Affichage des articles dont le libellé est Thái Bình Dương. Afficher tous les articles
Affichage des articles dont le libellé est Thái Bình Dương. Afficher tous les articles

lundi 19 novembre 2018

Mỹ-Trung bất đồng, lần đầu tiên APEC bế mạc không thông cáo chung

Thượng đỉnh APEC : Ảnh các lãnh đạo chụp ngày 17/11/2018, tại Port Moresby, Papua New Guinea

Lần đầu tiên trong lịch sử APEC, các nhà lãnh đạo 21 quốc gia và nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương trong ngày bế mạc hôm nay 18/11/2018 không ra được thông cáo chung. Hội nghị thượng đỉnh tại Papua New Guinea năm nay được đánh dấu bởi sự đối đầu trực diện giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, trong bối cảnh tranh giành ảnh hưởng tại khu vực.

Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết : « Các nhà lãnh đạo quyết định, thay vì ra bản tuyên bố chung như truyền thống, đã giao cho nước chủ nhà Papua New Guinea thay mặt tất cả các thành viên đưa ra một bản tuyên bố sau đó ». 

Thủ tướng Papua New Guinea, ông Peter O’Neil chỉ phát biểu ngắn gọn với báo chí : « Quý vị biết đó, có hai người khổng lồ trong một căn phòng. Tôi biết nói gì hơn ? ». Còn thủ tướng Canada Justin Trudeau nhìn nhận đã có những quan điểm khác biệt, nhất là về thương mại.

Phương Tây cố giúp Papua New Guinea để chận ảnh hưởng Trung Quốc

Từ phải sang trái: Phó tổng thống Mỹ Mike Pence, các thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, Papua New Guinea Peter O' Neill, Nhật Bản Shinzo Abe và Úc Scott Morrison, nhân buổi ký thỏa thuận về điện, ngày 18/11/2018, tại Port Moresby (PNG).

Hoa Kỳ và ba nước đồng minh ở Thái Bình Dương là Nhật, Úc, New Zealand hôm nay 18/11/2018 loan báo sẽ giúp Papua New Guinea bảo đảm cung cấp được hầu hết điện năng trên đảo quốc từ nay đến năm 2030, trong nỗ lực ngăn chận ảnh hưởng Trung Quốc trong khu vực.

Tại hội nghị thượng đỉnh APEC tổ chức ở Port Moresby, các nhà lãnh đạo Mỹ và đồng minh cho biết, sẽ giúp gia tăng sản lượng điện, phục vụ cho 70% dân số Papua New Guinea thay vì 13% như hiện nay. Trong số 8 triệu dân của Papua New Guinea, có đến 4/5 sống tại vùng nông thôn, có cơ sở hạ tầng nghèo nàn.

Thông cáo của Nhà Trắng nhấn mạnh sáng kiến này nhằm « phát huy một khu vực tự do, rộng mở, thịnh vượng trên cơ sở Nhà nước pháp quyền ».

samedi 17 novembre 2018

Căng thẳng Mỹ-Trung, hậu cảnh của thượng đỉnh APEC

Chiếc limousine chở Tập Cận Bình chạy qua đại lộ Độc Lập do Trung Quốc tài trợ tại Port Moresby, Papua New Guinea ngày 16/11/2018.

Port Moresby cuối tuần này là nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh châu Á-Thái Bình Dương 2018. Và hậu cảnh là cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng, giữa một Trung Quốc ngày càng hiện diện dày đặc trong khu vực, còn Hoa Kỳ thì lui dần về phía sau.

Tổng thống Mỹ Donald Trump không đến dự cuộc họp thường niên của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), gởi phó tổng thống Mike Pence đi thay. Ông Pence thậm chí còn không lưu lại ban đêm tại thủ đô của Papua New Guinea, vốn nổi tiếng là mất an ninh, mà ngủ đêm bên kia bờ biển Corail, thuộc Úc.

Tương phản càng rõ rệt hơn khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến Port Moresby từ thứ Năm 15/11/2018, khánh thành một con đường và một trường học do Trung Quốc tài trợ, ngay trước khi hội nghị thượng đỉnh khai mạc vào thứ Bảy 17/11. Papua New Guinea đã trải thảm đỏ cho phái đoàn Bắc Kinh, cờ Trung Quốc treo đầy dọc theo đại lộ.

dimanche 4 novembre 2018

Người dân Tân Calédonie chọn lựa ở lại với nước Pháp

Các áp-phích trong cuộc trưng cầu dân ý về độc lập cho Tân Calédonie tổ chức ngày 04/11/2018.

