dimanche 7 juillet 2024

Phúc Lai - Viết ngắn về cuộc chiến tranh ở Ukraine ngày 07/07/2024

 

1. Tên lửa ATACMS của Mỹ do Ukraine phóng đi bị bắn hạ, công nghệ dẫn đường bị Nga thu giữ

RIA Novosti (hãng thông tấn nhà nước) vào ngày 1 tháng Bảy đã tung tin với một video giới thiệu quá trình “phẫu” ATACMS ra xem. Đoạn phim được cho là mô tả một chuyên gia vũ khí đang phân tích các thành phần của nó.

Chuyên gia vũ khí không xác định danh tính xuất hiện trong video đã giới thiệu nhãn trên hệ thống dẫn đường GPS được cho là, cho biết nguồn gốc của nó từ một kho của Quân đội Hoa Kỳ ở Alabama. Tay này nhấn mạnh rằng bộ phận ATACMS bị thu giữ sẽ cho phép Nga phân tích cơ chế điều khiển chuyến bay của tên lửa.

Đại tá về hưu người Nga Viktor Litovkin giải thích rằng tên lửa ATACMS có hệ thống dẫn đường với ba con quay hồi chuyển vòng laser để duy trì quỹ đạo đạn đạo chính xác. Đồng thời nó cũng sử dụng GPS để điều chỉnh quỹ đạo. Đoạn video này cũng quay đoạn nhãn hiệu của thiết bị gắn trên ATACMS có dòng chữ: “Ball Communication System Division Broomfield, Co. US Cage Code – OESR2 CI/CSCI: ATACMS. USA Redstone Arsenal Alabama”.

Trước đây, đâu như tháng trước Bộ Quốc phòng Nga đã công bố thông tin lực lượng của họ được cho là đã bắn hạ 6 tên lửa do Mỹ cung cấp do Ukraine phóng. Việc công bố video giải phẫu ATACMS có một điểm đáng thuyết phục, vì nếu những thông tin trên đoạn đó không chính xác, như đoạn trên cái nhãn này, nó bị bóc mẽ ngay lập tức. Vì vậy, đây có thể là một quả ATACMS không nổ và bị thu giữ. Việc này có thể bọn Nga không nói dối.

Nhưng việc bắn hạ nó là khó, vì ATACMS được tính là pháo binh chứ không giống tên lửa hành trình do nó là tên lửa đạn đạo, nghĩa là chúng di chuyển với tốc độ cực cao sau giai đoạn phóng ban đầu. Như vậy ngoài việc nó là tên lửa đạn đạo chiến thuật, nó còn được so sánh với pháo binh vì nó có tốc độ rất nhanh (gấp 3 lần vận tốc âm thanh, nghĩa là khoảng hơn 3.700 ki-lô-mét/giờ).

Đến đây, tôi xin đề nghị quý vị quay lại với một vấn đề cũ ta đã trao đổi với nhau: vấn đề bắn siêu xa của pháo binh hiện đại, có thể tham khảo lại tại đây. Trong đó tôi có dẫn một thông tin: Một quả đạn 155 mm M549 RAP bắn từ pháo M-198 đạt tầm xa 30.000 mét mất 90 giây đến mục tiêu.

Quay lại với ATACMS, vận tốc tối đa của tên lửa trong giai đoạn tăng tốc là khoảng Mach 3, tương đương khoảng 1km/s – nghĩa là không thua kém đạn pháo. Giai đoạn này diễn ra khi nó đạt độ cao lớn nhất tại lớp không khí khá loãng, bắt đầu “lao dốc” và tăng tốc và đạt vận tốc lớn nhất ngay trước khi đi vào lớp không khí đậm đặc hơn. Khi đó nó sẽ chậm lại do lực cản của không khí.

Theo các tài liệu, giai đoạn mà các vũ khí phòng không có thể phát hiện được nó để đánh chặn vào khoảng 30 giây, nhưng với vận tốc khoảng 2/3 vận tốc tối đa nó đạt được (600 đến 700 mét/giây), tương đương đạn Grad BM-21, thì Nga cũng không có khả năng chặn được đạn ATACMS.

