Đậu nành chiếm một nửa số nông sản Mỹ bán qua Trung Quốc. (Hình:
STR/AFP via Getty Images)
|
(Người Việt 21/01/2020) Tập Cận Bình không qua Washington, cũng
không mời Donald Trump sang Bắc Kinh ký thỏa hiệp hưu chiến thương mại “Đợt Một.”
Họ Tập cử một phó thủ tướng, thay vì thủ tướng, đến ký kết với ông tổng thống Mỹ.
Tập Cận Bình muốn cho thế giới thấy ông
ta không coi chuyện này quan trọng lắm!
Bởi vì Bắc Kinh khó giữ được đúng những lời
hứa hẹn. Trung Cộng có thể rút ra khỏi bản thỏa hiệp bất cứ lúc nào, và đổ lỗi
cho Mỹ!
Một điều khoản quan trọng trong thỏa ước
về mua nông phẩm của Mỹ thòng vào một câu này: Theo giá thị trường, và theo
đúng các quy luật của WTO, Tổ Chức Thương Mại Thế Giới.
Ngay sau khi Lưu Hạc ký kết với Donald
Trump và trở về ngân hàng, ông ta tuyên bố: “Trong cuộc thương thuyết, chúng
ta kiên quyết đòi hai điều quan trọng, một là không làm phương hại đến quyền lợi
các nước khác, hai là theo sát các quy tắc của WTO.”
Nếu theo đúng WTO thì Trung Cộng không thể
mua đậu nành của Mỹ nếu có những nước khác bán với giá thấp hơn.
Ngày Thứ Ba, 21 Tháng Giêng, 2020, Li
Xingqian, giám đốc nha ngoại thương Trung Cộng, mới họp báo nhắc lại rằng: “Chúng
ta sẽ mua thêm hàng hóa của Mỹ trên căn bản các nguyên tắc của WTO và sẽ không
gây ảnh hưởng tới việc nhập cảng từ các nước khác.”
Trong bản thỏa hiệp hưu chiến, Trung Cộng
hứa mỗi năm sẽ mua $40 tỉ nông sản của Mỹ. Nếu Trung Cộng nhất định chỉ mua đậu
nành của Mỹ theo giá thị trường, thì họ sẽ có lý do để từ chối không mua đúng số
lượng đã ký kết.
Đậu nành chiếm một nửa số nông sản Mỹ bán
qua Trung Quốc trước khi Tổng Thống Trump khai chiến, Tháng Tư, 2018. Năm 2017,
Mỹ bán $24 tỉ nông sản cho nước Tàu, trong số đó đậu nành mang về hơn $12 tỉ.
Trong năm 2018, số đậu nành bán tụt xuống mất ba phần tư, chỉ còn hơn 3 tỉ, chiếm
một phần tư số nông sản bán cho Trung Quốc.
Trước khi khai chiến, giá mỗi thùng đậu
nành Mỹ là $10. Sau đó đã giảm xuống $9, và không lên được nữa, khiến các nhà
nông Mỹ thiệt hại. Nhiều trại chủ đã giảm bớt diện tích canh tác đậu nành.
Trong năm qua, sau khi thương chiến bắt đầu,
Trung Cộng đánh thuế nặng trên đậu nành mua từ Mỹ, các thương gia Tàu đã đi dạo
mua khắp nơi, Brazil chiếm được thị trường mới. Cho đến nay, các nhà buôn Trung
Quốc đã ký hợp đồng nhập cảng một nửa số đậu nành cần dùng trong thời gian tới.
Phần lớn họ mua từ Brazil, đúng lúc năm nay đậu nành đang được mùa, hàng sắp
giao trong Tháng Hai, 2020. Và các trại chủ đã khai phá thêm mở nông trại mới
khi thấy khách hàng Trung Quốc đến, và họ sẽ hạ giá khi số đậu nành sản xuất
tăng thêm.
Giá đậu nành của Mỹ không thể cạnh tranh
với giá của Brazil. Tháng Chín năm ngoái, khi Bắc Kinh tỏ thiện chí bằng cách
miễn thuế quan trên đậu nành mua của Mỹ, thì giá hàng Mỹ đã cao hơn giá của
Brazil rồi.
Trong khi đó, nhu cầu mua đậu nành của nước
Tàu sẽ giảm trong năm nay. Đậu nành nhập cảng dùng để nuôi heo, mà nước Tàu
nuôi một nửa số heo trên thế giới. Những bệnh dịch đang lan tràn làm chết một nửa
số heo ở bên Tàu. Hơn nữa, kinh tế Trung Quốc đang trì trệ, người tiêu thụ cũng
không còn tiền mua thịt heo nhều như trước.
