François Hollande và Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, 25/04/2013. |
“Trước chính sách “xoay trục” của Mỹ, Pháp và châu Âu hầu như không có
chiến lược nào. Chỉ nhìn xuống rốn của mình, châu Âu để mặc cho Hoa Kỳ đơn độc
triển khai một trò chơi phức tạp, đang do dự giữa việc hợp tác hay ngăn trở sự
cất cánh của Trung Quốc”.
(Le Monde 26/04/2013 ) Tháng Ba,
chiếc xe tăng cuối cùng của Mỹ rời nước Đức. Chiếc đầu tiên đến nơi vào năm
1944. Cùng với sự ra đi này – theo bình luận của tờ Stars and Stripes của quân đội Mỹ - “cả một chương sử đã đóng lại”. Ngày 25/04/2013 , François
Hollande bắt đầu chuyến công du đầu tiên đến Trung Quốc, với mục đích chính
chừng như là để tìm kiếm một sự tái đảm bảo về kinh tế.
Có gì giống
nhau giữa hai sự kiện này? Đó là sự chấm dứt một thế giới – thế giới của thế kỷ
20, và những bóng mờ của nó lên sự sắp xếp giữa các cường quốc. Tiếp đến là Mỹ
rút khỏi châu Âu, rồi đến lô-gic “xoay trục” sang châu Á-Thái Bình Dương mà
Tổng thống Obama mong muốn. Tiếp nữa là những ưu tư của châu Âu trong nỗi ám
ảnh bị sa sút liên quan đến cuộc khủng hoảng.
Nay thì tổng
thống của một nước Pháp đầy xáo động với những sự kiện chính trị và tranh luận
chính sách xã hội gay gắt, ở trung tâm một châu Âu đang hoài nghi về bản sắc và
tiền tệ, hẳn muốn tìm an ủi nơi ban lãnh đạo mới Trung Quốc, mà các ý đồ trên
trường quốc tế cho đến giai đoạn này vẫn còn khá bí ẩn.
Trung Quốc
có nét đặc thù là từ hai thập kỷ qua đã có sự chuyển đổi ngoạn mục về kinh tế,
với tầm vóc và nhịp độ chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại. Trong khi đó
trên lãnh vực chính trị, Bắc Kinh vẫn duy trì – với một sự đều đặn máy móc –
những khuôn mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước cứ mỗi mười năm.
Ông Hollande
đến Bắc Kinh với các mối quan tâm về đầu tư và thương mại. Điều này không làm
ai ngạc nhiên, trong thời buổi mà các nước đều muốn tranh thủ được thị trường
và tư bản của Trung Quốc. Báo chí Anh, cụ thể là tờ Financial Times, nêu ra việc các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã “trải
thảm đỏ” tiếp đón người đứng đầu nước Pháp, trong khi Thủ tướng Anh David
Cameron bị chế độ Bắc Kinh lạnh nhạt vì vào năm 2012 đã dám nghênh tiếp Đức Đạt
Lai Lạt Ma.
Trung Quốc
theo dõi rất sát những biến động tại châu Âu, tính dễ tổn thương của đồng tiền
chung, và một Liên hiệp mà dự án về chính trị đang bế tắc. Bắc Kinh cũng rất
chăm chú quan sát phương cách hình thành một dự án tự do mậu dịch xuyên Đại Tây
Dương. Ở đây muốn nói về dự thảo hiệp định
Hoa Kỳ - Liên hiệp châu Âu liên quan đến việc thành lập một một khối thuế quan
và chuẩn hóa, mà Tổng thống Barack Obama đã quyết định đặt làm một trong những
ưu tiên đối ngoại một khi tái đắc cử. Một dự án đã được loan báo trong bài diễn
văn về tình hình của Liên hiệp, xứng đáng được tranh luận công khai nhiều hơn
tại châu Âu…
Khu vực tự
do mậu dịch rộng lớn này tập trung 50% tổng sản phẩm nội địa thế giới, sẽ giúp
tăng trưởng, tăng cường sức mạnh Hoa Kỳ và châu Âu trước thử thách lớn lao là
Trung Quốc trong thế kỷ 21. Lô-gic là như thế này: nếu liên minh xuyên Đại Tây
Dương không được tổ chức tốt hơn, thì liệu đến một ngày nào đó Trung Quốc sẽ áp
đặt được các tiêu chuẩn của họ, với trọng lượng của nền kinh tế thứ nhì thế
giới ?
