dimanche 1 septembre 2024

Nguyễn Văn Tuấn - "Thương tiếng ru ai bùi ngùi rót trên đất bồi phù sa"

 

Là người miền Tây, mà mãi đến nay tôi mới có dịp đi Cà Mau chơi, rồi sẵn dịp đi tuốt về vùng cực Nam của đất nước.

Từ quê tôi (gần Rạch Sỏi) tới Cà Mau chỉ non 110 km, nhưng phải mất 3 giờ lái xe. Rồi từ Cà Mau đi Năm Căn lại mất thêm 2 giờ đồng hồ dù tuyến đường này chỉ khoảng 50 km gì đó thôi. Lý do là đường xá khá gập ghềnh, rất nhiều ... ổ gà.

Thật ra, từ Rạch Sỏi tới địa phận Cà Mau thì đường lộ tương đối tốt. Nhưng khi bước sang địa phận của Cà Mau thì chất lượng đường lộ chỉ có thể mô tả bằng hai chữ "ôi thôi."

Trên đường đi Cà Mau, chúng ta sẽ bắt gặp những địa danh quen thuộc trong sách giáo khoa ngày xưa: Miệt Thứ, U Minh, Cái Nước, Thới Bình, Năm Căn, v.v... Xin nói thêm rằng "Miệt" theo phương ngữ Nam Bộ có nghĩa là vùng đất, còn "Thứ" là đếm từ kinh Thứ 2 đến Thứ 11; do đó, Miệt Thứ là vùng đất của những con kinh đào.

Hồi xưa, mà gả con gái về Miệt Thứ là tưởng xa lắm:

Má ơi đừng gả con xa

Chim kêu vượn hú

Chứ chim kêu vượn hú biết nhà má đâu.

Thật ra, từ quê tôi đi Miệt Thứ rất gần, chỉ vài chục phút thôi, chớ có xa xôi gì đâu.

Không rõ U Minh cái thời nhà văn Sơn Nam ra sao, nhưng ngày nay thì đó không phải là nơi âm u vắng lặng đâu. Ngược lại, xe hơi chạy vùn vụt suốt ngày, và dọc hai bên đường gần khu thị tứ có nhiều nhà dân và hàng quán san sát nhau. Ban đêm, đèn điện sáng rực cả một vùng đất rộng. U Minh không phải lạc hậu hay kém văn minh xe cộ như anh Đoàn Ngọc Hải nói đâu.

Ấn tượng đầu tiên khi tới địa phận Cái Nước là … nước. Tôi nghĩ thầm rằng chắc vì nước nhiều như thế nên người ta gọi tắt cho dễ hiểu là "Cái Nước"? Thật vậy, hai bên đường là nước xém mặt lộ. Những căn nhà giống như nằm trên mặt nước hay ngang với mực nước. Có những căn nhà mà nước ngập vào tới sân luôn. Thế nhưng cư dân ở đây có vẻ quá quen thuộc với nước nên họ bình thản.

Đi sâu vào trong thì thấy nhà cửa còn thưa thớt lắm. Xa xa mới có một căn nhà. Tuy đa số là nhà được xây một cách tạm bợ, nhưng cũng có những căn nhà gạch mới toanh. Dù vậy, những căn nhà này rất rất gần với nước. Tôi nhìn quang cảnh này và liên tưởng tới những tiểu thuyết của cô Nguyễn Ngọc Tư viết về đời sống khổ cực của dân miệt Cà Mau mà cô từng gặp rắc rối với các quan văn hóa địa phương.

Nước ở đây là nước lợ, chứ không phải nước ngọt như ở quê tôi. Nước lợ dĩ nhiên là không trồng lúa được, nên cư dân ở đây nuôi tôm và cua, và đó là nguồn thu nhập chánh của cư dân các nơi như Cái Nước, Năm Căn, Miệt Thứ. Có cả tượng đài con tôm, con cua, chắc để nhắc du khách rằng nhờ hai con vật này mà Cà Mau làm ăn ... khấm khá.

Nói là "khấm khá" chứ tôi nghĩ về mức độ giàu có thì chắc Cà Mau không bằng Kiên Giang và Cần Thơ. Không rõ An Giang có hơn Cà Mau về kinh tế hay không, nhưng tôi thấy cuộc sống của bà con ở đây (Cà Mau) có vẻ khó khăn hơn bà con ở Kiên Giang và An Giang. Khó khăn ở đây không chỉ là đi lại và đường xá còn xấu, mà là nguồn nước ngọt. Tôi hỏi một cư dân thì anh ấy nói phải đào sâu cả trăm mét (?) mới có nguồn nước ngọt.

Qua Cái Nước thì tới Thành phố Cà Mau. Thời Việt Nam Cộng Hòa, tỉnh Cà Mau có tên là An Xuyên (nghe nói là từ thời Chánh phủ Ngô Đình Diệm). Theo một học giả, địa danh “Cà Ma” có nguồn gốc Khmer: Tưk Khmâu, có nghĩa là Nước Đen. Cà Mau do đó có thể hiểu là vùng nước đen, nhưng tôi đoán là nước màu nâu từ rễ cây (chứ không đen).

Điều làm tôi kinh ngạc là xe đi từ Cái Nước vừa vào địa phận thành phố Cà Mau là khác một trời một vực. Chỉ có vài chục mét thôi, mà tôi đi từ vùng "Hai Lúa" nước nôi và đầy ổ gà đến vùng phố phường "Hoa Lệ". Hai bên đường thành phố Cà Mau là hàng quán và các tiệm bán đồ điện tử, công tư sở, rất tiêu biểu thị thành Việt Nam.

