mercredi 17 avril 2024

Phúc Lai - F-16 có đem lại bước ngoặt chiến tranh ở Ukraine hay không ?


Làm thế nào vài chục chiếc F-16 lỗi thời (sẽ có) của Ukraine có thể đấu lại hàng trăm máy bay chiến đấu hàng đầu thế giới như Su-35 của Nga?

“Nga có khoảng 100 máy bay chiến đấu Su-35, hơn 100 máy bay ném bom Su-34 và 7 máy bay cảnh báo sớm A-50 tính đến tháng 3/2024, ArmyInform đưa tin hôm 03/04, trích dẫn dữ liệu do tình báo quân sự Ukraine (HUR) cung cấp.” Nguồn: The Kyiv Independent, 03/04/2024.

Từ lâu, giới mộ điệu quân sự (không có tôi trong đó) vẫn đang chờ đợi trận đấu này. Trên bầu trời Ukraine sẽ diễn ra một trong những cuộc đấu tay đôi kịch tính nhất trong nhiều thập kỷ giữa một máy bay phản lực cũ kỹ (nhưng mạnh mẽ) của phương Tây và một trong những máy bay chiến đấu tiên tiến nhất của Nga. Đó là trận chiến giữa F-16 “Falcon” và Sukhoi Su-35. Với các phi công Ukraina hiện đang được đào tạo ở Mỹ và các quốc gia khác, những chiếc F-16 đầu tiên do người Ukraina điều khiển có thể bay vào mùa hè này.

Đây sẽ không chỉ là một cuộc đụng độ của các máy bay chiến đấu. Đây sẽ là cuộc chiến về triết lý giữa quan niệm của Nga và phương Tây về máy bay phản lực đáp ứng tốt yêu cầu chiến đấu không đối không và cả không đối đất. Đó cũng là cuộc chiến giữa cái cũ và cái mới. Những chiếc F-16 mà Ukraine sẽ có được thiết kế từ những năm 1970, dù đã được nâng cấp rất nhiều lần trong những năm qua.

Thật ra, với người Ukraine không chắc sẽ có những mong muốn như cái giới mộ điệu dở hơi trên đây kỳ vọng hay không. Đơn giản, điều đầu tiên người Ukraine muốn là thay thế phi đội máy bay chiến đấu Su-27 và MiG-29 có từ thời Liên Xô đang dần suy giảm về số lượng. Ukraine sẽ nhận được 45 chiếc F-16 (đã qua sử dụng) từ Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan và Na Uy.

Trong lịch sử, các máy bay chiến đấu do Mỹ và Nga sản xuất đã có cơ hội đọ sức trong Chiến tranh Triều Tiên những năm 1950, sau đó là chiến tranh Việt Nam. Các cuộc Chiến tranh 6 ngày và Yom Kippur cũng đã ghi nhận nhiều cuộc đối đầu mà thắng bại còn gây nhiều tranh cãi. Vì vậy, cuộc đụng độ sắp tới trên bầu trời Ukraine sẽ rất quan trọng, đặc biệt với bọn dở hơi.

Cho đến thời điểm cuộc chiến tranh ở Ukraine đi qua được hơn hai năm, vốn được ca ngợi tốn không biết bao nhiêu giấy mực về sức mạnh của Không quân Nga, nhưng lực lượng này đã hoạt động kém cỏi bất chấp ưu thế về quân số và công nghệ trên bầu trời Ukraine. Tuy nhiên gần đây, lực lượng này quay trở lại với các cuộc không kích sử dụng bom lượn, đã có hiệu quả: Chúng tàn phá hệ thống phòng thủ của Ukraine.

Để ngăn chặn chiến thuật này của Nga và sau đó, có thể tiến hành một cuộc phản công thành công, Ukraine ít nhất sẽ cần giành được quyền kiểm soát trên không và sau đó là có thể tiến hành các cuộc không kích của riêng mình. Được như vậy là điều kiện lý tưởng nhất.

