Đây là câu hỏi gây ra nhiều tranh cãi, và nghiên cứu mới nhứt (cách đây 2 ngày) lại châm ngòi thêm cho tranh luận. Báo chí thì nói đây là chứng cớ tốt nhứt về hiệu quả của khẩu trang, nhưng thật ra không phải vậy. Cái note này trình bày kết quả nghiên cứu mới nhứt và ý nghĩa của nó trong thực tế.
1. Nghiên cứu Bangladesh
Nghiên cứu mới nhứt là từ Bangladesh [1], và họ dùng mô hình RCT theo cụm (cluster randomized clinical trial). Nghiên cứu có đến 351.292 người tham gia, và số người trong mỗi nhóm y chang nhau (175.646).
Họ làm nghiên cứu trên 1.104 làng xã: 552 làng được phát khẩu trang miễn phí và khuyến khích đeo khẩu trang, và 552 làng không được phát khẩu trang, dân tự chọn đeo hay không đeo tùy ý.
Họ theo dõi 8 tuần sau khi can thiệp. Outcome chánh không phải là số ca nhiễm, mà là số người báo cáo có triệu chứng và được xác định bằng sero test. Kết quả họ báo cáo rất phức tạp và dùng toàn ngôn ngữ thống kê, nên đa số người đọc khó hiểu hết. Thành ra, tôi tóm tắt những điểm chánh để các bạn hiểu như sau:
• Lúc bắt đầu (trước khi can thiệp), khoảng 12% người dân ở 2 nhóm đeo khẩu trang.
• Sau khi triển khai nghiên cứu, nhóm can thiệp có tỉ lệ đeo khẩu trang tăng lên 42,3%, còn nhóm chứng thì 13,3% (tăng ~1%).
• Sau 8 tuần theo dõi, nhóm can thiệp (khẩu trang) có 0,68% người có triệu chứng covid, còn nhóm chứng có 0,76% có triệu chứng covid. Sự khác biệt chỉ 0,08% hay 8 trên 10.000 người.
• Nhưng mô tả bằng tỉ số nguy cơ thì khẩu trang giảm nguy cơ 9%, với khoảng tin cậy 95% từ 0% đến 0,18%. Tuy tác giả cố tình không báo cáo, nhưng tôi biết trị số P là 0,05. Trị số này có nghĩa là tác dụng của khẩu trang không có ý nghĩa thống kê.
Nhưng qua tay báo chí thì nó được phóng đại lên rằng đây là bằng chứng mạnh nhứt cho thấy đeo khẩu trang giúp ngăn chận Covid-19 ("... some of the strongest real-world evidence yet that mask use can help communities slow the spread of Covid-19") [2].
Có báo còn nói rằng đây là nghiên cứu 'tiêu chuẩn vàng' về đánh giá hiệu quả của khẩu trang. Nhưng tôi không đồng ý. Thật ra, nghiên cứu này có nhiều khiếm khuyết. Chẳng hạn hai nhóm dù có ngẫu nhiên hóa nhưng vẫn có nhiều khác biệt về các yếu tố lúc ban đầu. Ví dụ như nhóm chứng có tỉ lệ người đeo khẩu trang cao hơn 1% so với nhóm can thiệp. Hơn nữa, ngoài đeo khẩu trang, hai nhóm còn khác nhau về giãn cách xã hội. Do đó, chúng ta không biết có thật sự là do khẩu trang, hay do giãn cách xã hội, hay cả hai.
Tôi không hiểu nổi một nghiên cứu dựa vào outcome là số ca có triệu chứng (chưa biết nhiễm hay không) mà được cho là 'tiêu chuẩn vàng'.
2. Nghiên cứu DANMASK
Cách đây chừng 3 tháng, một công trình nghiên cứu từ Đan Mạch (có tên là DANMASK) [3] cũng theo mô hình RCT nhưng ở mức độ cá nhân (không phải cụm, làng). Nghiên cứu này có outcome là số ca nhiễm qua xác định bằng PCR (chớ không phải triệu chứng). Tức là về khoa học, DANMASK có gia trị cao hơn nhiều so với nghiên cứu ở Bangladesh.