Địa điểm đầu tiên chúng tôi ghé ăn điểm tâm là quán bánh tằm cay Lan tại Cà Mau. Hồi nào tới giờ tôi chỉ biết bánh tằm có nước cốt dừa, nên thấy món bánh tằm cay rất thú vị và khác. Dân địa phương có vẻ khoái món này nên mới 8 giờ sáng mà tất cả các bàn đều đầy khách. Đi vòng một chút thành phố Cà Mau thì thấy vài quán bánh tằm cay, chứng tỏ rằng đây là một "đặc sản" của vùng đất mũi.

Từ Cà Mau chúng tôi trực chỉ Năm Căn, thuộc huyện Ngọc Hiển. Tại sao có biệt danh "Năm Căn"? Theo truyền thuyết thì thời ban sơ, có một người Hoa đến vùng này cất 5 căn trại đáy để đánh cá và làm rẫy. Vậy là sau này người ta gọi vùng đất này là "Năm Căn". Hihi, dễ hiểu và mang tính lịch sử. Đường xá từ Cà Mau đi Năm Căn cũng không tốt mấy. Vì vậy, một đoạn đường chỉ chừng 50 cây số mà mất gần 2 tiếng đồng hồ.

Tới Năm Căn, chúng tôi ghé quán Hoàng Hôn (qua giới thiệu và sắp đặt của một bác sĩ ở Cần Thơ). Anh chủ quán Hoàng Hôn lên chương trình cho chúng tôi (3 người) đi tham quan bằng canoe. Canoe chở chúng tôi đi vòng quanh rừng đước, và ghé vài nơi để chụp hành và ngắm cảnh rừng. Chỉ ngắm cảnh rừng đước trùng trùng điệp điệp thôi, chứ không thể đi được vì toàn nước. 

Anh tài xế canoe cho biết khu rừng đước chúng tôi tham quan từng là biển trước đây 30 năm. Ba mươi năm trước, khi anh ấy mới ra đời và khi lớn lên chút, anh còn nhớ ở đây chỉ là nước biển, rồi sau đó người ta trồng cây đước, loại cây có thể chịu nước mặn và rất tốt cho việc cất nhà cửa. Hiện nay, biển vẫn bồi, và theo anh tài xế, mỗi năm, nhờ phù sa bồi đắp nên Năm Căn có thêm 100 mét!

Canoe còn chạy vòng quanh các xóm nhà dân, trong đó, có một xóm mệnh danh là "Xóm không cửa". Ở đây, nhà của cư dân không có cửa, nhìn trống toác từ trước ra sau! Tôi hỏi anh tài xế tại sao không có cửa, thì anh ấy giải thích là chẳng có ăn trộm gì ở đây, hay nếu có thì đi cũng không xa được. Nhìn toàn cảnh "xóm không cửa" giống như một cộng đồng nhỏ rất đặc thù của vùng Đất Mũi.

Sau đó, chúng tôi lên bờ và tham quan một địa điểm quan trọng: Mốc Tọa Độ 001 của Việt Nam. Ở đây, Nhà nước xây một tượng đài (tạm cho như vậy) với tiểu cảnh panô hình tượng chiếc ghe căng gió hướng ra biển. Chất lượng xây dựng chỉ coi là "được" thôi. Nhà nước có thể làm tốt hơn nữa. Không ngạc nhiên khi thấy có rất nhiều du khách tới đây chụp hình lưu niệm.

Đi tham quan xong, chúng tôi quay lại Hoàng Hôn quán để ăn trưa/chiều. Mới ghé quán thì trời đổ mưa! Mưa lớn. Tôi nghĩ trong bụng: Trời thương mình, chứ nếu vài giờ trước mà mưa như vầy thì ... tiêu. Quán này có nhiều hải sản tươi sống, khách chỉ việc chỉ con nào là nhân viên bắt con đó và nấu theo ý của thực khách. Chúng tôi đã có một bữa ăn ngon ở đây. Quán này chỉ dành cho ăn, người ta cắm cúi ăn uống một cách vội vã rồi ... đi. Tôi nghĩ nếu chủ quán dành một khu cho khác cho khách vừa ăn và thưởng ngoạn thì hay biết mấy. 

Nói chung, chúng tôi đã có một buổi du ngoạn có ý nghĩa. Phải đi về vùng đất này mới thấy một Việt Nam khác với những nơi phồn hoa đô thị như Sài Gòn / HCM, vì những nơi này không đại diện cho đất nước mình. Có một Việt Nam khác nghèo hơn và khổ hơn.

Công bằng mà nói, đất nước này tuy đã khá hơn so với 30 năm trước, nhưng vẫn còn nghèo. So với các nước trong vùng như Thái Lan và Mã Lai thì mình vẫn nghèo hơn nữa. Và, đi để có lý do thương bà con mình. Thương cho những phận người như mô tả bởi Nguyễn Ngọc Tư. Viết tới đây, tôi chợt nhớ tới những câu của Nhạc sĩ Thanh Sơn:

Tôi đi xem để thấy những gì yêu dấu Việt Nam,

Trên quê hương ta đó cố tìm đâu đây chút tình,

Tình là đồng ruộng bao la tình là đình làng cây đa,

Thương tiếng ru ai bùi ngùi rót trên đất bồi phù sa.

Nhạc sĩ viết là "tôi", nhưng đó cũng là lời khuyên cho các bạn vậy.

NGUYỄN VĂN TUẤN 01.09.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.