỉnh duyên hải chứ không xây dựng sâu trong nội địa như dự kiến. Ba dự án tại các tỉnh Hồ Nam, Giang Tây và Hồ Bắc đã bị tạm ngưng ít nhất ba năm.

Là nước tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới, Trung Quốc khó có chọn lựa khác. Theo He Jiankun, giám đốc Institute of Low Carbon Economy của trường đại học Thanh Hoa, thì « nguyên tử năng là không thể thay thế được, để kết hợp giữa cơn khát năng lượng ngày càng tăng, với sự cần thiết phải giảm bớt thải khí CO2 ».

Ngưng hợp tác về vũ khí nguyên tử và hóa học : Nga tặng quà cho bọn khủng bố

« Món quà mà nước Nga tặng cho bọn khủng bố », đó là tựa đề một bài xã luận của New York Times, được Le Figaro dịch lại. Bài báo nói về quyết định mới đây của Matxcơva, chấm dứt hai thập kỷ hợp tác với Washington để phá hủy kho vũ khí nguyên tử và hóa học còn tồn tại sau thời kỳ chiến tranh lạnh.

New York Times cho rằng tất cả đều thiệt thòi với quyết định này. Nga sẽ phải tự chi trả cho các hoạt động trên, Hoa Kỳ không còn phương tiện ít tốn kém để giảm bớt nguy cơ hạt nhân, và thế giới đành phải cảnh giác trước đủ loại quân khủng bố khác nhau, có thể mua hay trộm cắp được các loại vũ khí này để tiến hành các vụ khủng bố mới.

Theo chương trình Nunn-Lugar được Quốc hội Mỹ thông qua vào năm 1991, thì Hoa Kỳ cung cấp tài chính và kỹ thuật cho Liên Xô cũ để phá hủy hoặc vô hiệu hóa các vũ khí, thiết bị, địa điểm nguyên tử và hóa học nhạy cảm. Trong vòng 20 năm, đã có trên 7.600 đầu đạn bị tháo gỡ, hơn 2.000 hỏa tiễn hạt nhân, trên 400 tấn uranium có thể sử dụng vào mục đích quân sự, nhiều kho vũ khí hóa học bị phá hủy. Mỹ đã chi ra gần 15 tỉ đô la, thấp hơn ngân sách quốc phòng và phòng vệ tấn công nguyên tử hàng năm của Lầu Năm Góc. Tuy nhiên, chỉ mới đi được có nửa con đường.

Tờ báo cho là, khi bỏ ngang chương trình như thế, Matxcơva phải tiếp tục việc giải trừ các loại vũ khí này một cách minh bạch, để tạo tin tưởng với thế giới. Nhưng chính Vladimir Putin phải tìm ra một giải pháp cho vấn đề mà ông ta đã tự tạo ra.

Syria : Những chiến binh nổi dậy phải tự lực cánh sinh

Nhìn sang Syria, phóng sự của đặc phái viên Le Monde mang tựa đề « Selma, thủ đô nổi dậy của vùng núi Akrad » tả lại khung cảnh của một thành phố không còn thường dân, không điện nước, nơi hàng trăm chiến binh vẫn tiếp tục chiến đấu chống chế độ Assad.

Đó là một thành phố của đàn ông – phụ nữ, trẻ em và người già đều đã đi tị nạn. Cánh cửa của những ngôi nhà va đập trong gió, cỏ dại mọc đầy những con đường chính, những âm thanh nghe được chỉ là tiếng động cơ xe gắn máy chở các chiến binh trang bị những khẩu kalachnikov. Không điện, không nước, không còn xăng dầu, tất cả đều thiếu thốn, tất cả những gì có được đều phải chia theo khẩu phần kể cả bột mì. Và thiếu thốn nhất vẫn là vũ khí : một khẩu kalachnikov giá từ 1.000 đến 1.500 đô la, một viên đạn giá 2 đô la.

Theo tác giả, cũng như về chính trị, phe nổi dậy cũng chia rẽ trong quân sự, hiện đang có nhiều phe nhóm khác nhau. Có đủ loại thủ lãnh, từ những nhà buôn giàu có cho đến các sĩ quan quân chính phủ đào ngũ, hay những tay súng salafiste trẻ tuổi gan dạ. Đáng ngạc nhiên là họ di chuyển tự do trên khắp đất nước Syria. Chẳng hạn tại Selma, có những đơn vị đến từ Hama ở miền trung, gây ấn tượng với người tại chỗ nhờ kỷ luật hơn và kinh nghiệm hơn.

