Những năm cuối thập kỷ 70 của thế kỷ trước, khi Trung Quốc bắt đầu cải cách và mở cửa còn Việt Nam vẫn đang loay hoay xử lý những vấn đề hậu thống nhất, thu nhập bình quân đầu người của hai nước đều thấp bậc nhất thế giới.
Thậm chí đến năm 87, GDP đầu người của Việt Nam được ghi nhận cao hơn của Trung Quốc (575 USD vs 251 USD), theo WB.
Sau Đổi mới 86, kinh tế Việt Nam bắt đầu bứt tốc, đời sống nhân dân được cải thiện rõ ràng. Dù vậy, chúng ta đã hụt hơi và ngày càng hụt hơi trong cuộc đua thịnh vượng với họ (nói cho sang mồm thôi chứ chúng ta làm gì có cuộc đua thịnh vượng với họ).
Theo WB, đến 2020, GDP đầu người của Việt Nam chúng ta đã trở nên nhỏ hơn nhiều so với của Trung Quốc (2.785 USD vs 10.430 USD), hay GDP đầu người của Trung Quốc gấp Việt Nam gần 3,7 lần. Cùng năm, GDP của Việt Nam chỉ là 271 tỉ USD, quá nhỏ so với 14.723 tỉ USD của Trung Quốc.
Theo CIEM, trong giai đoạn 1977 - 2007 tăng trưởng GDP bình quân của Trung Quốc là 10%/năm; mức tăng trưởng cao nhất năm 1984 là 15%; có 15 năm tăng trưởng GDP đạt hơn 10%.
Trong khi đó, tính từ năm 1990 đến nay, Việt Nam mới chỉ có 5 năm đạt mức tăng trưởng bình quân 8,21%/năm (giai đoạn 1991-1995). Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam có xu hướng giảm dần, từ mức bình quân 7,34%/năm giai đoạn 1991-2000 xuống còn 6,82%/năm giai đoạn 2001-2010, và ước đạt khoảng 6,4% giai đoạn 2011-2020.
Cách đây 5 năm, người ta tính toán rằng, nếu Việt Nam tăng trưởng kinh tế 5%/năm thì đến 2035, GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ bằng 75% GDP bình quân đầu người của Trung Quốc hiện nay. Ấy vậy mà tăng trưởng GDP trong hai năm qua lại thấp kỷ lục.
Con số thì vô hồn, nhưng cuộc đời là thật. Chúng ta mới có hơn 20 triệu người, tức 1/5 dân số, vươn lên tầng lớp thu nhập trung bình đến nay, trong khi ở họ có tới 707 triệu người, tức 1/2 dân số, tính đến 2017, theo WB.
Họ đặt mục tiêu trở thành cường quốc chế tạo của thế giới với trình độ công nghệ và sáng tạo hàng đầu thế giới ở hàng loạt lĩnh vực như (1) Công nghệ thông tin thế hệ tiếp theo; (2) Máy móc điều khiển số và rô bốt công nghệ cao; (3) Thiết bị hàng không và vũ trụ; (4) Thiết bị kỹ thuật hàng hải và công nghiệp dóng tàu biển công nghệ cao; (5) Thiết bị đường sắt tân tiến; (6) Phương tiện tiết kiệm năng lượng và sử dụng nguồn năng lượng mới; (7) Vật liệu mới; (Công nghệ y sinh và thiết bị y tế chất lượng cao; (9) Máy móc và thiết bị nông nghiệp, (10) Công nghiệp in 3D.
Trong khi đó, chúng ta có sản phẩm gì cho hiện tại và tương lai? Câu hỏi này đặt ra trong bối cảnh năm 2021, chúng ta nhập siêu từ Trung Quốc gần 54 tỉ USD, nhiều hơn 18,8 tỉ USD so với năm 2020. Nếu không trả lời được, chúng ta sẽ tiếp tục thân phận xuất thuê, làm gia công thuê với mức thu nhập bèo bọt mà thôi.
Tút này toàn con số, rất khó đọc, để nhớ về ngày 17/2 không bao giờ được lãng quên. Chúng ta phải ý thức được chúng ta đang ở đâu so với họ, ít nhất về mặt kinh tế, để cố gắng trở nên giàu mạnh và thịnh vượng, để không bị bắt nạt. Thịnh vượng và giàu mạnh là một trong những cách không phải đổ xương máu cho chiến tranh.
HOÀNG TƯ GIANG 16.02.2022
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.