Ngày hôm qua, đã có hai bài của hai bác về vấn đề của máy bay F-16, một bài của bác TLG tại đây ; và một bài của chị PTM, nhưng chị ấy không để public, nên tôi xin tóm tắt về đây vài ý.

“Với máy bay tiêm kích F-16 mà các phi công Ukraine đang chuyển loại, họ cũng phải tuân thủ yêu cầu quy định tiếng Anh, bởi mb F-16 các sách giáo trình huấn luyện đều là tiếng Anh, đặc biệt F-16 có hệ thống kết nối quản lý chiến trường hiện đại, giúp phi công nắm rõ thực tế chiến trường trong khi bay, và các chỉ lệnh) thông báo đều bằng tiếng Anh, phi công phải đọc, nghe hiểu chính xác các thông tin và khẩu lệnh thì mới hoàn thành nhiệm vụ, do vậy việc phi công Ukraine học chuyển loại sẽ lâu hơn, theo báo giới Ukraine hiện đã đào tạo xong hai biên đội khoảng 6 -8 phi công, tổng thời gian cũng khoảng 8-10 tháng. Với các phi công Ukraine đã bay trên máy bay Mig-29, Su-27 họ sẽ không khó khăn trong việc điều khiển máy bay F-16, thậm chí là dễ dàng bởi F-16 có các hệ thống tự động hoá cao giúp dễ dàng điều khiển máy bay, mà phi công chủ yếu ý thức tình huống và sử dụng vũ khí, phối hợp nhóm và hệ thống quản lý chiến trường…

… trước đây không quân Mỹ chỉ bắn rơi các máy bay của Nga do phi công các nước đồng minh của Nga điều khiển, và chưa bao giờ máy bay tiêm kích Nga bắn hạ được máy bay Mỹ, nên người ta có thể đổ lỗi thất bại máy bay Nga vì do phi công nước ngoài đào tạo sử dụng kém, còn sắp tới sẽ là sự đối đầu rõ ràng giữa máy bay Nga như Su-27, 30, 34, 35 được người Nga và đồng minh của họ ca ngợi ngất trời, vô đối: hổ mang chúa, thần ưng… do vậy đây là màn đấu hấp dẫn...”

(Cái nhà chị này viết lỗi nhiều quá)

Trước đây có lần tôi viết, F-16 hơn máy bay chiến đấu Nga hiện nay ở chỗ nó nhỏ, nhẹ nên nhanh nhẹn. Điều này đã bị một chuyên gia… đang học lái máy bay cho rằng không đúng. Như thế là tôi đem tư duy của ô tô lên máy bay phản lực, thực tế thì máy bay không như vậy, vì độ cơ động và khả năng nhanh nhẹn của máy bay phụ thuộc vào các thiết kế khí động học của nó, độ mạnh mẽ của động cơ…

Vì vậy theo các thông số trên giấy tờ thì độ cơ động của Su-35 vượt trội hơn nhiều, ví dụ nó có sẵn khả năng của dòng Flanker từ Su-27 là làm động tác Cobra (rắn hổ mang) mà không phải máy bay nào cũng làm được, mà ở đây đặc biệt là F-16 không làm được. Vì vậy, ý kiến của tôi phá sản khi cho rằng F-16 do bé hơn, nên nhanh nhẹn hơn Su-35 trong không chiến đánh quần (dogfighting). Tay “chuyên gia” kia bảo: bây giờ hầu như không có không chiến đánh quần, mà hầu hết là hạ nhau ở khoảng cách xa, ngoài tầm nhìn. Dogfighting chỉ có ở trong phim và ngoài đời nó xuất hiện do tình huống “tao ngộ chiến” chắc có những phi công không bao giờ gặp.

Nhưng cũng có một số ý kiến khác liên quan đến chuyện này. Đặc thù của chiến trường Ukraine cũng như cách chiến đấu của người Ukraine, đặc biệt là dù có nhận được mấy chục chiếc F-16 thì số lượng của chúng vẫn ít hơn kha khá so với Su-35. Do vậy khoảng cách của các cuộc không chiến có thể giảm đi, không như hiện nay là máy bay Nga phải bay cách chiến trường khá xa do ngại các giàn Patriot của Ukraine.

