Affichage des articles dont le libellé est Tạp chí. Afficher tous les articles
Affichage des articles dont le libellé est Tạp chí. Afficher tous les articles

mercredi 17 septembre 2014

Du lịch Trung Quốc giá rẻ viếng tượng «Bác» Đặng Tiểu Bình ?

Khách du lịch chụp hình kỷ niệm trước tượng Đặng Tiểu Bình tại Thâm Quyến, Quảng Đông. Ảnh chụp ngày 19/08/2014.
Phát ngày Thứ tư, ngày 10 tháng chín năm 2014

Từ mấy ngày nay, dư luận trong nước không ngớt đặt ra câu hỏi, vì sao gần đây một số công ty du lịch tên tuổi lại tổ chức các tour đi Trung Quốc với giá rẻ, mà trong chương trình lại có việc đi viếng tượng Đặng Tiểu Bình, kẻ đã xua quân sang xâm lược Việt Nam năm 1979 ?

Điều đáng chú ý là sự kiện này diễn ra trong lúc vào cuối tháng Tám tại Trung Quốc, Tập Cận Bình đã cho tổ chức kỷ niệm trọng thể 110 năm ngày sinh của Đặng Tiểu Bình. Ngoài việc xuất bản một bộ tiểu sử đồ sộ, còn có một bộ phim truyền hình dài đến 48 tập nói về Đặng Tiểu Bình, được chiếu vào giờ đông người xem nhất.

jeudi 28 août 2014

Xóa sổ thương xá Tax: Thêm một phát súng bắn vào quá khứ


Thương xá Tax ở Saigon
Thứ tư 27 Tháng Tám 2014 
 
Cái tin thương xá Tax, một trong những kiến trúc Pháp thuộc tiêu biểu ở Saigon đã có trên 130 năm tuổi đời sẽ chính thức bị khai tử vào ngày 1/10 tới đã khiến cho nhiều người phải bàng hoàng. Thay vào địa chỉ thân thuộc với nhiều thế hệ người Saigon, một cao ốc 40 tầng sẽ mọc lên.

Hơn 230 tiểu thương được lệnh ngưng tất cả các hoạt động kinh doanh để bàn giao mặt bằng trước ngày 30/9. Thương xá Tax sầm uất trong những ngày cuối với hàng hóa được đổ ra bán giá rẻ, và dòng người tấp nập đến mua hàng. Nhưng không chỉ để mua bán, mà còn là nỗi luyến tiếc khôn nguôi. Nhiều người đến để chụp hình kỷ niệm bên cầu thang cuốn với tay vịn sang trọng, lát gạch mosaic độc đáo; có người bùi ngùi đứng lặng dưới tấm băng-rôn “Tạm biệt thương xá Tax”. 

Tax đang sống những giờ phút cuối cùng, sau 134 năm chứng kiến những thăng trầm của “Hòn ngọc Viễn Đông” năng động. Được xây dựng từ năm 1880 và khai trương vào năm 1924, tên gọi ban đầu của tòa nhà “Grands Magasins Charner”, viết tắt là GMC, là niềm hãnh diện của Saigon vì ra đời rất sớm cùng với các thương xá tương tự trên thế giới.

jeudi 21 août 2014

Du lịch và thị thực : Những bất cập đối với Việt Nam

Thứ ba 19 Tháng Tám 2014 

Theo Hiệp hội Lữ hành châu Á – Thái Bình Dương (PATA), Việt Nam là một trong năm nước trong khối ASEAN thu hút nhiều du khách ngoại quốc nhất trong năm 2013, chủ yếu là khách châu Á. Tuy nhiên việc cạnh tranh với các nước trong khu vực đã có ngành công nghiệp du lịch phát triển là khá quyết liệt, và một trong những biện pháp được đề cập đến gần đây là miễn thị thực nhập cảnh cho khách du lịch thuộc các thị trường trọng điểm.