Tức là trước đây họ đã bó tay trước HIMARS thế nào, thì bây giờ vẫn tuyệt vọng với ATACMS như thế. Ở đây chúng ta cần hình dung rằng với tầm xa hơn đến gấp 2 lần rưỡi của ATACMS so với HIMARS, cơ chế tăng tốc “bắn lên tầng bình lưu” càng được áp dụng triệt để, do vậy cho dù với kích thước lớn hơn của mình nhưng nó vẫn có cơ chế tăng tốc tương tự, thì vẫn có khả năng đạt vận tốc lớn. Theo tài liệu thì vận tốc của HIMARS chỉ là 2,5 mach, nghĩa là vẫn chậm hơn ATACMS.

Vì vậy, các nguồn bình luận trên mạng cho rằng “video của RIA Novosti là không xác định được thời gian địa điểm” – đây là một hướng chứng minh sai. Truyền thông Nga không quá ngu trong việc này, chúng sẽ đưa ra đồ thật. Tuy nhiên chúng ta nhận ra chân tướng của vấn đề, là chúng đang muốn chứng minh rằng ATACMS có thể bị bắn hạ, và bây giờ thì đã có các dữ kiện để chúng giải bài toán.

Trước đây khi HIMARS xuất hiện, tôi đã từng viết bài cho rằng, nó giống Grad BM-21 là không thể bắn chặn, thì Nga cũng có phiên bản ATACMS của chúng. Đó là BM-27 “Uragan” và loại lớn hơn, bắn xa hơn BM-30 “Smerch” và chúng đã dùng khá rộng rãi loại này trong cuộc chiến tranh với Ukraine từ năm 2022 đến nay. Không ai bắn chặn được tất cả những loại đó. Điểm khác biệt giữa HIMARS, ATACMS với MLRS của Nga, là độ chính xác.

Vì vậy câu chuyện này một lần nữa lại cho thấy Nga đang rất khiếp sợ ATACMS và chúng lại cố tìm cách trấn an quân nhà bằng những trò đã từng làm với HIMARS trước đây.

2. Lại nói tiếp đến chuyện kiệt quệ

2.1. Xe tăng

Chuyện này tôi đã báo cáo quý vị rồi – các nguồn phân tích nước ngoài cho rằng với con số xe tăng Nga có trong kho, nước này có thể phải đến năm… 2029 mới hết xe tăng. Đó là những con số trên giấy. Tuy nhiên căn cứ trên chính những cơ sở dữ liệu của các nguồn phân tích đó – mà họ lấy không ảnh của Maxar để phân tích, mấy ngày qua tôi cũng làm việc tương tự. Đây là các nguyên tắc chung:

Cũng như Mỹ, Nga không có ý định làm nhà kho có mái che chứa xe tăng cũ. Xe tăng để trong nhà là những thứ chạy được ngay, chúng đã mang ra chiến trường từ lâu rồi.

Việc phân tích sử dụng không ảnh của Maxar với đặc điểm “không có gì có mặt trên mặt đất là bí mật” – đống xe tăng của Nga đã đứng đó 30 năm qua và vừa qua chúng cũng vẫn tiếp tục đứng.

Khi xin được những không ảnh này, tôi nhận thấy số lượng xác xe tăng ngoài bãi của Nga suốt những năm trước cho đến tận đầu năm 2023, chúng không suy suyển gì cả. Như vậy trong suốt năm 2022, chúng sử dụng những xe tăng có thể chạy được ngay, kể cả một số T-62 là thứ chuyên dụng để huấn luyện. Sau đó trong năm 2023, số lượng xác xe tăng T-55 thay đổi theo tháng, chúng ít dần. Thứ ít thay đổi nhất – chính xác là hầu như chẳng suy suyển gì cả, là đống xác xe tăng T-72. Khoảng 3 tháng lại đây tất cả những sự thay đổi này ít dần, cho thấy quá trình “gạn” xác xe tăng đã chậm lại và nếu tôi không sai, thì tất cả số đã “gạn” được hay “dồn đồ” được, đã được đưa về các đơn vị.