Các phi công Ukraine có thể vẫn phải áp dụng chiến thuật du kích như… bác Bảy nhà ta tắt máy nấp trong mây, khi nào máy bay Nga đến gần thì mở máy lại lao ra bắn cho phát rồi té. Nôm na thế, cụ thể chúng ta không biết, nhưng nếu F-16 xuất hiện thì chắc chắn máy bay Nga phải nhận được nhiệm vụ truy lùng, và khả năng tao ngộ chiến là vẫn có thể xảy ra.

Trong trường hợp đó, thực sự không cần khả năng rắn hổ mang, như trong giới võ thuật bảo rằng động tác bật tôm chỉ tổ giơ người ra cho đối thủ đánh. Quan trọng là khả năng tăng tốc trong thời gian ngắn. Hiệu suất tăng tốc của một chiếc Su-35 “rỗng” (không mang vũ khí, nhiên liệu vừa đủ) ở độ cao 1.000 mét không tốt hơn hiệu suất tăng tốc của một chiếc F-15E (cùng phân khúc Su-35, cùng động cơ với F-16), thậm chí F-16 “rỗng” ở cùng độ cao – mặc dù máy bay Nga luôn được quảng cáo rùm beng là tốt hơn.

Điều này được giới chuyên môn đi sâu mổ xẻ so sánh hai động cơ, Saturn AL-31 của Su-35 với Pratt & Whitney F100 (lắp trên F-15E và F-16) đặc biệt là trong tỉ số công suất trên khối lượng (Thrust-to-weight ratio). Trên mạng, theo Wikipedia chỉ số này của Saturn AL-31 cao hơn Pratt & Whitney F100 rất nhiều. Của AL-31F là 4.93 (khô), và 8.22 (đốt sau), còn Pratt & Whitney F100 là 7.8 (wiki), trên trang web chính thức của hãng thậm chí còn có… 7.6.

Mới chỉ so sánh như vậy, không thể đủ. Mấu chốt ở đây là một chỉ số khác: tỉ số lực kéo/khối lượng máy bay. Với Su-35, lực kéo của động cơ AL-31F khi đốt sau là 122.6 kN trong khi khối lượng máy bay là 17.500 ki-lô-gram, như vậy tỉ số lực kéo/khối lượng máy bay là 0.0070057143. Với F-16, lực kéo của động cơ F100 là 105.7 kN với khối lượng máy bay 8.936 ki-lô-gram, cho tỉ số lực kéo/khối lượng máy bay là 0.0118285586. Gấp gần 1,7 lần!

Đây là lý do tại sao cái máy bay F-16 nó bé và nhẹ, nhưng lại vác được khối lượng vũ khí không thua kém cái Sukhoi to gấp rưỡi (không khéo gần gấp đôi). Đồng thời chúng ta cũng thấy luôn rằng với tỉ số lực kéo/khối lượng máy bay đó thì khả năng tăng tốc của hai chiếc là như thế nào. Đó mới là thực tế. Bí quyết nằm ở chỗ công nghệ vật liệu làm cả cái máy bay chứ không phải là chỉ cái động cơ.

Có những ý kiến cho rằng, với bản xuất khẩu để giảm nguy cơ phải bảo hành quá nhiều, nhà cung cấp từ Nga phải lắp loại động cơ bền hơn, đồng nghĩa với việc giảm tỉ số công suất/khối lượng xuống. Do vậy mà chính những “người nước ngoài” dù có điều kiện tiếp cận với máy bay có xuất xứ Nga, cũng không có điều kiện tiếp cận với những thứ tân kỳ nhất của họ. Câu chuyện khẩu pháo hôm trước tôi báo cáo lại lặp lại, tức là các chỉ số trên giấy tờ của vũ khí Nga rất ghê, nhưng thực tế họ có làm được như vậy không, lại là chuyện khác.

Quay lại với khả năng không chiến ngoài tầm nhìn (BVR), cũng theo giấy tờ, điểm số đang nghiêng về phía Su-35.