Còn đối với người dân Việt Nam, thì từ khi có chính sách mở cửa đã có thể ra nước ngoài du lịch thoải mái hơn trước. Và với các hiệp định miễn thị thực đã ký, kể từ ngày 26/10/2013 công dân Việt Nam mang hộ chiếu phổ thông có thể nhập, xuất cảnh vào tất cả các nước thành viên ASEAN, tuy thời gian được lưu trú tại mỗi nước có khác nhau. Đối với Miến Điện là Brunei là không quá 14 ngày, Philippines 21 ngày, và sáu nước còn lại là 30 ngày.

jeudi 31 juillet 2014

Saigon, hàng me, tượng đài và métro

Bùng binh chợ Bến Thành với tượng Trần Nguyên Hãn và Quách Thị Trang, hình ảnh quen thuộc của Saigon.
Thứ tư 30 Tháng Bẩy 2014 

Con đường với những hàng cây rợp bóng, những dấu mốc quen thuộc của những nơi chốn đi về: một quán cà phê ta hay ngồi hay những công trình kiến trúc quen thuộc…thường là những gì mà người đi xa hình dung đến khi nhớ về thành phố của mình.

Saigon với những thăng trầm lịch sử lại càng ghi dấu ấn trong thơ nhạc, nhiếp ảnh, hội họa…Trong những tấm bưu thiếp gởi cho người phương xa, đó là hình ảnh chợ Bến Thành, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện trung tâm, Nhà hát thành phố…những hàng me cao ngất với những tà áo dài tung bay.

Thế nên không có gì đáng ngạc nhiên khi gần đây, ngỡ ngàng trước việc hàng cây cổ thụ ở ngã tư Lê Lợi – Nguyễn Huệ, đoạn trước Nhà hát thành phố bị chặt bỏ để khởi công nhà ga xe điện ngầm đầu tiên, nhiều người Saigon đã vội vàng đến chụp hình kỷ niệm. Người ta lại càng hoang mang hơn trước thông tin tượng danh tướng Trần Nguyên Hãn, và bức tượng bán thân người thiếu nữ Quách Thị Trang sẽ bị di dời đi nơi khác cho công trình này. Trên mạng xã hội cũng như trên báo chí, có rất nhiều bài viết bày tỏ tâm trạng tiếc nuối khi những biểu trưng của thành phố Saigon tiếp tục mai một.

Nhạc sĩ Tuấn Khanh trong bài viết mang tựa đề “Saigon run rẩy trong tiếng máy cưa” đăng trên blog của mình đã đặt câu hỏi: “Vì sao phải thương nhớ một hàng cây, thương nhớ một hình dáng cũ?” Anh viết: “Thành phố hơn 300 năm tuổi…đã đột ngột biến dạng trong mắt nhiều người. Nhìn những chiếc cưa máy gầm rú vật ngã từng cái cây đã đứng đó, lá cây rơi vãi như những trang nhật ký của đời người, từng ghi lại bao thăng trầm của thành phố này mà lòng khó tả”. 

jeudi 24 juillet 2014

Chiếc lồng đèn trung thu Made in Vietnam và biển đảo Tổ quốc

Rước đèn trung thu.
Thứ tư 23 Tháng Bẩy 2014 

Trung thu với truyền thuyết về Chú Cuội, Chị Hằng…những háo hức trẻ thơ trước những chiếc bánh nướng, bánh dẻo, những chiếc lồng đèn đủ hình dạng, sắc màu, vô vàn ánh nến lung linh huyền ảo trong đêm rước đèn trung thu dường như chỉ còn tồn tại trong ký ức một thời đã qua. Ngày tết thiếu nhi tại Việt Nam từ nhiều năm nay đã biến tướng thành một dịp để người lớn biếu xén lẫn nhau.

Tuy vẫn còn là dịp để trẻ em vui chơi, nhưng những chiếc đèn xếp, đèn ông sao, đèn khung tre uốn hình dạng nhiều con vật bọc giấy kính đỏ made in Vietnam từ lâu đã phải nhường chỗ cho các loại đèn Trung Quốc. Các lồng đèn nhựa sặc sỡ với nhiều kiểu dáng, tiếng nhạc ò í e được bán với giá rẻ, thường được mua nhiều vì thật ra cũng ít có chọn lựa nào khác : đèn made in China tràn ngập thị trường Việt.

jeudi 26 juin 2014

Quán ăn hai ngàn đồng : Lòng nhân ái vẫn như mạch nước ngầm

Ông John Kelly, tình nguyện viên người Mỹ nguyên là giám đốc bưu điện, đang phục vụ tại một quán Nụ Cười ở Saigon
Thứ tư 25 Tháng Sáu 2014


