Affichage des articles dont le libellé est Văn hóa. Afficher tous les articles
Affichage des articles dont le libellé est Văn hóa. Afficher tous les articles

lundi 1 avril 2024

Nguyễn Quang Thiều - Như đường chân trời

 

(Tưởng niệm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, 01/04)

Trong toàn bộ lịch sử âm nhạc Việt Nam đến nay, với tôi, không có nhạc sĩ nào được nhiều người nghe và có nhu cầu nghe trong suốt một phần đời dài của mình như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Tôi không nói ông là nhạc sĩ tài ba nhất, nhưng tôi có thể nói ông là nhạc sĩ đã tạo ra một thuật ngữ đặc biệt: ''Nhạc Trịnh''. Chỉ cần ai đó nói ''Nhạc Trịnh'' là trong con người tôi ngập tràn giai điệu của ông.

Âm nhạc Trịnh Công Sơn đã dựng lên những vẻ đẹp của nỗi buồn kiếp người. Âm nhạc của ông đẩy người nghe đi xa mãi, xa mãi trong thế giới tâm hồn của người nghe. Với tôi, mỗi khi nghe Trịnh Công Sơn giống như một cuộc hành hương về những nơi chốn tưởng như đã bị lãng quên trong con người mình.

Liễu Hằng - Nghĩ về nhạc Trịnh

 

Nhạc Trịnh không bình dân, nhưng phổ cập đến kỳ lạ. Bởi ai cũng có thể thấy mình trong đó!

Thấy cái quay quắt của “tình ngỡ đã quên đi, nhưng lòng cố lạnh lùng”. Thấy cái cô đơn tận cùng của “người về soi bóng mình, trên tường trắng lặng câm”. Và cả cái chếnh choáng “men rượu cay, một đời tôi uống hoài”.

Trong giai điệu, nhạc Trịnh không sang trọng kiểu Văn Cao, không phong phú như Phạm Duy. Nhưng chính trên nền slow tông thứ giản đơn ấy lại chứa, đọng cả một thế giới lộng lẫy của: Thơ ca, triết lý, văn hóa, ngôn từ… Riêng ở những ca khúc da vàng, nhạc Trịnh mang một tầm vóc vĩ đại về thời cuộc, về thân phận.

dimanche 31 mars 2024

Trịnh Đình Sĩ - Viên Ngọc Giữa Thành Phố

 

Bất cứ ai tự cho rằng mình là dân Sài Gòn chính gốc, đều không thể nói mình không biết tấm ảnh này thể hiện hình ảnh khu vực nào của thành phố đáng yêu ngày xưa trong lòng chúng ta. Ngay cả người không phải dân địa phương cũng vẫn biết!

Quá nhiều những cái tên, quá nhiều những ký ức, quá nhiều những kỷ niệm mà bất cứ ai, trong đời mình suốt thời quá khứ và đến cả bây giờ, như tôi và như nhiều bạn khác, một khi vẫn còn ở đây đều có thể nhớ ra.

Người phụ nữ trẻ trong ảnh đang đứng nơi vỉa hè thương xá Tax. Trước khi có nó, tại Sài Gòn cho tới 1945 thì cửa hàng Courtinat nằm ở ngã ba Catinat – Général Dupré (Về sau là Tự Do – Thái Lập Thành) do vợ chồng ông bà Auguste và Caroline Courtinat dựng lên vào năm 1893 với tên Bazar Saigon, mới là số 1 trong ý nghĩa một điểm tập trung bán hàng rộng lớn và rộng rãi cho giới thượng và trung lưu của thành phố.

Lưu Lan Lê - Phục Sinh

 

Lễ Phục Sinh là mùa lễ trọng của Kitô giáo, bao gồm các nhánh chính là Công giáo Rôma, Tin Lành, Anh giáo, Chính Thống giáo, Ly giáo, và nhiều nhánh khác nữa, để tưởng niệm sự kiện Chúa Jesus bị đóng đinh trên cây thập giá và đón mừng Chúa từ cõi chết trở về.

