Ngày Quốc Khánh Đài Loan (The Republic of China) là ngày 10 tháng 10, còn được gọi là ngày Song Thập, đánh dấu cuộc cách mạng Tân Hợi nổ ra tại Vũ Xương, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.
Ngày cách mạng bùng nổ, Tôn Trung Sơn, tức Tôn Dật Tiên hay Tôn Văn, không có mặt. Ông đang ở Hoa Kỳ để kêu gọi Hoa kiều ủng hộ cuộc vận động cách mạng lật đổ chế độ phong kiến Mãn Thanh. Tôn Trung Sơn về nước tháng 12 và được bầu làm tổng thống lâm thời của Trung Hoa Dân Quốc.
Dựa theo cách lý luận “năm hình thái” trong duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác, Trung Cộng công nhân ngày cách mạng mang tính tư sản này nhưng không tổ chức rình rang. Trước đó, Lênin công nhận cách mạng tư sản Nga 1905 và sau đó tương tự cộng sản Việt Nam cũng dựa theo lý luận Mác để công nhận cuộc khởi nghĩa Yên Bái, 1930, có khuynh hướng cách mạng dân chủ tư sản.
Sau 1949, ngày 10 tháng 10 tiếp tục được xem như Ngày Quốc Khánh của Trung Hoa Dân Quốc cho đến nay. Số phận của quốc gia có dân số 23,347,374 theo thống kê 2023 này nhiều lần tưởng chừng bị Trung Cộng nuốt chửng nhưng được Hoa Kỳ bảo vệ qua nhiều hình thức. Các tổng thống Mỹ dù Cộng Hòa hay Dân Chủ, đều cam kết bảo vệ Đài Loan.
Năm 1995, khi quân Trung Cộng thực tập đổ bộ qua Eo Biển Đài Loan, tổng thống (TT) Bill Clinton ra lệnh cho Hàng Không Mẫu Hạm USS Nimitz, mạnh nhất của Mỹ trong thời đó, và đoàn chiến hạm hộ tống, đi qua Eo Biển. TT Ronald Reagan chẳng những cương quyết mà còn thảo một văn bản được gọi là Sáu Bảo Đảm (Six Assurances) và được xem như văn bản chỉ đạo của hành pháp cho các chính sách đối với Đài Loan. Mời đọc lại bài viết “sáu bảo đảm” của TT Ronald Reagan về Đài Loan để thấy sự quan trọng của tầm nhìn mà một lãnh đạo quốc gia cần phải có.
Chúng ta thường nghe câu “phú quý sinh lễ nghĩa” (giàu có giúp con người tử tế). Câu này chỉ đúng với con người vốn đã có căn thiện nhưng không đúng với những kẻ độc tài như Hitler, Stalin, Mao, Tập.
Một Trung Cộng ăn thịt người để sống vào thập niên 1960 hay một Trung Cộng có Tổng Sản Lượng Nội Địa 13,6 ngàn tỉ đô la và 3.200 tỉ đô la dự trữ ngoại hối ngày nay, bản chất cũng không khác nhau, vẫn tham vọng bất nhân, tàn bạo và ti tiện như Tập đang đối xử với dân tộc Duy Ngô Nhĩ và dân tộc Tây Tạng.
Tập cũng đang hăm he nuốt chửng Đài Loan. Đối với chính phủ Đài Loan, vì thế, có vũ khí của Mỹ để bảo vệ 23 triệu người yêu chuộng tự do là quan tâm cụ thể và hàng đầu của chính phủ Đài Loan.
Hoa Kỳ cũng ý thức điều đó từ lâu nên việc bán vũ khí cho Đài Loan luôn là chính sách lâu dài không mang tính đảng phái của Hoa Kỳ. TT Jimmy Carter (DC) và kế tiếp bởi TT Reagan (CH) khác nhau nhiều về phương pháp đối ngoại nhưng đều xem việc cung cấp vũ khí cho Đài Loan là cần thiết, không chỉ bởi vì phù hợp với Đạo Luật Quan Hệ Đài Loan (Taiwan Relations Act, 1979) mà còn bởi vì Đài Loan là một thành trì chiến lược quân sự tại Á Châu.
Nhìn vào bản đồ mười khu vực xung đột đang diễn ra tại Á Châu, Đài Loan và Biển Đông là hai điểm nóng nhất.
Trong số các tổng thống Mỹ, TT Ronald Reagan là người đã thấy rõ dã tâm của Trung Cộng và là người cương quyết bảo vệ Đài Loan. Các tổng thống trước ông và sau ông đều nói, nhưng TT Reagan có ra văn bản rõ ràng.
Văn bản được gọi là Sáu Bảo Đảm (Six Assurances) được xem như văn bản chỉ đạo của hành pháp cho các chính sách đối với Đài Loan. Mãi cho tới tháng 9, 2020, bản điện tín gốc của văn bản “Sáu Bảo Đảm” vẫn còn là “tài liệu tối mật”.