Như vậy với xe tăng, thậm chí thời điểm tháng Tám tôi đưa ra trước đây, cũng không chính xác, và điều thú vị là nó đến sớm hơn. Tuy nhiên không có nghĩa là Nga hết xe tăng – chúng đã được đưa ra chiến trường, chỉ là chưa tham chiến mà thôi. Theo một nguồn phân tích trên mạng thì đến tháng 10 năm 2023, Nga có 5.450 xe tăng các loại đã giao về cho các đơn vị. Từ đó đến nay, mỗi tháng cả sản xuất mới cả phục hồi được khoảng 120 xe tăng, như vậy trong 8 tháng có thể kiếm được thêm 1.000 nữa là hết.

Trong thời gian này, theo báo cáo của Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine, Nga bị đốt mất 8.155 trừ đi 5.223 = 2.932 xe tăng. Như vậy tính một cách lạc quan mà nói, hiện tại Nga có khoảng 3.500 xe tăng có thể sẵn sàng tung vào chiến trường.

Một con số không tệ. Nhưng với những khảo sát trên đây, chúng ta sẽ hình dung được rằng, họ không có khả năng bổ sung thêm với số lượng đều và đáng kể (trên 100 chiếc 1 tháng bất kể cũ mới), mà con số đó sẽ chỉ là từ 20 đến 30 chiếc / tháng và là xe tăng mới tinh.

Như vậy tôi đã đúng trong việc “dọn kho.” Còn với số lượng xe tăng đã giao về cho các đơn vị, thì cứ đánh to sẽ bị đốt nhiều, trung bình mỗi ngày mà bị đốt 15 chiếc, nghĩa là người Ukraine sẽ cần khoảng 230 ngày, tức là 8 tháng nữa để đốt hết chỗ xe tăng đó, tính thêm xe tăng mới sản xuất là 30 chiếc, 8 tháng Nga sẽ có thêm 240 chiếc (lại cần thêm cỡ 3 tuần nữa để đốt nốt). Tuy nhiên thông thường, một đơn vị xe tăng mà bị đốt đến một nửa số xe họ có thì đã mất sức chiến đấu rồi, vì vậy kết cục của lực lượng xe tăng Nga sẽ đến vào khoảng 4 tháng từ khi chúng tổ chức chiến dịch tấn công lớn.

Đó là lý thuyết, thực tế theo tôi mọi chuyện sẽ diễn biến nhanh hơn như thế.

2.2. Lại nói về sản lượng đạn pháo

Sáng nay anh bạn Hắc Toàn Phong trong Sài Gòn chat với tôi, bảo rằng pháo binh Nga vẫn nhiều và mạnh hơn của Ukraine nhiều. Tôi nghĩ nói là nhiều hơn và mạnh hơn có thể không sai, nhưng đã định lượng thì phải có con số và chính xác. Tôi thì mất khá nhiều công để dò la các diễn đàn xem, thực sự cái nền sản xuất quốc phòng này sản xuất được bao nhiêu đạn pháo một tháng. Chẳng hạn như hôm trước chúng ta nói chúng sản xuất được 15.000 đạn pháo một ngày nhưng tất cả các cỡ.

Nhưng tôi lại vừa có thông tin mới khẳng định, với cỡ đạn từ 122 mm trở lên, sản lượng của Nga chính xác chỉ đạt 80.000 quả một tháng, nghĩa là chỉ gần 3.000 quả /ngày. Đây là tình trạng của thời điểm hiện tại vì quá trình đẩy cao công suất đã đến giới hạn và bây giờ thì phải xây thêm nhiều nhà máy mới. Đó là lý do nước này phải gõ cửa Kim Phì lũ và nhiều nguồn khác để kiếm đạn.

Nói là Nga có nhiều đạn pháo hơn vẫn đúng, kể cả so sánh sản lượng: Hiện đạn 155 mm được sản xuất 28.000 quả mỗi tháng ở Mỹ, trong khi châu Âu sản xuất khoảng 25.000 quả. Điều này mang lại cho Nga một lợi thế trên giấy – chỉ riêng đạn cỡ lớn là 155 mm có 53.000 quả một tháng, không so được với đạn cỡ lớn của Nga là 80.000.

Đó là lý do chúng ta vẫn cứ thấy những tin tức dạng như thế này xuất hiện. Truyền thông Nga thực sự là đang mô tả một bầu không khí sản xuất thời chiến tương tự như thời Chiến tranh Vệ quốc, chủ yếu nhằm mục đích tuyên truyền.