Tạp chí xã hội 25/06/2014
(17:31)
Trong xã hội vẫn còn những tấm lòng, thậm chí như mạch nước ngầm. Nếu mình khai đúng mạch thì sẽ tuôn chảy, thành thác, thành sông. Cho nên gần hai năm rồi, mà quán tôi vẫn còn và sắp sửa mở mấy quán nữa, thành thử có được niềm tin vào lòng nhân ái của con người...Những hôm Ngày Thứ Năm Hạnh Phúc, mình bán bún bò, hủ tiếu, phở… một ngàn đồng một tô. Có những gia đình bà vợ lượm ve chai, ông chồng chạy xe ôm chở hai đứa con lại, đem theo 8 ngàn đồng mua 8 tô phở, họ nói là trong đời chưa bao giờ cả gia đình đi ăn phở...

Hai ngàn đồng Việt Nam, món tiền lẻ nhiều khi không đủ để gởi xe, nhưng cũng đủ cho một bữa cơm tươm tất, sạch sẽ nơi các quán mang tên Nụ Cười ở Saigon. Với số tiền nhỏ bé này, người nghèo khi bước vào các quán cơm từ thiện trên được phục vụ cơm trưa có ba món đầy đủ chất dinh dưỡng cùng với món tráng miệng.

Giá trị thật của bữa ăn là từ 15 đến 20 ngàn đồng, nhưng được bán với giá hai ngàn đồng thay vì cho không để tôn trọng những người nghèo khổ nhưng giàu lòng tự trọng : họ bỏ tiền ra mua, chứ không phải đi xin. Bên cạnh đó cứ mỗi tuần vào ngày thứ Năm lại có bán những món nước như bún bò, phở…là những món xa xỉ đối với nhiều người lao động, chỉ với giá một ngàn đồng.

mercredi 11 juin 2014

Thiên An Môn, nỗi ám ảnh khôn nguôi

Biểu tình trước tháp Eiffel, Paris kỷ niệm 25 năm Thiên An Môn, 04/06/2014
Thứ tư 11 Tháng Sáu 2014 
Chiều ngày 4 tháng Sáu năm 2014, đúng hai mươi lăm năm sau vụ thảm sát Thiên An Môn, một cuộc biểu tình đã diễn ra ở quảng trường Trocadéro trước tháp Eiffel để kỷ niệm sự kiện phong trào dân chủ bị chính quyền Trung Quốc dập tắt bằng cách cho quân đội nổ súng vào sinh viên, thậm chí cho chiến xa cán lên xác những người thanh niên vô tội. Sự kiện bị thảm này đã gây chấn động cả thế giới.
Tạp chí xã hội 11/06/2014
(13:42)

Hai mươi lăm năm đã trôi qua, biết bao vật đổi sao dời, nhưng những người đã từng chứng kiến hoặc đã nghe thấy không bao giờ muốn trang sử đen tối này bị quên lãng.

vendredi 30 mai 2014

Xung đột Biển Đông : Cơ hội để bớt lệ thuộc vào hàng Trung Quốc

Vải vóc do Trung Quốc sản xuất tại một cửa hàng ở Bắc Kinh, 13/05/2014.
Thứ tư 28 Tháng Năm 2014 
Tình hình tại Biển Đông càng nóng lên với việc Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 (HYSY 981) ngay giữa vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại Hoàng Sa, thì người dân càng phải nghĩ đến nguy cơ chiến tranh có thể xảy ra, trong lúc nền kinh tế Việt Nam đang lệ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc, từ sản xuất cho đến hàng hóa tiêu dùng.
Tạp chí xã hội 28/05/2014
(14:56)

Theo thống kê của Bộ Công thương Việt Nam năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 13,3 tỉ đô la (chiếm 28%), chủ yếu là nông sản và nguyên liệu thô. Trong khi đó kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc lên đến gần 37 tỉ đô la (1% tổng xuất khẩu của Trung Quốc), gồm là nguyên vật liệu, linh kiện, trang thiết bị, hàng tiêu dùng…

jeudi 29 mai 2014

Trước họa xâm lăng Đại Hán : Xuống đường hay không xuống đường ?

