GS Nguyễn Xiển, tổng thư ký đảng Xã hội (giữa) bên cạnh chủ tịch nước Hồ Chí Minh và phó chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Quốc hội năm 1958. |
Cùng số phận với
đảng Dân chủ là đảng Xã hội, cũng kết cục “tự
nguyện chấm dứt”, “hoàn thành nhiệm
vụ” vào năm 1988.
Bao nhiêu công
lao, đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, đấu tranh giải phóng dân tộc, nhưng khi
chim đã hết, thỏ đã không còn thì cung bị bẻ, chim ưng bị giết. Thứ quy luật
tàn bạo ấy tưởng bị chôn vùi vào mồ ma phong kiến, ai ngờ nó vẫn duy trì trong
một xã hội được coi là dân chủ, tự do.
Đảng Xã hội thành
lập sau Cách mạng tháng 8, cụ thể năm 1946. Tới khi tôi biết thì chỉ nghe tên
ông Nguyễn Xiển, chứ trước đó, cùng thời với ông Xiển là một loạt những tên
tuổi hiển hách, như ông Phan Tư Nghĩa (Tổng thư ký đầu tiên), Hoàng Minh Giám,
Nguyễn Văn Huyên, Võ Nguyên Giáp, Phan Anh…
Sở dĩ có cả đảng
viên cộng sản tham gia bởi thời điểm đó đảng cộng sản đã mưu mẹo dùng chước
thoát xác “tự giải tán”. Đảng Xã hội
tập hợp những trí thức đáng kính, cũng như đảng Dân chủ, lấy mục tiêu đấu tranh
giải phóng dân tộc, dân chủ làm đích hoạt động. Nó đã sát cánh cùng đảng Cộng
sản và các chính đảng khác, cùng đông đảo nhân dân tiến hành cuộc kháng chiến
chống Pháp đến thắng lợi.
Hòa bình lập lại,
với chủ trương đa đảng, tập hợp tất cả các lực lượng yêu nước, cụ Hồ vẫn chấp
nhận các đảng ngoài Cộng sản, chia ghế cho lãnh tụ các đảng. Dù thừa hiểu, chức
tước, địa vị này nọ cũng chỉ cốt tô vẽ cho đảng Cộng sản thôi nhưng dẫu sao nhà
cai trị vẫn ít nhiều có sự tôn trọng những đảng chính trị khác tư tưởng quan
điểm học thuyết với mình.
Đọc báo hay nghe
đài, tôi luôn được biết ông Nghiêm Xuân Yêm – Tổng thư ký đảng Dân chủ, ông
Nguyễn Xiển – Tổng thư ký đảng Xã hội (hai đảng này thủ lĩnh cao nhất là chức
Tổng thư ký) đều giữ chức Phó chủ tịch Quốc hội. Chủ tịch là ông Trường Chinh.
Người lớn thời ấy vẫn đùa với nhau, hai ông phó này chỉ có nhiệm vụ long trọng
viên, ngồi cho vui thôi, chứ Quốc hội vốn đã chả có vai trò gì, vả lại ông
Trường Chinh cầm trịch thì phó hay không phó cũng vậy.
Năm 1988, khối
các nước xã hội chủ nghĩa bị lung lay dữ dội, nguy cơ tan rã không tránh khỏi.
Bắt đầu từ Ba Lan với công đoàn Đoàn kết (một tổ chức chính trị đối lập đàng Cộng
sản) đầu thập niên 80, sau đó lan rộng sang các nước Tiệp Khắc, Hungary,
Romania, Đức, các nước vùng Baltic thuộc Liên Xô, sau nữa là chính Liên Xô.
Sự độc quyền lãnh
đạo của đảng Cộng sản bị đe dọa, xã hội đa đảng ngày càng thắng thế, dân chúng
càng chán đảng Cộng sản và hướng niềm tin, niềm hy vọng sang các chính đảng
khác, huyệt mộ đào sẵn để chôn đảng độc tôn ngày càng nhiều. Và như chúng ta đã
chứng kiến, đảng Cộng sản bị hất thẳng cánh ra khỏi vũ đài chính trị, ném vào
sọt rác lịch sử. Có nơi nó bị cấm tiệt, lôi ra ngoài vòng pháp luật, có nơi nó
cố hắt hơi thở tàn trong cơn hấp hối dai dẳng. Dù gì đi chăng nữa, nó đã chấm
dứt vai trò lịch sử, sau nhiều năm làm mưa làm gió, gây nhiều tội ác, kéo lui
lịch sử loài người.
Ở xứ ta những năm
ấy, nhà cai trị, tức đảng Cộng sản giật mình. Trông người lại ngẫm đến ta, “thấy người nằm đó biết sau thế nào”, họ
liền vội ra tay, quyết không để sự đa đảng là mối đe dọa, là mầm gây họa. Nhìn
qua nhìn lại, thấy kẻ nguy hại cụ thể nhất là đảng Dân chủ và đảng Xã hội. Dùng
biện pháp cấm đoán, giải tán, tiêu diệt thì kể cũng kỳ, khó tránh khỏi lời ra
tiếng vào.
Với mưu mô đầy
mình, các lãnh tụ cộng sản, những ông Lê Duẩn, Lê Đức Thọ trước đó, Trường
Chinh, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười… về sau, đã dùng kế bàn tay sắt bọc nhung, đánh
không để lại dấu tích. Họ yêu cầu lãnh tụ các đảng, thì những ông Nghiêm Xuân
Yêm, Nguyễn Xiển chứ ai, phải ra bản tuyên bố tự giải thể sau khi đã hoàn thành
nhiệm vụ lịch sử. Buồn cười là hai đảng cùng “tự nguyện” một lúc, cùng hoàn thành nhiệm vụ. Thực ra không tự
nguyện cũng không được, nếu không muốn mất mạng, tù tội như ông Hoàng Minh
Chính sau này.
Trong cái kết bi
hài ấy, có chi tiết đáng ghi nhận. Tôi khi vào đại học, được nghe các thầy tôi
kể ông Nguyễn Xiển “tự nguyện” xong
thì được gợi ý làm đơn xin gia nhập đảng Cộng sản. Cụ Xiển, vị giám đốc tài
giỏi lừng lẫy của đài thiên văn Phù Liễn (Kiến An) quê tôi thời Pháp, nhất
quyết không vào. Đó là sự tự trọng, nhân cách của kẻ sĩ gặp thời buổi nhố
nhăng.
(còn tiếp)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.