samedi 19 mars 2016

Còn lại gì tư cách đại biểu Quốc hội của ông Đinh La Thăng?

Ông Đinh La Thăng
Chiến dịch tái ngăn chặn và chà đạp pháp luật về quyền tự do đi lại của nhiều trí thức và người dân Sài Gòn yêu nước tại sự kiện tưởng niệm Gạc Ma 14/3/2016 đang dẫn đến một hệ lụy nước tràn ly: bắt đầu dấy lên một luồng dư luận về việc yêu cầu Quốc hội bãi miễn tư cách đại biểu của hai ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TP HCM, và Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP HCM.
Hoặc trầm trọng hơn, yêu cầu Tổng Bí thư « dân chủ đến thế là cùng » thay thế vai trò bí thư « vì dân và hành động » của ông Đinh La Thăng.

Sai lầm chính trị có hệ thống
Sự thật không thể chối bỏ là trong vòng một tháng rưỡi tính từ ngày nhậm chức Bí thư Thành ủy TP HCM, ngoài một số cố gắng mang tính tiểu tiết hoặc còn xa mới đạt tính khả thi như yêu cầu bắt buộc của các luận chứng kinh tế kỹ thuật ngành giao thông, công trạng đầu tiên của « Bình Nam chính ủy » của Tổng Bí thư Trọng là góp một bàn tay vào trận đòn trấn áp trí thức, đặc biệt nhắm vào những người yêu nước chỉ không muốn chế độ cầm quyền « người ta lớn bởi vì mi quỳ xuống ».
Cuộc tưởng niệm tại Sài Gòn về trận thảm sát Gạc Ma cùng cái chết vì nước quên thân của 64 quân nhân Việt Nam đã một lần nữa, trong rất nhiều lần, biến thành bằng chứng sôi tiết của lực lượng công an « vì dân phục vụ » của thành phố này khi cấm không cho ra khỏi nhà nhiều trí thức - những người chỉ muốn đến Tượng đài Trần Hưng Đạo để đặt một vòng hoa, thắp một nén nhang cho người chết.
Không có những cái chết vì nước quên thân ấy, sẽ chẳng có những kẻ sống sót đang ung dung hưởng thụ bằng tiền thuế của dân như Thành ủy và Công an « thành phố mang tên Bác” » Và cả Bí thư Thăng…
Sai lầm của Bí thư Thăng, đến lúc này, có thể bước đầu kết luận đã mang tính xâu chuỗi và hệ thống.
Sai lầm đầu tiên - ngày 17/2/2016 tại Sài Gòn - có thể tạm bỏ qua, khi ông vừa chân ướt chân ráo « từ nay tôi sẽ dành toàn tâm toàn ý cho TPHCM ». Cuộc kỷ niệm chiến tranh biên giới phía Bắc 1979 cùng 6 vạn quân nhân và đồng bào hy sinh đã bị biến thành một cái lò mổ kinh dị khi an ninh xông vào đám đông giằng xé, đập nát các vòng hoa, rất nhiều trí thức và người dân yêu nước bị ngăn chặn không cho ra khỏi nhà, bị lôi xuống xe trên đường đến nơi kỷ niệm, rồi còn bị đánh đập thẳng tay. Ngay sau đó, một bức thư ngỏ gửi Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã được 61 trí thức cùng ký tên, vừa thống thiết vừa cảnh báo với ông Thăng trước hình ảnh chà đạp thẳng chân lên nhân quyền và dân chủ tại một thành phố chưa bao giờ thuộc về Hà Nội.
Vào ngày 17/2/2016 ấy, cái tên Đinh La Thăng đã bị những người dân Sài Gòn réo lên, vừa trách móc hoài nghi vừa công phẫn. Nhưng dù gì, vẫn có những người cảm thông vì tân Bí thư Thành ủy « chưa đầy 100 ngày ».
Nhưng đến cuộc tưởng niệm 14/3 năm nay thì không thể nói là Bí thư Đinh La Thăng vô can. Với vai trò một lãnh đạo chính trị, ông phải biết, thậm chí biết rất rõ về hành vi công an trấn áp tinh thần phản kháng Trung Quốc có thể mang lại hậu quả phản kháng ghê gớm đến thế nào đối với chế độ mang danh Cộng sản. Và cả với cá nhân ông.