Trước các vấn đề đó, nhu cầu ở nước Tàu
xuống thấp trong khi giá đậu nành của Mỹ vẫn cao hơn giá của các nước khác,
không biết làm cách nào ông Tập Cận Bình giữ đúng lời hứa mua thêm đậu nành của
Mỹ trong lúc ông vẫn đòi phải theo quy tắc tự do cạnh tranh, theo các quy luật
của WTO!
Các trại chủ trồng đậu nành ở Mỹ đang lo
vì mất thị trường Trung Hoa, các khách hàng cũ của họ đã đi ký hợp đồng mua từ
những nước khác. Những nhà buôn mua nông phẩm không thể thay đổi nguồn cung cấp
nhanh chóng như buôn quần áo hay xe hơi. Trong nghề nông, người ta phải làm kế
hoạch sản xuất hằng năm trước. Người bán phải yêu cầu người mua ký những hợp đồng
dài hạn, trước khi mở rộng nông trại sản xuất hàng bán.
Cho nên khi các nông gia mất một phần thị
trường, họ biết khó lấy lại trong một thời gian ngắn! Nông gia Mỹ đã mở cửa thị
trường Trung Quốc và bành trướng trong hai thập niên qua. Bây giờ muốn chiếm lại
địa vị cũ cũng khó khăn, ngay cả sau khi hai chính phủ tuyên bố hưu chiến!
Thị trường đã nhìn thấy những vấn đề này,
mà các nhà ngoại giao không để ý khi thương thuyết. Đáng lý ra, khi hai nước ký
thỏa hiệp trong đó Bắc Kinh hứa mua thêm nhiều đậu nành của Mỹ thì giá đậu nành
phải tăng. Nhưng ngược lại, ngày Thứ Tư tuần trước, khi hai ông Trump và ông
Lưu Hạc ngồi ký kết thì giá đậu nành trên thị trường Mỹ đã tụt giảm.
Ông Roger Johnson, chủ tịch Hiệp Hội Nông
Gia Toàn Quốc (National Farmers Union), khen ngợi bản thỏa hiệp hưu chiến “Đợt
Một” của Tổng Thống Trump, vì “sau bao nhiêu tháng căng thẳng mà không biết
tương lai thế nào, hai chính phủ đã ngồi lại là một tin mừng.” Nhưng ông
nói thêm, “Với kinh nghiệm bao nhiêu thỏa hiệp đã ký rồi lại xóa trong các
năm qua, chúng tôi còn nghi ngại. Khi chưa có các chi tiết cụ thể thì chúng tôi
lo rằng tất cả những cái đau do cuộc chiến tranh thương mại gây ra không đáng để
gây chiến.”
Điều ông Johnson lo ngại hơn cả là
“không những cuộc chiến thương mại làm các trại chủ thiệt hại bao nhiêu tỉ đô
la vì không bán được hàng qua Trung Quốc, mà tiếng tốt của chúng ta còn bị sứt
mẻ, khi thế giới nghi ngại không biết sau này còn mua bán với chúng ta nữa hay
không.”
Tập Cận Bình đã thủ sẵn một món võ để đối
đầu với Mỹ khi không thể mua đủ số nông sản như đã ký kết.
Trong bản thỏa hiệp có những khoản Bắc
Kinh nhượng bộ Mỹ có những chi tiết nói về hành động Bắc Kinh phải thi hành
nhưng tất cả đều viết một cách mơ hồ để hiểu rằng những quy tắc đó cũng áp dụng
cho phía Mỹ. Như vậy thì bất cứ lúc nào Trung Cộng cũng có thể đòi hỏi thêm các
việc chính phủ Mỹ phải thi hành, giống như chính họ đã làm.
Bản thỏa hiệp ghi các biện pháp giải quyết
khi bất đồng ý kiến. Mỗi bên có thể kiện bên kia đã không làm đúng thỏa hiệp,
và nếu không chấp nhận phương pháp giải quyết mà bên kia đề nghị thì mỗi bên có
quyền đánh trả đũa bằng các đòn thương mại khác mà bên kia không được đánh trả
lại! Nếu không, coi như không còn thỏa hiệp nào nữa!
Có lẽ chưa có một bản thỏa hiệp thương mại
nào lại chứa đầy nghi ngờ và dễ tan vỡ như vậy! Nhưng đó là thế thủ của Tập Cận
Bình. Họ Tập biết không thể nào nuốt hết số đậu nành hứa mua! Tập đã thủ sẵn
món võ “thị trường cạnh tranh theo quy luật của WTO.”
Khi các nhà buôn Trung Quốc từ chối không
mua đậu nành của Mỹ, vì không có nhu cầu, và giá quá đắt, chính phủ Mỹ sẽ phải
đánh trả đũa bằng các món quan thuế mới đánh trên hàng Trung Quốc. Tập Cận Bình
sẽ tố cáo rằng chính nước Mỹ đã vi phạm và xóa bỏ bản thỏa ước hưu chiến “Đợt Một!”
NGÔ NHÂN DỤNG
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.