mercredi 27 juin 2012

Asma Al Assad: Chồng giết chóc, vợ shopping

Bà Asma và chiếc áo in dòng chữ "Đất nước xinh đẹp của tôi"
Vài tháng sau khi bị phát hiện thói quen tiêu tiền như nước, một lần nữa báo chí phương Tây lại phải nói đến bà Asma Al Assad, đệ nhất phu nhân Syria, lần này vì…chiếc áo thun của bà.


Tờ báo Bild (Đức) và Journal du Dimanche (Pháp) hôm Chủ nhật 24/06/2012 đăng tấm ảnh vợ nhà độc tài Syria, đôi chân trần (nhưng tô vẽ cẩn thận) và chiếc áo thun mang dòng chữ “Đất nước xinh đẹp của tôi”. Bức ảnh chụp tại Damas hôm thứ Tư 20/6, khi bà Asma đến dự buổi tập luyện của ê-kíp cầu lông Syria chuẩn bị tham dự Paraolympic tại Luân Đôn.


Người ta xem đây là thái độ khiêu khích mới của Asma Al Assad. Trong khi bà nhởn nhơ vui chơi, thì trên “đất nước xinh đẹp” Syria đã có 15.000 người đã thiệt mạng. Chỉ riêng trong ngày thứ Bảy 23/6, Tổ chức Quan sát Nhân quyền Syria đã ghi nhận được có 100 người chết, đa số là thường dân!
Người phụ nữ xinh đẹp, học thức từng được mệnh danh là “Đóa hồng sa mạc” này, đã tai ngơ mắt lấp trước những gì diễn ra trên một đất nước mà hàng ngày máu vẫn đổ, trong đó có không ít trẻ em vô tội.
Trước đó hôm 14/3 nhật báo Anh The Guardian đã công bố nội dung 3.000 email cá nhân do bà Asma Al Assad gởi hay nhận được từ tháng 3/2011 đến tháng 2/2012, do phe đối lập hack được. Rõ ràng trong khi ông chồng Tổng thống Bachar Al Assad thẳng tay tàn sát chính người dân nước mình, thì đệ nhất phu nhân là bà Asma vô tư vung tiền shopping.
Có thể kể một đợt mua sắm 63.000 USD gồm nữ trang, giày dép, đồ đạc, tranh nghệ thuật…giá cả mỗi món hàng ngàn đô la như sau:
Bình hoa của Harrods
·        Một chiếc bình hoa cổ đời Minh, mua từ cửa hàng Harrods sang trọng của Anh, giá 4.150$
·        Một cây đèn hiệu Armani
·        Nhiều đôi giày hiệu Christian Louboutin có tổng trị giá 13.500$, tuy trong email không nói rõ là bà Asma có mua hẳn hay chưa. Bà có chuyển cho hai người bạn, ghi chú là các mẫu giày độc đáo này không được bán rộng rãi, nhưng những người này trả lời là hiện tại họ thấy chưa cần phải mua thêm giày.
Giày hiệu Christian Louboutin bà Asma  mua
·        Đèn chùm, bàn và giá nến trị giá 46.000$ tại một cửa hàng bán đồ trang trí nội thất ở Paris.
Bộ bàn ghế hiệu Domain
·        Bốn vòng cổ bằng vàng tại một cửa hiệu nữ trang sang trọng ở Paris, được bà Asma mô tả cụ thể là:
Ø     1 lam ngọc dát kim cương
Ø     1 mã não dát kim cương
Ø     1 mã não đen huyền dát kim cương
Ø     1 thạch anh tím, vàng trắng, dát kim cương
Đồ trang trí thủ công dát bạc
·        Bà cũng gởi email cho một nhà buôn tranh ở Luân Đôn đặt mua một số bức tranh có giá từ 7.000$ đến 55.000$.
Link tham khảo:
***
Một trong những bức tranh bà Asma đặt mua
Tờ báo châm biếm Pháp Le Canard Enchaîné (Con Vịt Buộc) đã thử so sánh:
Ngày 19/07/2011, ba trăm sinh viên bị bắt ở Alep, miền bắc Syria, bị buộc tội “phá hoại”.
Cùng ngày, một người anh em họ từ Paris gởi mail cho bà Asma về một món nữ trang mà bà đã đặt hàng:“Tôi không còn màu xanh ngọc nữa, cô có muốn thay thế bằng thạch anh hồng hay vàng cũng màu hồng không? Love”.
Ngày 04/08/2011, mười sáu thường dân bị sát hại ở Homs.
“Anh có nghĩ là sợi dây chuyền đó có thể làm xong vào cuối tháng 8 hay không? Em cần để làm quà sinh nhật, nhưng đừng lo, nếu em nhận được trễ hơn cũng không sao” – bà Asma trả lời.
Ngày 29/09/2011, hai mươi bốn thường dân bị giết hại ở Syria.
Asma Al Assad đặt mua một số bức tranh tại một galerie, với tổng số tiền 35.000 euro. Bà còn muốn mua thêm “hai giá nến, hai chiếc cốc, một chiếc bàn thấp, một bộ đèn chùm” sang trọng.
Ngày 20/11/2011, Liên đoàn Ả Rập bỏ phiếu thông qua các biện pháp trừng phạt thương mại chế độ Syria.
Asma thư giãn trên mạng, viết thư cho một người bạn gái Liban: “Nếu bạn đến thì mang cho mình bản Harry Potter mới nhất được không? “Bảo bối tử thần tập 2”. Thân ái”.
Ngày 20/01/212, sau khi đặt mua những đôi giày hàng hiệu, một mớ nữ trang và một chiếc áo blouson cho nhà độc tài Syria, “đóa hồng” phù phiếm của sa mạc nhờ một người bạn tìm mua trên Amazon “một bộ nồi nấu lẩu” (set de fondue) để tổ chức một “bữa tối trong gia đình”.
Tờ báo chơi chữ: “Fondue, c’est le mot”. (Fondue là món nấu bằng cách nhúng thực phẩm vào một chất lỏng như nước dùng, dầu, rượu vang, tương tự như món lẩu của Việt Nam ; nhưng cũng có nghĩa là « tan rã »).
Link tham khảo:
***
Hội đồng châu Âu hôm 15/6 vừa quyết định cấm xuất khẩu các hàng hóa sang trọng và các sản phẩm dân sự nhưng cũng có thể dùng cho quân sự sang Syria, kể từ Chủ nhật 17/6. Người đứng đầu về ngoại giao của châu Âu, bà Catherine Ashton nói rõ: “Các biện pháp trừng phạt này nhắm vào những người có trách nhiệm trong việc đàn áp và sử dụng bạo lực kinh khiếp nhắm vào thường dân. Quyết định mà chúng tôi đưa ra hôm nay đã được cân nhắc rất kỹ, để không ảnh hưởng đến người dân Syria”.
Trong số những mặt hàng xa xỉ bị cấm có thể kể:
-         Trứng cá muối, nấm truffe có giá bán trên 10 euro/đơn vị.
-         Rượu vang có giá trên 50 euro/lít.
-         Túi xách giá trên 200 euro; quần áo, giày dép giá trên 600 euro, nữ trang, đá quý và ngọc trai.
-         Chén dĩa ly tách, đồng hồ treo tường và đeo tay giá trên 500 euro, các mặt hàng pha lê giá trên 200 euro.
-         Xe hơi hạng sang, máy bay và tàu, và riêng xe hơi mới thì giá trên 25.000 euro.
Trong các email đặt hàng nói trên, bà Asma sử dụng tên của một cô thư ký, nhưng các file đính kèm thì có những tấm hình riêng tư của gia đình bà.
Liệu lần này lệnh cấm xuất khẩu xa xí phẩm sang Syria của châu Âu, có chấm dứt được cơn say mua sắm của bà Asma?



mardi 26 juin 2012

Hà Nội phản đối việc Trung Quốc gọi thầu tại thềm lục địa Việt Nam

Một đảo nhỏ nửa nổi nửa chìm tại Biển Đông.
Bài đăng : Thứ ba 26 Tháng Sáu 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 26 Tháng Sáu 2012 

Hôm nay 26/06/2012 phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị đã lên tiếng khẳng định việc Trung Quốc mời thầu quốc tế tại chín lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là “phi pháp, vô giá trị, và xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam”. Phía Việt Nam “cực lực phản đối và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ ngay việc gọi thầu sai trái trên”.

