Thập niên 90, bắt đầu chuẩn bị làm cư dân Hà Nội, tôi chú ý hai đô thị lớn nhất nước khác nhau nhiều nhất ở điểm nào. Sự khác nhau ở thời điểm 1975 như là hai thế giới, nhưng 20 năm sau thì Sài Gòn chững lại và Hà Nội bứt lên. Ấy là một câu chuyện lịch sử dài kỳ, phạm vi bài này xin được không đề cập.
Sự khác ở Sài Gòn hiển hiện qua “lũ” xe máy người dân đã được sở hữu từ đời tám hoánh. Vespa, Peugeot, Honda 67, Honda Cup, Suzuki…Nếu chú ý kỹ, vào thập niên ấy sẽ thấy xe thưa thớt đi, do xăng nhớt khan hiếm, người ta phải tính từng đồng tiền eo ngặt, hoặc là số gia đình từng phong lưu âm thầm bán tống bán tháo chúng để làm sở phí vượt biển.
Hà Nội bắt đầu những bước chạy “tự cứu mình chứ không chờ trời cứu”. Nguồn xe cũ buôn từ miền Nam ra, nguồn từ Đông Âu do những người đi học hoặc đi lao động mang về, những Babetta, Simson, Minsk, Mokick…Cũng bắt đầu có xe bãi Nhật về từ cảng Hải Phòng. Ngoảnh đi mỗi năm mỗi thấy giật mình ở sự khác ấy. Cũng phải thôi, độ nén càng khắc nghiệt thì sức bung càng ghê gớm, không gì ngăn nổi, quy luật lò xo.
Ở khu phố tôi làm cư dân từ 1993 trở đi, nhìn vào những điểm gửi xe của các khu chung cư, không khỏi ngạc nhiên. Người sở hữu xe máy nhiều lên từng tháng, một số nhà mặt tiền hy sinh phòng khách làm điểm giữ xe, sống khỏe. Hàng xóm chung vách tường với chúng tôi làm nghề sửa chữa các loại xe. Cậu ta giải thích vì sao nhu cầu xe máy ở Hà Nội lên như tên lửa, rằng, “Đơn giản thôi, thằng hàng xóm có chiếc ấy, tao phải có chiếc ấy mà phải ngon hơn cơ!” Ông xã tôi đế thêm “Con gà tức nhau tiếng gáy, chưa to hơn chưa vang hơn hàng xóm chắc con gà sẽ hộc máu chết!”.
Mỗi năm tôi đều về qua Sài Gòn để về với các con và gia tộc ở miền Tây. Sài Gòn vẫn bình thản tùng tiệm, dàn xài honda cũ thì vẫn cứ cũ, xe ba-gác vẫn phành phành thả khỏi mịt mù đường phố. Bạn bè hay bà con họ mạc của chúng tôi ở Bắc vào bắt đầu kêu “Sao xe cộ ở Sài Gòn cũ thế, lem nhem thế”. Biết giải thích sao bây giờ? Lại kêu tiếp, “Do nhậu chứ gì, quanh năm ăn nhậu chứ gì?” Lại không biết giải thích sao.
Chính cậu hàng xóm của chúng tôi ở Bắc thay xe xoành xoạch mỗi năm. Năm ấy là chiếc Dream II hàng nhập từ Thái Lan, giá bằng một căn hộ chung cư cũ. Hỏi, có cần không, có thấy con gà nào tranh tiếng với tay thợ sửa xe, xoáy xe, độ xe nhất Hà Nội đâu? Cười, “Vì cháu giỏi xoáy xe nên biết thừa ngữ xe ấy. Đã độ tài mà vẫn có thằng chê xe cháu, mua hẳn xe đập hộp cho biết mặt!”
Quả tình không sao hiểu hết. Người ta cũng bắt đầu đua nhau nhà gỗ cho weekend, gỗ rừng già từ Lào từ Campuchia cơ. Bắt đầu gỗ Đồng Kỵ cho nội thất, không cầu kỳ không chạm trổ chắc chủ nhân chết không nhắm mắt. Chừng như thế kỷ mới cũng đem đến sinh khí cho chính giới quan chức, cuộc đua của họ mới ác liệt làm sao. Biệt thự chuyện xưa nhé, phải dinh thự cơ. Song song đó là đua nhau sinh phần, không dám xưng là lăng nhưng độ hoành tráng của chúng vẫn khiến dân đen không ngậm miệng được.
Mới năm ngoái đây tôi ra Hà Nội. Lâu lâu mới gặp lại nên dễ nhận thấy độ chênh giữa hai đô thị lớn đến mức nào. Đến mức ái ngại cho Hà Nội, riêng về chuyện sở hữu ô tô. Giờ cao điểm, trên cao nhìn xuống, ô tô có thể đã chiếm 3/4 số phương tiện giao thông trên đường. Nên vui không? Có lẽ hiện tượng con gà ức nhau tiếng gáy trong dân chúng đã bị triệt tiêu, nhu cầu ô tô là tự nhiên, một cách giản đơn. Mỗi căn hộ hai vợ chồng hai ô tô, nếu con cái ở chung thì là ba chiếc. Chỉ biết ra đường ở thủ đô bây giờ là một bài toán, là một cuộc chiến.
Nguyên do có lẽ từ đây, từ khi “lũ gà” là quan chức + doanh nghiệp (thành quan-hệ-thân-hữu) tức nhau ở tầm Dự án, “Thằng kia là cái quái gì sao lại được mảnh đất ngon thế chứ?" Thế là chung cư cao cấp mọc lên dày như đũa trong ống, do đám kèn cựa ấy đua nhau chạy Dự án. Dân chúng bỗng dưng được sáng choang thiên đường. Sống rồi mới thấy, hình như có gì đó sai sai, có gì đó bất ổn, có gì đó như là phi nhân ở góc độ sinh thái cho đời sống con người.
Hà Nội ngộp thở cả theo nghĩa đen. Về nhà thôi, ra khỏi Tân Sơn Nhất, bỗng thấy Sài Gòn bình thản kiểu “biết đủ là đủ”. Xe cộ ung dung, ai xe cũ ai xe mới không ai quan tâm đến ai từ bề ngoài. Chừng như những Dinh thự những Sinh phần của quan chức và doanh nhân ở các vùng phụ cận cũng không ngạo nghễ một cách bất chấp quá thể. Ai kêu Hà Nội ưu tiên nhiều quá, tôi lại bình thản: Thủ đô đầu mối và đầu triều, vị trí ấy lịch sử đã cho, không bàn. Ai thở than Sài Gòn nghèo đi, tôi cũng bình thản, biết đủ là đủ.
DẠ NGÂN 16.06.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.