Theo kết quả kiểm phiếu tạm thời, Tân Calédonie, quần đảo chiến lược thuộc Pháp ở Nam Thái Bình Dương, đã chọn lựa ở lại với nước Pháp trong cuộc trưng cầu dân ý mang tính lịch sử hôm nay 04/11/2018.
Sau khi kiểm 128.618 trên tổng số hơn 175.000 lá phiếu, số cử tri phản đối Tân Calédonie độc lập chiếm đến 59,68%, so với số người ủng hộ độc lập là 40,32%. Người dân đi bầu đông đảo, với khoảng 80% số cử tri. Các cuộc thăm dò dư luận trước đó dự đoán có từ 63 đến 75% cử tri chọn lựa ở lại với nước Pháp, tỉ lệ này sẽ còn tăng lên sau khi kiểm phiếu xong.

samedi 3 novembre 2018

Hàng không mẫu hạm Mỹ tham gia tập trận đại quy mô với Nhật, Canada

Tàu sân bay USS Ronald Reagan trong cuộc tập trận Keen Sword cùng Hải quân Canada và Nhật Bản. Ảnh ngày 03/11/2018 tại vùng Tây Thái Bình Dương.

Hôm nay 03/11/2018 các chiến đấu cơ Mỹ xuất hiện dày đặc trên bầu trời Tây Thái Bình Dương, và hàng không mẫu hạm nguyên tử USS Ronald Reagan cùng với các khu trục hạm Nhật Bản, Canada tham gia cuộc tập trận lớn nhất từ trước đến nay ở vùng biển quanh Nhật Bản.

Nhật Bản và Hoa Kỳ đã huy động 57.000 binh sĩ hải quân, không quân và thủy quân lục chiến trong cuộc tập trận Keen Sword diễn ra hai năm một lần với các cuộc thực tập đổ bộ, không chiến và bắn hỏa tiễn đạn đạo. Số lượng quân nhân tham gia lần này tăng thêm 11.000 người so với năm 2016, trong đó riêng phía Nhật là 47.000 quân, tức 1/5 quân số nước này. 

jeudi 1 novembre 2018

Úc cảnh báo về căng thẳng Mỹ-Trung

Tân thủ tướng Úc Scott Morrison trả lời họp báo hôm 24/8/2018 ở Canberra.

Thủ tướng Úc Scott Morrison hôm nay 01/11/2018 cảnh báo, sự trỗi dậy của Trung Quốc và « ảnh hưởng chưa từng thấy từ trước đến nay » của Bắc Kinh tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương sẽ thách thức lợi ích của Mỹ ; tuy nhiên Hoa Kỳ và Trung Quốc không nên đối đầu. Ông Morrison cũng loan báo việc phát triển một quân cảng tại Papua New Guinea, để đối phó với Bắc Kinh ở Nam Thái Bình Dương.

Trong bài diễn văn quan trọng đầu tiên về chính sách đối ngoại đọc tại Sydney, thủ tướng Úc nhận định Trung Quốc đang có ảnh hưởng lớn nhất từ trước đến nay tại Ấn Độ - Thái Bình Dương. Theo ông, Trung Quốc là « quốc gia gây thay đổi nhiều nhất trong cán cân quyền lực, đôi khi thách thức các lợi ích lớn của Hoa Kỳ ».

vendredi 17 août 2018

Lầu Năm Góc : Trung Quốc tập oanh kích các mục tiêu Mỹ ở Thái Bình Dương

Ảnh minh họa : Oanh tạc cơ H6 của Trung Quốc.

Trung Quốc đã nâng cao năng lực không quân và tập luyện oanh kích các mục tiêu rất có thể là của Mỹ ở Thái Bình Dương, trong đó có đảo Guam. Báo cáo thường niên của bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho Quốc hội được công bố hôm qua 16/08/2018 cảnh báo như trên.

Theo báo cáo, trong ba năm qua, quân đội Trung Quốc « đã nhanh chóng mở rộng các vùng hoạt động của oanh tạc cơ (…) và huấn luyện để tấn công vào các mục tiêu rất có thể là của Mỹ hoặc các đồng minh Mỹ ». Năm ngoái, lần đầu tiên các máy bay ném bom H-6K của Trung Quốc đã bay sát đảo Okinawa của Nhật, nơi đồn trú của phân nửa trong số 47.000 quân Mỹ tại Nhật Bản.

mercredi 30 mai 2018

Indonesia và Ấn Độ sẽ xây cảng quân sự ở Ấn Độ Dương

Tổng thống Indonesia Joko Widodo (T) tiếp đón thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (P) tại Jakarta, ngày 30/05/2018.

