dimanche 16 décembre 2012

Thế giới chia rẽ về hiệp ước viễn thông, tương lai internet vẫn bất định

Bài đăng : Chủ nhật 16 Tháng Mười Hai 2012 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 16 Tháng Mười Hai 2012 

Chủ trương tự do internet có vẻ chống chọi được trước xu hướng muốn áp đặt các quy định mới, nhân hội nghị của Liên hiệp Viễn thông Quốc tế (UIT) ở Dubai từ ngày 3 đến 14/12/2012, nhằm điều chỉnh lại các quy định viễn thông quốc tế. Tuy nhiên tương lai của internet vẫn còn là một dấu hỏi.

Chỉ có 89 nước trên 193 thành viên của tổ chức trực thuộc Liên Hiệp Quốc này đã ký vào hiệp ước mới về quy tắc viễn thông. Có hiệu lực từ năm 1988, hiệp ước này cần phải sửa đổi trước các tiến bộ kỹ thuật mới, và các quy định mới trong lãnh vực này. Hoa Kỳ đã bác bỏ một tài liệu mà theo Washington là có nguy cơ mở ra cánh cửa cho việc kiểm soát internet, sau đó Pháp và nhiều nước khác đã theo chân. Tài liệu này gồm một nghị quyết không ràng buộc trong đó có ghi « tất cả các chính phủ phải có trách nhiệm như nhau trong quản lý quốc tế về internet ».


Tổng thư ký Liên hiệp Viễn thông Quốc tế, ông Hamadoun Touré, đã khẳng định hội nghị « không hề có tác động đến internet ». Ngược lại, James Lewis, chuyên gia vê quản lý internet thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington cho rằng cuộc hội nghị trên « hoàn toàn về vấn đề internet ».

Đối với ông Lewis, thì UIT đã bị mất uy tín vì « cho rằng một quyết định phải được đồng thuận và yêu cầu đưa ra biểu quyết ». Điều này làm nổi rõ sự bất đồng giữa Hoa Kỳ và các đồng minh – vốn muốn đảm bảo internet tự do, và các chế độ như Nga và Trung Quốc, muốn kiểm soát việc sử dụng internet và các nội dung đưa lên mạng. Chuyên gia này cũng ghi nhận hội nghị đã thất bại trong việc tước việc quản lý tên miền trên internet từ tay ICANN, một cơ quan độc lập có trụ sở ở Hoa Kỳ.

Theo các viên chức có trách nhiệm của Mỹ, dù sao đi nữa tài liệu trên không có tác động ngay lập tức. Có những nước đã kiểm soát các hoạt động trên mạng trong phạm vi quốc gia mình. Tuy nhiên những người phản đối hiệp ước cho rằng văn bản này, nhân danh Liên Hiệp Quốc, sẽ « hợp thức hóa việc kiểm soát của chính phủ trong quản lý internet » - theo như tuyên bố của trưởng đoàn Mỹ, ông Terry Kramer.

Các ông Jim Langevin và Michael McCaul, đồng chủ tịch một ủy ban của Hạ viện Mỹ về an ninh mạng, cảnh báo việc tiến hành hiệp ước trên « sẽ là một cú đòn đáng kể cho những người nghĩ rằng tự do ngôn luận là một quyền mang tính toàn cầu ».

Một phát ngôn viên tập đoàn Mỹ Google, vốn ủng hộ các quốc gia phản đối hiệp ước cũng nhận xét : « Điều rõ ràng tại Hội nghị UIT ở Dubai, là nhiều chính phủ muốn tăng cường kiểm soát và kiểm duyệt internet ».
Milton Mueller, một chuyên gia về quản lý internet của đại học Syracuse thì đặt câu hỏi về tác động thực tế của văn bản được giữ lại trong hiệp ước về tự do internet. Ông nhấn mạnh : « Tôi không thích hiệp ước này, cũng như đa số người đấu tranh cho tự do internet, nhưng tôi không nghĩ là nó có thể gây ra nhiều tai hại ».

Ông Mueller cũng nêu ra các nỗ lực ngoại giao đã trở nên phức tạp vì lo ngại của một số nước, thường là nhiều tai tiếng về nhân quyền, phản đối các trừng phạt của Hoa Kỳ dẫn đến việc cắt đi một số dịch vụ internet như trường hợp Google. Các công ty Mỹ cũng không có quyền làm ăn với Iran hay Bắc Triều Tiên, là các nước bị Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc. Chuyên gia trên nhận định : « Thật kỳ lạ và mỉa mai, khi các quốc gia bảo vệ nhân quyền lại sử dụng việc chặn các dịch vụ internet như một dạng đòn bẩy chính trị ».

tags: Internet - Khoa học - Kiểm duyệt - Liên Hiệp Quốc - Theo dòng thời sự - Tự do - Viễn thông
http://www.viet.rfi.fr/khoa-hoc/20121216-the-gioi-chia-re-ve-hiep-uoc-vien-thong-tuong-lai-internet-van-bat-dinh 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.