jeudi 13 juillet 2017

Nobel hòa bình Lưu Hiểu Ba qua đời, Trung Quốc bị điểm mặt chỉ tên


Người dân Oslo đặt hoa tưởng niệm Lưu Hiểu Ba trước Trung tâm Nobel, ngày 13/07/2017.

(AFP 13/07/2017) Nhà ly khai Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo), người Trung Quốc đầu tiên được tặng giải Nobel hòa bình, đã qua đời hôm nay 13/07/2017 vì ung thư gan, trong khi vẫn đang bị quản thúc. Bắc Kinh đã lãnh một trận mưa chỉ trích vì không cho ông ra nước ngoài chữa bệnh.

Ủy ban Nobel hòa bình tố cáo Trung Quốc phải chịu « trách nhiệm nặng nề về cái chết quá sớm » của nhà đối lập do không cho Lưu Hiểu Ba được chữa trị một cách thích hợp. 

Lưu Hiểu Ba là giải Nobel hòa bình đầu tiên qua đời trong lúc bị tù tội, kể từ khi nhà đấu tranh ôn hòa người Đức Carl von Ossietzky, bị Đức Quốc xã cầm tù, đã chết tại bệnh viện năm 1938.


Thủ tướng Đức Angela Merkel ca ngợi « một chiến binh can đảm » tranh đấu cho quyền công dân. Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đánh giá Lưu Hiểu Ba là « hiện thân của những giá trị dân chủ », còn ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nhận định nhà ly khai này đã « dành trọn cuộc đời để cải thiện tình nhân loại ».

Ngoại trưởng Anh Boris Johnson chỉ trích : « Lưu Hiểu Ba lẽ ra phải được chọn lựa việc điều trị ở nước ngoài, nhưng chính quyền Trung Quốc lại nhiều lần ngăn trở ». Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk và chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker kêu gọi Bắc Kinh « trả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm ». Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian mong muốn « chính quyền Trung Quốc cam kết để cho vợ ông Lưu Hiểu Ba là bà Lưu Hà (Liu Xia) cùng với gia đình và những người thân của ông được tự do đi lại ».

Giải Nobel hòa bình 2010 được đặt vào một chiếc ghế trống vì Lưu Hiểu Ba đang bị tù. Ông không bao giờ được nhìn thấy giải thưởng quý giá này.
Ông Lưu Hiểu Ba, 61 tuổi, biểu tượng của đấu tranh dân chủ tại đất nước đông dân nhất thế giới, đã được đưa vào bệnh viện số 1 của Thẩm Dương (Shenyang) sau tám năm trời bị giam giữ. 

Từng là khuôn mặt hàng đầu của phong trào dân chủ Thiên An Môn năm 1989, nhà văn, giáo sư văn chương Lưu Hiểu Ba được tự do có điều kiện sau khi vào tháng Năm đã phát hiện ông bị ung thư gan ở thời kỳ cuối. Một trong các bác sĩ là bà Teng Yue’e trong cuộc họp báo cho biết ông Lưu Hiểu Ba thở hơi cuối cùng bên cạnh người vợ mà ông chúc « sống tốt » dù không có ông.

Nhà ly khai trước đó nói rằng ông muốn được chữa bệnh ở nước ngoài. Cộng đồng quốc tế lên tiếng ủng hộ, nhưng Bắc Kinh bác bỏ, cho rằng đây là « can thiệp vào chuyện nội bộ của Trung Quốc ». Liu Yunpeng, một lãnh đạo bệnh viện biện bạch là « rất nguy hiểm nếu di chuyển » do bệnh tình ông trở nặng trong những ngày gần đây. 

Ye Du, một nhà đấu tranh thân cận với gia đình Lưu Hiểu Ba cho rằng Bắc Kinh muốn giam giữ nhà đối lập chính trị « cho đến chết ». Nếu được ra khỏi Trung Quốc, « ông có thể phát biểu về chính trị với tư cách khôi nguyên hòa bình, như vậy sẽ có tác động tiêu cực cho đảng và cho đất nước ». 

Tại Hồng Kông, các nhà đấu tranh và người dân đã tụ họp lại tối thứ Năm 13/7 trước Văn phòng đại diện Hoa lục để vinh danh nhà ly khai Lưu Hiểu Ba đồng thời bày tỏ sự phẫn nộ trước Bắc Kinh.

Biểu tình phản đối Bắc Kinh và tưởng niệm Lưu Hiểu Ba tại Hồng Kông, 13/07/2017.
Lưu Hiểu Ba bị bắt vào tháng 12/2008 và một năm sau đó bị kết án 11 năm tù giam vì tội lật đổ. Chế độ cáo buộc ông là đồng tác giả Hiến chương 08, kêu gọi bầu cử tự do. Trong tù, ông Lưu Hiểu Ba được biết mình được trao giải Nobel hòa bình vào năm 2010.

Salil Shetty, tổng giám đốc Amnesty International tuyên bố : « Hôm nay chúng ta khóc cho sự mất mát một vĩ nhân về nhân quyền. Lưu Hiểu Ba là một nhân vật có trí thông minh sắc bén, con người của các nguyên tắc đạo đức, tài năng và nhất là tính nhân văn ».

Jared Genser, luật sư của Lưu Hiểu Ba ở Mỹ nhận định : « Hôm nay rõ ràng là chính quyền Trung Quốc đã thất bại. Những ý tưởng và giấc mơ của ông Lưu Hiểu Ba vẫn sống mãi, sẽ được phổ biến và trở thành hiện thực ».

Từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền vào cuối năm 2012, đàn áp chính trị ngày càng tăng. Sau khi tấn công vào các nhà đấu tranh nhân quyền, Bắc Kinh còn câu lưu các luật sư của họ, con số này lên đến mấy chục người. 

Tên của giải Nobel hòa bình đầu tiên của Trung Quốc là điều cấm kỵ trên báo chí nhà nước, trừ các báo bằng tiếng Anh gọi ông là « tội phạm bị lãnh án ». Công chúng Trung Quốc hầu như không biết đến ông Lưu Hiểu Ba.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.