Biểu tình tại Hà Nội ngày 14/05/2014 phản đối Trung Quốc xâm chiếm Biển Đông.
Thứ tư 14 Tháng Năm 2014 

Trong những ngày này, những tin tức bình thường dường như không Đông. Nơi đó, vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam đã bị Trung Quốc ngang nhiên đem vào một giàn khoan khổng lồ. Nơi đó, những chiếc tàu Việt Nam nhỏ bé từ một tuần nay vẫn đang phải chống chọi với những tấn công uy hiếp bằng vòi rồng, bằng những cú đâm thẳng của những chiếc tàu địch to lớn và hiện đại hơn, mà báo chí chính thức Việt Nam gần đây mới có mặt để tường thuật.
Tạp chí xã hội 14/05/2014
(19:56)

Lòng dân sôi sục, kể cả những người ít quan tâm đến thời sự. Làm gì đây trước họa xâm lăng ?

Chủ nhật 11/05/2014 đã có những cuộc biểu tình trên cả ba miền, quy tụ nhiều ngàn người, trong đó một ngàn người xuống đường ở Hà Nội và ít nhất cũng bốn ngàn người ở Saigon. Một sự kiện chưa từng thấy, vì trước đây những người biểu tình chống Trung Quốc thường bị ngăn chận, thậm chí sách nhiễu. Đặc biệt cuộc biểu tình tự phát của người dân Saigon đã lôi cuốn được rất nhiều người tham gia sôi nổi, trong khi cuộc mít-tinh do chính quyền tổ chức thì đơn điệu.

jeudi 8 mai 2014

Chống Trung Quốc xâm lược Biển Đông, cơ hội hòa giải dân tộc ?

Một người lính hải quân Việt Nam canh gác trên đảo Thuyền Chài, thuộc quần đảo Trường Sa
THỨ TƯ 07 THÁNG NĂM 2014

Toàn dân nghe chăng
Sơn hà nguy biến 
Hận thù đằng đằng
Biên thùy rung chuyển
Nên hòa hay chiến ?


Việc chính quyền Bắc Kinh cho kéo giàn khoan khổng lồ vào ngay giữa vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đã làm sôi sục phản ứng nơi mọi người dân Việt. Ngay từ ngày đầu tiên, sự kiện đã làm mờ nhạt tất cả tin tức thời sự khác trên các mạng xã hội, riêng đài RFI chúng tôi đã nhận được rất nhiều thư tín từ khắp nơi gởi đến bày tỏ sự phẫn nộ.

vendredi 4 avril 2014

Những nhịp cầu để Hoàng Sa không đi vào quên lãng

Thứ tư 02 Tháng Tư 2014 

Khúc nhạc mở đầu chương trình là bài hát « Tiếng sóng Vân Đồn », trước đây được hạm trưởng Vũ Hữu San của khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ-4) chọn làm nhạc hiệu cho tàu. Sau trận hải chiến Hoàng Sa, sáng 20/01/1974 tàu HQ-4 về đến cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, bài hát ca ngợi danh tướng Trần Khánh Dư trong trận hải chiến với quân Nguyên, đã đập tan đội thủy quân của Ô Mã Nhi, cũng được phát trên loa khi cập cảng.

Sau đó vài tiếng đồng hồ đến lượt tuần dương hạm Trần Bình Trọng (HQ-5), rồi tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ-16) bị thương tích nặng cũng về đến nơi. Chiến hạm này bị nghiêng hẳn về bên phải, bên hông tàu bị lủng một lỗ thật lớn ở hầm máy. Chỉ có hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ-10) không bao giờ trở về.
MAG HOÀNG SA 02/04/2014
(20:12)


Chiếc tàu nhỏ bé và cũ kỹ nhất trong bốn chiến hạm của quân đội Việt Nam Cộng Hòa tham gia trận hải chiến bi hùng đã chìm xuống lòng biển quê mẹ cùng với hạm trưởng, trung tá Ngụy Văn Thà và các đồng đội. Trong một bài báo đăng trên tờ Thanh Niên gần đây, cựu binh Trần Văn Hà, nguyên là thợ máy trên HQ-10 kể lại, khi tàu đã bị hư hại cả động cơ lẫn hệ thống điện đàm, phải dùng bè để rời tàu thì hai chiến hạm chi viện của Trung Quốc xuất hiện. Nhưng các đồng đội bị thương nặng còn ở lại trên tàu đã tiếp tục nhả đạn vào tàu địch, mãi cho đến khi HQ-10 chìm hẳn.