Được biết ngày 23/6 Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đã ra thông báo mời thầu quốc tế tại 9 lô dầu khí, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa Việt Nam.
Tuyên bố của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm nay nêu rõ, chín lô dầu khí trên đây hoàn toàn không phải là khu vực có tranh chấp, mà thuộc chủ quyền Việt Nam, theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Theo tuyên bố trên : “Việc Trung Quốc ngang nhiên mời thầu quốc tế tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là hành động phi pháp và không có giá trị, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia chính đáng của Việt Nam, vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển mà chính Trung Quốc là thành viên, làm phức tạp thêm tình hình và gây căng thẳng ở Biển Đông”.

Hà Nội “cực lực phản đối và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ ngay việc mời thầu sai trái trên” “nghiêm túc tuân thủ Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, tôn trọng luật pháp quốc tế và tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông".

Ngược lại, Tân Hoa Xã hôm nay trích lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi “yêu cầu Việt Nam phải tôn trọng thỏa thuận song phương về các tranh chấp trên biển”. Liên quan đến việc gọi thầu của CNOOC, mà theo trang web của tập đoàn này thì 9 lô dầu khí trên trải rộng trên một diện tích lên đến 160.000 km2, ông Hồng Lỗi cho rằng đây chỉ là một “hoạt động kinh doanh bình thường”“phù hợp với luật pháp Trung Quốc cũng như thông lệ quốc tế”.

Bên cạnh đó, đài phát thanh Trung Quốc dẫn nguồn tin từ Tân Hoa Xã hôm qua cho biết, tỉnh Hải Nam sẽ hoạch định bốn “khu bảo tồn di sản văn hóa” trên quần đảo Hoàng Sa, tại các đảo Đá Bắc, Đá Lồi, Đá Chim Yến, và nhóm đảo Lưỡi Liềm & Trăng Khuyết & Nguyệt Thiềm.

tags: Biển Đông - Châu Á - Chủ quyền - Dầu khí - Lãnh hải - Trung Quốc - Việt Nam 
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120626-ha-noi-phan-doi-viec-trung-quoc-goi-thau-tai-them-luc-dia-viet-nam

Lào ngưng giao đất để khai thác mỏ và trồng cao su

Bài đăng : Thứ ba 26 Tháng Sáu 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 26 Tháng Sáu 2012 
 
Chính phủ Lào đã quyết định ngưng việc giao đất để khai thác quặng mỏ và trồng cao su, từ nay cho đến năm 2015. Theo AFP, báo chí nhà nước Lào hôm nay 26/06/2012 đã cho biết như trên. Quyết định được đưa ra sau khi Quốc hội Lào tỏ ý lo ngại trước một loạt dự án truất hữu đất đai của dân làng, và ảnh hưởng đến môi trường.

Tờ Vientiane Times trích lời Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Lào, Somdy Duangdy nói rằng : « Chính phủ sẽ không xem xét bất cứ đề nghị đầu tư mới nào vào lãnh vực khai khoáng, hay xin giao đất để trồng cao su và bạch đàn, cho đến ngày 31/12/2015 ».

Quyết định này được đưa ra sau khi « các thành viên Quốc hội Lào tỏ ra lo ngại trước một loạt dự án triển khai hay lấn chiếm đất đai của dân làng, và làm ảnh hưởng đến môi trường ».

Bộ trưởng Somdy Duangdy ghi nhận là có những dự án đã được giao đất trong khi chưa hề xem xét « đất nào là thuộc Nhà nước, đất nào thuộc về dân địa phương ». Ông nói thêm, chính phủ sẽ cân nhắc lại chính sách đền bù cho các nông dân bị trưng thu đất đai.

Lào là một trong những nước nghèo nhất thế giới, và đầu tư vào khai thác quặng mỏ là một lãnh vực quan trọng. Từ năm 1998 đến nay, đã có khoảng 5,5 tỉ đô la được đầu tư vào lãnh vực này, trên tổng số 24,4 tỉ đô la vốn đầu tư, trong đó có gần 20 tỉ đô la là vốn nước ngoài.

Các trường hợp nông dân bị tịch thu đất hay việc cả một làng phải di dời để lấy đất dành cho xây dựng một con đường, một hầm mỏ hay một đập thủy điện, trong khuôn khổ các dự án tái quy hoạch đất đai, vốn thường xuyên xảy ra tại Lào.

Bộ trưởng Somdy nói : « Tôi nghĩ chúng ta cần có sự tham gia của người dân địa phương trong tất cả các dự án phát triển để tránh được các vấn đề sai sót. Tất cả các dự án không được người dân tại chỗ ủng hộ sẽ không được thông qua ».

tags: ASEAN - Châu Á - Kinh tế - Lào 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120626-lao-ngung-giao-dat-de-khai-thac-mo-va-trong-cao-su
 

Chồng của sản phụ Trung Quốc bị buộc phá thai 7 tháng tuổi bỗng dưng mất tích

Bài đăng : Thứ ba 26 Tháng Sáu 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 26 Tháng Sáu 2012 
 
Người chồng của bà Phùng Kiến Mai, sản phụ bị cưỡng bức phá bỏ cái thai bảy tháng vì không có tiền đóng phạt khiến cho dư luận Trung Quốc vô cùng phẫn nộ, đã bị mất tích. Một người thân của hai vợ chồng hôm nay 26/06/2012 cho hãng tin Pháp AFP biết như trên, và nói thêm rằng gia đình này hàng ngày đều bị quấy nhiễu.

Bà Phùng Kiến Mai (Feng Jiangmei) đã có một đứa con, khi sinh thêm con thứ hai phải đóng số tiền phạt lên đến 40.000 nhân dân tệ (tương đương 4.880 euro) vì vi phạm chính sách mỗi gia đình chỉ có một con của Trung Quốc.

Một tấm hình cho thấy bà nằm trên giường bệnh viện, bên cạnh là thai nhi đẫm máu vừa bị buộc phải phá bỏ vì không có tiền đóng phạt, đã làm dấy lên một loạt những lời bình đầy phẫn nộ của cư dân mạng Trung Quốc vào giữa tháng Sáu.

Chồng bà là ông Đặng Cát Nguyên (Deng Jiyuan) đã bị mất tích từ hôm Chủ nhật 24/6. Một người thân của gia đình muốn giấu tên nói rằng : « Lần cuối cùng tôi trông thấy ông ấy, thì lúc đó ông đang ra khỏi nhà và nói với tôi rằng, ông đi đến chỗ một viên chức muốn gặp ông. Từ đó đến nay không thấy ông Đặng ở đâu nữa ».

Hôm nay ông Đặng Cát Nguyên có gọi điện thoại về cho gia đình, nhưng vẫn không nói ông đang ở đâu, và bao giờ mới trở về nhà. Cả công an huyện Trấn Bình (Zhenping), nơi ông cư ngụ, lẫn chính quyền thành phố An Khang (Ankang) thuộc tỉnh Thiểm Tây đều không trả lời hãng tin Pháp.

Nguồn tin trên nói thêm, từ hôm Chủ nhật gia đình này đã bị nhiều người không rõ danh tính quấy nhiễu. Khi gia đình rời bệnh viện, « nhiều người đã chờ sẵn ở đó. Họ treo các băng-rôn lên trên một chiếc cầu, và nhiều người la ó mắng chúng tôi là những kẻ phản phúc. Nay thì chúng tôi đi đâu cũng có người đi theo ».

Chính quyền Trung Quốc đã nhìn nhận là người phụ nữ trên đã bị buộc phải phá thai trong khi thai nhi đã được bảy tháng, hứa hẹn sẽ làm sáng tỏ sự việc, và trừng phạt những người có trách nhiệm.