Một mùa lễ mang đầy tính triết lý và hy vọng. Không phải vô cớ mà trùng vào khởi đầu của mùa xuân, khi băng giá tan dần dưới ánh mặt trời ấm áp, những cành cây đen đủi sau mùa đông chuẩn bị đâm chồi nảy lộc, thiên nhiên đang hồi sinh.

Dân tỉnh Québec (Canada), hậu duệ của người Pháp ngày xưa qua châu Mỹ khai phá, nổi tiếng là ngoan đạo. Cả Québec có trên dưới 1.500 nhà thờ lớn nhỏ, rất nhiều thị trấn, làng quê, đường phố mang tên các Thánh, mở đầu bằng chữ Saint (e).

Cù Mai Công - Đám “quân rữ” trẻ con mùa Phục Sinh

 

Dịp lễ Phục Sinh ở miền Nam, ở Ông Tạ rơi vào cuối tháng Ba, đầu tháng Tư, tháng nóng nhất trong năm. Khí giời oi bức ấy càng khiến không khí dịp lễ này nó “sầu thảm” như buổi lễ Tử nạn tối thứ Sáu.

Thuở ấy dù nhỏ, tôi vẫn nhờ mồn một cảnh ngắm (ngẫm) đàng Thánh giá 14 chặng xung quanh nhà thờ xứ Vinh Sơn - Ông Tạ của tôi. Giọng ngắm tha thiết, buồn thảm. Cứ đi một chặng lại dừng lại nghe ngắm. Các ông thì đứng, các bà và trẻ con thì quỳ trên chiếc chiếu cặp theo bên nách.

Ở Nghĩa Hòa, cha già cố Năng cho rước đàng Thánh Giá dọc đường Nghĩa Hòa. Trẻ con xúng xính mặc áo dài trắng, cầm theo cái chiếu con để trải ra quỳ mỗi khi đọc từng chặng thứ nhất, chặng thứ hai...

Nguyễn Thông - Lễ Phục Sinh và nhà thờ

 

Điều đầu tiên cần tỏ bày, rằng kiến thức của tôi về đạo Thiên chúa, Ki tô giáo… rất lơ mơ ít ỏi.

Một kẻ vô thần, lại lớn lên và trưởng thành ở miền Bắc trước năm 1975, chỉ được nhồi nhét chủ nghĩa Mác - Lê Nin vô thần. Tận mắt chứng kiến những nhà thờ bị đập phá, đọc nhiều sách viết bậy bạ về nhà thờ, về các đức cha, linh mục (như Đống rác cũ của Nguyễn Công Hoan, Bão biển của Chu Văn, Xung đột của Nguyễn Khải…). Nghe những câu xàm xí về Đức Chúa và hang đá.

Thấy những người có đạo bị hắt hủi, thậm chí bị công khai gạch tên, loại bỏ khỏi danh sách này nọ (không kết nạp đoàn, kết nạp đảng, không bổ nhiệm làm lãnh đạo), khi khai lý lịch trong mục “Tôn giáo” nếu ghi “không” sẽ được coi là ưu điểm… Thì làm sao có thể hiểu sâu biết kỹ về các tôn giáo. Đầu óc cả đám bị đổ bê tông bởi câu loạn xằng của Các Mác ông tổ cộng sản “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”.

samedi 30 mars 2024

Nguyễn Văn Tuấn - Whataboutism: Thói quen ngụy biện

 

Whataboutism là cách viết liền hai chữ what about và thêm ism cho nó ... oai. Whataboutism là một thói ngụy biện có thể hiểu 'Anh cũng vậy thôi.'

Hôm trước, thấy những người tức giận với ông Huấn luyện viên Philippe Troussier cố tình đọc tên ông ấy thành 'Trâu Dê', một anh bạn bình luận rằng viết và nói như vậy là kém văn minh.

