Trong lịch sử
Việt Nam thời hiện đại, có những khuất khúc mà cứ theo như công bố của nhà cầm
quyền thì người ta chỉ thấy được phần bên ngoài, hoàn toàn khác xa với nội
dung, tức là sự thật lịch sử.
Điều đáng buồn,
nếu đó chỉ là những tuyên truyền, thông tin vụ lợi nhằm mục đích bảo vệ sự cai
trị thì đã đi một nhẽ. Đằng này họ coi đó là chính sử, ép mọi người phải tin
theo, nhồi vào đầu óc những thế hệ sau sự mập mờ, méo mó, lừa đảo. Và cũng đáng
buồn nữa ở chỗ những nhà chép sử không có ai mang tinh thần của người làm sử
chân chính, cam chịu để cường quyền bôi ma bôi mèo, xuyên tạc lịch sử nước nhà.
Thế hệ tôi, sinh
giữa thập niên 1950 được chứng kiến, mắt thấy tai nghe, thậm chí trải qua cụ
thể nhiều sự kiện lịch sử bị ém theo kiểu khuất khúc ấy.
Trong loạt bài
này, tôi chỉ đề cập tới “sự tự nguyện” chấm
dứt, giải thể, “hoàn thành nhiệm vụ”
một số tổ chức, đoàn thể, cơ quan mà tôi đã biết.
Nhiều người đã
biết, sau cuộc cách mạng tháng 8.1945, thể chế chính trị xứ ta vẫn là đa đảng
mặc dù đảng cộng sản đã nắm quyền. Người chủ trương đa đảng, kêu gọi đoàn kết
dân tộc, không ai khác, chính là cụ Hồ. Tuy cộng sản đã tìm mọi cách triệt hạ
Quốc dân đảng, coi như kẻ thù, kẻ đối địch một mất một còn, nhưng với một số đảng
khác, cộng sản vẫn chấp nhận cùng tồn tại, mà tiêu biểu nhất là đảng Dân chủ và
đảng Xã hội, hai đảng trước kia đã từng kề vai sát cánh với đảng cộng sản, chia
lửa, chia sẻ khó khăn, cùng hướng tới mục đích giải phóng dân tộc, giành độc
lập tự do.
Đảng Dân chủ là
tổ chức chính trị của tầng lớp tư sản dân tộc, tiểu tư sản, trí thức, do những
trí thức yêu nước cầm đầu. Những tên tuổi nổi tiếng của đảng này như Dương Đức
Hiền, Nghiêm Xuân Yêm, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Đình Thi, Cù Huy Cận, Văn Cao,
Hoàng Minh Chính, Đỗ Đức Dục, Vũ Đình Hòe, Đặng Thai Mai, Tôn Quang Phiệt… Cũng
như mọi chính đảng, đảng Dân chủ có điều lệ, chính cương, đường lối, đảng kỳ,
cơ quan ngôn luận (báo Độc Lập).
Do người đứng đầu
là những trí thức yêu nước, có trình độ, có tâm với nước với dân, đảng Dân chủ
đã từng một thời là nét son trong đời sống chính trị Việt Nam. Về sau, một số
thành viên của đảng, hoặc là do cộng sản cài vào, hoặc được bạn tù cộng sản “giác ngộ”, hoặc cơ hội, đã nhảy sang
đảng cộng sản, như Cù Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Tôn Quang Phiệt, Ca Văn Thỉnh,
Trần Bửu Kiếm, Nguyễn Tấn Gi Trọng.
Ấn tượng rõ nhất
của tôi về đảng Dân chủ là ở hai người. Trước hết là ông Nghiêm Xuân Yêm. Ông
Yêm làm Tổng thư ký của đảng giai đoạn giữa. Hồi tôi thiếu nhi và thanh niên,
để ý thấy cứ mọi cuộc hội họp, lễ lạt, trên mọi bài báo, cứ nhắc tới đảng Dân
chủ là có ngay ông Nghiêm Xuân Yêm, bên cạnh ông Yêm là ông Nguyễn Xiển, Tổng
thư ký đảng Xã hội. Thày tôi bảo ông Yêm là vị trí thức đáng kính, kỹ sư canh
nông, ông được cụ Hồ trọng dụng cắt cử làm bộ trưởng Bộ Nông nghiệp để phát huy
hết sở học đóng góp cho đất nước.
Người thứ hai là
ông Hoàng Minh Chính. Thời tôi sinh viên, năm 1973, tôi nghe anh Bùi Trọng
Cường, một bậc đàn anh, bảo rằng “ông
Chính ghê lắm”. Hỏi ghê làm sao, anh thì thầm ông ấy dám chống lại cả đảng,
chống ông Lê Duẩn, Trường Chinh, Lê Đức Thọ. Bị đảng vu cho là xét lại chống
đảng (ông Chính vốn vào đảng cộng sản từ năm 1939), ông Chính bị đi tù. Nói
xong, anh Cường bảo nhưng đó mới là con người đáng ngưỡng mộ, tao phục ông ấy.
Những anh dám chống cả trời, coi thân mình nhẹ như hạt bụi đều đáng kính phục.
Ông Chính tù tây
tù ta đủ cả, nhưng bản lĩnh khí phách hơn người. Chế độ này hết giam lại thả,
thả lại giam, lôi ông ra tòa biết bao lần nhưng con người Hoàng Minh Chính vẫn
hiên ngang bất khuất, vẫn “hoành mi lãnh
đối thiên phu chỉ” (trợn mắt xem khinh nghìn lực sĩ). Thời thế nếu có đổi
thay, thì thành phố Hà Nội nên có con đường thật đẹp mang tên Hoàng Minh Chính.
NGUYỄN THÔNG 08.08.2018
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.