Hai nhà lãnh đạo Indonesia và Ấn Độ hôm nay 30/05/2018 tại Jakarta thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng, đặc biệt là hải quân, với kế hoạch triển khai một cảng quân sự của Indonesia trên Ấn Độ Dương.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo khi tiếp kiến thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, đã nêu ra việc phát triển cơ sở hạ tầng và khu kinh tế ở Sabang, nằm giữa đảo Sumatra và eo biển Malacca - một trong những kênh thương mại nhộn nhịp nhất. Ông Widodo tuyên bố Ấn Độ là đối tác chiến lược về quốc phòng.

samedi 12 mai 2018

Su-35 của Trung Quốc tập trận bao vây Đài Loan, Hoa Kỳ quan ngại

Chiến đấu cơ đa nhiệm Sukhoi Su-35. Ảnh chụp nhân Triển lãm hàng không không gian MAKS 2017 tại Zhukovsky, ngoại ô Matxcơva, ngày 21/07/2017.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm qua 11/05/2018 đã bày tỏ quan ngại về sự thiếu minh bạch của Trung Quốc, và một lần nữa phản đối nỗ lực thay đổi hiện trạng tại eo biển Đài Loan. Tuyên bố này được đưa ra sau khi Bắc Kinh cho oanh tạc cơ và chiến đấu cơ tập trận bao vây Đài Loan, trong đó có Su-35 hiện đại lần đầu tham gia.

Theo CNA, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Hoa Kỳ khi trả lời báo chí Đài Bắc cho biết : « Hoa Kỳ luôn quan ngại vì sự thiếu minh bạch về khả năng quân sự đang tăng lên của Trung Quốc, cùng với các ý đồ chiến lược liên quan. Hoa Kỳ phản đối các hành động đơn phương của bất kỳ bên nào nhằm thay đổi hiện trạng, kể cả việc dùng vũ lực hoặc bất cứ hình thức cưỡng bức nào khác ».

samedi 4 novembre 2017

Oanh tạc cơ B-1B của Mỹ tập trận trên bán đảo Triều Tiên

Oanh tạc cơ B-1B của Mỹ cất cánh từ đảo Guam.

Hai oanh tạc cơ siêu âm B-1B của Mỹ hôm qua, 03/11/2017, đã tham gia tập trận trên không phận bán đảo Triều Tiên. Đây là một sự phô trương sức mạnh đối với Bắc Triều Tiên trước chuyến công du châu Á của tổng thống Mỹ Donald Trump, đồng thời là phản ứng trước việc Trung Quốc cho máy bay ném bom loại mới bay thử nghiệm tại vùng biển gần đảo Guam và Hawai, lãnh thổ Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương.
Hãng tin AP dẫn lời một viên chức quân sự Hàn Quốc cho biết các oanh tạc cơ Mỹ xuất phát từ đảo Guam, được hai chiến đấu cơ F-16 của Hàn Quốc yểm trợ, đã thực tập oanh tạc các mục tiêu giả định trên mặt đất, tại một cánh đồng gần vùng duyên hải phía đông Hàn Quốc.

lundi 25 septembre 2017

Chiến tranh sẽ nổ ra nếu Bình Nhưỡng thử nguyên tử tại Thái Bình Dương ?

Thủy quân lục chiến Hàn Quốc tập trận tại đảo Baengnyeong, gần biên giới trên biển với Bắc Triều Tiên ngày 07/09/2017, sau khi Bình Nhưỡng thử bom nguyên tử.

Les Echos hôm nay nhận định « Bình Nhưỡng có nguy cơ gây ra chiến tranh sau khi thử nguyên tử tại Thái Bình Dương », vì như vậy các cường quốc sẽ không còn có thể khoanh tay đứng nhìn.
Tờ báo cho biết, các cố vấn ngoại giao của tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần khuyên ông đừng sỉ nhục cá nhân lãnh đạo Bình Nhưỡng trong bài diễn văn trước Liên Hiệp Quốc, nhưng một lần nữa ông Trump lại để ngoài tai. Trên diễn đàn Đại hội đồng, Kim Jong Un lại bị gọi là « Rocket Man », và Donald Trump còn đe dọa « hủy diệt toàn bộ » Bắc Triều Tiên. 

jeudi 24 août 2017

Quân đội Mỹ sẽ đặt radar ở Palau, Thái Bình Dương

Quần đảo Palau nằm ở Thái Bình Dương. Ảnh minh họa.