Việc cưỡng bức phá thai thường xuyên diễn ra tại Trung Quốc, đất nước đông dân nhất thế giới với 1,34 tỉ người. Chính quyền Bắc Kinh đã thi hành một chính sách ngặt nghèo từ cuối thập niên 70 nhằm hạn chế sinh đẻ. Theo quy định chung, thì người dân sống tại các thành phố chỉ có thể có một đứa con, còn ở nông thôn thì được phép sinh thêm con thứ hai nếu đứa đầu là con gái.

tags: Châu Á - Nhân quyền - Trung Quốc - Xã hội 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120626-chong-cua-san-phu-trung-quoc-bi-buoc-pha-thai-7-thang-tuoi-bong-dung-mat-tich
 

Người nhập cư gốc Tứ Xuyên xung đột với công an và dân Quảng Đông

Bài đăng : Thứ ba 26 Tháng Sáu 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 26 Tháng Sáu 2012 

Những cuộc đụng độ với hàng ngàn người tham gia - những người nhập cư gốc gác Tứ Xuyên đối đầu với dân địa phương một làng ở Quảng Đông và công an - đã xảy ra tối qua làm 30 người bị thương. Trung tâm Thông tin về Nhân quyền và Dân chủ tại Trung Quốc, trụ sở ở Hồng Kông hôm nay 26/06/2012 cho biết như trên.

Chủ một nhà máy dệt may ở trấn Sa Khê, huyện Trung Sơn, tỉnh Quảng Đông nói với AFP là các vụ xung đột đã bắt đầu từ trưa thứ Hai 25/6, và lan rộng ra vào buổi tối, với nhiều ngàn người tham gia. Theo Trung tâm Thông tin về Nhân quyền và Dân chủ tại Trung Quốc, thì đã có 30 người bị thương và ít nhất hai xe công an bị hư hại. Cả hai nguồn tin trên đều cho biết nguyên nhân là từ vụ ẩu đả giữa hai thiếu niên, một là người nhập cư và một là dân địa phương.

Doanh nhân trên nhìn thấy ba người dân địa phương đã đánh đập nhiều thanh niên nhập cư, lấy túi nhựa trùm lên đầu họ, khiến nhiều người phải nhập viện.

Công an trấn Sa Khê đã xác nhận các cuộc đụng độ trên. Một nhân viên công an giấu tên cho AFP biết hiện lực lượng công an đang ở bên ngoài trụ sở chính quyền địa phương, điều tra về vụ này. Theo một thông tin trên mạng Vi Bác, thì hôm nay có đông đảo công an được huy động đến Sa Khê.

Là trái tim của “công xưởng thế giới” Trung Quốc, tại Quảng Đông có hàng chục ngàn người nhập cư đến kiếm sống, họ không được hưởng những quyền lợi như người tại chỗ. Các vụ xô xát vẫn thường xuyên xảy ra giữa dân nhập cư và dân địa phương.

Cách đây một năm, các vụ đụng độ đã từng nổ ra ở Tân Đường, vùng ngoại ô Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông. Tại đây có khoảng 200.000 người địa phương, và từ 500.000 đến 600.000 người nhập cư không đăng ký và không được hưởng các phúc lợi xã hội, trong khi họ đã có gia đình. Các cuộc biểu tình đã diễn ra sau vụ công an địa phương bức hiếp hai vợ chồng bán hàng rong gốc Tứ Xuyên, mà người vợ đang mang thai.

tags: Châu Á - Theo dòng thời sự - Trung Quốc - Xã hội 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120626-hang-ngan-nguoi-nhap-cu-xung-dot-voi-dan-dia-phuong-va-cong-an-tai-tu-xuyen

Bắc Triều Tiên hành quyết bốn người tị nạn bị Trung Quốc trả về


Người tị nạn BTT tại HQ thả bong bóng chứa truyền đơn tố cáo Bình Nhưỡng.
Bài đăng : Thứ ba 26 Tháng Sáu 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 26 Tháng Sáu 2012 
 
Theo một nhà đấu tranh ở Hàn Quốc hôm qua 25/06/2012 thì Bắc Triều Tiên đã công khai hành quyết bốn người tị nạn trong số 44 người bị Trung Quốc trả về, và tống 40 người còn lại vào trại tập trung.

Ông Kim Heung Kwang, người phụ trách NK Intellectuals Solidarity, một tổ chức tập hợp những người Bắc Triều Tiên đã đào thoát sang Hàn Quốc, dẫn nguồn tin giấu tên từ Bình Nhưỡng cho biết, trong những tháng gần đây Trung Quốc đã gởi trả về Bắc Triều Tiên 44 người tị nạn. Bốn người trong số này đã bị đem ra hành quyết công khai, 40 người còn lại bị đưa vào trại cải tạo tù chính trị.

Bộ Thống nhất Hàn Quốc từ chối bình luận về thông tin trên.

Theo các tổ chức nhân quyền ở Hàn Quốc, tại Bắc Triều Tiên hiện có khoảng sáu trại tập trung cải tạo, giam giữ khoảng 200.000 tù nhân. Trong những năm gần đây, hàng chục ngàn người Bắc Triều Tiên tìm cách chạy trốn nạn đói và đàn áp.

Những người Bắc Triều Tiên đào thoát thường trốn sang Trung Quốc, sau đó tìm đường đến các quốc gia Đông Nam Á khác để sang được Hàn Quốc. Tuần qua có 19 người tị nạn Bắc Triều Tiên đã bị bắt giữ tại Thái Lan. Bắc Kinh nói rằng những người đào thoát là tị nạn kinh tế chứ không phải tị nạn chính trị, và luôn gởi trả lại Bình Nhưỡng, bất chấp sự lên án của các tổ chức nhân quyền trên thế giới.

tags: Bắc Triều Tiên - Châu Á - Nhân quyền - Pháp luật - Theo dòng thời sự - Trung Quốc - Đàn áp 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120626-bac-trieu-tien-hanh-quyet-bon-nguoi-ti-nan-bi-trung-quoc-tra-ve
 

Đảng cầm quyền Nhật Bản có nguy cơ bị tan rã

Bài đăng : Thứ ba 26 Tháng Sáu 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 26 Tháng Sáu 2012 
 
Đảng Dân chủ Nhật (PDJ) đang cầm quyền do đương kim Thủ tướng Yoshihiko Noda làm chủ tịch có nguy cơ bị tan rã, sau khi Hạ viện hôm nay 26/06/2012 thông qua một đạo luật tăng gấp đôi thuế đánh vào người tiêu thụ. Đây là chủ trương tâm đắc của chính phủ, nhưng bị một nhóm ngay trong nội bộ đảng Dân chủ chống đối.

Sau nhiều tháng thương lượng với các đảng đối lập là đảng Dân chủ Tự do (PLD, cánh hữu) và New Komeito (cánh trung) về việc cải cách thuế khóa và hệ thống phúc lợi xã hội, hôm nay Hạ viện Nhật đã thông qua đạo luật này với 363 phiếu thuận và 96 phiếu chống, trong đó có đến 57 phiếu chống của các dân biểu đảng Dân chủ (cánh trung tả).

Đạo luật đưa ra lộ trình tăng thuế trị giá gia tăng (VAT) lên 10% trong vòng ba năm, tức là gấp đôi so với hiện nay, chia làm hai giai đoạn. Mục đích là nhằm tái cân bằng phần nào nguồn thu của chính phủ, lâu nay hơn phân nửa là nhờ phát hành trái phiếu, làm tăng tỉ lệ nợ công của Nhật vốn đã rất cao.

Thủ tướng Yoshihiko Noda hôm qua đã gắng sức thuyết phục các thành viên của đảng mình, ba lần khẩn thiết đề nghị « tận đáy lòng ». Nhưng ông Noda phải đối mặt với sự chống đối dữ dội trong nội bộ đảng, do ông Ichiro Ozawa, một đảng viên lão thành rất thế lực giật dây.

Ông Ozawa, 70 tuổi, vốn là người đã tổ chức thành công thắng lợi lịch sử của đảng Dân chủ tháng 8/2009. Ông được mệnh danh là « tướng quân trong bóng tối » hay « kẻ hủy diệt », do xu hướng sử dụng các mánh khóe trong hậu trường, và thành lập rồi lại giải tán các đảng chính trị.

