Thành phố ven sông Hàn lúc hoàng hôn. Ảnh Nguyễn Thông |
Bây giờ, lúc
này mà nói về Đà Nẵng dễ bị coi là đồ “cuốn theo chiều gió”, ăn
theo, cơ hội, bầy đàn, là đủ thứ, mặc dù vùng đất này lúc nào
cũng đầy sức hấp dẫn chứ không phải đợi có dịch cô vít cô veo.
Tôi có thứ
duyên nợ nhạt không ra nhạt, mặn không hẳn mặn, với Đà Nẵng. Nhưng
thấy xứ Tourane cũ đang phải gồng mình trợn mắt chống dịch bệnh, cứ
thương thương. Mỗi khi thấy ai đó chê nó cười nó, lại càng thương.
Quê tôi Hải
Phòng, thời chiến tranh chống Mỹ, chính quyền miền Bắc đặt ra sự
kết nghĩa những tỉnh thành ngoài Bắc với tỉnh thành trong Nam. Hà
Nội đương nhiên thì phải đăng ký hôn thú với Sài Gòn rồi. Tỉnh Kiến
An “lấy” tỉnh Gò Công, tỉnh Nghệ An lấy tỉnh Quảng Ngãi, thành phố
Hải Phòng được ghép đôi với Đà Nẵng… Cứ thế mà thi đua, bên sản
xuất, bên chiến đấu.
Ở Hải Phòng
có đường Đà Nẵng gần ngã năm, sau 1975 ở Đà Nẵng có đường Hải
Phòng gần ga xe lửa. Bài hát tỉnh ca “Thành
phố hoa phượng đỏ” có câu “Hải
Phòng ơi, hôm nay bé nhỏ, mai ta đã thấy rộng dài rực sáng, sánh vai
cùng Sài Gòn, Đà Nẵng yêu thương”. Từ thời bom đạn, đám trẻ nông
thôn như tôi quanh đi quẩn lại sống trong làng nhưng nghe nói mãi về Đà
Nẵng, tự dưng cảm thấy thân thương, định bụng sau này nước nhà thống
nhất, nếu có tiền, vào đó chơi một chuyến cho biết “Đà Nẵng yêu
thương” thế nào.
Rồi thành phố
sông Hàn cũng trở nên gần gũi hơn khi tôi có ông anh ruột, thương binh,
học Liên Xô về vào thẳng một mạch Đà Nẵng sinh sống, làm việc, phần
thì do tính bay nhảy của đàn ông, phần do bà xã (chị dâu tôi) diện
gia đình tập kết hồi hương. Thời nay làm gì còn “xuất giá tòng phu”
nữa mà “phu cư tại thê”, chồng theo vợ. Ông anh ở ven sông Hàn được
vài năm, ngoài Phòng có người giục về, ổng chỉ kết luận ngắn gọn
“thành phố đáng sống” rồi cư miết tới giờ.
Thời ông Nguyễn
Bá Thanh cầm trịch Tourane mới, người ta và báo chí hay dùng mấy chữ
“thành phố đáng sống”. Thực ra cụm chữ này ông anh tôi đã phát minh
từ giữa thập niên 80, chỉ có điều anh em trong nhà nói mồm với nhau, không
đăng ký bản quyền nên vinh hoa người khác hưởng.
Buồn cười, hôm
giữa tháng 7 vừa rồi, anh em tụ tập về quê giỗ thày, ổng ở chơi vài
ngày lại vọt vào với sông Hàn, hôm trước hôm sau trúng ngay Đà Nẵng
bị cách ly xã hội. Giá chậm chút xíu nữa thì có phải thong dong như
tôi đang hút thuốc lào ngồi ngắm núi Trà Phương không nào. Cái số
khổ có muốn thoát cũng chả thoát được, hì hì.
Tôi quý Tourane
Đà Nẵng còn bởi có những người bạn tốt ngoài đó. Hôm rồi cả lũ
bạn đồng môn thời đại học rửng mỡ rủ nhau vào/ra Đồng Hới và Đà
Nẵng tí tởn. Lão bạn cũ ở Đồng Hới nguyên bí thư Quảng bọ đãi cả
bọn một chầu tơi bời. Ăn chơi chán chê, đám giặc lên xe vào giải
phóng kinh thành Huế, sau đó vượt hầm Phước Tượng lẫn hầm Hải Vân
vào giải phóng Đà Nẵng.