AFP ngày 24/08/2017 đưa tin Hoa Kỳ sẽ lắp đặt hệ thống radar tại quần đảo Palau thuộc liên bang Micronesia, nhằm tăng cường khả năng giám sát ở Tây Thái Bình Dương, trong bối cảnh căng thẳng với Bắc Triều Tiên.
Thông cáo chung của bộ Quốc phòng Mỹ và chính quyền Palau cho biết sắp chọn xong địa điểm đặt radar. Cũng theo thông cáo: « Hệ thống radar sẽ tăng cường khả năng bảo vệ quyền hàng hải của Palau, đồng thời giúp Hoa Kỳ có thể giám sát rộng rãi hơn nhằm bảo đảm an ninh hàng không ».

jeudi 15 juin 2017

Mỹ đang để các đảo Thái Bình Dương lọt vào tay Trung Quốc

Phi trường Bauerfield ở Port Vila, thủ đô đảo quốc Vanuatu.

Theo nhà báo Ben Bohane chuyên viết về châu Á-Thái Bình Dương suốt 25 năm qua, một ván cờ tĩnh lặng nhưng quyết định đang diễn ra nhằm nắm quyền chi phối các đảo nhỏ ở Thái Bình Dương. Tuy nhiên chỉ có một bên là chứng tỏ quyết tâm, còn bên kia dường như đang nhường lại trận địa mà không mấy hăng hái chiến đấu.
Trên Wall Street Journal, ông Bohane nhận định, đây là một hiện tượng mới. Trên hơn 100 năm qua, Hoa Kỳ vẫn coi Thái Bình Dương như sân sau của mình, nhưng gần đây mọi sự đã thay đổi. Philippines, đồng minh lâu đời của Mỹ đã « xoay trục » sang Trung Quốc, trong khi các đảo quốc khác tại Thái Bình Dương cũng không cưỡng lại được các ve vãn của ngành ngoại giao và đầu tư từ Bắc Kinh.

vendredi 28 avril 2017

Hải quân Trung Quốc lại tập trận ở Tây Thái Bình Dương


Hải quân Trung Quốc lại đi xuyên qua eo biển Miyako nằm giữa hai hòn đảo của Nhật Bản, để tập trận tại Tây Thái Bình Dương. Hãng tin Reuters hôm nay 28/04/2017 dẫn nguồn tin từ Tân Hoa Xã cho biết như trên.
Trong những tháng gần đây, hải quân và không quân Trung Quốc đã tiến hành một loạt các cuộc tập trận tại Thái Bình Dương, nhằm trau giồi khả năng hoạt động ở các vùng biển xa. Chiều hôm qua Tân Hoa Xã loan tin các cuộc tập trận mới là về « thông tin, thay đổi đội hình, tìm kiếm và cứu hộ, chống hải tặc ».

lundi 10 avril 2017

Chiến tranh Mỹ-Trung sẽ nổ ra tại châu Á ?

Hàng không mẫu hạm Mỹ USS Carl Vinson tại Thái Bình Dương, ngày 30/01/2017.

Thông tín viên nhật báo Le Figaro tại Bắc Kinh nhận định, hai đại cường hàng đầu thế giới phải thỏa thuận với nhau để đối phó với việc Bắc Triều Tiên leo thang nguyên tử. Tuy nhiên các điểm căng thẳng lại rất nhiều trong khu vực châu Á.
Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa hai ông Tập Cận Bình và Donald Trump, tại dinh cơ sang trọng ở Florida của nhà tỉ phú, chưa đủ để tháo gỡ các nguy cơ đối đầu ở châu Á. Hai lãnh đạo Mỹ-Trung không thỏa thuận được về phương thức chặn đứng cuộc chạy đua vũ trang nguyên tử của Bình Nhưỡng. Bằng chứng là hôm thứ Bảy 08/04/2017, ông Trump quyết định điều một hàng không mẫu hạm cùng với hạm đội đến bán đảo Triều Tiên.
Đài Loan và các đảo tranh chấp ở Biển Đông, Biển Hoa Đông cũng là nguyên nhân gây căng thẳng cao độ giữa hai đại cường. Nếu Bắc Kinh và Washington phải cố gắng tránh mọi xung đột, khả năng xảy ra các sự cố nghiêm trọng trong khu vực là hiện thực.

mardi 21 mars 2017

Pháp, Nhật ủng hộ tự do hàng hải tại châu Á-Thái Bình Dương

Tổng thống Pháp Francois Hollande và thủ tướng Nhật Shinzo Abe tại điện Elyséee ngày 20/03/2017.

