Cảm giác buồn, rất buồn khi đang đêm một loạt sĩ quan an ninh ở huyện Cư Kuin bị giết hại. Tất cả còn quá trẻ.
Kèm với nỗi buồn, rất buồn ấy là nỗi đau: Đắc Lắc, vùng đất trù phú tươi đẹp của Đất nước, nơi Đất lành chim đậu hội tụ 44 dân tộc anh em lại một lần nữa máu đổ.
Chưa có nguồn tin, bài báo, thông báo chính thức nào về sự việc và sự thật xảy ra đêm 11.06 bi ai ấy. Chỉ có con số người bị giết, bị thương và người bị bắt, người ra đầu thú. Các con số lạnh lùng chỉ nói tính vô cùng nghiêm trọng của sự cố, nhưng không nói được cái lõi của sự thật.
Sự thật không được minh bạch thì nguyên nhân gốc sâu xa không được đặt lên bàn cân để bài học cần rút ra. Cái gì xảy ra đã xảy ra rồi, điều quan trọng là không để nó xảy ra nữa.
Hôm qua, gã gặp hai cựu lãnh đạo Đắc Lắc. Một ông từng là lãnh đạo một tờ báo, một ông từng là giám đốc một sở quan trọng liên quan nhiều đến đất đai. Hai ông vì lý do gì không biết đều xin hưu sớm.
Gã hỏi các ông có đất ở Đắc Lắc không. Cả hai ông đều nói với gã: Tỉnh Đắc Lắc từng có một chỉ thị cấm đảng viên mua đất của đồng bào dân tộc. Và cả hai ông đều thực hiện chỉ thị này.
Theo hai ông, bà con dân tộc bán đất xong lại khai phá rừng rồi lại bán, cứ thế rừng đâu còn.
Gã hỏi, theo hai ông chuyện gì xảy ra ở huyện Cư Kuin? Ông cựu giám đốc sở cho rằng có thể có vấn đề tranh chấp đất đai, giải tỏa đền bù âm ỉ quá lâu mà địa phương không giải quyết tận gốc, nên bị kích động dẫn đến bục phát bạo động.
Trên đường từ Phan Rang về Phan Thiết gã nhận được điện thoại của tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng, khi là chủ tịch Đắc Lắc đã trực tiếp giải quyết ổn thỏa một số cuộc biểu tình có bạo loạn ở tỉnh này. Ts Lạng đang ở Buôn Mê Thuột. Ông cho gã biết, ở Tây Nguyên từ lâu vấn đề mâu thuẫn sắc tộc và tôn giáo vẫn còn âm ỉ chỗ này, chỗ khác và nó sẽ lại bùng lên khi có những xung khắc về đất đai. Theo ông, chuyện xảy ra ở hai xã thuộc huyện Cư Kuin có thể là hậu quả của những mâu thuẫn ấy. Nếu chính quyền địa phương quản lý, nắm bắt tâm tư của Dân giải quyết ngay những ngọn lửa âm ỷ thì nó không thể bùng phát.
Ông Lạng nói, ông có gặp các già làng để lắng nghe ý kiến của họ về sự cố máu đổ vừa qua cùng hướng giải quyết thế nào. Theo kinh nghiệm của ông Lạng, thì cần khách quan nhìn nhận nguyên nhân khách quan vấn đề, từ đó phân biệt kẻ chủ mưu và người dân bị kích động dẫn đến phạm pháp để ứng xử.
Nhiều người quan tâm thời cuộc cho rằng: Không ai cổ vũ cho bạo loạn bắn giết nhau dù từ bất cứ phe nào. Cái chết thương tâm của các sĩ quan an ninh và lãnh đạo địa phương là nỗi buồn, nỗi đau chung.
Đất nước thống nhất gần nửa thế kỷ nhưng Đoàn kết thống nhất cả Dân tộc vẫn luôn là vấn đề nóng bỏng. Trong đó các sắc tộc, tôn giáo, hệ tư tưởng không dễ hòa giải, hòa hợp. Sự hòa giải, hòa hợp trên chỉ có được khi các mâu thuẫn, xung khắc không còn có chỗ trong hệ thống hiến pháp, pháp luật, chính sách của nhà nước.
Ví dụ, ở một số địa phương, nếu luật Đất đai cùng chính sách giải tỏa đền bù hoàn chỉnh, khoa học, công bằng, chính quyền địa phương luôn gần Dân thì sẽ khó xảy ra xung đột lợi ích dồn nén thành bạo động.
Những ai gây án chắc chắn bị nghiêm trị, nhưng những ai để xảy ra tình trạng bạo động cũng phải bị nghiêm trị.
LƯU TRỌNG VĂN 18.06.2023 (Tựa bài do Thụy My đặt)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.