samedi 1 août 2020

Lưu Trọng Văn -Thủ tướng phải có lời xin lỗi


Nhà văn Nguyên Ngọc (thứ 5 từ trái), bỗng dưng bị "khai tử" trong diễn văn của thủ tướng.

Nhân 90 năm thành lập ngành Tuyên giáo, Thủ tướng có bài phát biểu chào mừng tại buổi gặp mặt văn nghệ sĩ có đoạn như sau: 

« Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, không ít văn nghệ sĩ ngã xuống chiến trường trong tư thế người chiến sĩ như nhà văn Anh Đức, Nguyễn Thi, Nguyễn Sáng, Phan Tứ, Nguyễn Trung Thành, Trần Hiếu Minh, Lê Anh Xuân, Dương Thị Xuân Quý … » 

Anh Đức (bút danh của Bùi Đức Ái), Phan Tứ ( bút danh của Lê Khâm), Nguyễn Sáng (bút danh của Nguyễn Quang Sáng), Trần Hiếu Minh( bút danh của Nguyễn Văn Bổng ) đều không chết trong chiến tranh. 

Anh Đức và Nguyễn Quang Sáng cùng mất năm 2014, Phan Tứ mất năm 1995, Nguyễn Văn Bổng mất năm 2001, đều cách cột mốc 1975 rất xa.

Bốn nhà văn trên đều rất nổi tiếng và đều được Giải thưởng Hồ Chí Minh với các tác phẩm Hòn Đất, Chị Tư Hậu, Cánh đồng hoang, Chiếc lược ngà, Mẫn và tôi, Rừng U Minh, Con trâu ...viết về chiến tranh ở miền Nam, mà bất cứ ai quan tâm tới văn hóa đọc và nền văn học hiện đại thời chống Mỹ và là học sinh phổ thông đều biết.

Đó là chưa kể :

Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Phan Tứ, Nguyễn Văn Bổng vẫn luôn xuất hiện cùng các tác phẩm và các hoạt động văn học nghệ thuật trên tivi, báo chí, sách vở sau 1975 ; bất cứ ai thường xuyên xem tivi, đọc báo đều biết.

Đó là chưa kể:

Hầu như bất cứ ai sinh ra, lớn lên ở đất học truyền thống Quảng Nam không thể không biết và tự hào về nhà văn đồng hương Phan Tứ, cháu ngoại của cụ Phan Châu Trinh để biết ông chết già hay hy sinh trong chiến tranh. Nhà văn Nguyễn Văn Bổng cũng quê Quảng Nam, từng là lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam và tổng biên tập báo Văn Nghệ rất nổi tiếng sau 1975.

Đặc biệt bất cứ lãnh đạo đảng và chính quyền Quảng Nam nào qua các thời kỳ cũng từng có mối quan hệ quen biết với nhà văn Nguyên Ngọc tác giả "Đất nước đứng lên", người thường xuyên có mặt ở những sự kiện truyền thống và văn hóa ở Quảng Nam, để tìm hiểu về Nguyên Ngọc - mà biết Nguyễn Trung Thành chính là bút danh của Nguyên Ngọc đang sống sờ sờ ở Hội An ở tuổi 89.

Để xảy ra lỗi nặng này, nhất là lỗi bảo người còn sống đã chết trước hết do kẻ ngu dốt nào đã viết phát biểu cho thủ tướng, dẫn ra 8 nhà văn hy sinh trong chiến tranh mà trật đến 5 người.

Sau đó là lỗi của thủ tướng, không ý thức được nguyên tắc "không được phát biểu, chỉ đạo những lĩnh vực vì lý do nào đó mình không am hiểu."

Thủ tướng cần cách chức ngay kẻ nào quá ngu dốt viết phát biểu cho thủ tướng vì làm tổn hại uy tín của thủ tướng nhất là thủ tướng đang ở tuyến đầu vất vả chỉ huy chống đại dịch.

Đồng thời không thể có cách khác là thủ tướng trực tiếp công khai xin lỗi gia đình nhà văn Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Phan Tứ, Nguyễn Văn Bổng và xin lỗi nhà văn Nguyên Ngọc vì nhầm lẫn ...chết người trên.

Khi đoàn xe của thủ tướng đi vào phố cổ Hội An gây dư luận, lập tức thủ tướng đã xin lỗi và nhận trách nhiệm về việc này. Dư luận đã cảm thông và chia sẻ.

Hy vọng lần này cũng vậy bởi vì việc chung trước mắt thủ tướng đang chỉ đạo đúng đắn quyết liệt chống đại dịch rất vất vả, người Dân sẵn sàng bỏ qua khi thủ tướng dũng cảm cầu thị thấy lỗi, nhận lỗi, xin lỗi.

Là chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch Quốc hội cũng là con người, vì vậy không phải việc gì cũng biết đó là lẽ đương nhiên.

Vấn đề sẽ không còn là đương nhiên nếu chính các vị ở vị trí trên không ý thức được điều đó.

LƯU TRỌNG VĂN 01.08.2020

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.