jeudi 17 février 2022

Hoàng Hải Vân - Phút ấy, đất dưới chân anh là Tổ quốc !


1- Chiến thắng một đội quân xâm lược hùng mạnh nhất trong lịch sử Trung Quốc với 60 vạn tên đồng loạt tràn sang tấn công đánh úp nước ta vào ngày 17-2-1979, trong khi cả dân tộc ta đang nghèo đói sau mấy chục năm chiến tranh, là chiến thắng vang dội nhất.

Tội ác của quân Trung Quốc xâm lược gây ra cho đồng bào ta dọc các tỉnh biên giới cũng là tội ác man rợ nhất.

Dân ta vẫn coi dân Trung Quốc là bạn bè, vẫn giao thương làm ăn thuận mua vừa bán, nhưng chừng nào nhà cầm quyền Bắc Kinh vẫn ấp ủ mưu đồ thôn tính biển đảo của ta, lũng đoạn kinh tế nước ta, thì mối thù kia vẫn là mối thù truyền kiếp.

Lịch sử cho thấy, khi thế giặc mạnh, thường xuất hiện đám phản trắc trong nước sẵn sàng làm tay sai cho giặc. Ngày xưa sau khi đánh thắng quân Nguyên Mông lần thứ hai, triều đình đã thu một hòm biểu xin hàng giặc của rất nhiều vương hầu và quan lại. Thượng hoàng Trần Thánh Tông sai mang đốt hết để những kẻ mang lòng phản trắc mà chưa kịp phản trắc yên lòng làm người tử tế, chỉ trừng phạt những kẻ đã hàng giặc rồi.

Triều đình chấp nhận rủi ro để đoàn kết đất nước, nhưng đám mang lòng phản trắc không thể tin được. Bốn mươi ba năm trước, đám mang lòng phản trắc có được tha hay không chúng ta không được biết.

Ngày nay, khi giặc bành trướng Trung Quốc ngày càng lớn mạnh, chúng suốt ngày lăm le thôn tính biển đảo của ta, dùng sức mạnh kinh tế để lũng đoạn kinh tế và cơ sở hạ tầng của nước ta, dùng tín dụng đen để đưa nước ta vào bẫy nợ nhằm khống chế chủ quyền nước ta. Đám mang lòng phản trắc, từ trung ương đến địa phương, có “dâng biểu” làm tay sai cho chúng hay không chúng ta cũng không thể biết, nhưng vẫn có thể lần theo những biểu hiện công khai để nhận diện. Những biểu hiện đó là :

- Giao đất cho các doanh nghiệp Trung Quốc tại những vị trí phòng thủ bờ biển, chẳng hạn như một số vị trí phòng thủ quan trọng nhất tại bờ biển Đà Nẵng đã giao cho các doanh nghiệp Trung Quốc. Với danh nghĩa là đầu tư kinh doanh, nhưng khi chiến tranh xảy ra thì chắc chắn chúng sẽ biến thành cứ điểm quân sự. Những kẻ quyết định giao đất kia không mang lòng phản trắc thì là gì ?

- Vay nợ của Trung Quốc và chấp nhận các điều kiện về giao thầu, cung cấp vật tư thiết bị, tư vấn giám sát của họ, đưa chủ quyền đất nước vào thòng lọng của Trung Quốc. Điển hình dễ thấy nhất là dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, nằm trơ giữa thủ đô suốt 10 năm mới đưa vào sử dụng. Những người quyết định cái dự án đưa chủ quyền vào thòng lọng của Trung Quốc này không mang lòng phản trắc thì là cái gì ?

- Nhập ào ạt các phương tiện, thiết bị lạc hậu của Trung Quốc, bằng cả tiền vay của Trung Quốc và tiền tươi thóc thật của đất nước, từ lò đường, xi măng lò đứng trước đây đến các thiết bị ngày nay, biến Việt Nam thành một bãi rác của Trung Quốc. Những người quyết định không mang lòng phản trắc thì là cái gì ?