Pháp và Nhật Bản ủng hộ một « trật tự hàng hải tự do và mở rộng » tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tuyên bố như trên, sau khi hội đàm với tổng thống Pháp François Hollande hôm 20/03/2017 tại Paris.
Theo Reuters, thông điệp này có lẽ nhắm vào Trung Quốc, nước đang đòi hỏi chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông, gây quan ngại cho Nhật Bản và phương Tây trước sự hiện diện quân sự ngày càng hùng hậu trên biển.

samedi 18 mars 2017

Chiến hạm Pháp sẽ tập trận với Nhật, Mỹ, Anh để đối phó Trung Quốc

Chiến hạm Mistral tối tân của Pháp tại căn cứ Hải quân ở Toulon, 18/02/2017.

Reuters ngày 17/03/2017 đưa tin, nhằm phô trương sức mạnh quân sự trước Trung Quốc, Pháp sẽ điều một trong những chiến hạm hiện đại nhất là Mistral để dẫn đầu các cuộc tập trận trên bộ và trên biển ở đảo Tinian, tây Thái Bình Dương. Cuộc tập trận có sự tham dự của quân đội Nhật, Hoa Kỳ, và hai trực thăng quân sự của Anh.

Hãng tin Anh dẫn một nguồn tin cho biết cuộc tập trận sẽ diễn ra vào tuần lễ thứ hai và thứ ba trong tháng Năm. Một nguồn tin ẩn danh khác nói với Reuters : « Đây không chỉ đơn giản là một cuộc tập trận hải quân, mà còn nhằm gởi đến một thông điệp cho Trung Quốc ».

mardi 27 décembre 2016

Điều hàng không mẫu hạm, Bắc Kinh giương móng vuốt trước Donald Trump



Các máy bay tiêm kích J-15 trên chiếc Liêu Ninh ở vịnh Bột Hải ngày 13/12/2016.


(Le Figaro 26/12/2016) Việc chiếc hàng không mẫu hạm Trung Quốc tiến ra Thái Bình Dương được coi như một lời cảnh báo cho tổng thống tân cử Mỹ.

Trên vùng eo biển Miyako, bóng xám sừng sững của chiếc Liêu Ninh hiện ra trong tầm ngắm kính viễn vọng. Một cảnh tượng chưa từng thấy và đáng lo ngại cho lực lượng hải quân Nhật, từ hôm Chủ nhật vẫn theo sát gót chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên đi qua vùng biển tranh chấp.

dimanche 25 décembre 2016

Hàng không mẫu hạm Trung Quốc tiến ra Thái Bình Dương



(AFP 25/12/2016) Sau khi tập trận trên không hôm thứ Năm 22/12, Bắc Kinh loan báo ý định « tập trận ngoài khơi », nhưng không cho biết địa điểm cụ thể.

Chiếc hàng không mẫu hạm duy nhất của Trung Quốc trong chuyến hải hành đầu tiên ra đại dương đã hướng về phía Thái Bình Dương. Báo chí Trung Quốc hôm nay cho biết như trên, vào lúc căng thẳng với Đài Loan tăng cao do những lời bình luận của tổng thống Mỹ tương lai Donald Trump.

samedi 19 novembre 2016

Mỹ không thể rút lui để Trung Quốc thống trị châu Á



Thủ tướng Nhật Shinzo Abe hy vọng duy trì quan hệ đồng minh thân thiết với Mỹ dưới thời ông Trump.

(Le Monde 19/11/2016) Đối với Philip Golub, giáo sư trường đại học Mỹ ở Paris, Hoa Kỳ không thể bỏ rơi các đồng minh ở châu Á-Thái Bình Dương.

Là chuyên gia về quan hệ quốc tế, ông Philip Golub là một trong các tổng biên tập tại Bangkok của nhật báo Asia Times. Ông là giáo sư trường đại học Mỹ ở Paris, và đặc biệt đã viết cuốn Một câu chuyện khác của sức mạnh Mỹ (NXB Le Seuil, 2011) và East Asia’s Reemergence (Sự trỗi dậy trở lại của Đông Á - NXB Policy).