Đăng ngày:
Nền dân chủ Đài Loan không hề muốn tự sát với « nhất quốc, lưỡng chế »
Tháng
trước, những người trẻ đấu tranh cho dân chủ đã chiến thắng trong cuộc
bầu cử địa phương ở Hồng Kông, giáng một đòn nặng nề cho các nhà lãnh
đạo Bắc Kinh vẫn ngỡ rằng « đa số thầm lặng » sẽ xuất hiện sau
sáu tháng xung đột ngày càng bạo lực. Ngày 11/01/2020, chính tại Đài
Loan mà Bắc Kinh một lần nữa có thể sẽ gánh thêm một thất bại mới.
Đài
Loan, hòn đảo chỉ có 23 triệu dân đối đầu với người khổng lồ 1,4 tỉ
dân, nền kinh tế thứ nhì thế giới. Vào thời chiến tranh lạnh, cả Đài
Loan lẫn Trung Quốc đều độc tài, một bên là Cộng sản, một bên thân Mỹ.
Nhưng từ thập niên 90, Đài Loan đã thành công đáng nể trong việc chuyển
đổi thành chế độ dân chủ, và nay trở thành một trong những xã hội tự do
nhất châu Á.
Đài Loan, đứng nhất hay nhì châu lục, tùy theo năm,
trong bảng xếp hạng tự do báo chí của Phóng viên Không biên giới (RSF) ;
nước châu Á đầu tiên hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính, nhiều xu hướng
dân chủ… Trong khi đó, Trung Quốc đi con đường ngược lại, với chế độ độc
tài đảng trị khắc nghiệt.
Nếu hồi năm 1949, Đài Bắc muốn « tái chinh phục »
lục địa đã rơi vào tay quân Cộng sản, thì ngày nay Bắc Kinh muốn thu
hồi Đài Loan. Cuộc bầu cử tổng thống ngày 11/01 tới sẽ là một thử nghiệm
về tình cảm người dân đối với Trung Quốc, và mọi thứ đều do Tập Cận
Bình mà ra.
Năm 2018, đảng Dân Tiến của bà Thái Anh Văn đã thất
bại trong cuộc bầu cử địa phương, khiến cơ hội tái đắc cử nhiệm kỳ thứ
hai trở nên mong manh. Nhưng đến tháng Giêng 2019, Tập Cận Bình có bài
phát biểu đầy hung hăng, chỉ cho người dân Đài Loan chọn một trong hai
con đường. Hoặc thống nhất hòa bình theo quy chế « Một đất nước, hai chế độ » theo kiểu Hồng Kông, hoặc bằng vũ lực ! Sau bài diễn văn này, tỉ lệ ủng hộ bà Thái Anh Văn tăng trở lại.
Nhưng
chính từ khi khởi đầu phong trào phản kháng ở Hồng Kông tháng 06/2019
mà nữ tổng thống mãn nhiệm trở thành khó thể đánh bại, trước đối thủ
Quốc dân đảng thân Bắc Kinh. Tại Đài Bắc, tất cả những người mà tác giả
bài viết gặp gỡ đều cho biết đã quyết định bầu cho bà Thái Anh Văn khi
liên tưởng đến Hồng Kông, cho dù họ có bất đồng về những chủ đề khác hay
về kết quả nhiệm kỳ đầu.
Nền dân chủ Đài Loan vẫn sống động và
không hề có ý định tự sát, cũng như thử nghiệm một quy chế mà người Hồng
Kông đã tố cáo sự phá sản. Ông Tập Cận Bình với sự không khoan nhượng
của mình rốt cuộc có thể giúp kẻ thù tái đắc cử, cho dù ông vẫn có đủ
phương tiện để gây áp lực lên đảo quốc.
Cuộc bầu cử tổng thống Đài
Loan sẽ củng cố thêm sự gắn bó của người dân với nền dân chủ của mình,
và các cuộc thăm dò cho thấy chỉ có 10% dân Đài Loan muốn thống nhất với
« mẫu quốc ». Đó là dấu hiệu thất bại của quyền lực mềm Trung Quốc, và
là thông điệp của những lá phiếu ngày 11/1 tới tại Đài Loan.