Trong số những người cùng bỏ phiếu chống với ông Ichiro Ozawa còn có cựu Thủ tướng và là người sáng lập ra đảng Dân chủ, ông Yukio Hatoyama. Ông Hatoyama biện minh thái độ của mình là « Luật này không có trong chương trình hành động đã đưa đảng Dân chủ lên nắm quyền », và nói thêm là tuy chống đối đạo luật nhưng ông không có ý định rời khỏi đảng.

Còn ông Ozawa cho rằng, việc tăng loại thuế gián thu này hiện nay không mang lại lợi ích kinh tế, bên cạnh đó, còn là sự bội ước so với những hứa hẹn của đảng Dân chủ trước đây. Theo ông thì trước hết chính phủ cần giảm chi tiêu và khắc phục nạn quan liêu, thay vì bắt các công dân phải trả giá.

Ông Ichiro Ozawa đe dọa sẽ rời khỏi đảng Dân chủ, kéo theo một số dân biểu trung thành với ông để thành lập đảng mới. Nếu điều này xảy ra, thì đảng Dân chủ có nguy cơ bị mất đa số ở Hạ viện, và Thủ tướng Yoshihiko Noda sẽ phải đương đầu với một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, dẫn đến việc phải bầu lại Quốc hội trước thời hạn dự kiến là giữa năm 2013. Đây là điều mà đảng Dân chủ Tự do (PLD) đang mong muốn. Vốn liên tục cầm quyền từ hơn nửa thế kỷ qua, PLD ba năm qua đành chấp nhận vị trí đảng đối lập thiểu số.

Tuy nhiên vẫn chưa thể biết được số lượng dân biểu sẽ tách ra theo ông Ozawa, điều này còn tùy thái độ của đảng cầm quyền và các biện pháp trừng phạt dành cho những dân biểu ly khai. Dự luật tăng thuế còn phải được trình lên Thượng viện vào giữa tháng Tám, tuy đa phần chỉ là hình thức.

Cơ quan thẩm định tài chính Moody’s đã hoan nghênh một quyết định « mang tính tích cực về tín dụng » sau « nhiều năm khất nợ », và cảnh báo là sẽ xem xét lại chỉ số tín nhiệm của Nhật Bản, nếu dự luật tăng gấp đôi thuế trị giá gia tăng bị bác bỏ.

tags: Châu Á - Chính trị - Nhật Bản 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120626-dang-cam-quyen-nhat-ban-co-nguy-co-bi-tan-ra
 

dimanche 24 juin 2012

Biển Đông: Lãnh đạo Việt Nam cần có dũng khí, đặt quyền lợi quốc gia dân tộc trên tất cả

Bài đăng : Chủ nhật 24 Tháng Sáu 2012 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 24 Tháng Sáu 2012 
 
Như chúng ta đã biết, Quốc hội Việt Nam vừa thông qua Luật Biển, trong đó khẳng định các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Ngay lập tức Trung Quốc đã kịch liệt phản đối, triệu đại sứ Việt Nam ở Bắc Kinh lên để kháng nghị, đồng thời nâng cấp hành chính vùng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Quốc vụ viện tức Quốc hội Trung Quốc cũng đòi hỏi Quốc hội Việt Nam phải « sửa đổi ».

Việc Luật Biển được thông qua với số phiếu áp đảo đã được người dân Việt Nam, đặc biệt là các nhân sĩ trí thức đón nhận như thế nào ? Chúng tôi đã trao đổi với luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh.


Ông Lê Hiếu Đằng - TP Hồ Chí Minh
 
24/06/2012
 
 
RFI : Kính chào luật gia Lê Hiếu Đằng. Thưa ông, ông có nhận xét như thế nào về việc Quốc hội Việt Nam vừa thông qua Luật Biển ?

Luật gia Lê Hiếu Đằng : Chúng tôi rất hoan nghênh việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển, trong đó có điều khoản xác định Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc Việt Nam. Đây là một cơ sở pháp lý để cho nhân dân Việt Nam đấu tranh, cũng như khẳng định với thế giới chủ quyền Việt Nam trong các vùng biển đảo mà Trung Quốc hiện nay đang ngày càng tìm cách để khẳng định là của họ, bất kể luật pháp quốc tế. Nghị quyết của Quốc hội tạo cái khung pháp lý để mình đấu tranh trong nước cũng như ở khu vực và trên thế giới.

Theo tôi đây là hơi chậm, bởi vì tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam trong vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa, cũng như việc Trung Quốc khẳng định đường lưỡi bò hình chữ U, đáng lẽ mình phải có phản ứng nhanh. Nhưng dù sao chậm còn hơn không. 

Bên cạnh đó chúng tôi phản đối thái độ xấc láo, trịch thượng của Trung Quốc khi Quốc hội Việt Nam ra nghị quyết về Luật Biển. Mà có thể nói họ phản ứng rất nhanh. Và họ trịch thượng ở chỗ là họ triệu tập đại sứ của mình đến để phản đối. Trong khi đó thì họ bách hại ngư dân mình, họ có những hành động ngăn cản các tàu khai thác dầu khí của mình, thì mình lại không triệu tập đại sứ của họ ! 

Tôi cho đây là một quan hệ không bình đẳng. Tôi chưa thấy lần nào Việt Nam triệu tập đại sứ Trung Quốc đến. Trong khi đó mình vừa ra Luật Biển là họ đã triệu tập đại sứ của mình, và ngay lập tức họ nâng cấp lên thành một đơn vị hành chính cao hơn ở Hoàng Sa và Trường Sa. 

Luật Biển thì Quốc hội đã thông qua, nhưng vấn đề ở đây là tôi nghĩ chúng ta phải có biện pháp thực hiện luật đó như thế nào, để bảo vệ vùng biển, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Chứ còn nếu có luật rồi mà vẫn cứ để ngư dân bị bách hại như vậy thì không được. Tôi đề nghị chính phủ Việt Nam phải có những biện pháp kiên quyết hơn nữa.

RFI : Thưa, có được Luật Biển thì dù sao Việt Nam đã có cơ sở pháp lý để đấu tranh về lãnh hải trên Biển Đông ?

Nhưng một điều mà chúng tôi rất quan ngại, không phải chỉ là vấn đề Biển Đông. Tôi không hiểu việc quản lý nhà nước của mình ra sao mà lại để cho người Trung Quốc bây giờ - dùng chữ tràn ngập thì hơi quá -nhưng mà ở đâu cũng có người Trung Quốc. Vừa rồi phát hiện ở Cam Ranh, ở Vũng Rô, còn cách đây hai ba năm thì vấn đề cho thuê đất rừng ở các vùng xung yếu, rồi vấn đề bauxite Tây nguyên…Tức là những vùng chiến lược quan trọng cũng có mặt người Trung Quốc. Mà như vậy không biết bao nhiêu là lực lượng dân sự, bao nhiêu là lực lượng quân sự. Rồi đến tận mũi Cà Mau bây giờ cũng có họ.

Đó là chưa nói về vấn đề họ xâm nhập vào lãnh vực kinh tế, và họ sẽ có những cách để phá hoại nền kinh tế của chúng ta. Mà bằng chứng là bây giờ họ rải người đi khắp nơi thu mua nông sản, hải sản ; họ làm giá, rồi cuối cùng không mua nữa làm cho nông dân chúng ta bị điêu đứng. Thì tôi nghĩ là phải thấy âm mưu rất là thâm độc của Trung Quốc. Đó là chưa nói còn có khả năng lũng đoạn về mặt chính trị, qua tiền bạc.

Ví dụ vấn đề cho thuê đất rừng, rồi vấn đề những bè cá ở Vũng Rô hay ở Cam Ranh. Tại sao lại lọt lưới những việc đó ? Tôi nghĩ là họ dùng tiền để mua chuộc một số cấp chính quyền của mình, để cho họ làm những việc đó. Có thể nói việc lũng đoạn về mặt chính trị rất là nguy hiểm. 