DANMASK được thực hiện trên 6.024 người, và họ được chia thành 2 nhóm: nhóm can thiệp (n = 3.030) và nhóm chứng (n = 2.994). Can thiệp là giãn cách xã hội kèm với đeo khẩu trang. Nhóm chứng thì chỉ tuân theo giãn cách xã hội nhưng không cần đeo khẩu trang.
Kết quả cho thấy nhóm can thiệp có tỉ lệ nhiễm là 1.76%, và nhóm chứng là 2.15%, nhưng tỉ số odds dao động từ 0.54 đến 1,23, tức là không có ý nghĩa thống kê (trị số P = 0,33). Nói các khác, tuy tính trung bình đeo khẩu trang giảm nguy cơ nhiễm chừng 18%, nhưng cũng có thể tăng nguy cơ nhiễm đến 23%.
Nghiên cứu này lập tức bị chỉ trích dữ dội trên báo chí phổ thông. Tờ New York Times khẳng định luôn "A New Study Questions Whether Masks Protect Wearers. You Need to Wear Them Anyway" (Một nghiên cứu mới chất vấn có nên đeo khẩu trang để bảo vệ người đeo. Dù gì thì bạn cần phải đeo).
3. Khẩu trang: thấy vậy mà không phải vậy
Khẩu trang nhìn một cách đơn giản thì phải có hiệu quả ngăn chận virus. Bịt miệng, bịt mũi, và nếu người khác 'giải phóng' virus từ miệng hay mũi họ, thì người đeo khẩu trang ắt phải giảm nguy cơ lây nhiễm. Rất đơn giản.
Thế nhưng sự đời có câu 'thấy vậy mà không phải vậy'.
Lý do là vật liệu làm khẩu trang không đủ cấu trúc để chận con virus vốn rất rất nhỏ về kích thước. Lý do thứ hai và quan trọng hơn, là tuyệt đại đa số người đeo khẩu trang sai cách. Họ hay dùng tay sờ vào. Họ tái sử dụng một khẩu trang nhiều lần. Vân vân. Chính cách đeo sai cách và tái sử dụng đó góp phần vào lây nhiễm ở chính người đeo khẩu trang.
Năm ngoái, một nghiên cứu từ Hồng Kông được thiết kế rất hay [4], nhưng kết quả thì ... bất định. Nghiên cứu này được thực hiện trên 246 người Hồng Kông được nghi là nhiễm 3 loại virus: coronavirus, virus cúm, và rhinovirus. Họ chia thành 2 nhóm: 122 người không đeo khẩu trang (nhóm chứng) và 124 người đeo khẩu trang.
Họ cho các bệnh nhân thở vào máy có chức năng đo lường dung lượng virus. Kết quả cho thấy khẩu trang giảm số coronavirus và virus cúm trong các giọt droplets và khí dung (aerosols), nhưng khẩu trang không giảm số rhinovirus. Nhưng khi phân tích kỹ thì mức độ giảm không có ý nghĩa thống kê!
Tóm lại, nghiên cứu này không thuyết phục được đeo khẩu trang là có hiệu quả giảm nguy cơ lây lan virus. Đây là nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, được kiểm soát rất tốt, mà còn vậy. Nghiên cứu trong cộng đồng sẽ rất khó cho thấy hiệu quả, bởi vì yếu tố nhiễu rất nhiều.
Chúng ta có thói quen sờ mặt, tính trung bình 23 lần trong mỗi giờ [5]. Và nếu đeo khẩu trang, rồi giở ra, rồi đeo lại thì rất dễ bị nhiễm. Đó cũng là lý do phải rửa tay thường xuyên như là biện pháp giảm nguy cơ lây nhiễm.
Đeo khẩu trang nói cho cùng có thể có hiệu quả giảm (không phải ngăn chận tuyệt đối) lây nhiễm trong môi trường mật độ dân số cao hay trong nhà, chớ còn ngoài trời thì khẩu trang chỉ có hiệu ứng tâm lý nhưng nó hay được sử dụng để chỉ trích hay thậm chí 'ác quỷ hóa' người khác.
GS NGUYỄN VĂN TUẤN 03.09.2021
[1] The Impact of CommunityMasking on COVID-19: A Cluster-Randomized Trial in Bangladesh
[2] Largest study of masks yetdetails their importance in fighting Covid-19
[4] Respiratory virus sheddingin exhaled breath and efficacy of face masks
[5] Face touching: a frequenthabit that has implications for hand hygiene
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.