- Cùng với các thiết bị, công nghệ lạc hậu, việc hạ thấp các tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn, thậm chí không đặt ra tiêu chuẩn nào, đã tạo điều kiện cho hàng hóa kém chất lượng, trong đó có vô số thực phẩm nhiễm hóa chất độc hại cùng với các loại thuốc trừ sâu, hóa chất độc hại dùng cho thực phẩm được nhập tràn lan.

Đó là một trong những nguyên nhân Việt Nam chỉ có chưa tới 100 triệu dân mà năm nào cũng nhập siêu lớn từ một đất nước gần 1,5 tỉ dân (Năm 2020, ta nhập siêu từ Trung Quốc hơn 35 tỉ đô la, nhờ có xuất siêu qua thị trường Mỹ tới 60 tỉ đô la, nên Việt Nam mới có mức xuất siêu kỷ lục hơn 19 tỉ đô la. Sang năm 2021 nhập siêu từ Trung Quốc lên tới 54 tỉ đô la). Các nhà quản lý chất lượng hàng hóa nhập khẩu không có lòng phản trắc thì cũng bị những đứa có lòng phản trắc thao túng.

Ngay cả nước Mỹ hùng mạnh và xa xôi, Trung Quốc còn tìm cách thao túng từ giáo dục đến công nghệ, huống hồ Việt Nam là một nước yếu nằm sát bên cạnh.

Bởi vậy, đối với họa bá quyền Trung Quốc, Việt Nam giữ biển giữ đảo là một chuyện. Còn phải giữ đất liền, chặn đứng sự thao túng chủ quyền bằng các thủ đoạn kinh tế. Chống giặc ngoài là một chuyện, còn phải diệt cho được giặc trong. 43 năm, cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn.

2- Đọc lại bài thơ của Thanh Thảo về cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược 43 năm trước. Đây là bài thơ hay nhất về cuộc chiến này mà mỗi khi đọc toàn thân ta rung động.

TỔ QUỐC

vệt nắng mỏng trước sân mái gà cục tác

con tôi ngủ trong nôi văng vẳng tiếng còi tàu

bữa cơm gia đình tôi trộn bắp trộn sắn bảy mươi phần trăm

mùa xuân những cơn bão hung hãn bất ngờ ập tới

trầm tĩnh như rừng kia như biển kia

Tổ Quốc tôi đứng lên trước bầy xâm lăng phương bắc

những dãy núi cong cánh cung những nỏ thần khủng khiếp

lại tung hàng loạt mũi tên xuyên ngực quân thù

ải Nam Quan ngọn khói xưa Nguyễn Trãi nuốt nước mắt quay về

mười năm nằm gai nếm mật

hẻm Chi Lăng lầm lì sông Kỳ Cùng bốc cháy

pháo đã giăng từ ngàn vạn điểm cao

quân di chuyển những dòng sông chảy ngược

mây uy nghi Yên Tử thuở nào

còn in dáng Trần Nhân Tông mắt dõi về phương bắc

tính nước cờ ung dung trên cao

sông Kỳ Cùng những tảng đá lên hơi

đùa với mặt trời trong nước

tôi chỉ đến tắm một lần nhưng đó là Tổ Quốc

chảy lặng thầm suốt cuộc đời tôi

những câu lượn câu sli đêm chợ Kỳ Lừa

chén rượu nồng thơm sắc màu thổ cẩm

vó ngựa gõ dòn lâng lâng sương khuya

khẩu súng chống tăng ghì chặt vào vai

anh xạ thủ H’Mông mười tám tuổi

khi lũ giặc đang điên cuồng lao tới

một chấm nhỏ trên bản đồ một chấm nhỏ thiêng liêng

phút người lính đứng bật lên cắm chặt chân vào đất

phút ấy, đất dưới chân anh là Tổ Quốc

quả đạn rời nòng trong chớp mắt

xe tăng cháy ngang đồi lũ giặc lùi xa

anh lính trẻ mỉm cười lau mồ hôi trên mặt

gương mặt dịu lành như Tổ Quốc chúng ta.

(THANH THẢO, tháng 2-1979)

HOÀNG HẢI VÂN

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.