Tuy nhiên con người quyền lực nhất Selma lại không có một tấc sắt trong tay. Bác sĩ Hami Habib điều hành bệnh viện dã chiến đặt tại tầng hầm một tòa nhà, liên tục có những người lính đến chữa vết thương hay xin khẩu phần lương thực, mà ông phụ trách phân phối.

Người bác sĩ này cho biết ông không có xe cứu thương, không phương tiện phẫu thuật và gây mê ; nên chỉ có thể sơ cứu người bị thương rồi gởi sang Thổ Nhĩ Kỳ bằng những chiếc xe mui trần chất đầy nệm phía trên. Bệnh viện có một máy phát điện nhưng không còn xăng để chạy máy. Thế mà lâu nay ngoài các chiến binh, ông còn phải chăm sóc sức khỏe cho 20.000 thường dân – em bé, người già, phụ nữ. Selma đã được giải phóng, nhưng không hề được sự trợ giúp của chính phủ các nước, ngoài một số tổ chức phi chính phủ.

Chính phủ Pháp đang bị chỉ trích

Tình hình chính trị nước Pháp chiếm trang đầu của các báo Paris hôm nay. Le Monde chạy tựa : « Chính phủ bị lên án là nghiệp dư », với những chỉ trích từ phía cánh hữu cũng như cánh tả trước những sai sót về thông tin và tiến độ làm việc của chính phủ Ayrault. Tờ báo cánh hữu Le Figaro đưa tít lớn: « Hollande : Sự ngờ vực bắt rễ », nhấn mạnh tỉ lệ 64% người Pháp cho biết không hài lòng về chính sách của Tổng thống François Hollande từ khi được bầu lên, theo một cuộc thăm dò của OpinionWay.

Nhật báo thiên tả Libération quan tâm đến «Tính cạnh tranh : Hollande nhận lãnh cú sốc ». Tờ báo chơi chữ về dự định của ông Hollande tạo ra một cú sốc về tính cạnh tranh, khi đặt hàng bản báo cáo Gallois, nhưng đã bị phản ứng ngay trong nội bộ cánh tả. Trong bài xã luận, Libération mỉa mai, phải chăng sau khi tăng thuế lên người giàu, để sửa chữa sự bất công này, chính phủ quay sang buộc người nghèo cũng phải đóng góp thêm. Còn nhật báo kinh tế Les Echos quay sang tìm hiểu về mô hình của nước láng giềng, chạy tựa : « Khắc khổ : Những thành công đầu tiên của Anh ».

Nhật báo công giáo La Croix chú ý đến một thế hệ lãnh đạo mới trẻ tuổi với hàng tựa chính : « Từ đảng Xã hội đến Liên minh cánh hữu, thời gian chuyển tiếp ». Còn tờ báo cộng sản L’Humanité nhận định « Đảng Xã hội tìm chỗ đứng ». Theo tờ báo, nhân đại hội đảng Xã hội diễn ra đến Chủ nhật này, nhiều thành viên đang cân nhắc giữa việc ủng hộ chính phủ cánh tả, và mong muốn thay đổi nhiều hơn, nhanh hơn.

tags: Châu Á - Trung Quốc - Điểm báo
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20121026-tu-mao-den-dang-su-cat-canh-cua-trung-quoc 
 

jeudi 25 octobre 2012

Hàn Quốc : Các chaebol bị lên án đã bóp nghẹt nền kinh tế

Bảng quảng cáo của Samsung tại Seoul
Bài đăng : Thứ năm 25 Tháng Mười 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 25 Tháng Mười 2012 
 
Các chaebol, những tập đoàn khổng lồ của Hàn Quốc được điều hành bởi những gia đình sáng lập, là mục tiêu đả kích của tất cả các ứng cử viên tổng thống năm nay. Trước đây là động cơ nâng dậy nền kinh tế Hàn Quốc sau cuộc chiến tranh Triều Tiên, nay các chaebol bị lên án là đã bóp nghẹt nền kinh tế.

Câu khẩu hiệu « Dân chủ hóa nền kinh tế » được đưa ra dựa trên sự bất mãn sâu sắc của cử tri, do sự chênh lệch ngày càng tăng về thu nhập và cạnh tranh bất chính, trong đó các chaebol, vốn tỏa vòi bạch tuộc ra tứ phía, được cho là phải chịu trách nhiệm.