Một Nhà nước quản lý từ trung ương đến địa phương mà lại mất cảnh giác đối với Trung Quốc, để cho họ đi vào lãnh thổ Việt Nam một cách dễ dàng như thế. Nói như anh Hồ Ngọc Nhuận vừa rồi là nếu không có chủ trương thì làm sao lại để như vậy. Và nếu cấp chính quyền nào, kể cả chính quyền trung ương mà để vậy thì phải bị kỷ luật. Bởi vì vấn đề ở đây không đơn thuần là kinh tế nữa mà là vấn đề an ninh quốc gia. 

Thành ra chúng ta nếu chỉ bảo vệ Biển Đông không thôi, trong khi ở nội địa người Trung Quốc lũng đoạn trong nhiều lãnh vực như vậy mà ta không có biện pháp ngăn chặn, về mặt chính trị, kinh tế, kể cả y tế. Báo chí hiện nay đang đặt vấn đề các phòng mạch của các ông gọi là « thầy thuốc » Trung Quốc, các phòng khám bệnh lậu. Như vậy là họ thâm nhập rất sâu, trong rất nhiều lãnh vực rồi. 

Bây giờ chúng ta đã thấy cái nguy hiểm đó rồi, thì đề nghị chính phủ phải kiên quyết nắm lại tình hình, và phải đưa những người Trung Quốc mà đi vào Việt Nam bất hợp pháp ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Hoặc gọi là « hợp pháp » thì chúng ta cũng phải xem xét lại có phải thật sự là hợp pháp hay không. 

Tình hình hiện nay tôi cho là rất nghiêm trọng rồi, nhiều người dân rất quan tâm. Dân thì rất lo lắng, nhưng tại sao lãnh đạo lại không thấy việc đó thì tôi hơi ngạc nhiên. Có cái gì khuất tất trong này. Tôi thấy bên cạnh việc ra Luật Biển còn phải có những biện pháp đối phó với Trung Quốc một cách toàn diện, chứ không thể lơ là, để cho họ khuynh loát. 

RFI : Nhưng chỉ mới vừa ra Luật Biển thôi mà Trung Quốc đã phản ứng dữ dội như vậy. Nếu thực sự áp dụng trong thực tiễn, liệu Trung Quốc sẽ có những hành xử mạnh mẽ hơn, bất lợi cho Việt Nam ?

Tôi cho rằng bản chất của chính quyền Bắc Kinh là bành trướng, thành ra họ bỏ vòi ra không chỉ ở Biển Đông, mà ở châu Phi rồi nhiều nơi khác nữa. Cái phản ứng đó tôi cho là mình cũng thấy trước được, vì vậy chúng ta không sợ phản ứng đó. Vấn đề là chúng ta phải sẵn sàng đối phó lại.

Trước đây cha ông ta đánh thắng quân Nguyên, quân Thanh là trong hoàn cảnh có thể nói về mặt quốc tế là không có ai ủng hộ chúng ta cả, mà chúng ta đánh thắng một đội quân hùng như vậy là dựa vào nội lực của dân tộc. Trong khi đó tình hình quốc tế bây giờ rất là thuận lợi.

Có thể nói là gần như Trung Quốc hiện nay đang bị bao vây, bởi các nước ở Đông Nam Á, ở Nam Á. Ví dụ Úc, rồi Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines, đó là chưa nói đến sự hiện diện của Mỹ ở Đông Nam Á gần đây, và việc Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta thăm Cam Ranh, Việt Nam. Mà điểm đầu tiên đến là Cam Ranh thì cũng có một ý nghĩa nhất định.

Chúng ta không chủ trương dựa vào nước này để chống lại nước khác, nhưng dựa vào sức mạnh của quốc tế hiện nay, để bảo vệ những quyền và quyền lợi chính đáng của đất nước chúng ta. Để chống lại bất cứ ai có ý đồ xâm lược, có ý đồ bành trướng lên đất nước chúng ta.

Ngoài ra trong nước qua việc biểu quyết Luật Biển thì thấy gần như là đa số áp đảo, chỉ có một người là chống thôi ! Như vậy chứng tỏ ý chí và nguyện vọng của người dân Việt Nam là chống lại những hành động bành trướng của Trung Quốc. Và việc Quốc hội ra Luật Biển cũng là thể hiện được phần nào nguyện vọng của dân.

Do đó nếu Quốc hội đã ra Luật Biển với điều khoản là Trường Sa, Hoàng Sa thuộc Việt Nam, thì cớ gì hiện nay ví dụ Trung Quốc nâng cấp thành cấp hành chính cao hơn thì tại sao chúng ta lại không để dân biểu tình phản đối. Phản đối việc làm đó của Trung Quốc, và phản đối cái thái độ trịch thượng của họ. Tại sao dân Philippines đi biểu tình được mà dân ta thì không được ? 

Chính phủ phải suy nghĩ lại về việc này. Biểu tình vì động cơ chính đáng, động cơ yêu nước thì cứ để cho người dân người ta biểu tình. Nhất là đối với Trung Quốc, phải kết hợp giữa sức mạnh quốc tế với sức mạnh của lòng dân, sức mạnh nội lực của Việt Nam, thì chúng ta không sợ gì cả. 

RFI : Không chỉ thái độ hung hăng của Trung Quốc, việc tăng cường quân sự làm cho thế giới e dè, mà bản thân Trung Quốc cũng có những vấn đề nội tại…

Thật ra bản thân nội bộ Trung Quốc cũng có lắm vấn đề. Nhân dân Trung Quốc khắp nơi cũng đang nổi dậy, rồi vấn đề Tân Cương, vấn đề Tây Tạng…Thành ra nói vậy chứ Trung Quốc không phải là mạnh đâu, mà bản thân họ cũng có những điểm yếu của họ, không thể nào tự tung tự tác được. 

Tôi nghĩ khi mình có một quyết định đúng đắn nào đó, mà đi ngược lại quyền lợi của Trung Quốc, Bắc Kinh phản đối thế này thế kia, chúng ta không ngại điều đó. Mà chúng ta chỉ ngại rằng Nhà nước chúng ta liệu có đủ bản lĩnh, có đủ dũng khí để mà đương đầu với Trung Quốc, những khi họ xâm phạm những quyền và lợi ích chính đáng của đất nước chúng ta, thông qua việc xâm phạm vùng biển, hải đảo của chúng ta, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa.

Ý kiến cuối cùng của tôi là trước tình hình như vậy - với tư cách đảng viên, tôi đề nghị đảng Cộng sản Việt Nam, và với tư cách công dân, tôi đề nghị chính phủ Việt Nam - phải đặt lợi ích của dân tộc, của đất nước lên trên hết ! Không vì lợi ích của phe nhóm hoặc lợi ích riêng của một ai, mà để cho tình hình xấu đi, để cho những hiện tượng vi phạm an ninh quốc gia như chúng tôi đã nói ở trên ngày càng nghiêm trọng thêm. Nó đe dọa sự tồn vong của đất nước. 

Vì vậy tôi nghĩ là người Việt Nam hiện nay phải dồn tất cả mọi nỗ lực, tất cả nghị lực của toàn dân tộc lên trận tuyến chiến đấu chống nghèo nàn, trận tuyến chống tham nhũng, bất công, và trận tuyến chiến đấu chống bành trướng xâm lược của Trung Quốc. Như vậy mới tạo thành sức mạnh của toàn dân tộc để thoát ra khỏi những khó khăn hiện nay, đối với tình hình kinh tế cũng như an ninh quốc gia đang có những diễn biến hết sức đáng lo ngại, hết sức là nghiêm trọng. 

RFI : Xin rất cám ơn luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, đã vui lòng dành thì giờ trả lời phỏng vấn của chúng tôi.

tags: Biển Đông - Châu Á - Chủ quyền - Lãnh hải - Ngoại giao - Phỏng vấn - Trung Quốc - Việt Nam 
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120624-bien-dong-lanh-dao-viet-nam-can-co-dung-khi-dat-quyen-loi-quoc-gia-dan-toc-len-tre
 

Thịt nhân tạo, giải pháp cho tương lai ?