« Nhờ » Trung Quốc hung hăng, bà Thái Anh Văn có thể tái đắc cử
The Economist có cùng nhận định « Tổng thống vốn nghi ngại Trung Quốc, bà Thái Anh Văn có thể thắng cử lần nữa ».
Tờ
báo điểm lại : từ năm 2000 đến nay, đảng Dân Tiến đã thắng ba lần trong
cuộc bầu cử tổng thống, Quốc dân đảng hai lần. Còn Quốc hội thường do
các phe thân Trung Quốc kiểm soát, cho đến năm 2016, lần đầu tiên Dân
Tiến giành được cả ngôi vị tổng thống lẫn phe đa số trong Quốc hội.
Việc
bà Thái ủng hộ người biểu tình Hồng Kông có thể làm tăng cơ may thắng
cử, bên cạnh đó sự kiện Mỹ nói không với công nghệ Trung Quốc cũng mang
lại thế mạnh cho bà. Các tập đoàn công nghệ Đài Loan không muốn gánh lấy
rủi ro bị mất thị trường phương Tây nếu đứng về phía Bắc Kinh. Một số
còn dịch chuyển sản xuất từ Hoa lục sang các nước Đông Nam Á hoặc về Đài
Loan. Ít gắn bó với Trung Quốc, họ sẽ quan tâm đến Dân Tiến hơn.
"Nhất quốc lưỡng chế, thống nhất Trung Quốc" |
Tổng
thống Thái Anh Văn thường đả kích Trung Quốc. Trong một cuộc tranh luận
truyền hình, bà đọc lá thư của một thanh niên Hồng Kông : « Tôi mong người Đài Loan đừng tin Trung Quốc Cộng sản, đừng rơi vào bẫy tiền của họ ».
Bà cũng tự hào kinh tế Đài Loan dưới thời đảng Dân Tiến đã tăng trưởng,
sau khi bị suy thoái lúc Quốc dân đảng cầm quyền trước đó.
Một
số cử tri có thể không cảm thấy thuyết phục, vì tiền lương vẫn đứng
nguyên một chỗ từ hai thập niên qua. Những người nghèo, người già có xu
hướng ủng hộ ông Hàn Quốc Du. Ông này nhắc lại thời kỳ kinh tế bùng nổ
những năm 70 và 80 với chính quyền Quốc dân đảng, nhưng tránh nói thời
đó Đài Loan dưới chế độ độc tài, độc đảng.
The Economist
cảnh báo về bầu cử Quốc Hội : nếu đảng Dân Tiến mất quyền kiểm soát
(hiện nay đảng này chiếm 68/113 ghế), Quốc dân đảng có thể chận các dự
luật mà Bắc Kinh không ưa, như luật hôm 31/12 chống sự can thiệp của
Trung Quốc. Bắc Kinh cũng tố cáo luật này nhưng cố kềm chế để tránh làm
lợi cho bà Thái.
Sau khi Thái Anh Văn đắc cử năm 2016, Trung Quốc
thường xuyên diễu võ dương oai, chẳng hạn cho oanh tạc cơ bay vòng
quanh hòn đảo, dụ dỗ bảy đồng minh của Đài Bắc cắt đứt quan hệ. Nhưng từ
giữa năm 2019 không thấy chiến đấu cơ bay sang nữa. Là người thực dụng,
nếu tái đắc cử, bà Thái vẫn cố tránh xung đột quân sự. Tuy nhiên, nếu
Mỹ tiếp tục củng cố mối quan hệ không chính thức với Đài Bắc, như vụ bán
66 phi cơ F-16 mới đây, tuần báo Anh cho rằng một ngày nào đó Bắc Kinh
sẽ mất kiên nhẫn.
Mỹ-Trung : Cuộc chia ly quan trọng nhất thế giới đang diễn ra
Cũng về Trung Quốc nhưng trong quan hệ với Hoa Kỳ, The Economist khuyến cáo « Đừng bị lừa trước thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung »
giai đoạn 1. Thỏa thuận khiêm tốn này không thể che đậy được sự rạn nứt
trầm trọng nhất trong quan hệ đôi bên, kể từ khi hai ông Richard Nixon
và Mao Trạch Đông bắt tay nhau cách đây nửa thế kỷ.