Các tập đoàn lớn này đã từng là động cơ của phép lạ kinh tế Hàn Quốc, từ một quốc gia nghèo nàn sau trận chiến Triều Tiên (1950 – 1953) nhảy vọt lên thành nền kinh tế đứng thứ tư châu Á chỉ sau vài thập kỷ. Các chaebol cũng rất năng động trong xuất khẩu.

Nhưng ngày nay, các tập đoàn lớn Hàn Quốc lại bị lên án là cạnh tranh bất chính, lợi dụng tầm vóc bề thế của mình để đầu tư vào tất cả mọi lãnh vực, bóp chết các doanh nghiệp nhỏ, kìm hãm sáng tạo và việc tạo lập ra công ăn việc làm.

Cả ba ứng cử viên cuộc bầu cử tổng thống ngày 19/12 tới, kể cả ứng viên của đảng bảo thủ xưa nay vẫn thiên về giới kinh doanh, đều đề nghị một loạt các cải cách nhằm giảm bớt ảnh hưởng của các chaebol lên nền kinh tế Hàn Quốc.

Bà Park Geun Hye, ứng cử viên của đảng bảo thủ cầm quyền, muốn phạt nặng hơn những chủ nhân của chaebol phạm tội tham nhũng – đôi khi những người này được chính quyền khoan hồng. Bà Park cũng muốn áp đặt những hạn chế đầu tư chéo giữa các chi nhánh thuộc nhiều ngành khác nhau của các tập đoàn.

Ứng cử viên độc lập Ahn Cheo Soo từng làm giàu trong ngành tin học, cho rằng Hàn Quốc sẽ có nhiều trường hợp thành công như ông hơn, nếu các chaebol có ít quyền lực hơn. Ông mỉa mai so sánh nền kinh tế Hàn Quốc với một sở thú, trong đó các doanh nghiệp nhỏ phải bước vào với vai trò nhà cung cấp để có thể sống sót, trước khi lợi nhuận bị triệt tiêu bởi các hợp đồng bất công, và thở hơi cuối cùng.

Trong một bài diễn văn rực lửa vào tuần rồi, ông Ahn tuyên bố : « Một khi quý vị đã bị sập bẫy trong sở thú Samsung hay sở thú LG (hai tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc), quý vị không thể đầu tư cho nghiên cứu và phát triển. Lối ra duy nhất để thoát khỏi sở thú, là cái chết ». Ứng viên độc lập này nói tiếp : « Không hề có tương lai trong hệ thống kinh tế hiện nay, khi mà của cải và các cơ hội được một vài người thống trị. Tôi sẽ làm thay đổi cái hệ thống bất công này ».

Ông Ahn Cheo Soo hứa hẹn xem xét lại việc quản lý các chaebol, và ngăn cản các tập đoàn đầu tư thêm vào các lãnh vực mới, giết dần giết mòn các doanh nghiệp nhỏ.

Còn ông Moon Jae In, thuộc đảng Dân chủ Thống nhất (đối lập trung tả), cam kết sẽ phân chia các chaebol thành nhiều đơn vị nhỏ, tháo gỡ bớt sự kiểm soát quá chặt chẽ của các gia đình sáng lập đối với ban giám đốc các tập đoàn.

Đương nhiên là những chỉ trích và đề nghị của các ứng cử viên tổng thống đã làm cho các chaebol cũng như những người đại diện tập đoàn giận dữ. Liên đoàn Kỹ nghệ Hàn Quốc mới đây đã khẳng định : « Tất cả các chính sách này (…) cuối cùng sẽ lợi bất cập hại. Chúng tôi đòi hỏi (các ứng cử viên tổng thống) từ bỏ việc đưa ra những hạn chế đi ngược lại với kinh tế thị trường, nhân danh việc dân chủ hóa nền kinh tế ».

Đối với các nhà quan sát đời sống chính trị Hàn Quốc, các cử tri giờ đây sẽ quan tâm hơn về vấn đề an sinh xã hội, và những chênh lệch về thu nhập so với trước đây. Những đề tài này không nằm trong ưu tiên của Tổng thống Lee Myung Bak, sẽ mãn nhiệm vào tháng Chạp.