Nhưng trong lúc còn say sưa tuyên truyền mở đường dây nóng « dân nguyện » cho Thành ủy thì Bí thư Thăng lại không hề có động tác nào trả lời bức thư phản kháng ngày 17/2 của 61 trí thức về vi phạm quyền tự do đi lại và tự do hội họp. Đó chính là một sai lầm chính trị - sai lầm đầu tiên đối với người từng phụ trách công tác đoàn, nhưng giờ đây não trạng đã như bị nhiễm không chỉ bệnh nghề nghiệp mà còn là lối suy nghĩ bệnh hoạn « nhìn đâu cũng thấy địch » của ngành công an.
Não trạng bệnh hoạn « nhìn đâu cũng thấy địch »
« Vì dân và hành động » là một khẩu hiệu mà Đinh La Thăng đã tuyên rao và được những tờ báo nhà nước ra sức cổ vũ. Nhưng hành động lại ngược ngạo - ông đang làm mất lòng dân, thậm chí đang xúc phạm nặng nề đến tình cảm yêu nước thật sự, một tinh thần phản kháng Trung Quốc hiếm có vào thời buổi này, vào lúc đa số xã hội đã quá vô cảm chính trị, còn giới cầm quyền và công an thì từ lâu đã bị người dân mặc định theo sấm truyền « hèn với giặc, ác với dân ».
Có một minh chứng về sấm truyền trên mà Đinh La Thăng có thể đã biết hay không biết, nhưng giờ thì phải biết. Tháng 5/2014, ngay sau vụ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam, cùng với cuộc biểu tình lên đến hàng chục ngàn người ở Sài Gòn phản kháng Bắc Kinh, một nữ Phật tử là Lê Thị Tuyết Mai đã trở thành người đầu tiên tự thiêu chính trị trước cửa Hội trường Thống Nhất (Dinh Độc Lập trước đây). Cả Sài Gòn náo động bởi cái chết chói sáng ấy. Trong lúc toàn thể Bộ Chính trị và Quốc hội Việt Nam vẫn câm lặng không ra nổi một nghị quyết, thậm chí không một lời tán thán trước nỗi nhục quốc thể chỉ còn biết chui đầu xuống đất, ngọn lửa đỏ rừng rực vút cao từ thân thể nữ Phật tử Lê Thị Tuyết Mai là lời tố cáo sống mái nhất đối với bất cứ đại biểu Quốc hội, ủy viên Trung ương đảng hay ủy viên Bộ Chính trị nào nếu có gan tự thiêu vì lòng ái quốc.
Thế nhưng « hèn với giặc, ác với dân » lại hiện ra ở nơi mà người ta quá khó để hình dung. Song trùng với trận đàn áp đến đổ máu của Công an TP HCM dành cho những người biểu tình phản kháng giàn khoan Hải Dương 981, một lãnh đạo quận thuộc loại « tuổi trẻ tài cao » là Lê Trương Hải Hiếu, con ruột của Bí thư Thành ủy còn tại vị năm 2014 là ông Lê Thanh Hải, đã dối trá một cách khó tưởng tượng trên truyền thông về vụ tự thiêu của bà Lê Thị Tuyết Mai « do bế tắc về cuộc sống ». Theo đó, đám tang bà Lê Thị Tuyết Mai cũng tràn ngập bế tắc khi công an vòng trong vòng ngoài, đông hơn hẳn người viếng với sát khí đằng đằng.