Công nhận thành
phố sông Hàn thật đẹp, ấn tượng, đáng yêu. Hai ngày ở Đà Nẵng mau
qua như chớp mắt. Là chỗ quen biết, “quân giải phóng” dừng chân ở
khách sạn Trường Sơn Tùng trông ra bãi biển Mỹ Khê. Có nhẽ đây là
một trong vài bãi biển đẹp sạch nhất nước. Chưa hết dịch Cô vít mà
người đông nghìn nghịt. Đủ kiểu bikini lẫn một mảnh, cứ hoa cả mắt.
Ngó gần gần
đó thấy khách sạn Mường Thanh cao vút, nghe đâu bị dọa cắt ngọn mãi
chưa xong. Chợt nhớ ai đó từng làm thơ về Mường Thanh, “tình xưa nghĩa cũ mặn nồng Mường
Thanh/cố lên các chị các anh/quê hương vẫy gọi sử xanh lưu truyền”,
hay biết đâu cắt ngọn nhà vướng phải thơ nên trục trặc mẻ cưa. Giá
mình biết làm thơ, mình cũng làm một bài về cái hô-ten Trường Sơn
Tùng, chả hạn “lần này mới đến
Trường Sơn/Tùng như gõ trống mừng rơn cả lòng”.
Tranh thủ thời
gian rỗi, lúc vẫy xe, lúc lội bộ, thăm thú đây đó vẻ đẹp của thành
phố sông Hàn. Thấy thích hơn cả Hà Nội, Sài Gòn, cả Hải Phòng quê
ta vốn chỉ biết ngẩng đầu. Phố phường Đà Nẵng phong quang, sạch sẽ,
khá thông thoáng, thích nhất là ít bị dây điện chằng chịt, khiến
bầu trời trở nên cao rộng trong xanh hơn.
Bần thần nghĩ,
dù đám cầm quyền thành phố này có mắc sai phạm nọ kia nhưng công lao
của họ cũng đừng nên phủi sạch. Có làm tất có sai. Đầy nơi cán bộ
cầm đầu thay nhau hết khóa này tới khóa khác, về nghỉ hạ cánh an
toàn, tiếng thơm tiếng tho nhưng cái nơi mà họ cai trị có được thay
đổi phát triển mấy đâu.
Hải Phòng quê
tôi là điển hình cho sự dậm chân tại chỗ ấy. Nay may có lão Lê Văn
Thành xi măng động cựa, chỉ mới một khóa nhưng đã để lại sản phẩm
đáng kể. Ông em tôi bảo, giả dụ tay Thành nó có ăn ti tí nhưng nó
làm được thế này thì cũng còn hơn chán vạn mấy đời cầm trịch cũ,
kể cả tay Thành đang ngồi chót vót trên bộ công an.
Tối, khề khà
trà lá, ông bạn tôi bảo hồi Thanh Niên mày chơi với thằng Xuân Anh
cũng thân kia mà. Nay nó thế, mình tới thăm nó mới ý nghĩa, mới hay.
Đúng vậy, từ chỗ đang ngồi đây tới đường Nguyễn Thái Học có là bao,
nhưng nghe nói nó đang đi đâu đó, không ở nhà.
Tôi quý Xuân
Anh, y làm quan đầu tỉnh nhưng chưa hề làm phách với bạn bè cũ bao
giờ. Hồi còn làm chung cơ quan, tôi thích y bởi y thẳng tính, thấy sai
là quật luôn, cả tôi y cũng quật. Có người bảo y dựa quyền thế cha
nên mới dám vậy nhưng tôi cho là không phải. Cái tính nết con người,
chỉ sống với nhau vài ngày đã có thể biết, huống hồ làm cùng nhau
gần chục năm giời.
Năm 2017, khi y
đã bị ông Trọng đuổi về làm dân, anh em gặp nhau tình cờ trên một
chuyến bay, y vẫn chủ động vồn vã như hồi nào, bảo khi nao có dịp
trở lại Đà Nẵng anh nhớ ghé nhà em chơi. Thiên hạ vốn lâu nay không
có cảm tình với đám quan chức, nên tôi biết tôi khen Xuân Anh Đà Nẵng
sẽ không được đồng tình cho lắm, nhưng với tôi, y vẫn là người bạn
tốt, người tử tế, một địa chỉ của thành phố sông Hàn.
Tôi yêu Đà
Nẵng, cả đất lẫn người. Đang viết dở vệt bài về thành phố hoa phượng
đỏ chưa xong, giờ ngắt quãng, có đôi lời với Đà Nẵng, cũng là cách
chia sẻ để cùng nó chống dịch.
NGUYỄN THÔNG 29.07.2020
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.