Su-35 có radar mạnh hơn. Nó có thể phát hiện ra F-16 trước. Theo nhà sản xuất Tikhomirov, radar Irbis-E của Su-35 có thể phát hiện các mục tiêu trên không ở khoảng cách lên tới 400 ki-lô-mét. Mặc dù radar Irbis không quá tiên tiến, nó là hệ thống mảng quét điện tử thụ động (PESA), sử dụng một máy phát/máy thu duy nhất để phát ra một chùm tia trên một tần số duy nhất thông qua nhiều ăng-ten.

Điều này cho phép chùm tia radar được điều khiển điện tử theo các hướng khác nhau mà không cần phải xoay ăng-ten một cách cơ học (và có lẽ do vậy nó to và nặng?). Nó không tiên tiến bằng radar AESA được sử dụng trên nhiều máy bay chiến đấu của phương Tây, bao gồm cả các mẫu F-16 Block 70 và Block 72 mới nhất, sử dụng nhiều máy phát để phát ra nhiều tín hiệu ở nhiều tần số cùng một lúc.

Radar AESA có thể theo dõi nhiều mục tiêu và ít bị gây nhiễu hơn. Tuy nhiên, Ukraine sẽ không nhận được F-16 được trang bị AESA. Radar AN/APG-66(V)2 trên các F-16 Ukraine sẽ nhận được là một hệ thống xung doppler có chốt với ăng-ten được điều khiển bằng cơ học giúp quét chậm hơn trên một tần số tại một thời điểm. “Pulse-doppler mang âm hưởng cổ điển của thập niên 80,” Bryne Tannehill, cựu phi công hải quân Hoa Kỳ bình luận. Tannehill còn cho biết nó có công suất 5 kilowatt so với AN/APG-66(V)2 chỉ 770 watt. “Tôi không nói rằng nó có thể nhìn xa hơn năm lần hay mười lần, nhưng nó có thể nhìn xa hơn rất nhiều so với APG-66.”

Chưa hết, trên giấy tờ Su-35 còn có tên lửa tốt hơn. R-37 có tầm tiêu diệt mục tiêu ước tính là 400 ki-lô-mét, trong khi R-77-1 có tầm bắn 110 ki-lô-mét. Những tên lửa dẫn đường chủ động “bắn và quên” này bay đến khu vực lân cận mục tiêu, sau đó sử dụng radar của chính chúng để phát hiện mục tiêu rồi tiêu diệt. Vẫn còn nghi vấn về hiệu quả của những tên lửa này ở tầm cực xa như vậy, nhưng đối với các máy bay phản lực cũ của Ukraine hiện nay, Su-35 thực sự là mối đe dọa nghiêm trọng.

Các máy bay Su-35 và Su-30SM, bay an toàn phía sau phòng tuyến của Nga ở độ cao 10.000 mét, khóa chặt các máy bay phản lực Ukraine bằng radar Irbis, sau đó bắn tên lửa R-37 và R-77-1. Máy bay chiến đấu Ukraine được trang bị tên lửa R-27 thời Liên Xô với tầm bắn khoảng 80 ki-lô-mét, những vũ khí đầu những năm 1980 này sử dụng radar bán chủ động, yêu cầu máy bay phóng phải liên tục rọi mục tiêu bằng chùm sóng radar.

Theo báo cáo tháng 11 năm 2022 của Viện nghiên cứu Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia Anh RUSI, “các phi công Ukraine xác nhận rằng Su-30SM và Su-35S của Nga hoàn toàn vượt trội so với máy bay chiến đấu của Không quân Ukraine về mặt kỹ thuật”. “Trong suốt cuộc chiến, máy bay chiến đấu của Nga thường xuyên có thể khóa radar và phóng tên lửa R-77-1 vào máy bay chiến đấu Ukraine từ khoảng cách hơn 100 km [62 dặm]. Mặc dù những phát bắn như vậy có xác suất tiêu diệt mục tiêu thấp, nhưng chúng buộc các phi công Ukraina phải đề phòng hoặc vẫn có nguy cơ bị bắn trúng khi vẫn còn ở xa ngoài tầm bắn hiệu quả của họ, và một số phát bắn tầm xa như vậy đã trúng mục tiêu.”