Bài đăng : Thứ bảy 23 Tháng Sáu 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 23 Tháng Sáu 2012 
 
Phụ trang báo Le Monde đề cập đến việc nghiên cứu sản xuất ra thịt trong phòng thí nghiệm. Hiệp hội bảo vệ động vật People for the Ethical Treatment of Animal (PETA) hứa hẹn sẽ thưởng 1 triệu đô la cho nhóm nghiên cứu đầu tiên chế tạo ra được thịt gà nhân tạo, hạn chót là ngày 30/06/2012.

…Không còn kỹ nghệ chăn nuôi, với những con vật được nuôi lớn rồi được đưa vào lò sát sinh. Thịt được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, dưới sự điều khiển của các nhà hóa học. Tác giả René Barjavel trong tác phẩm « Sự tàn phá » xuất bản năm 1943 đã mơ đến thịt nhân tạo.

Bốn mươi bảy năm sau, giấc mơ này đã giã từ tiểu thuyết viễn tưởng để thực sự bước chân vào phòng thí nghiệm. Với giải thưởng trên đây, PETA hy vọng « Thịt nuôi cấy có thể chấm dứt nỗi đau của hàng tỉ con vật bị nhồi nhét trong các trại chăn nuôi và tại lò sát sinh ». Nhưng hạn cuối đã cận kề, mà các nhà nghiên cứu có vẻ hãy còn lâu mới bước qua được từ giai đoạn thử nghiệm sang thương mại hóa. Có thể PETA sẽ phải dời lại thời hạn lâu hơn để khuyến khích sự tìm tòi của các nhà khoa học.

Từ đầu những năm 2000, cơ quan không gian NASA đã có dự án tổng hợp nên thịt nhân tạo từ tế bào cơ của cá vàng, để cung ứng cho các phi hành gia trên những chuyến bay dài ngày. Tại Hà Lan, nghiên cứu về thịt nhân tạo do nhà công nghiệp Willem van Eelen khởi xướng, từ năm 2004 đã được chính phủ tài trợ 2 triệu euro và huy động ba trường đại học. Bản mẫu đầu tiên của hamburger nuôi cấy trong ống nghiệm có thể được triển khai tại phòng thí nghiệm của đại học Maastricht từ nay đến tháng 11, do ê-kíp của giáo sư giải phẫu sinh lý mạch máu Mark Post thực hiện.

Bên cạnh đó, còn có những nghiên cứu của Nicholas Genovese tại Mỹ và Vladimir Mironov tại Brazil. Với dân số thế giới sẽ lên đến 9 tỉ người vào năm 2050, thị trường tiềm năng cho sản phẩm thay thể protein động vật là đầy hứa hẹn đối với các nhà đầu tư. Còn với những tổ chức bảo vệ súc vật, đây là một hy vọng lớn. Không chỉ chấm dứt việc hành hạ súc vật, mà còn giải quyết được vấn đề sinh thái, vì giải phóng được đất trồng trọt và hạn chế việc vật nuôi thải ra khí gây hiệu ứng nhà kính.

Một nghiên cứu của các nhà khoa học tại đại học Oxford và Amsterdam khẳng định, thịt nhân tạo sẽ giúp giảm được 99% diện tích đất sử dụng, và trên 78% khí phát thải. Tuy nhiên cũng cần thận trọng trước những con số này, vì quy trình công nghiệp hóa thịt nhân tạo tương lai vẫn chưa xác định được. Một nhà nghiên cứu cho biết, tuy đúng là 70% đất canh tác được dùng để nuôi súc vật, nhưng một số loại đất chỉ có công dụng duy nhất là cho chăn nuôi. Các đồng cỏ cũng hấp thu được mỗi năm 500 kg carbon trên một hecta.

Giáo sư Mark Post sẽ không được giải thưởng 1 triệu đô la của PETA, vì ông không nghiên cứu về thịt gà, mà là thịt bò. Năm 2009, nhà khoa học Hà Lan đã nuôi cấy được một mẩu thịt nhỏ, bề ngang 8 mm, dài 22 mm và dày được 0,5 mm. Ông sử dụng kỹ thuật kích điện để làm tăng kích thước các tế bào cơ. Đến tháng 10/2011, ông đưa ra In Vitro Meat Project, nhằm chế tạo ra hamburger nhân tạo ăn được. Trước hết các tế bào gốc được trích xuất bằng phương pháp sinh thiết cổ điển từ cơ của bò. Đây là các tế bào « vệ tinh » trong cơ, có thể tự sinh sản trong trường hợp bị thương tổn để tái lập tế bào, và như vậy cần có môi trường nuôi cấy.

Phức tạp là ở đây. Để nuôi các tế bào, đầu tiên các nhà khoa học dùng loại dịch chiết xuất từ bê. Tuy nhiên trong tương lai nếu tiêu thụ ở châu Âu thì sẽ vấp phải lệnh cấm sử dụng hóc-môn tăng trưởng, vì vậy ê-kíp nghiên cứu Hà Lan quay sang hướng nuôi cấy tổng hợp, có thể với dịch dinh dưỡng từ tảo.

Để biến các tế bào cơ thành dạng sợi, ê-kíp Mark Post nén chồng lên một loại « giàn giáo » bằng polyme từ glucose, rồi kéo căng cho đến khi đạt được kích thước cần thiết. Hiệu quả của quy trình này lệ thuộc rất nhiều vào khả năng nhân rộng các tế bào gốc : cứ 30 lần nhân lên tương ứng với 1 tỉ tế bào, thu được khoảng 100 g thịt. Tuy nhiên giáo sư Mark Post không hy vọng sẽ thương mại hóa thịt nhân tạo trước 15 năm tới. Việc tối ưu hóa môi trường và các điều kiện nuôi cấy tế bào là những khó khăn chủ yếu.

Theo nhà nghiên cứu Brigitte Picard, thuộc Viện Quốc gia Nông học Pháp thì thách thức chính nằm ngay định nghĩa về thịt. Không đơn giản là các mô cơ, mà việc phát triển các tế bào liên quan đến toàn bộ cơ thể. Cơ được cấu thành bởi các sợi cơ, nhưng bên cạnh đó còn có các mô liên kết, các tế bào mỡ, mạch máu, hệ thống thần kinh. Và thịt trước hết là sự đa dạng của các miếng thịt.

Tiến trình sản xuất hàng loạt trong tương lai cũng cần đến các chất kháng sinh, chất chống nấm. Brigitte Picard nhắc nhở, các tế bào gốc hết sức mong manh, nếu không được xử lý sẽ không thể sống sót. Nhà nghiên cứu này kết luận : « Thịt nhân tạo không phải là thịt sinh thái ».

Dùng tế bào gốc để chữa bệnh hiểm nghèo 

Cũng trong lãnh vực khoa học, nhật báo Le Parisien đề cập đến trường hợp một « bébé-médicament », em bé được sinh ra để có được tế bào gốc chữa trị một căn bệnh di truyền cho anh chị. Asya, cô bé chị của « bébé-médicament » đầu tiên của nước Pháp sinh cách đây 18 tháng, đã được cứu khỏi căn bệnh thiếu máu nặng nhờ cậu em, mà tờ báo gọi là một phép lạ.

Nhờ các tế bào gốc lấy từ cuống rốn của bé Umut-Talha (tiếng Thổ Nhĩ Kỳ có nghĩa là « hy vọng ») khi sinh ra tại bệnh viện, cô bé Asya, 5 tuổi trước đây thường phải thường xuyên truyền máu, nay đã có đôi má hồng hào như bao trẻ em khác cùng tuổi. Anh của bé Asya là Mehmet, 7 tuổi cũng có cùng một chứng bệnh.

Cha mẹ của hai em trước đó đã thử cho ghép tế bào gốc từ một ngân hàng máu cuống rốn, nhưng không có tế bào nào tương thích cả. Chỉ còn một giải pháp là sinh ra một « bébé-médicament ». Người mẹ được thụ tinh nhân tạo, và các nhà di truyền học ở bệnh viện Necker Paris chọn lựa các phôi không mang mầm bệnh di truyền, tiếp đến sẽ chọn ra các phôi tương thích với Mehmet và Asya trong số các phôi lành mạnh này.