Thế nhưng anh ấy lại bị những người khác chỉ trích là viết sai chánh tả tiếng Việt mà đòi sửa lỗi tiếng Pháp của người khác. Đây là một dạng whataboutism vậy: Người ta sai, nhưng anh cũng sai.

Nguyễn Đắc Kiên - Trí thức hay nô bộc ?

 

Đọc cùng lúc các cuốn giáo trình luật của giáo sư Vũ Văn Mẫu (xuất bản ở Sài Gòn những năm 1960-1970) và các cuốn giáo trình của một đại học được coi là hàng đầu về luật ở TP.HCM (*) bây giờ, chưa cần đi sâu vào nội dung, nhìn vào tâm thế người viết thôi, tôi đã có thể chỉ ra một sự khác biệt rõ rệt.

Trong khi với những người như giáo sư Vũ Văn Mẫu, Hiến pháp 1956, 1967, cũng như các sắc luật khác, của Việt Nam Cộng Hòa, là đối tượng phê phán trong các bài giảng về pháp luật, mà ở đó, các giáo sư đại học như những vị thần linh trong ngôi đền thiêng khoa học chỉ tay phán xét công việc của người phàm (chính quyền).

Thì ngược lại, với “các giáo sư đại học ngày nay” (**) (trong các cuốn giáo trình luật mà tôi đã đề cập ở trên), các bản Hiến pháp, các sắc luật, kể cả các chủ trương, chính sách của chính quyền, lại như những cuốn thánh kinh. Mà ở đó, các thạc sĩ, tiến sĩ, các nhà khoa học của chúng ta, chỉ có thể len lén nhìn vào. Rồi có trót lỡ nhận ra điểm nào sai quấy thì cũng phải hết sức nhẹ nhàng và mềm mỏng, thưa thốt lên (đấng tối cao “chính quyền”) rằng, có lẽ đó chỉ là “khiếm khuyết của lịch sử”.

vendredi 29 mars 2024

Uyên Vũ - Anh San đã về bên Chúa

 

(Những kỷ niệm đời thường với linh mục Đặng Chí San, tức thiền sư Không Động)

Tôi tin giờ đây anh San đã thật sự cất khỏi gánh nặng nhân gian để được hòa lẫn vào tình yêu của Chúa, để tình yêu tha nhân của anh trong cõi vĩnh hằng.

Tôi gặp và lập tức thân thiết với anh từ hơn 25 năm trước, khi tham dự lớp (*) 'Tâm kịch' mà anh là người khởi xướng và cầm trịch.

Từ đó hàng tuần anh San từ tu viện ở Tam Hà, Thủ Đức đến sinh hoạt cùng nhóm chúng tôi, chúng tôi gặp nhau, ngồi bên nhau và chia sẻ 'tất tần tật' mọi tâm tư tình cảm từ đáy sâu thẳm lòng mình không e ngại.

Tuấn Khanh - Tưởng nhớ nhà thơ Viên Linh

 

Nhà thơ Viên Linh đã rời cõi tạm, vào lúc 11 giờ sáng, ngày 28 Tháng Ba, tại Virginia, Hoa Kỳ, hưởng thọ 86 tuổi.

Viên Linh lớn lên và trưởng thành tại Sài Gòn. Sống bằng nghề cầm bút từ 1962, là Tổng thư ký Tòa soạn nhiều tuần báo chuyên về văn học nghệ thuật như Kịch Ảnh, Nghệ Thuật, Khởi Hành, Hồng, Thời Tập, Dân Ta … Là thư ký Tòa soạn Nhật báo Tiền Tuyến của Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị trong hơn 6 năm thi hành nghĩa vụ quân dịch, với các chủ nhiệm Lê Đình Thạch, Hà Thượng Nhân. Giải ngũ năm 1972.