Hoa Kỳ đã đồng ý trang bị cho các máy bay F-16 của Ukraine tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến AIM-120, sử dụng lần đầu tiên vào năm 1991. Tên lửa AIM-120D mới nhất có tầm bắn (ước tính) khoảng 160 ki-lô-mét, vượt xa R-77-1 vốn được dùng phổ biến trên máy bay Nga. Vào tháng 9 năm 2023 Chính phủ Ukraine cho biết rằng “AMRAAM (sẽ nhận được của họ) sẽ có tầm bắn khoảng 160 đến 180 ki-lô-mét,” tức là AIM-120D sẽ được giao cùng với F-16.

Hồi đầu chiến tranh, Không quân Nga được cho là làm mưa làm gió trên bầu trời Ukraine, nhưng hóa ra không phải như vậy. Tôi còn nhớ khi dịch phụ đề bộ phim “NĂM” của Komarov về năm đầu tiên của chiến tranh, có chuyện một máy bay Nga bị tấn công bởi một máy bay chiến đấu của Ukraine, nó thả mồi bẫy nhưng không hiệu quả, rồi trúng tên lửa và rơi. Đúng là Nga đã tiến hành các cuộc không kích dữ dội trong những tuần đầu tiên của cuộc chiến nhưng bị tổn thất đáng kể, khiến nước này phải ngừng mạo hiểm dùng máy bay thực hiện các nhiệm vụ như vậy.

Còn ở xứ phía Đông nước Lào, có một ông tướng, Phó viện trưởng viện chiến lược bộ quốc phòng, đăng đàn phát biểu: Không quân Nga đã xóa sổ không quân Ukraine. Nhưng thực tế cuộc chiến tranh không cho thấy như vậy. Bây giờ thì không quân Nga ném bom lượn từ xa, còn không quân Ukraine vẫn tồn tại, phóng Storm Shadow tiễn đưa cả Bộ chỉ huy Hạm đội Nga.

Như vậy, hoạt động của lực phòng không – không quân có hỗ trợ của tình báo đã phủ nhận ưu thế trên không của Nga trong gần hai năm, giúp giảm đáng kể số lượng các cuộc tấn công thành công vào các thành phố và vùng lãnh thổ của Ukraine.

Các quan chức và chuyên gia quân sự phương Tây cho rằng việc bổ sung F-16 vào lực lượng không quân Ukraine sẽ không làm thay đổi cục diện cuộc chiến một cách đột ngột (không tạo ra bước ngoặt). Việc đào tạo phi công và hỗ trợ kỹ thuật cần có thời gian. Hiện tại, tên lửa đất đối không của Nga vẫn là mối đe dọa lớn, trong khi số lượng F-16 được giao là có hạn. Hơn thế nữa, các F-16 không được thiết kế cho các đường băng bị hư hỏng hoặc các đường băng dã chiến của Ukraine.

Tôi vẫn cho rằng những thông tin mình nghe được là có căn cứ: chắc chắn có một vài phi công Ace của Ukraine đã đi cùng F-16 về rồi, thậm chí tham chiến thử rồi, nhưng các điều kiện nhất là về hạ tầng đúng là chưa đủ để sử dụng nó đại trà hơn. Như vậy, F-16 không phải phép màu, mà chính xác nó sẽ thổi làn sinh khí mới cho không quân Ukraine vốn đang vật lộn với những Sukhoi và Mikoian ít ỏi của mình (và ngày càng ít hơn). Có F-16, tình thế trên không sẽ được lập lại cân bằng – còn F-16 trong tay người Ukraine, tỉ số chắc chắn sẽ nghiêng về phía họ.

F-16 sẽ không mang lại bước ngoặt, nhưng nó sẽ xuất hiện khi thời điểm bước ngoặt đến.

PHÚC LAI 17.04.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.