3. Trên đây tôi có viết một câu là “thực tế theo tôi mọi chuyện sẽ diễn biến nhanh hơn như thế”

Trước đó tôi cho rằng, nếu Nga tổ chức chiến dịch tấn công lớn sẽ dẫn tới con số trung bình một ngày bị đốt 15 xe tăng. Đây là một phép toán có tính đại diện, nó cho phép chúng ta suy ra tốc độ đốt xe bọc thép và pháo binh của Nga trong cái chiến dịch này. Trong trường hợp chúng tiết kiệm vũ khí nặng và yêu cầu binh lính đi bộ để tấn công, thì tốc độ tăng số lượng “kiện hàng 200” cũng sẽ tương tự và rồi thì nước này cũng sẽ cạn kiệt “thịt xay” – dù có thể kéo dài được thêm một chút.

Nhưng xu hướng đó không để đảo ngược, cứ đánh to thì thua to.

Ở đây còn có một câu chuyện khác nữa, đó là không chỉ nói xe tăng không thôi, mà nó đại  diện cho quân đội, và kể luôn các thứ như xe bọc thép, pháo và bộ binh vào, thì là sức mạnh của bộ máy chiến tranh. Bộ máy này phải ăn, phải có xăng dầu để chạy xe tăng, xe ô tô và máy phát điện.

Vừa qua chúng ta đã chứng kiến quá trình tàn phá hệ thống cấp nhiên liệu cho cái bộ máy chiến tranh này của Nga từ phía người Ukraine một cách có hệ thống. Việc Nga không thể sử dụng được nhiều các vũ khí nặng trên chiến trường, một phần lớn là do thiếu nhiên liệu. Với tốc độ như thế này thì chắc cũng chỉ trong tháng tới, phần lớn các xe cộ của Nga không chạy được là điều dễ hiểu.

Video của anh phi công Denys Davydov vừa đưa lên có cảnh một thằng lính Nga cho bà con xem cái áo giáp chống đạn được phát, ở trong là những tấm gỗ đến là buồn cười.

Vậy chúng ta hãy cùng nhau trả lời luôn câu hỏi, rằng nếu 20.000 quân của Kim Phì lũ ra chiến trường Ukraine không phải là lính kỹ thuật (công binh) mà là lính chiến thì sao? Thì vẫn cứ bia thịt chứ sao. Chúng vẫn cứ mặc áo gỗ (ha ha, tình cờ “mặc áo gỗ” để chỉ việc cho vào quan tài), vẫn cứ được nuôi bằng các suất ăn chết đói. Vẫn trông chờ vào sự hỗ trợ hỏa lực của đống xe tăng thổ tả vừa bị lôi ra khỏi bãi xác và vẫn phải tránh ATACMS, HIMARS như thế.

Cái mà Nga cần là sự chính xác của các loại vũ khí, để có thể dùng ít thôi, mà đánh được vào các mục tiêu quân sự trọng điểm, quan trọng từ đó thay đổi cán cân chiến thuật và chiến lược. Riêng điều này trong cuộc chiến tranh này, chúng không bao giờ kịp có.

Bộ máy này chỉ thực sự mạnh trên báo chí xứ phía Đông nước Lào, còn độ kiệt quệ của nó đã được nhận thấy quá rõ ràng. Tình hình đến cái mức mà Tổng thống của nó còn phải đi bán vàng dạo trên thị trường chợ đen, thì chúng ta biết rằng đã nguy ngập đến cỡ nào. Vì thế, khi gặp Orban hắn nói: sẵn sàng bàn luận về tất cả các sắc thái của cuộc chiến tranh ở Ukraine. Bàn đê, bàn đê! Cái sự mót ngừng chiến đã sắp sửa phi ra quần.

Mới nhất, hôm qua nghe tin bán đảo Crimea và cả vùng tả ngạn Kherson, thiếu nước nghiêm trọng. Bọn Nga ở vùng tả ngạn đang chết khát.

Tình hình càng ngày càng đi đến chỗ sẽ có vỡ trận.

Ở Vovchansk, quân Ukraine giải phóng từng chút đất một. Tại sao lại chậm – vì họ cố gắng giảm thiểu thương vong của quân mình.

PHÚC LAI 07.07.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.