Viên Linh là tác giả của hơn hai mươi cuốn sách trước 1975. Giải nhất Giải Văn chương Toàn quốc Việt Nam Cộng Hòa năm 1974 với tác phẩm Gió Thấp. Từ tháng 8 năm 1975, ông định cư tại Mỹ. Ông tiếp tục làm Chủ nhiệm Chủ bút nguyệt san Khởi Hành, Chủ Tịch Văn Bút Hải Ngoại 1991-1995.

lundi 25 mars 2024

Nguyễn Đình Ấm - Sao lại ứng xử bạc bẽo, vô văn hóa như thế?


Tôi thật rất ngại viết nhất lại những chuyện không hệ trọng như bóng đá do sức khỏe kém nhưng nay buộc phải viết vài dòng.

Lúc 18 giờ ngày 24/03/2024, mở TV thấy trên YouTube có tiêu đề: “CĐV- cổ động viên) tẩy chay, vé trận Indo ế ẩm chưa từng có” trên trang YouTube Tuyền văn hóa.TV ( Ảnh)

Tôi đã xem rất nhiều những lời lẽ bôi bác, chê bai, thiếu văn hóa về huấn luyện viên đội tuyển bóng đá Việt Nam Troussier trong đó có cả VTV, một số nhà báo quốc doanh nổi tiếng, nhưng đến đoạn này thì thấy tệ quá. Hành vi này như “mách nước” khán giả không đến sân cổ vũ đội tuyển Việt Nam để “dằn mặt” huấn luyện viên là hành động gì đây? Trộm nghĩ, những hôm tàu Trung Quốc lộng hành vào quấy phá ở bãi Tư Chính mà họ thấy bận tâm, căm giận như thế thì quý quá.

dimanche 24 mars 2024

Phạm Công Luận - Những từ ngữ nổi trôi

 

(Chuyện nhỏ về lời nói hằng ngày của một thời)

Hồi tôi còn nhỏ, lúc vốn hiểu biết còn ít ỏi (giờ cũng vậy) và chưa có định kiến với bất cứ điều gì, tôi thích âm thầm quan sát thế giới chung quanh mình. Thế giới của tôi là cái xóm nhỏ gần một ngôi chùa, hai khu cư xá, hai ngôi chợ và một cái nhà thờ.

Ở đó, gia đình tôi sống chung với đa số là người Nam, vài nhà gốc Bắc, một nhà có gia chủ là người Quảng Ngãi và một nhà có cô con gái lai Ấn, một nhà có người con rể người Hoa. Bước ra đầu hẻm, tôi chạm mặt ngay một trường trung học của ngũ bang người Hoa lập nên. Đám trẻ chúng tôi lớn lên trong môi trường đô thị đa dạng, chơi với nhau không bao giờ phân biệt từ đâu tới, không bao giờ lôi gốc gác, ngôn ngữ hay nghề nghiệp cha mẹ ra nói.

Trong cuộc sống như vậy, chúng tôi dung nạp đủ thứ từ ngữ ngoài đời. Ở đây không phải là những từ chửi rủa thô tục, mà là từ ngữ để dùng hàng ngày, lạ tai, miễn sao có thể hiểu nhau.

mardi 19 mars 2024

Nguyễn Văn Tuấn - Tiếng Việt thời nay

Hôm nay, tôi nhận được một email của một người Sài Gòn mở đầu bằng chữ “Kính gởi …” (thay vì ‘kính gửi’). Mát dạ ghê nơi! Và, làm tôi có cảm hứng thổ lộ vài tâm tình về tiếng Việt ngày nay.

Tôi là người lớn lên với Tiếng Việt thời trước 1975, tức là Tiếng Việt trong Tự Lực Văn Đoàn của những Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam, v.v…Đó cũng là tiếng Việt của các tiền bối như Hoàng Xuân Hãn, Phạm Quỳnh, và sau này là Mai Thảo cùng nhóm tạp chí Bách Khoa lừng danh một thời. Đó cũng chính là Tiếng Việt thời 1945 và sau này được gìn giữ ở trong Nam.