samedi 29 mars 2014

Việt Nam: Linh hồn trẻ thơ và những nấm mộ không tên

Nghĩa trang Đồng Nhi dành cho các hài nhi bị chối bỏ tại núi Hòn Thơm, Khánh Hòa do ông Tống Phước Phúc xây dựng.
Thứ tư 26 Tháng Ba 2014 
Theo báo chí Việt Nam, mới cách đây ba ngày, một người dân tại xã Nhị Khê huyện Thường Tín, Hà Nội khi ra mương thả vịt đã vớt được một chiếc hộp carton trong có đựng một xác thai nhi nữ. Cùng với một số người dân địa phương chôn cất bé gái xong, chưa kịp hoàn hồn thì một tiếng đồng hồ sau ông lại phát hiện thêm một hộp carton nữa - lần này là một thai nhi nam cũng đã chết, và ông lại đem đi chôn.
Tạp chí xã hội 26/03/2014
(17:02)

Những cái tin tương tự xuất hiện thường xuyên trên báo chí trong nước, khi thì một người lượm rác, khi thì một người đi đường tìm thấy một xác thai nhi bỏ rơi đâu đó. Đã trở thành chuyện thường ngày, ít được ai chú ý, khi Việt Nam hiện là nước đứng thứ 5 thế giới và đứng đầu Đông Nam Á về tỉ lệ nạo phá thai.

mercredi 19 mars 2014

Việt Nam : Cưỡng chế đất có khiến người dân « khởi nghĩa » ?

Thứ tư 19 Tháng Ba 2014 

Đầu năm 2012, « người nông dân nổi dậy » Đoàn Văn Vươn đã làm sôi sục dư luận trong và ngoài nước, qua vụ huyện Tiên Lãng, Hải Phòng huy động đến hơn 100 người gồm công an và quân đội cưỡng chế khu đầm tôm mà cả gia đình ông đã đổ mồ hôi nước mắt suốt hai chục năm để khai khẩn. Đến tháng 9/2013, công luận lại xôn xao với việc Đoàn Ngọc Viết, ở bước đường cùng vì bị cưỡng chế nhà, đã xả súng bắn chết một cán bộ điều hành quỹ đất của tỉnh Thái Bình và làm bốn cán bộ khác bị thương.
Tạp chí cộng đồng 19/03/2014
(19:51)

Những thảm kịch này có nguyên nhân từ đâu ? Đi ngược lại với sự mong mỏi của toàn dân về quyền sở hữu đất đai, Hiến pháp 2013 vẫn quy định đất đai là « sở hữu toàn dân ». Vì vậy dù sống bao đời trên mảnh đất ông bà để lại, người dân chỉ có quyền sử dụng mà không có quyền sở hữu. Chính quyền có thể thu hồi đất, không chỉ cho các công trình công ích, mà kể cả các dự án kinh tế xã hội. Có nghĩa là các nhóm lợi ích cấu kết với chính quyền địa phương vẫn có thể ung dung trục lợi.

samedi 15 mars 2014

Từ cà phê treo ở Ý đến cơm treo ở Việt Nam

Các phiếu cơm treo
Thứ tư 12 Tháng Ba 2014 

Người khách vào quán, trả tiền cho hai ly cà phê nhưng chỉ uống một ly. Ly cà phê còn lại được dành cho một người nào đó, thèm một ly cà phê nóng nhưng lại không có khả năng chi trả. Đó có thể là một người vô gia cư, một người thất nghiệp, một người nghèo…Họ vào quán, hỏi có ly « cà phê treo » nào không, và chủ quán mang đến cho họ một ly cà phê do một người hảo tâm đã trả tiền trước – thường là một người vô danh.
Tạp chí cộng đồng 12/03/2014
(15:18)

Ý tưởng này nảy sinh từ thành phố Naples ở nước Ý sau Đệ nhị Thế chiến, trong một quán cà phê vào một ngày mùa đông lạnh giá. Tại thành phố nghèo nàn của miền nam nước Ý, một người khách quyết định tặng một ly « caffè sospeso » (cà phê treo) cho ai đó không có tiền uống. Hình thức này sau đó dần dần lan sang các nước châu Âu khác, và tại Pháp không chỉ có « cà phê treo » (café suspendu) mà còn có « bánh mì đợi chờ » (baguette en attente), nhờ đó người nghèo có thể vào tiệm bánh mang về những ổ bánh mì dài kiểu Pháp nóng giòn, do một người nào đó đã trả tiền trước.

