Tìm mọi cách để di tản. Ảnh của Hồng thập tự Quốc tế. |
LND : Tác phẩm Saigon sụp đổ của nhà báo Pháp Olivier Todd xuất bản
lần đầu năm 1987 và tái bản năm 2005, kể lại bốn tháng đầu của năm 1975
lịch sử với các chiến lược quân sự, thủ đoạn chính trị và ngoại giao từ
Washington, Matxcơva, Bắc Kinh, Hà Nội đến Saigon. Cuốn sách ghi lại lời chứng
của các công dân nhiều quốc tịch, các quân nhân từ binh nhì cho đến tướng tá,
các nhân viên tình báo, tu sĩ, thành viên tổ chức phi chính phủ…
Tác giả Olivier Todd từng làm việc cho tuần báo Le Nouvel Observateur,
Tổng biên tập tuần báo L’Express, cộng tác viên BBC. Ông là một trong những
phóng viên phương Tây hiếm hoi có dịp quan sát cặn kẽ những gì diễn ra tại Hà
Nội, Saigon và vùng xôi đậu ở miền Nam.
Nhân ngày 30 tháng Tư, Thụy My xin trích dịch chương thứ 21 của tác
phẩm, mang tên « Ngày 29 tháng Tư : Ánh sáng tắt lịm »
Chương XXI
Ngày 29 tháng
Tư : Ánh sáng tắt lịm
Vào 4 giờ sáng ngày 29 tháng Tư, những loạt đạn pháo Bắc
Việt ngày càng chính xác, tập trung vào căn cứ không quân Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng
tham mưu Nam Việt và Bộ tư lệnh Hải quân. Các kho đạn dược và xăng dầu, những
chiếc xe vận tải, xe jeep và xe dân sự bốc cháy tại sân bay. Bộ binh Bắc Việt
chắc không còn xa, vì những phát đạn súng cối, rốc-kết làm bùng lên những ngọn
lửa đỏ, xanh lơ và xanh lá cây.
Hai thủy quân lục chiến, Charlie McMahon và Darwin Judge, đã
bị tử thương tại vòng rào phòng thủ. Tướng Homer Smith và các sĩ quan cao cấp
Mỹ bị dựng dậy khỏi giường ngủ. Trong số 1.500 người Việt tạm cư ở nhà thi đấu
thể thao, nhiều người đã bị thương. Một chiếc phi cơ C-130 bị trúng đạn sau khi
hạ cánh.
Trời đã rạng đông. Các phi công của những chiếc F-5 và A-37
cuối cùng cất cánh, để không bao giờ quay trở lại. Những người này, cũng như
vài phi công khác muốn tiếp tục chiến đấu khó điều khiển được máy bay, vì hàng
trăm người lính Nam Việt tràn vào các đường băng. Các nhân viên điều khiển
không lưu không thể làm việc được.