samedi 3 août 2024

Nguyễn Hoàng Dũng - Hoa Kỳ vẫn chưa công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường


Sáng 02/08/2024 (giờ Hoa Kỳ), Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã quyết định không cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam như dự đoán lạc quan trước đó của Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam. Và cho dù quan hệ ngoại giao hai nước đã được nâng lên mức cao nhất: Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Bộ Thương mại Mỹ giữ nguyên lập trường cho rằng, bất chấp nhiều nỗ lực và thành tựu gần 30 năm nay (tính từ lúc Mỹ bỏ cấm vận thương mại và bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, 28/01/1995), nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa vận hành theo nguyên tắc thị trường đầy đủ.

Điều này có nghĩa, dưới nhãn quan của Hoa Kỳ, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn “định hướng xã hội chủ nghĩa” quá nhiều. Tức là Nhà nước, Chính phủ Việt Nam, đúng hơn là Đảng Cộng sản Việt Nam, đã can thiệp quá sâu hoặc nâng đỡ hơn mức “trong sáng” cho các doanh nghiệp Nhà nước, thay vì để mặc các doanh nghiệp này cạnh tranh công bằng, sòng phẳng với các doanh nghiệp tư nhân.

Nói một cách văn hoa và hàn lâm hơn, Hoa Kỳ muốn gửi đi một thông điệp hết sức rõ ràng cho Việt Nam: Cải cách thế chế chưa tương đồng với cải cách kinh tế. Và do đó, Việt Nam cần phải mau chóng tiến hành phẫu thuật cắt khối u “tư bản thân hữu xã hội chủ nghĩa” ra khỏi cơ thể kinh tế - chính trị vốn lành lặn của mình.

Như vậy, nhìn sơ qua, đây là tin tức gây thất vọng cho giới doanh nhân Việt vì hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ sẽ còn gặp nhiều khó khăn so với các quốc gia đã được Hoa Kỳ công nhận có nền kinh tế thị trường.

Ngoài ra, trong chừng mực nào đó, nó còn biểu hiện thái độ phủ nhận tương đối phũ phàng của Hoa Thịnh Đốn đối với “di sản” mà cố tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và ê-kíp lãnh đạo cũ để lại gồm “ngoại giao cây tre”, “lò đốt tham nhũng” và “lạm quyền của các ban Đảng”. Việc tái lập các ban ngành bên Đảng và để chúng lấn át, can thiệp quá mức vào các bộ ngành Chính phủ đã ít nhiều làm nền kinh tế Việt Nam vận hành méo mó hơn so với trước đây và so với quy luật kinh tế thị trường.

Tuy nhiên, nhìn theo một cách khác, đó cũng là niềm hy vọng Chính phủ Hoa Kỳ muốn gửi gắm cho lớp lãnh đạo kế nhiệm Việt Nam hiện do tân “Bộ Tứ” gồm chủ tịch nước Tô Lâm – thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính – chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn – thường trực Ban Bí thư Lương Cường cầm trịch. Khiến họ phải mạnh tay và dứt khoát hơn trong tiến trình “cải cách thể chế” đang còn dang dở của mình.

Tạo ra dư địa cải cách cho thế hệ lãnh đạo mới lên rồi công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường không lâu sau đó cũng là cách Hoa Kỳ âm thầm ủng hộ cho các hạt nhân lãnh đạo kế nhiệm này.

Dự đoán: Sẽ tiếp tục có bắt bớ lớn ngay trước hoặc sau Hội nghị Trung ương 10 với những khúc củi tươi, gộc từng tham gia “tổ đốt lò” trước đây dưới thời cố tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Sau đó sẽ là tiến trình sáp nhập trở lại các ban Đảng không cần thiết để tinh gọn bộ máy và giảm chi ngân sách, đồng thời quyền lực sẽ sớm rời các ban Đảng trở về bên Nhà nước và Chính phủ. Hơn nữa, cán cân Quan hệ Việt - Mỹ, Việt - Trung sẽ giảm tính chất “đu dây” và đi vào thực chất “chọn phe” bán chính thức.

NGUYỄN HOÀNG DŨNG 02.08.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.