Thời đó, chúng tôi nói và viết Tiếng Việt theo thứ tự tự nhiên. Chẳng hạn như chúng tôi được dạy là 'hôi thúi' (hay 'hôi thối') vì một vật thể khi bị chết đi, nó đi từ 'hôi' mới đến 'thúi.' Chúng tôi nói 'khai triển' (khai trương rồi mới phát triển). Các thầy dạy cho biết đó là cách nói của người Việt được coi là thuận với thiên nhiên.

Tạ Duy Anh - Đoạn tuyệt quá khứ nhục nhã

(Kể tiếp về Đài Loan)

Giáo sư, nhà thơ Tưởng Vi Văn, người cực kỳ yêu quý Việt Nam, tổ chức cho chúng tôi tới thăm bảo tàng văn học Đài Nam. Một không gian thực sự ấn tượng về mặt kiến trúc.

Nhưng ấn tượng nhất với tôi có lẽ là bức ảnh một nhà văn ngồi bên cửa sổ sáng tác. Bên ngoài là bầu trời cao rộng, mây trắng thanh thản bay, tượng trưng cho tự do. Nhưng ngồi phía bên trong cửa sổ, bóng ông nhà văn nhìn từ phía sau thì như muốn thu người lại, vì ý thức rất rõ xung quanh ông có vô số những cặp mắt đang bí mật theo dõi. Ông có thể bị tố cáo, bị tống vào tù bất cứ lúc nào, bởi những điều mình viết.

Hóa ra trước khi bất cứ ai ở Đài Loan cũng có quyền sáng tác và xuất bản, như một quyền tự do không thể bàn cãi và bất khả xâm phạm như những gì tôi đã viết, quốc gia này từng có một quá khứ kiểm duyệt đáng hổ thẹn.

dimanche 17 mars 2024

Tạ Duy Anh - Vài chuyện nhỏ tí về Đài Loan

 

Những chuyện lớn về Đài Loan như GDP cao hàng đầu châu Á, là trung tâm cung cấp chip cho thế giới...thì ai hầu như cũng đã biết qua.

Tôi có thói quen đến đâu cũng dành sự quan tâm tìm hiểu những chuyện nhỏ nhặt, gắn với đời sống và thói quen hàng ngày của người dân. Ví dụ tôi để ý, ở Đài Loan, từ già đến trẻ, đều rất thích được người khác yêu cầu giúp đỡ. Tôi từng thấy một cụ ông đi cả cây số để "chỉ đường" cho khách, mặt rạng ngời hạnh phúc.

Đây là lần thứ hai tôi đến Đài Loan. Lần trước chỉ loanh quanh Đài Bắc và Đài Trung, hai thành phố phát triển nhất. Lần này đến thẳng Đài Nam, thành phố được xem là "nghèo"  nhất nước.

samedi 16 mars 2024

Nguyễn Thông - Tiếng Việt

 

Trong cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 15.03, các sếp (tinh quan to) bàn về quy định phạt người có nồng độ cồn nhưng vẫn lái xe. Lạ ở chỗ, các vị ấy, cũng như báo chí tường thuật, đều dùng cụm từ "xây dựng văn hóa đã uống rượu bia thì không lái xe".

Khổ, họ cầm cân nẩy mực, tạo ra chính sách cho toàn dân nhưng không biết dùng tiếng Việt. Cái gì cũng văn hóa, văn hóa.

"Văn hóa", hầu như ai cũng hiểu, để chỉ những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong cả quá trình tồn tại lịch sử lâu dài. Nói ngắn gọn, đã nói tới văn hóa là phải nói về những thứ, những điều tinh túy nhất, tốt đẹp nhất, có giá trị lâu bền, được gìn giữ bảo tồn đời này qua đời khác. Ví dụ: Văn hóa dân tộc, văn hóa cổ truyền, văn hóa thời dựng nước...