Mối đe dọa
của một Trung Quốc độc tài, công nghệ cao đối với phương Tây là quá rõ,
các công ty về trí tuệ nhân tạo Trung Quốc cũng như các gu-lắc Tân Cương
là những cảnh báo cho toàn cầu.
Cội rễ có từ 20 năm trước, khi
Trung Quốc được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001.
Người ta mong rằng Bắc Kinh sẽ tự do hóa nền kinh tế và có thể cả chính
trị, hội nhập dần vào một trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo. Nhưng ảo vọng
này đã tan tành. Phương Tây đối mặt với khủng hoảng tài chính và thu
mình lại, còn Trung Quốc giàu có lên, muốn áp đặt các quy tắc cho thương
mại toàn cầu, xây dựng các căn cứ quân sự ở Biển Đông, can thiệp vào
cộng đồng 45 triệu người Hoa ở các nước và đe dọa những tiếng nói chỉ
trích từ bên ngoài.
Tổng thống Donald Trump đáp trả bằng chính
sách đối đầu được lưỡng đảng ủng hộ. Tuy nhiên, Washington vẫn chưa có
được đồng thuận về mục tiêu - làm giảm thâm hụt thương mại hay rộng lớn
hơn về địa chính trị, ngăn chận sự bành trướng của Trung Quốc ? Về phía
Tập Cận Bình, khi thì kêu gọi tự cung tự cấp, lúc khác lại nhấn mạnh
toàn cầu hóa ; trong lúc Liên hiệp Châu Âu không chắc mình là đồng minh
của Mỹ, đối tác của Trung Quốc hay siêu cường mới bắt đầu thức tỉnh.
Thỏa
thuận Mỹ-Trung giai đoạn 1 vẫn giữ nguyên đa số thuế quan, tạm gác
những bất đồng sâu sắc nhất để giải quyết sau. Mục đích chiến thuật của
ông Trump là hỗ trợ nền kinh tế Mỹ trong năm bầu cử, còn Trung Quốc vui
mừng « câu » được thêm giờ. Mỗi bên đều cố gắng hạn chế ảnh hưởng của
nhau, nhưng việc này rất phức tạp, vì hai siêu cường đang bị buộc chặt
vào nhau.
Đa số các dụng cụ điện tử của Mỹ được lắp ráp tại Trung
Quốc, còn các công ty công nghệ Trung Quốc phụ thuộc các nhà cung cấp
phương Tây đến 65% trong điện toán đám mây và 90% về chất bán dẫn. Phải
mất 10-15 năm nữa, Bắc Kinh mới có thể tự chủ được về chip máy tính, và
ít nhất một thập niên nữa về giao dịch ngoại hối, vì đồng nhân dân tệ
chỉ mới chiếm tỉ lệ 2% trong thanh toán quốc tế.
Một ngôi nhà gần Tripoli bị trúng bom ngày 30/12/2019. |
Châu Âu đứng nhìn Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tung hoành tại Libya
Nhìn sang Bắc Phi, bài xã luận của Le Point nhận định về « Cuộc chiến của Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ở Libya chống lại châu Âu ». Cũng như Syria, châu Âu đang phải đứng ngoài nhìn một thảm họa đang lan rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của mình.
Tám
năm sau cái chết của Mouammar Kadhafi, Libya trở thành chiến trường của
các cường quốc. Tình hình ngày càng giống với thảm kịch Syria : các thế
lực trong nước không tìm được tiếng nói chung, quốc tế hóa cuộc chiến
trên cơ sở Mỹ rút lui, có cùng các nhân tố nước ngoài là Matxcơva và
Ankara - nay không ngần ngại can dự trực tiếp vào sân khấu Libya. Châu
Âu phải đóng vai khán giả, trong khi Libya có tầm quan trọng hơn hẳn
Syria.
Trước hết, Libya là nhà cung cấp dầu lửa, có trữ lượng lớn
nhất châu Phi. Lãnh thổ rộng lớn của nước này là điểm trung chuyển của
di dân Phi châu vào cựu lục địa, và là hậu cứ cho thánh chiến đang làm
bất ổn vùng Sahel. Pháp, Anh từng đi đầu trong cuộc can thiệp quân sự
của NATO vào Libya năm 2011, để cứu người dân vùng nổi dậy khỏi bị
Kadhafi thảm sát, nhưng sau đó không có nỗ lực cần thiết để áp đặt một
giải pháp chính trị.