Khi quan sát chính sách đối ngoại của TT Reagan, người ta thường nghĩ ông đặt quan tâm quá lớn đối với Liên Xô và Nam Mỹ. Thật ra ông có quan tâm tương xứng dành cho Á Châu chỉ khác là ưu tiên hóa các mục tiêu trong mỗi thời kỳ. Khi cuộc đàm phán về một thông cáo chung giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng vấn đề “bán vũ khí cho Đài Loan” gặp phải bế tắc. Thay vì nhân nhượng, tổng thống Reagan chủ trương thừa nhận bế tắc và hứa hẹn sẽ được giải quyết sau.
Dưới đây là điều 2 của Thông Cáo Chung ngày 17 tháng 8, 1982 giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng:
“Vấn đề Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan không được giải quyết trong quá trình hai nước đàm phán về việc thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai bên giữ quan điểm khác nhau và phía Trung Quốc tuyên bố rằng họ sẽ nêu lại vấn đề sau khi bình thường hóa. Ý thức rằng vấn đề này sẽ cản trở nghiêm trọng đến sự phát triển của quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc, hai bên đã tổ chức các cuộc thảo luận sâu hơn về vấn đề này, trong và kể từ cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Ronald Reagan và Thủ tướng Triệu Tử Dương [Zhao Ziyang] và giữa Ngoại trưởng Alexander M. Haig, Jr. và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Hoàng Hoa [Huang Hua] vào tháng 10 năm 1981.”
Tuy nhiên trong điều 6, Thông Cáo Chung lại thòng thêm một câu làm Đài Loan giận dữ: “Hoa Kỳ có ý định giảm dần việc bán vũ khí cho Đài Loan, dẫn đến giải pháp cuối cùng trong một khoảng thời gian.”
Đài Loan cho rằng chính phủ Mỹ quá ngây thơ khi tin tưởng vào lòng thành của Trung Cộng. Thật ra, TT Reagan không ngây thơ mà còn khẳng định điều 6 tùy thuộc vào thái độ của Trung Cộng. Nếu Trung Cộng không thành thật như đã hứa mà đe dọa hay tăng cường các biện pháp quân sự chống lại Đài Loan thì Mỹ sẽ cung cấp cho Đài Loan nhiều vũ khí hơn.
Điều đó phù hợp với Đạo Luật Quan Hệ Đài Loan: Hoa Kỳ “sẽ cung cấp cho Đài Loan những phương tiện và dịch vụ quốc phòng với số lượng cần thiết để cho phép Đài Loan duy trì khả năng tự vệ đầy đủ.” Theo giải thích của chính phủ Hoa Kỳ, điều 6 của Thông Cáo Chung không đi ngược với tinh thần của Đạo Luật Quan Hệ Đài Loan.
Dù sao, đoán trước sự lo lắng của TT Tưởng Kinh Quốc, TT Reagan chỉ thị James Lilley, Giám Đốc Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan, tương tự như chức vụ Đại Sứ Mỹ tại Đài Loan trao cho tổng thống Đài Loan văn bản ngày nay được gọi là “Sáu Bảo Đảm” vào ngày 14 tháng 7, 1982, tức khoảng một tháng trước khi có thông cáo chung ra đời. TT Reagan cũng đồng ý để chính phủ Đài Loan công bố nội dung của điện tín.
Dưới đây là nội dung điện tín của chính phủ Hoa Kỳ gởi chính phủ Đài Loan:
1. Hoa Kỳ chưa đồng ý ấn định ngày chấm dứt bán vũ khí cho Đài Loan.
2. Hoa Kỳ chưa đồng ý tham vấn với Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa về việc bán vũ khí cho Đài Loan.
3. Hoa Kỳ sẽ không đóng vai trò hòa giải giữa Đài Loan và Bắc Kinh.
4. Hoa Kỳ chưa đồng ý sửa đổi Đạo luật Quan hệ Đài Loan.
5. Hoa Kỳ không thay đổi lập trường của mình về chủ quyền đối với Đài Loan.
6. Hoa Kỳ sẽ không gây áp lực để Đài Loan tham gia đàm phán với Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.
Để Đài Loan yên tâm, TT Reagan cả thảy ba lần chỉ thị Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ liên lạc với TT Tưởng Kinh Quốc và nhắc lại “Sáu Bảo Đảm”. Từ đó đến nay qua nhiều đời tổng thống Mỹ, về đại thể chính sách của Hoa Kỳ đối với Đài Loan không thay đổi nhiều.
Mặc dù nội dung đã được biết rộng rãi. Bản gốc của điện tín chỉ được bạch hóa vào tháng 9, 2020. Lý do bản điện tín được bạch hóa trong thời điểm này?
Như Ngoại trưởng Mike Pompeo có nhắc đến, là để cảnh cáo Trung Cộng biết bảo vệ Đài Loan là chính sách trước sau như một của Hoa Kỳ, trong đó có hai điểm quan trọng gồm tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan và tôn trọng quyết định của Đài Loan về tương lai của họ kể cả độc lập.
TRẦN TRUNG ĐẠO
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.