Đó cũng là cái cách mà từ nhiều năm qua, giới mặc sắc phục lẫn bán sắc phục đã đối xử với trí thức và người dân Sài Gòn. Mặc dù không còn dám lao vào đám đông giật xé vòng hoa tưởng niệm như những lần trước, nhưng ngày 14/3/2016 vẫn chứng kiến cảnh nhiều nhà hoạt động nhân quyền bị công an cấm không cho ra khỏi nhà như Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, Hòa thượng Thích Thiện Minh, nhà hoạt động công đoàn Đỗ Thị Minh Hạnh, nhà hoạt động Huỳnh Kim Báu, kỹ sư Tô Lê Sơn, nhà báo Hạ Đình Nguyên, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, nhà báo Lê Phú Khải, nhà văn Phạm Đình Trọng, nhà báo Phạm Chí Dũng…
Trong khi đó cũng vào ngày 14/03/2016, có đến 200 người dự tưởng niệm Gạc Ma ở Hà Nội. Tương tự ba lần tưởng niệm và kỷ niệm trước đó, lực lượng an ninh Hà Nội chỉ dứng ngoài quan sát và ghi hình mà không trấn áp. Thậm chí vào lần này, cuộc tưởng niệm ở Hà Nội còn biến thành cuộc tuần hành ôn hòa xung quanh Hồ Gươm.
« Không có gì thay đổi »
Tân Bí thư Đinh La Thăng cần phải biết: Chưa kể nhiều cuộc đàn áp biểu tình xảy ra trong những năm trước, chỉ trong bốn tháng qua, bốn lần chính quyền và công an TP HCM đã tỏ ra sắt máu hơn hẳn Hà Nội, tỏ rõ ý đồ và hành vi đàn áp tinh thần thoát Trung một cách có hệ thống.
Lê Đông Phong, người bất ngờ thay thế chức giám đốc Công an TPHCM từ tay ông Nguyễn Chí Thành vào năm 2015, đã từ thiếu tướng lên trung tướng trong vòng bốn tháng quyết liệt ấy.
Vẫn chưa có bất cứ bằng chứng nào cho thấy Công an TP HCM đã « thành tâm » hơn trước tinh thần chống Trung Quốc, nhu cầu tụ tập tưởng niệm và kỷ niệm của người dân về nỗi đau dĩ vãng. Những nhân viên an ninh ngăn chặn nhà báo Phạm Chí Dũng còn khẳng định với ông « Không có gì thay đổi » về đối sách ngăn chặn trí thức.
Chẳng lẽ đó là cái cách mà Bí thư Thăng cùng lực lượng an ninh anh dũng đàn áp dân sẽ chọn lựa để tiếp đón Tổng thống Hoa Kỳ tại Sài Gòn vào tháng Năm tới?
« Vòng đời » nào cho Bí thư Thăng?
Vậy làm thế nào để Đinh La Thăng « vì dân và hành động », với tư cách một người được dân bầu vào Quốc hội, và hơn cả thế, là một Bí thư Thành ủy hiếm hoi phô bày hình ảnh dọn rác trước ống kính chằm chặp lộ liễu của hàng chục phóng viên báo chí?
Vẫn còn khá sớm để đánh giá và kết luận về một con người, nhất là về con người lãnh đạo với cái tên chưa biết có nên viết hoa hay viết tháu. Nhưng ở Sài Gòn với lịch sử 41 năm qua, không chỉ một lần người dân đã chứng kiến những lãnh đạo mới sùng sục vi hành cùng hàng chục tuyên ngôn bất hủ trong thời gian đầu nhậm chức. Chỉ có điều, « vòng đời » của những tuyên ngôn ấy đã rất thường là quá ngắn ngủi so với nhiệm kỳ lãnh đạo. Lâu thì kéo dài được một năm, sớm chỉ ba đến sáu tháng. Sau đó, tất cả lặn không sủi tăm, còn giới cách mạng lão thành rồi cả báo chí đồng kêu ca về « nói hay hơn làm », để cuối cùng dường như không một lãnh đạo nào còn nhớ mình đã nói gì. 
Hãy mong rằng « vòng đời » tuyên ngôn của Đinh La Thăng có được tuổi thọ dài hơi hơn những lãnh đạo trong quá khứ. Nhưng nếu không hành động hoặc chẳng biết làm thế nào để hành động có hiệu quả tương xứng với phát ngôn, Bí thư Thăng sẽ mau chóng sa vào bãi lầy dĩ vãng cùng giới công an trị « nhìn đâu cũng thấy địch » ngay sát nách ông.
PHẠM CHÍ DŨNG (Bài đăng blog VOA ngày 17.03.2016)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.