Được mệnh danh là « Tổng thống kinh tế », ông Lee, từng là một nhà quản lý trong lãnh vực xây dựng của tập đoàn Huyndai, đã bị phe đối lập lên án là chỉ dựa vào các chaebol để kích thích tăng trưởng. Trong khi đó tình hình trong những tháng gần đây đã tồi tệ hẳn đi đối với các doanh nghiệp nhỏ, vì những doanh nghiệp này là các đơn vị đầu tiên bị ảnh hưởng bởi hiện tượng kinh tế thế giới đang tăng trưởng chậm lại, cũng như xuất khẩu của Hàn Quốc sụt giảm.

Giáo sư Kang Won Taek của trường đại học Seoul nhận định : « Trong bối cảnh như thế, ngay cả bà Park Geun Hye cũng không có chọn lựa nào khác ngoài việc đưa đề nghị cải cách các chaebol vào chương trình tranh cử ». 

tags: Châu Á - Hàn Quốc - Kinh tế
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20121025-han-quoc-mo-hinh-chaebol-bi-cac-ung-vien-tong-thong-len-an-la-bop-nghet-nen-kinh-te 
 

mercredi 24 octobre 2012

Trung Quốc chống tệ " buôn thần bán thánh"

Bài đăng : Thứ tư 24 Tháng Mười 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 24 Tháng Mười 2012 
Ban Tôn giáo, cơ quan chuyên giám sát các tôn giáo của Trung Quốc đã chỉ trích việc thương mại hóa tràn lan tại các đền chùa, và đặc biệt lên án sự hiện diện của các sư giả hay thầy bói tại các ngôi chùa hay các đền thờ Lão giáo.
Trong một thông báo đăng trên mạng ngày 22/10, Ban Tôn giáo khẳng định : « Các đền chùa trong bất kỳ trường hợp nào không được lao vào các hoạt động giao dịch cổ phiếu hay liên doanh ». Được biết để gây quỹ hay tìm nguồn tài trợ, một số đền chùa đã xoay sở để được niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Cơ quan chuyên quản lý các tôn giáo tố cáo : « Theo các thông tin của chúng tôi, thì có những cơ sở đã tuyển dụng các sư giả, lập các hòm công đức để thu thập tiền cúng dường, thậm chí còn gây áp lực lên các tín đồ và du khách để moi tiền từ họ ». Trong số các vụ lạm dụng được ghi nhận, có việc bán nhang đèn với giá cắt cổ, các thầy bói pha trộn những điều thiêng liêng với phàm tục nhằm mục đích kiếm tiền.

Trên lý thuyết, Trung Quốc cho phép tự do tín ngưỡng nhưng dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền cộng sản, thông qua các giáo hội chính thức được đặt dưới sự chỉ đạo của Nhà nước.

Theo nhật báo Global Times, thì Pháp Môn Tự (Famen) ở miền tây bắc Trung Quốc đã chuẩn bị sang năm lên sàn chứng khoán ở Hồng Kông, trong khi Phổ Đà Sơn (Mount Putuo), một ngọn núi thiêng của Phật giáo, đã loan báo kế hoạch niêm yết trên thị trường chứng khoán trong vòng ba năm tới.

Đồng thời báo chí Trung Quốc cũng đưa tin, hai nhà sư giả mặc áo thầy tu Phật giáo màu vàng nghệ đã bị bắt giữ tại Bắc Kinh hồi tháng Tư, sau khi bị bắt quả tang đang nhậu nhẹt trong tàu điện ngầm, và đăng ký mướn phòng tại một khách sạn sang trọng với hai phụ nữ.

tags: Châu Á - Tôn giáo - Trung Quốc - Xã hội
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20121024-trung-quoc-chong-te-buon-than-ban-thanh

Việt Nam: Công an xác nhận bắt giữ sinh viên Nguyễn Phương Uyên vì tội tuyên truyền chống Nhà nước

Bài đăng : Thứ tư 24 Tháng Mười 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 24 Tháng Mười 2012 
Hôm qua, 23/10 Công an tỉnh Long An đã thông báo cho bà Nguyễn Thị Nhung, mẹ của nữ sinh viên Nguyễn Phương Uyên, là con gái của bà đang bị tạm giam vì bị cáo buộc vi phạm điều 88 Bộ Luật hình sự Việt Nam về tội danh « tuyên truyền chống Nhà nước ».

Một bản sao thông cáo của Cơ quan An ninh Điều tra Công an tỉnh Long An, đề ngày 20/10, về việc bắt tạm giam cô Phương Uyên đã được đăng trên trang mạng Truyền thông Chúa Cứu Thế hôm nay.