Ông Hollande,
đang nhón bước tiến về mảnh đất này như bao người khác, đã không đặt nước Pháp
vào vị trí đầu tàu của dự án. Cũng không tìm cách làm nổi bật một cách công
khai. Não trạng Pháp mà người ta đã biết rõ về “đặc thù văn hóa” hay vấn đề
nông nghiệp, sự do dự không muốn thuận theo sáng kiến của Mỹ, chắc chắn là
không lọt qua nổi cặp mắt của Bắc Kinh. Chính quyền Trung Quốc thừa biết là
ngay cả nếu hiệp định được thương lượng giữa Washington
với Ủy ban Bruxelles, những vấn đề nhạy cảm đối với nước Pháp cũng nằm trong
nghị trình.
Về mặt
thương mại, dự án càng tham vọng thì càng có nhiều trở ngại về chi tiết. Nguy
cơ Pháp thụt lùi trên “mặt trận” này là quá lớn, trong khi bà Angela Merkel đã
đi bước trước, làm mưa làm gió trong quá trình thương lượng, đối thoại trực
tiếp với người Mỹ vốn muốn đạt được kết quả sau hai năm. Tuy vậy cũng có những
mâu thuẫn về phía Đức, nơi mà sản phẩm thịt có hormone của Mỹ không được ưa
chuộng và nhất là có một thực tế mới: từ năm 2012 đối tác thương mại hàng đầu
của Đức là Trung Quốc.
Các nhà lãnh
đạo Bắc Kinh từ lâu đã giã biệt những ảo tưởng khủng khiếp của chủ nghĩa
Mao-ít, nhưng vẫn còn ấn tượng với nước Pháp trong thập niên 60, khi tướng De
Gaulle qua mặt người Mỹ, công nhận nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Tướng De
Gaulle không ngần ngại đánh giá chế độ Bắc Kinh là “độc tài”, nhưng có cái nhìn
rộng và mang tính lịch sử về một “Trung Hoa muôn thuở”.
Trước chính
sách “xoay trục” của Mỹ, Pháp và châu Âu hầu như không có chiến lược nào. Chỉ
nhìn xuống rốn của mình, châu Âu để mặc cho Hoa Kỳ đơn độc triển khai một trò
chơi phức tạp, đang do dự giữa việc hợp tác hay ngăn trở sự cất cánh của Trung
Quốc.
Có thể đánh
giá về mặt chính trị hiệp định tự do mậu dịch mà Barack Obama đang có tham
vọng: một sự tái thúc đẩy quan hệ Âu – Mỹ có phần nhạt nhòa trong nhiệm kỳ đầu,
cùng với việc thành lập một khối tự do mậu dịch khác – “Xuyên Thái Bình Dương”
– mà Nhật Bản vừa nhập cuộc. Một khối Âu-Mỹ-Á để đối phó với Trung Quốc? Không
đơn giản như thế. Washington
cho biết nếu Trung Quốc chấp nhận bước vào hệ thống quy định chung, thì cánh
cửa sẽ được mở.
Điều quan
trọng là làm thế nào tìm được phương cách mà cường quốc Trung Quốc có thể hòa
nhập vào một trật tự thế giới đang chuyển đổi. Thương mại và an ninh cùng song
hành với nhau. Pháp cũng như châu Âu không thể là nhân tố chiến lược quan trọng
tại châu Á-Thái Bình Dương, nhưng cần phải có sự chọn lựa rõ ràng.
Để tăng thêm
cơ hội quay lại với tăng trưởng, để đặt chân vững chắc vào một tổng thể lớn mà
phía sau vấn đề thuế quan là sự hình thành các kiến trúc và tiêu chuẩn của thế
giới tương lai, nước Pháp của François Hollande cần phải tận lực lao vào, phải
kiên quyết hỗ trợ dự án này. Chuyến đi Bắc Kinh là cơ hội không nên bỏ lỡ để
thoát khỏi các nhập nhằng. Cuộc chơi thế kỷ 21 là tại châu Á.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.