Nhưng tiếc là không có phôi nào thích hợp với Mehmet cả. Họ bèn chọn cách cấy hai phôi lành, trong đó chỉ có một là hợp với cô bé Asya. Chỉ có một phôi đậu thai, và thật may mắn, đó chính là phôi có các đặc điểm di truyền phù hợp với Asya.

Bé Umut sinh ra khỏe mạnh, và các tế bào gốc quý giá từ cuống rốn tám tháng sau được cấy cho Asya. Giờ đây Asya có thể chạy chơi không mệt mỏi với Umut, nhưng gia đình còn mong mỏi Mehmet cũng lành bệnh để chơi đùa với các em, và một « bébé-médicament » thứ hai có thể sẽ ra đời.

Hội nghị thượng đỉnh về Trái đất 

« Rio+20 : Brazil thắng lợi, cả hành tinh thiệt thòi », đó là tựa đề bài xã luận của Le Monde. Đây là một kết quả đáng buồn, đúng hai mươi năm sau Thượng đỉnh vì Trái đất diễn ra ở cùng một thành phố Rio de Janeiro, đã đặt nền móng cho chính sách phát triển quan tâm đến việc bảo vệ nguồn lợi thiên nhiên.

Theo tờ báo, thì nước chủ nhà đã thành công khi đạt được mục tiêu là đưa ra được một thỏa thuận sau ba ngày hội nghị, chấm dứt cuộc thương lượng khó khăn từ sáu tháng qua. Nhưng đó là do sử dụng phương pháp bất thường, bỏ qua dự thảo tuyên bố chung cuộc vốn bị nhiều phản ứng, chỉ giữ lại các kiến nghị về nguyên tắc chung chung.

Nhưng « sự thất vọng sâu sắc », thậm chí « phẫn nộ » của Réseau Action Climat, tập hợp khoảng 600 tổ chức phi chính phủ về sinh thái, là ba năm sau thất bại thảm hại của hội nghị thượng đỉnh Copenhague về khí hậu, chính là cả hành tinh chúng ta đã thiệt thòi với thỏa thuận ở mức tối thiểu này. Và với cùng những lý do như nhau.

Về quan hệ Pháp – Đức, một bài phân tích trên Le Monde đặt câu hỏi : « Paris-Berlin : Cuộc đối thoại giữa những người điếc ? ». Trong lúc Pháp muốn củng cố liên minh kinh tế, thì Đức muốn trước tiên là một thỏa thuận sơ khởi về liên minh chính trị, và dường như không ai muốn hiểu điều mà người kia nói.

Theo tác giả, tuy vậy không phải là không có lối thoát. Một liên minh ngân hàng, một định chế phù hợp hơn với khu vực đồng euro thay vì Nghị viện châu Âu hiện nay… tuy phức tạp nhưng vẫn có thể hình thành dần. Có điều, liệu châu Âu có được thời gian để tiến hành, khi mà cuộc khủng hoảng đang đòi hỏi có được những quyết định nhanh chóng ?

tags: Điểm báo 
http://www.viet.rfi.fr/diem-bao/20120623-thit-nhan-tao-giai-phap-cho-tuong-lai
 

vendredi 22 juin 2012

Patrick-Henri Devillers, người kiến trúc sư lặng lẽ bị cuốn vào tâm bão Trung Quốc


Bài đăng : Thứ sáu 22 Tháng Sáu 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 22 Tháng Sáu 2012 
 
Bị bắt giam bên lề cuộc điều tra về vụ xì-căng-đan bí ẩn mang tính chính trị lẫn hình sự ở Trung Quốc, gây nên các phức tạp về ngoại giao, nhưng tại Phnom Penh, kiến trúc sư người Pháp Patrick-Henri Devillers được biết đến với hình ảnh một con người yêu nghệ thuật, tính tình đơn giản và chiếc xe đạp chạy bằng điện.

Kiến trúc sư 52 tuổi đã bị câu lưu tại Cam Bốt theo yêu cầu dẫn độ của Bắc Kinh, trong khi Paris đòi hỏi phải làm sáng tỏ vụ việc và đưa ra các bằng chứng.

Cho đến nay, chưa có lý do hợp pháp nào được đưa ra về việc bắt giữ ông. Chỉ có vấn đề là các quan hệ của ông với Bạc Hy Lai, cán bộ đảng cao cấp của Trung Quốc, và vợ ông ta là Cốc Khai Lai. Ông Bạc đang bị điều tra về tội tham nhũng, còn bà Cốc, một luật sư tên tuổi, bị nghi ngờ là đã sát hại một doanh nhân có quan hệ làm ăn với bà ta.

Tuy nhiên bạn bè và láng giềng của ông Devillers tại Cam Bốt khó thể giải thích được tại sao con người nhã nhặn, có học thức này lại có thể dính líu vào một xì-căng-đan như thế.

Kiến trúc sư này dường như có làm việc với ông Bạc Hy Lai vào thập niên 90. Ông kể lại với tờ Le Monde hồi tháng Năm : « Rất năng động, ông ấy có được năng lượng khó tin », và dưới mắt ông Bạc thì « Tôi là một loại nghệ sĩ ».

Sau khi ly dị với người vợ Trung Quốc đã có một con trai với ông, Devillers đã sang Cam Bốt sinh sống cách đây 5 năm. Ông trở thành một thành viên kín tiếng nhưng được cộng đồng người phương Tây làm việc tại đây đánh giá cao, với đam mê văn chương của ông, và việc ông di chuyển bằng xe đạp điện.

« Tôi đã rời Trung Quốc y như lúc tôi đến đó, chẳng có gì trong tay cả » - Devillers từng tâm sự với Le Monde như vậy.

Ở Cam Bốt, ông mở một văn phòng kiến trúc sư, và thường xuyên qua lại giữa thành phố biển Kep và căn nhà ông ở Phnom Penh, mà theo một người hàng xóm, thì ông đã gia hạn hợp đồng thuê thêm 10 năm.

Ông Pierre-Yves Clais, bạn đồng hương của Devillers nói với AFP : « Ông ấy hài lòng khi sinh sống ở Cam Bốt, ông thanh thản hơn tại đây…cho đến lúc này ». Ông cho biết, Devillers đã có hai con với một phụ nữ Cam Bốt, và nói thêm là ông « rất kín đáo, rất trí thức, rất lịch sự ». 

Trong những ngày gần đây, Devillers lại càng kín tiếng hơn. Một người quen biết ông nói : « Có lẽ ông thu mình lại như vậy vì đoán được giông tố sẽ đến. Tôi thực sự nghi ngờ tính chính đáng của cơn giông này. Tôi thấy Patrick là một người tế nhị, lãng mạn như nhà thơ, rất sáng tạo, nhưng nay lại thành tù nhân trong một vụ bê bối ở Trung Quốc do ông quá nhiệt thành ».

Còn theo ông Clais, thì kiến trúc sư thông thạo tiếng Hoa này luôn nhắc đến những năm tháng sống tại Trung Quốc, nhưng lại « thấy ngại ngùng khi bỗng trở nên nổi tiếng » sau khi các nhà báo tìm ra được dấu vết của ông ở Phnom Penh. Tuy ông đã trả lời phỏng vấn một số tờ báo, ông lại gởi cho tờ New York Times một lá thư khó hiểu, nhắc lại triết lý vô vi của Lão giáo.

Thông tin về việc Devillers bị bắt giam hôm 13/6 đã làm cho những người thân của ông sững sờ. Cha của ông, Michel Devillers khẳng định với tờ Daily Telegraph là có nói chuyện với Patrick-Henri Devillers cách đây mười ngày, ông tỏ ra hoàn toàn bình thản, nên không hề nghĩ đến chuyện có thể bị bắt giữ. Còn ông Clais, người đã được « nhà nghệ sĩ và kiến trúc sư tuyệt vời » tư vấn về một dự án khách sạn, công nhận : « Tất cả mọi người đều hết sức ngạc nhiên ! ».