Cô Nguyễn Phương Uyên, sinh viên Đại học Công nghiệp Thực phẩm thành phố HCM, đã bị công an bắt tại nhà trọ ở Sài Gòn từ ngày 14/10, cùng với 3 người bạn cùng trọ, để điều tra về vụ truyền đơn chống Trung Quốc xâm lược. Ba người bạn này sau đó được thả ra, nhưng Phương Uyên thì bị giam biệt tích cho đến nay, khiến gia đình của cô rất lo lắng trong những ngày qua. Gia đình của Phương Uyên sinh sống ở tỉnh Bình Thuận, nhưng không hiểu sao lại nữ sinh viên này bị đưa về tạm giam ở tỉnh Long An.

Một tập thể sinh viên Đại học Công nghiệp Thực phẩm thành phố HCM đã viết đơn đề ngày 20/10 cầu cứu lên chủ tịch nước Trương Tấn Sang về vụ bắt giữ Nguyễn Phương Uyên.

Vụ bắt giữ Nguyễn Phương Uyên xảy ra vào lúc chính quyền Việt Nam chuẩn bị đưa ra xét xử hai nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình, cũng với tội danh “ tuyên truyền chống Nhà nước”. Hai nhạc sĩ này là tác giả nhiều bài hát thể hiện lòng yêu nước trước những hành động xâm lấn của Trung Quốc ở Biển Đông. Cả hai đều đã bị bắt giam từ tháng 12 năm 2011.

Trả lời RFI Việt ngữ, bà Nguyễn Thị Nhung, mẹ của Nguyễn Phương Uyên cho biết:

Bà Nhung: Sáng hôm qua là ngày 23/10 tôi tiếp tục đến thành phố Tân An, tỉnh Long An để tìm con. Lúc 10 giờ15 tôi đến nơi, gặp cơ quan an ninh điều tra tỉnh Long An, ở đó gặp ông Nguyễn Văn Hớn. Tôi cũng có hỏi tại sao mà con tôi bị chuyển về đây, thì ông nói « chuyện đó là chuyện của chúng tôi ». Tôi hỏi tại sao bắt con tôi mà không thông báo cho gia đình, làm gia đình hết sức điêu đứng. Ông mới nói là tôi có gởi giấy thông báo cho gia đình rồi, nhưng có lẽ là xa nên không tới. Tôi hỏi ngược lại, ông gởi từ khi nào, thì ông nói gởi từ ngày 20. Sau đó tôi cầm tờ thông báo ấy đi đến địa chỉ 159 đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 3 thành phố Tân An, tỉnh Long An để tìm con, vì con tôi hiện tại là giam ở trại giam đó. 

RFI: Bà có gặp được không ạ ?

Bà Nhung: Xin thưa với quý Đài, đến nơi là 11giờ 5 phút, người ta nói là hết giờ làm việc, và tôi đợi đến 1 giờ rưỡi mới được vào bên trong. Đợi 15 phút sau thì gặp ông Giang. Ông Giang nói là bây giờ không cho gặp, đặc biệt không cho gặp, chỉ cho gởi chăn màn với một ít quần áo thôi, với lại gởi ít tiền.

Thì tôi cũng ra chợ mua vội cho con một cái chăn, một cái màn với hai bộ quần áo ngắn, một cái khăn lau mặt, và gởi cho cháu một triệu đồng tiền mặt. Nhưng khi gởi tôi hỏi là gởi quà cho con thì con tôi có được gởi lại mấy chữ là con có nhận quà hay không, thì ông ấy nói là không. 

Tôi hỏi nếu vậy thì tôi có nhận được giấy biên nhận là tôi gởi tiền với quà, ông nói cũng không ! Tôi nói nếu như xin gặp không được thì anh có thể cho tôi nhìn thấy con tôi từ xa được không ? Ông nói cũng không được. Không còn nước nào nữa hết trơn ! Cuối cùng là tôi năn nỉ ông ấy cho tôi gởi ba chữ trên cái tờ giấy gởi quà, rằng là «
Bà Nguyễn Thị Nhung
24/10/2012
Mẹ yêu con » - có ba từ - mà ông hết sức vô cảm. Ông ấy tuyệt đối không cho ! 