Mai Bá Kiếm - Báo chí làm nghèo nàn tiếng Việt

 

Báo Dân Trí đưa tin "Phi công ném bom Dinh Độc Lập phải nhập viện vì nhồi máu cơ tim".

Đây là câu phức hợp, gồm ba mệnh đề. Chủ từ thật của câu phức này là phi công Nguyễn Thành Trung. Ông làm chủ hai hành vi "ném bom Đình Độc lập" và "nhập viện", thụ động bị "nhồi máu cơ tim".

Lẽ ra, báo chỉ cần viết gọn: "Phi công Nguyễn Thành Trung nhập viện vì nhồi máu cơ tim", không dùng động từ khiếm khuyết "phải". Vì hễ ai nhồi máu cơ tim đều phải nhập viện, mà không lệ thuộc ngành nghề.

vendredi 15 mars 2024

Lê Học Lãnh Vân - Văn hóa giữ nước và văn hóa tham nhũng

1) Cứ tới ngày ngày 14/03 hàng năm, người Việt tưởng nhớ sáu mươi bốn cán bộ, chiến sĩ công binh hải quân Việt bị giết chết trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo Gạc Ma chống lại quân Trung Quốc xâm lăng năm 1988.

Ngày đó luôn có một cụ già lụm cụm bày bàn cúng trên bãi biển, hướng ra biển, vái mời anh linh sáu mươi bốn liệt sĩ Trường Sa về hưởng. Trong số sáu mười bốn người đó, có một người là con của cụ. Và cụ coi tất cả là con của cụ, những người bỏ mình bảo vệ quê hương!

Cụ Hoàng Nhỏ mất ngày 30/01/2023. Từ khi cụ già yếu năm 2022 không còn ra bãi biển cúng được nữa, con cháu thay cụ bày bàn cúng giỗ anh linh liệt sĩ Trường Sa hàng năm!

lundi 11 mars 2024

Lưu Trọng Văn - Ai góp phần gây nên cái chết người nhặt ve chai ?

 

Cao tốc chỉ dành cho xe hơi. Xe hơi chạy trên cao tốc chỉ dừng ở trạm dừng khẩn cấp hoặc trạm nghỉ. Vậy người đàn ông quê Bình Thuận đi xe đạp dọc cao tốc nhặt ve chai - những chai nhựa đựng nước, những lon kim loại đựng nước từ đâu mà có?

Quá rõ, từ chính những kẻ vô văn hóa trên các xe hơi- xe đò, xe tải, xe du lịch, xe chở ai đó rong chơi, ai đó công tác vứt xuống.

Nếu không có những kẻ vô văn hóa này, thì người đàn ông cơ cực kia sẽ không liều mạng trong đêm tối đi nhặt ve chai kiếm sống, để rồi đón nhận một cái kết bi thảm.

Thái Hạo - Mưa dầm, ngồi kể chuyện trà

Năm 2016 tôi chuyển chỗ ở lần nữa, sau khi quyết định nghỉ dạy học, về vườn làm nông dân. Đó là một khu vườn ở ngoại ô, thưa vắng nhà, có cả cao su, hồ tiêu, cây trái và một “rừng” trúc hoang sơ đẹp như mộng.

Trong khu vườn ấy còn có hai chiếc ao, một ao đáy đá ong, nước trong xanh có thể vo gạo, rửa rau; ao còn lại thì bùn sâu, lội xuống ngập quá đùi. Dưới cái ao thứ hai này là súng, những bông súng to lớn, tối đến là bung nở như hàng trăm chiếc đèn hoa đăng, lung linh dưới trăng sao.

Tôi trồng thêm sen, có cả thảy ba giống, sen ta và “sen tây”, sen hồng và sen trắng, cánh đơn và cánh kép. Chẳng mấy chốc, sen đã mọc kín mặt ao, hoa lừng lững mọc lên, kiêu hãnh nở tràn. Tôi bắc một cây cầu vươn ra gần giữa ao, làm sạp để ngồi, dưới tán sung sum suê xanh mướt.