Sự nghiệp của Bạc Hy Lai, cựu Bí thư Thành ủy một thành phố khổng lồ là Trùng Khánh, đã bị gãy gánh vì loạt xì-căng-đan. Ông Bạc bị ngưng các chức vụ trong Bộ Chính trị và Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Nhưng không một ai ở Phnom Penh có thể tưởng tượng được việc Bạc Hy Lai bị thất sủng lại có thể kéo theo người kiến trúc sư Pháp vào chốn ngục tù. Ông Clais kết luận : « Tôi không biết ông ấy trước đó, nhưng sẽ rất ngạc nhiên nếu ở Trung Quốc ông lại là một con người khác ». 

tags: Chính trị - Pháp - Pháp luật - Trung Quốc - Xã hội 
 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120622-patrick-henri-devillers-nguoi-kien-truc-su-lang-le-bi-cuon-vao-tam-bao-trung-quoc
 

Biển Đông : Việt Nam bác bỏ phản đối « phi lý » của Trung Quốc về Luật Biển

Bài đăng : Thứ sáu 22 Tháng Sáu 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 22 Tháng Sáu 2012 
 
Hãng tin Pháp AFP hôm nay 22/06/2012 cho biết Hà Nội vào tối qua đã bác bỏ phản đối « vô lý » của Bắc Kinh về Luật Biển vừa được Quốc hội Việt Nam thông qua, trong đó khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Quốc hội Việt Nam hôm qua đã thông qua Luật Biển với 495/496 phiếu, trong đó khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bị Trung Quốc tranh chấp là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ngay lập tức, Bắc Kinh đã triệu tập đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Nguyễn Văn Thơ để phản đối.

Tối qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị đã tuyên bố : Việt Nam kiên quyết bác bỏ sự chỉ trích vô lý của phía Trung Quốc, đồng thời phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc thành lập cái gọi là « thành phố Tam Sa ». 

Cũng theo tuyên bố trên, « Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Luật Biển Việt Nam đề cập đến hai quần đảo này là sự tiếp nối một số quy định trong các luật đã có trước đây của Việt Nam. Đây không phải là vấn đề gì mới và không ảnh hưởng đến quá trình tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài cho các tranh chấp ở Biển Đông ». 

Luật Biển Việt Nam gồm 7 chương, 55 điều, sẽ bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2013. Theo báo Nhân Dân, đây là bộ luật có tỉ lệ số đại biểu tán thành cao nhất trong số năm dự thảo luật và nghị quyết được Quốc hội biểu quyết vào hôm qua 21/6.

Hôm nay trên mạng xã hội Facebook, trang Nhật ký yêu nước đã đưa ra lời kêu gọi « Tuần hành ôn hòa chống Trung Quốc, ủng hộ Luật Biển của Việt Nam » vào sáng Chủ nhật 1/7 ở gần đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội và lãnh sự quán Trung Quốc ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Thông báo này cho rằng việc Quốc vụ viện Trung Quốc quyết định thành lập cái gọi là « thành phố Tam Sa », thuộc tỉnh Hải Nam, gồm cả Hoàng Sa, Trường Sa, đã chính thức xác quyết, công khai dã tâm về « đường lưỡi bò 9 đoạn » bao trùm 80% diện tích Biển Đông. Ngoài ra, Bắc Kinh còn trịch thượng triệu tập đại sứ Việt Nam để phản đối, trong khi vẫn không ngừng các vụ khiêu khích như bắt giữ ngư dân, tước đoạt ngư cụ khiến nhiều ngư dân Việt tán gia bại sản.

Nhóm Nhật ký yêu nước đề nghị những người tham gia chỉ mang những biểu ngữ có nội dung chống Trung Quốc, không có hành động quá khích. Được biết phong trào biểu tình phản đối thái độ gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông, khởi đầu từ ngày 05/06/2011, cũng bắt đầu từ trang này.

tags: Biển Đông - Chủ quyền - Lãnh hải - Trung Quốc - Việt Nam
 
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120622-bien-dong-viet-nam-bac-bo-phan-doi-%C2%AB-phi-ly-%C2%BB-cua-trung-quoc 
 

Cam Bốt không cho dẫn độ kiến trúc sư Devillers

Bài đăng : Thứ sáu 22 Tháng Sáu 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 22 Tháng Sáu 2012 
 
Các hãng tin AFP và Reuters hôm nay 22/06/2012 dẫn lời Ngoại trưởng Cam Bốt Hor Namhong cho biết, Cam Bốt sẽ không cho dẫn độ kiến trúc sư Pháp Patrick-Henri Devillers. Ông Devillers, vốn có quan hệ thân thiết với cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai, bị Phnom Penh bắt giam theo yêu cầu của Bắc Kinh vì các lý do không rõ ràng, mà hiện Paris đang đề nghị làm sáng tỏ.

Ông Hor Namhong trong cuộc họp báo tối qua đã nói rằng : « Chính phủ vương quốc Cam Bốt đã quyết định là sẽ giữ công dân Pháp này tại Cam Bốt, không cho dẫn độ sang Pháp hoặc Trung Quốc ». Được hỏi về các lý do Bắc Kinh đưa ra để bắt giam kiến trúc sư Devillers, Ngoại trưởng Cam Bốt trả lời là không biết, và đang chờ các thông tin đầy đủ hơn. Trong khi chờ đợi, ông Devillers vẫn tiếp tục bị tạm giam.

Một phát ngôn viên đại sứ quán Pháp tại Phnom Penh đã từ chối cho biết Paris cũng sẽ yêu cầu dẫn độ, hay cung cấp các chi tiết về tình hình của kiến trúc sư Devillers hay không.

Hãng tin Pháp AFP nhắc lại hôm thứ Tư 20/6, Bộ Nội vụ Cam Bốt đã xác nhận người bị bắt giam không hề làm điều gì phạm pháp tại Cam Bốt, và sẽ được trả tự do vì không có « bằng chứng cụ thể ».

Theo nhận xét của hãng thông tấn Reuters, thì ngay từ đầu vụ này, chính quyền Cam Bốt đã tỏ ra rất kín đáo, thậm chí không ai biết được kiến trúc sư Pháp bị nhốt ở đâu. Các nhân chứng cho Reuters biết ông Devillers đã bị bắt cách đây hai tuần. Các nhân viên công an và hai người châu Âu đi trên hai chiếc xe riêng đã đến nhà ông, và nhân viên bảo vệ một cửa hàng đồ nội thất ở đối diện nói rằng ông Devillers không kháng cự, nhưng có vẻ rất buồn bã.

Trung Quốc, nước có ký hiệp ước dẫn độ với Cam Bốt, là đồng minh chính trị và kinh tế chủ yếu của Phnom Penh và đã đầu tư vào đây nhiều trăm triệu đô la. Tháng 12/2009, chính quyền Cam Bốt đã làm các nước phương Tây phẫn nộ khi cho dẫn độ sang Trung Quốc 20 người Duy Ngô Nhĩ đang xin tị nạn chính trị. Ngay sau đó Trung Quốc đã cho Cam Bốt vay số tiền lên đến 1,2 tỉ đô la.

Kiến trúc sư Patrick-Henri Devillers, 52 tuổi, sống tại Cam Bốt từ 5 năm qua. Ông quen biết Bạc Hy Lai trong thời gian sống tại Trung Quốc trong thập niên 90, và dường như Bí thư Thành ủy Trùng Khánh thời đó đã giúp ông trong việc đòi thanh toán một hợp đồng. Ông Devillers và bà Cốc Khai Lai, vợ ông Bạc Hy Lai đã khai cùng một địa chỉ khi thành lập một công ty vào năm 2000 tại Bournemouth, Anh Quốc. Một công ty đầu tư do ông Devillers đăng ký năm 2006 ở Luxembourg có địa chỉ là trụ sở tại Bắc Kinh của Ang Dao Law Firm, một công ty có liên quan với bà Cốc Khai Lai.

tags: Cam Bốt - Châu Á - Pháp - Trung Quốc
 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120622-kien-truc-su-phap-devillers-se-van-o-cam-bot-cho-dieu-tra