mercredi 25 janvier 2017

Biển Đông : Trung Quốc có đọ sức được với Hoa Kỳ?



Chiếc Liêu Ninh tập trận tại Biển Đông, tháng 12/2016.
(Ouest France 24/01/2017) Nước Mỹ của Donald Trump đang cao giọng với Bắc Kinh: muốn ngăn trở Trung Quốc đi vào các đảo ở Biển Đông, và tiếp tục thảo luận với Đài Loan, bất chấp cảnh báo cứng rắn của Bắc Kinh. Theo các chuyên gia, nếu có xảy ra xung đột, Trung Quốc có thể chống chọi được với cường quốc quân sự hàng đầu thế giới bằng mánh khóe ngăn chận, nhưng cũng không dám đi quá xa.


Biển Đông mà Bắc Kinh yêu sách hầu như toàn bộ trước các nước khác (Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei) vốn rất nhạy cảm. Trung Quốc mở rộng các đảo đang kiểm soát để xác quyết chủ quyền, còn Hoa Kỳ thường xuyên cho chiến hạm qua lại để thách thức Bắc Kinh.

Sean Spicer, tân phát ngôn viên Nhà Trắng hôm thứ Hai cảnh cáo : « Nếu các đảo này nằm trong vùng biển quốc tế chứ không phải thuộc về Trung Quốc, chúng tôi sẽ bảo vệ lợi ích quốc tế, không để một nước khác xâm hại ». Đầu tháng Giêng, ngoại trưởng tương lai của Mỹ Rex Tillerson khẳng định « sẽ không còn để cho Bắc Kinh tiếp cận các đảo này ».

Nhưng quân đội Trung Quốc tin cậy vào khả năng răn đe của mình.

So sánh hàng không mẫu hạm một số nước
61 tàu ngầm, 19 khu trục hạm và 54 chiến hạm

Bà Valérie Niquet thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược ở Paris khẳng định : « Trung Quốc biết rằng không thể thắng được một cuộc chiến tranh quy ước trực diện với Hoa Kỳ. Thế nên Bắc Kinh tìm cách phát triển khả năng rộng tay hành động hơn, bằng cách làm cho Washington phải do dự trước một sự can thiệp tốn kém tại châu Á ».

Hiện Bắc Kinh sở hữu 61 tàu ngầm (trong đó có 4 chiếc tàu ngầm nguyên tử phóng hỏa tiễn), 19 khu trục hạm và 54 chiến hạm, theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) ở Luân Đôn.

Bắc Kinh lên gân

Trước những cảnh báo của Mỹ, Bắc Kinh phải lên gân. Hải quân Trung Quốc loan báo đưa vào sử dụng khu trục hạm Tây Ninh (Xining) được mệnh danh là « sát thủ diệt hàng không mẫu hạm », có thể nhắm vào các chiến hạm, tàu ngầm và phi cơ tiêm kích. Trung Quốc còn có các hỏa tiễn chống hạm (DF-21, DF-26) có thể chận đường tiến của Hải quân Mỹ - theo một nguồn tin thân cận với giới quân sự Trung Quốc.

Hàng không mẫu hạm USS George Washington của Mỹ
Trước hơn một chục hàng không mẫu hạm của Mỹ, Bắc Kinh chỉ có mỗi một chiếc Liêu Ninh của Liên Xô cũ được tân trang. Chiếc thứ hai, 100% Trung Quốc đang được đóng. Chiếc Liêu Ninh đã tập trận bắn đạn thật hồi tháng 12/2016 trước khi tiến ra Biển Đông. Theo chuyên gia Noboru Yamaguchi, đại học quốc tế Nhật Bản : « Tất cả không đủ sức tiêu diệt một hải quân địch hiện đại, nhưng tạm đủ về một số phương diện nào đó để chận đường vào ».

Chậm mất 30 năm

Tuy Trung Quốc đã tiến bộ hẳn trong hai thập niên qua, nhưng trước Hoa Kỳ với ngân sách quân sự cao gấp ba (gần 600 tỉ đô la), rõ ràng là thua xa. Ông Jame Char, trường đại học kỹ thuật Nanyang ở Singapore cho biết : « Đa số các nhà phân tích ước lượng Trung Quốc chậm mất 20 đến 30 năm, và bản thân người Mỹ cũng thường xuyên nâng cao năng lực ».

Ảnh hỏa tiễn DF-41 "lộ" ra trên mạng
Một « lực lượng hỏa tiễn mới »

Một « gót chân Achille » khác của quân đội Trung Quốc, theo nhiều chuyên gia phương Tây: chưa bao giờ thực sự chiến đấu kể từ cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung năm 1979, và sử dụng các kỹ thuật hiện đại rất kém cỏi. Ngoài ra, nếu phương Tây có NATO để các lực lượng vũ trang trong khối có thể chia sẻ kinh nghiệm với nhau, Trung Quốc không có lợi thế tương tự.

Với đội quân lên đến 2,3 triệu người, quân đội Trung Quốc phải thường xuyên tinh giản biên chế từ 30 năm qua. Mục tiêu : « một quân đội ít người hơn nhưng kỹ thuật hơn » - Valérie Niquet nhấn mạnh.

Một « lực lượng hỏa tiễn mới » đã được thành lập năm 2016, để quản lý kho vũ khí nguyên tử. Mũi nhọn là hỏa tiễn liên lục địa DF-41, có tầm bắn 14.000 km, có thể mang được đến 12 đầu đạn hạt nhân. Hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm, nhưng các hình ảnh được cho là triển khai hỏa tiễn DF-41 đã được tiết lộ đúng lúc trên internet trong những ngày gần đây. Theo nhiều chuyên gia, hỏa tiễn này đóng vai trò chính trong khả năng ngáng chân Washington của Bắc Kinh. Hoàn cầu Thời báo hôm nay cao giọng : « DF-41 giúp Trung Quốc sẽ được nể trọng hơn ».

Chuyên gia Valérie Niquet nhận định : « Bắc Kinh buộc phải chơi một trò chơi thăng bằng hết sức tế nhị để không đi quá xa khi đe dọa, khiến Mỹ phải ra tay can thiệp », gây ra những hậu quả khôn lường.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.