 Và tôi chỉ gởi được cho cháu có mấy món quà đó, mà cũng không biết có đến tay cháu hay không, thì tôi thật sự cũng rất là hoang mang. Vì tôi không có nắm giữ một cái gì được gọi là chắc chắn là con mình nhận được số quà mình gởi. Lúc mà ông Nguyễn Văn Hớn trao cho tôi tờ giấy thông báo, ông có nói rằng chị cứ lên đó gởi tiền cho nó đi, vì khi bắt trong mình nó không có một đồng bạc nào đâu ! Mà tôi không biết là con tôi có được nhận hay không.

RFI: Bây giờ thì gia đình tính như thế nào ?

Bà Nhung: Gia đình ở dưới quê thì chỉ trồng lúa với chăn nuôi các thứ. Còn bây giờ trong lúc mà con tôi gặp trường hợp như thế này thì rất là khó khăn, rất là bế tắc. Thật sự rất là rối, chưa biết tính như thế nào, tính chỉ đi tìm luật sư cho con.

RFI: Thưa bà tính cách của Phương Uyên như thế nào, liệu có vượt qua được những thử thách này không ?

Bà Nhung:Xin thưa với Đài, Uyên là một đứa con gái ở dưới quê, tính cách của cháu theo tôi thì cháu cũng rất là mạnh mẽ. Cũng biết những gì mình nên làm và những gì không nên làm. Và tôi tin chắc một điều rằng con tôi nó không làm điều gì xấu. Nếu việc nó làm thì chắc chắn là việc phải có ích, chứ nếu không có ích thì chắc chắn là nó không làm. Là một người mẹ thì tôi nghĩ như thế.

RFI: Xin rất cám ơn bà Nguyễn Thị Nhung.

tags: Nhân quyền - Việt Nam - Xã hội
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20121024-viet-nam-cong-an-xac-nhan-bat-giu-sinh-vien-nguyen-phuong-uyen-vi-toi-tuyen-truyen 

Việt Nam: Lạm phát lại tăng trong tháng 10

Bài đăng : Thứ tư 24 Tháng Mười 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 24 Tháng Mười 2012 
Tại Việt Nam, lạm phát lại tăng lên trong tháng 10, đạt mức 7% trong cả năm, trong lúc chính quyền đang lo ngại vật giá sẽ tiếp tục tăng, vào lúc nền kinh tế đang bị khủng hoảng hệ thống.

Tổng cục Thống kê Việt Nam hôm nay 24/10/2012 cho biết, lạm phát sau khi xuống đến mức thấp nhất trong vòng ba năm qua vào tháng Tám, đã dừng lại ở mức 5,04% trước khi lại tăng lên vào tháng Chín. Hôm thứ Hai 22/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cảnh báo là tình hình đang xấu, lạm phát có thể “lại tăng lên” và nêu ra mục tiêu 8% cho năm 2012.

Vật giá đã tăng 23% vào tháng 8/2011, buộc Việt Nam nhiều lần nâng lãi suất chỉ đạo dù bất lợi cho tăng trưởng. Sau đó chính phủ đã thay đổi chiến lược, lại hạ lãi suất chỉ đạo trong những tháng gần đây để tái thúc đẩy nền kinh tế. Ông Nguyễn Tấn Dũng nhìn nhận: “Việc siết chặt ngân sách và tiền tệ để kiểm soát lạm phát là cần thiết, nhưng cũng làm cho tiêu dùng trong nước giảm đi (…) và gây khó khăn cho sản xuất”.

Hôm nay, cơ quan thẩm định tài chính Fitch duy trì mức tín nhiệm của các ngân hàng lớn Việt Nam ở mức “B”, với triển vọng ổn định. Tuy nhiên Fitch cũng nhấn mạnh, đây là một trong những mức thấp nhất ở châu Á. Cơ quan thẩm định tài chính này cho rằng mức tín nhiệm trên đây “phản ánh rộng rãi những điều kiện chật vật của các hoạt động nội địa, và các khó khăn khác về cơ cấu, được xem là tiêu biểu tại các thị trường mới nổi có thu nhập thấp”.

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2012 dự kiến chỉ ở mức 5,2%, đây là tỉ lệ thấp nhất kể từ 13 năm qua. Trước đó chính quyền đã đưa ra mục tiêu tăng trưởng tối đa là 6,5% trong năm nay.

tags: Kinh tế - Lạm phát - Việt Nam
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20121024-viet-nam-lam-phat-lai-tang-trong-thang-10