mardi 25 février 2014

Tư nhân hóa để phát triển ngành du lịch Việt Nam

Thứ ba 25 Tháng Hai 2014 

Trong năm 2013, lượng du khách quốc tế đến Việt Nam đạt mức 7,5 triệu rưỡi lượt người với tổng doanh thu trên 9,5 tỉ đô la. Theo kế hoạch năm 2014, mục tiêu của ngành du lịch Việt Nam là đón tiếp 8 triệu lượt khách quốc tế và 37 triệu lượt khách nội địa.
VIETNAM TOURISME 25/02/2014
(16:59)

Làm thế nào đạt được mục tiêu vẫn còn khá khiêm tốn so với các nước lân cận ? Trao đổi với RFI Việt ngữ, ông Nguyễn Văn Mỹ, chủ tịch Hội đồng quản trị công ty dã ngoại Lửa Việt có trụ sở ở Thành phố Hồ Chí Minh nhận xét, trước hết về những nét mới trong ngành du lịch mà theo ông, đáng chú ý nhất là việc xây dựng các nhà vệ sinh công cộng, một vấn nạn mà nhiều du khách đến Việt Nam đã kêu ca từ lâu. Điều đáng chú ý là có một số tỉnh xa cũng đã có các khách sạn đạt tiêu chuẩn. Bên cạnh đó về mặt giao thông, đã có một số tuyến đường được rút ngắn nhờ xây dựng đường cao tốc.

mardi 26 novembre 2013

Nợ công và nợ xấu sẽ tiếp tục đè nặng lên những thế hệ tương lai của Việt Nam ?

Thứ ba 26 Tháng Mười Một 2013 

Theo các con số chính thức, nợ công của Việt Nam hiện nay chiếm khoảng 55,4% tổng sản phẩm nội địa (GDP) nghĩa là còn trong ngưỡng an toàn. Tuy nhiên hiện nay ngay báo chí nhà nước cũng đã đặt dấu hỏi về con số này, và đưa ra tỉ lệ nợ công lên đến 95% GDP. Trong khi đó, vừa rồi Chính phủ đã đề nghị Quốc hội cho nâng trần bội chi ngân sách lên 5,3% và phát hành thêm 170.000 tỉ đồng trái phiếu. Theo tính toán của một tờ báo trong nước, cứ mỗi ba tháng Việt Nam phải trả nợ một tỉ đô la.
Tạp chí kinh tế 26/11/2013
(19:19)
 
Phải chăng ngân sách Việt Nam đang cạn kiệt, và hậu quả sẽ như thế nào khi nợ nần tứ phía, tham nhũng lan tràn ? Trong tạp chí kinh tế hôm nay, RFI Việt ngữ đã trao đổi về vấn đề này với tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng ở Việt Nam.

RFI : Như anh đã biết, nợ của Việt Nam nếu tính cả những doanh nghiệp mà chủ yếu là của nhà nước thì lên tới 95% GDP, có nghĩa là vượt ngưỡng an toàn mà ngưỡng này được xem là 60%. Anh nhận xét tình hình này như thế nào ?

mercredi 14 mars 2012

Thân phận bọt bèo của người nông dân Việt Nam

Thứ tư 14 Tháng Ba 2012 
 
"Cốt lõi của vấn đề vẫn là những quy định mập mờ của Luật đất đai. Người ta biết trước sau gì cái mảnh đất ấy cũng thuộc về người khác, người nông dân không có những yếu tố để gắn bó với đất đai của mình... Nông dân mà ra phố, khi họ về thì họ mang theo rất nhiều tật xấu ở phố, khiến cho sự thuần khiết về mặt truyền thống mất đi... Bộ máy công quyền ở địa phương thực sự rệu rã, thậm chí họ chả làm gì ngoài cái việc xem có cái gì có thể chôm chỉa được của dân thì họ làm"... 
 
Những gánh hàng rong
Gánh cả nỗi đau nhà nông không đất
Những trai làng thờ thẫn đợi người thuê
Trôi dạt thị thành vẫn giữ nét quê
Nhoẻn miệng cười khi công an rượt đuổi


Đừng đuổi !
Xin đừng rượt đuổi !
Họ chỉ là nạn nhân
Đô thị mở rộng mất nơi cày cấy
Đô thị văn minh họ không chốn nương thân