samedi 31 juillet 2021

Lưu Nhi Dũ - Những cuộc tháo chạy tán loạn và câu chuyện “Sở kiến hành”

 

“Thùy nhân tả thử đồ/Trì dĩ phụng quân vương” (Ai là người vẽ bức tranh này/Dâng lên nhà vua)?{NGUYỄN DU}

*****

Hôm 25-7 tôi có viết cái note Chạy đâu cho thoát Covid”. Trong đó nhấn mạnh tình hình rất đáng lo ngại, rằng người dân đang “tháo chạy tán loạn” khỏi Sài Gòn bằng mọi phương tiện. Thấy thương dân vô cùng nhưng chạy đâu cho thoát khỏi Covid! Họ vẫn chạy, chạy và chạy. Hàng ngàn người chạy xe máy, ô tô về Tây Nguyên, miền Tây, miền Trung, tận Huế, Quảng Trị, Hà Tĩnh… Chạy, và chạy…

Và cho đến nay (31-7), cuộc tháo chạy tán loạn vẫn tiếp diễn. Dịch bệnh sẽ gieo rắc khắp nơi!

Rất cảm động những địa phương như Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định đưa người dân về bằng máy bay. Một số tỉnh tổ chức xe đò, xe lửa cho dân về quê. Dù vậy nhưng vẫn không xuể, khi mà nhu cầu về quê bằng mọi giá ngày càng trở nên bức bách. Và người dân buộc phải chạy xe máy theo Quốc lộ 1 hay đường Hồ Chí Minh về Huế, Quảng Trị, Nghệ An, Hà Tĩnh, với hành trình hơn 2.000 km, rất nguy hiểm nhưng họ vẫn chạy, chạy và chạy.

Hồi sáng báo chí đưa hình ảnh vợ chồng anh Xồng Bá Xô và cháu bé 9 ngày tuổi trên chiếc xe máy cà tàng chạy cả ngàn kilomet về Nghệ An mà xót xa. Nhìn đứa bé 9 ngày tuổi ngơ ngác trong cuộc hành trình bão táp đầu đời, nhiều người chảy nước mắt. May mà vợ chồng anh Xô được những tấm lòng nhân ái của người Đà Nẵng giúp đỡ…

 

Có quá nhiều trường hợp rất đáng thương như vợ chồng anh Xô. Hai anh em Trần Thị Huyền (18 tuổi), Trần Văn Đủ (17 tuổi) cùng trú tại xã Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, bị mất việc ở Đồng Xoài, Bình Phước. Cả hai không xu dính túi, cuốc bộ về quê ở Ngọc Hồi (Kon Tum) với quãng đường hơn 500 km. May mắn hai em gặp được những tấm lòng thơm thảo, tặng xe đạp, rồi quyên góp mua xe máy cho hai em về quê.

Còn nữa, còn nhiều lắm. Họ là những người yếu thế, làm công nhựt, kiếm sống hằng ngày, không thể trụ lại được ở những thành phố phương Nam trong những căn nhà thuê chật chội. Không còn tiền để sống đã đành, còn lại là nỗi sợ lây nhiễm Covid, rất dễ xảy ra trong những khu trọ chật chội, u ám. Họ tháo chạy là tất yếu, bởi hệ thống an sinh xã hội không đủ giúp họ tồn tại ở mức tối thiểu. Họ phải tháo chạy.

Những hình ảnh tháo chạy tán loạn; hình ảnh người dân hai bên đường tiếp tế lương thực thực phẩm, hình ảnh công an dẫn cả đoàn ào ạt ngược về hướng Bắc, thấy mới xót xa làm sao.

Chợt nhớ bài thơ “Sở kiến hành” (Những điều trông thấy) bằng chữ Hán của cụ Nguyễn Du, viết khoảng năm 1813 khi cụ đi sứ Trung Quốc thấy và viết về những người dân phiêu tán:

“Có người đàn bà dắt ba đứa con,

Cùng nhau ngồi bên đường,

Ðứa bé thì ẵm trong lòng,

Ðứa lớn xách giỏ tre.

Trong giỏ đựng những gì?

Rau cỏ lẫn tấm cám.

Trưa rồi vẫn chưa có gì ăn,

Áo quần thật lam lũ.

Gặp ai không dám nhìn,

Nước mắt thấm áo đầm đìa,

Lũ trẻ vẫn cười vui,

Không biết lòng mẹ đau xót.

Lòng mẹ đau xót như thế nào?

Năm đói, lưu lạc quê người…”

Cuối bài thơ, cụ Nguyễn Du tự hỏi: “Thùy nhân tả thử đồ/Trì dĩ phụng quân vương” (Ai là người vẽ bức tranh này/Dâng lên cho nhà vua)!

 

Hơn 200 năm trước Nguyễn Du đã vẽ được bức tranh ấy. Hay thi hào vẽ bức tranh hôm nay? Bức tranh hiện thực điển hình ấy đâu phải vẽ ở Trung Quốc, mà như cụ đã vẽ ở thời đại 4.0, ngay trên đất nước mình, hôm nay. Đâu phải 300 năm sau mới có người khóc cụ, mà ngay hôm nay cụ đã rơi nước mắt với những người dân phiêu tán rồi. Nhưng ai sẽ là người “vẽ bức tranh này, dâng lên cho nhà vua”?

Câu hỏi này đau xót quá, thưa cụ Nguyễn Du…

Và tin mới nhất, tối nay (31-7), Thủ tướng đã có Công điện tăng cường thực hiện giãn cách xã hội, theo đó yêu cầu “ai ở đâu ở đó”.

Về mặt chống dịch yêu cầu này có thể đúng, để phòng chống dịch lây lan mà trong những ngày qua nhiều ca F0 đã xuất hiện ở các địa phương có người về từ vùng trọng điểm dịch phía Nam. Thực tế cả Sài Gòn, các tỉnh miền Trung đều lúng túng với tình trạng này, một số tỉnh đã ngưng tiếp nhận người về quê, để phòng dịch. Nhưng về mặt xã hội quy định này có thể bất cập, bởi chắc chắn rồi sẽ có những người dám tháo chạy “lậu” trên những cung đường thiên lý đầy bất trắc. 

Tại sao họ vẫn tháo chạy? Đơn giản, ở lại cũng bế tắc và về cũng bế tắc.

Ai và làm sao để đảm bảo an sinh cho họ, là câu hỏi của những người lãnh đạo phải trả lời.

Và tôi muốn nhắc lại hai câu thơ đau buốt của cụ Nguyễn Du:

“Thùy nhân tả thử đồ/Trì dĩ phụng quân vương” (Ai là người vẽ bức tranh này/Dâng lên nhà vua)?

LƯU NHI DŨ 31.07.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.