Libya từ sau cuộc bầu cử 2014 nằm trong tay
hai phe đối địch. Ở miền tây là chính phủ Tripoli được Liên Hiệp Quốc
công nhận, được Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ. Còn ở miền đông là chính
quyền của thống chế Khalifar Haftar, được sự hỗ trợ của Nga, Các Tiểu
Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Ả Rập Xê Út và Ai Cập.
Ông Haftar
khởi động cuộc nội chiến tháng 4/2019, tấn công Tripoli với hy vọng
giành được Ngân hàng Trung ương đang rủng rỉnh tiền từ dầu lửa, làm hơn
1.000 người chết và 120.000 thường dân phải di tản. Nga làm lợi thế
nghiêng về Haftar với việc điều mấy trăm lính đánh thuê của công ty tư
nhân Wagner, thân cận với Putin, và mới đây cả quân đội chính quy Nga
đến giúp. Thấy phe mình bị đe dọa, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cũng
gởi quân sang.
Thổ Nhĩ Kỳ vừa ký được với Tripoli hiệp định ranh
giới trên biển, dòm ngó các mỏ khí bị Hy Lạp và Chypre đòi hỏi chủ
quyền. Còn Nga theo đuổi nhiều mục tiêu : đặt một chân vào phía nam Đại
Tây Dương, làm suy yếu Liên hiệp Châu Âu, kiểm soát dầu lửa Libya để
khống chế nguồn năng lượng cho châu Âu. Bảo vệ quyền lợi của mình,
Ankara và Matxcơva có biết tránh được một cuộc xung đột tại Libya hay
không ? Hai ông Erdogan và Putin sẽ gặp nhau trong tháng Giêng. Có một
điều đã là chắc chắn : nếu họ thỏa thuận được với nhau, thì đều bất lợi
cho châu Âu.
Đơn giản hóa cuộc sống thực và ảo
Trên lãnh vực xã hội, hồ sơ của L’Obs
cho rằng dọn dẹp đồ đạc trong các ngăn tủ, giảm bớt các cuộc hẹn hò,
không vào mạng xã hội, dành thời gian cho riêng mình… là giải pháp tốt
cho dịp đầu năm. Tự giải thoát khỏi những gì không cần thiết để tập
trung vào những vấn đề chính yếu, đã trở thành một nghệ thuật sống.
Nhà
xã hội học Razmig Keucheyan điều tra ra rằng một người Đức, và nói rộng
ra là người châu Âu, sở hữu trung bình đến 10.000 đồ vật. Thế nên không
có gì đáng ngạc nhiên khi số lượng các buổi « vide-grenier » (bán lại
đồ cũ) nở rộ, các kênh buôn bán những món đồ đã qua sử dụng làm ăn phát
đạt : mỗi ngày có 800.000 lời rao trên trang Leboncoin của Pháp. Tuy
nhiên bán ra bao nhiêu thì người ta mua lại bấy nhiêu ! Còn trong đời
sống ảo, nhiều người cũng đã « thấm mệt về cuộc sống trên mạng » với vô số thông tin, tin nhắn… dồn dập hàng ngày.
Tựa chính các tuần báo
Trong tuần lễ đầu năm dương lịch, Courrier International vẫn còn nghỉ lễ. Chủ đề của L’Obs xoay quanh việc « Dọn sạch » những vật dụng không cần thiết, ngắt kết nối mạng xã hội… để đầu óc được nhẹ nhàng, tự bằng lòng với những nhu cầu tối thiểu. Le Point nói về « Những lãnh địa mà đạo Hồi đã chinh phục được », L’Express chạy tựa « Albert Camus, Thần tượng Pháp », đăng chân dung nhà văn, nhà báo nổi tiếng đã qua đời cách đây đúng 60 năm, ngày 04/01/1960 vì tai nạn xe hơi. Trang bìa The Economist
đăng ảnh một quả địa cầu có hai cực, một bên có nền đỏ với sáu ngôi sao
vàng, bên kia là màu cờ Mỹ với những sọc trắng đỏ và những ngôi sao nhỏ
trên nền xanh, chơi chữ « Nghịch lý ».
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.