mardi 6 février 2018

Mùa này Huy Gơ, Gạc Ma vẫn nóng




Tàu cá Trung Quốc neo đậu cạnh bãi Huy Gơ. Ảnh Mai Thanh Hải
Đá Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa, là nơi diễn ra trận Hải chiến Trường Sa năm 1988. Sau khi sát hại 64 chiến sĩ Việt Nam, Trung Cộng đã chiếm đóng từ đó đến nay. Gạc Ma, phần đất thiêng liêng của Tổ quốc Việt trong tay giặc hiện nay ra sao ? Xin giới thiệu bài viết mới nhất trên báo Thanh Niên.
           
(Thanh Niên 05/02/2018) Trong toàn quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa), cụm đảo Sinh Tồn là 'tuyến đầu nóng bỏng,' bởi có hai bãi đá bị Trung Quốc chiếm đóng từ đầu năm 1988, và hiện đã xây dựng trái phép thành đảo nhân tạo, đặt căn cứ liên hợp.

Đó là hai bãi Gạc Ma và Huy Gơ, chỉ cách điểm đóng quân của bộ đội Lữ đoàn 146 trên dưới 10 km đường chim bay.

Sinh Tồn Đông không ngủ

Buổi sáng ngày cuối tháng 1.2018, chúng tôi theo tàu 996 của Hải đội 411, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân di chuyển từ đảo Sinh Tồn sang đảo Sinh Tồn Đông để làm nhiệm vụ thay thu quân, cấp hàng tết cho bộ đội Lữ đoàn 146 đang đóng quân tại đây. Đi được hai phần ba quãng đường 26 km từ phía tây bắc sang đông, phía trái mạn tàu dần xuất hiện rõ tòa nhà cao tầng màu trắng toát do Trung Quốc mới xây dựng trên bãi đá Huy Gơ.

Đại tá Nguyễn Văn Dân, nguyên Phó tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân, kể: Đá Huy Gơ hay còn gọi là Đá Tư Nghĩa (tiếng Anh là Hughes Reef, phía Trung Quốc tự đặt tên là Dongmen Jiao - Đông Môn tiêu) là bãi đá san hô chỉ nổi lên khi thủy triều xuống, bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép cuối tháng 2.1988 và sau đó xây dựng một tòa nhà hai tầng cùng các công trình cho binh lính đóng giữ.

Từ cuối năm 2013, phía Trung Quốc tập trung các tàu thuyền khổng lồ chuyên chở vật liệu xây dựng, bơm hút nghiền san hô và phun lên bãi đá hình thành đảo nhân tạo, sau đó xây dựng cơ sở hạ tầng.

Hải đăng trên bãi Gạc Ma (trái)
Diện tích đảo nhân tạo khoảng 9,5 ha với luồng ra vào ở phía đông bắc đảo, dài gần 900 m rộng 160 - 340 m đảm bảo cho các tàu hàng vạn tấn dễ dàng ra vào bãi neo đậu. Đặc biệt, ở khoảng cách 7,4 km nhìn từ đài quan sát đảo Sinh Tồn Đông có thể thấy tòa nhà kiên cố 8 tầng cao khoảng 26 - 27 m, trên nóc bố trí 4 radar hàng hải, ăng-ten parabol và một số thiết bị thông tin liên lạc. Tầng 6 của tòa nhà lắp radar điều khiển hỏa lực, kính ngắm quang học. Tầng 5 lắp bốn bệ pháo 30 mm (7 nòng); tầng 1 lắp bốn bệ pháo 76 mm.

Tại khu vực cầu cảng hướng đông, ngoài tháp viễn thông thu phát sóng 4 G cao khoảng 50 m là sân bay trực thăng, đài chỉ huy bay đặt trên tháp cao, hai radar đối hải - chống ngầm (màu xanh rằn ri) mới lắp đặt và cụm hỏa lực đặt pháo 76 mm, pháo 30 mm.

Cũng những ngày ở Sinh Tồn Đông, chúng tôi còn đếm được đoàn 12 chiếc tàu cá Trung Quốc từ điểm neo đậu trong bãi Huy Gơ rồng rắn kéo lên hướng bắc để khai thác hải sản tại các bãi cạn không người gần đó như Ha Lét, Ho Li, Ăm Pi, Ba Đầu…

Tại Sinh Tồn Đông, việc canh gác bảo vệ đảo - theo dõi nắm chắc mọi tình hình trên biển được đặt lên hàng đầu và tinh thần bộ đội ta lúc nào cũng căng như dây đàn. Chiến sĩ Hồ Xuân Hậu (20 tuổi, quê Tuy Phong, Bình Thuận) cho biết: Vừa thay cho quân số được về bờ, đã nhận nhiệm vụ canh gác và không ai được mất tập trung, cho dù vài phút.


Hệ thống radar đối hải - chống ngầm mới được Trung Quốc lắp đặt ở Gạc Ma, Huy Gơ
Cô Lin chẳng hề nao núng

Đảo Cô Lin nằm cách bãi Gạc Ma khoảng 7,4 km. Cuối năm 2017 vừa qua, một nhà đa năng ba tầng khang trang đã được hoàn tất, nối với nhà lâu bền cũ kỹ xây dựng từ cả chục năm về trước.

Dẫu được cấp các thiết bị radar, thông tin liên lạc hiện đại nhưng ở Cô Lin, vẫn còn “hệ thống báo động nguyên thủy” là những vỏ đạn túm vào nhau và nối bằng hệ thống dây cước, chỉ cần kéo nhẹ là các vỏ đạn chạm vào nhau kêu leng keng.

Mấy ngày ở Cô Lin - Len Đao, chúng tôi chứng kiến hai đảo báo động khi tàu vận tải tổng hợp khổng lồ 961 và tàu chuyển tải An Đà - 175 của hạm đội Nam Hải (Trung Quốc) vào bãi Gạc Ma cung cấp nguyên liệu, hàng hóa, chuyển quân. Một cán bộ thuộc Vùng 4 Hải quân cho biết: So với Huy Gơ, đảo nhân tạo Gạc Ma được Trung Quốc xây dựng trái phép lên đến 13,2 ha với luồng cho tàu thuyền ra vào từ mép xanh vào bên trong bãi dài 1.000 m, rộng 250 - 400 m.

Ngoài tòa nhà 8 tầng với các thiết bị giống như Huy Gơ, phía Trung Quốc tập trung xây dựng hải đăng cao 50 m, bán kính chiếu xa 40 km và một bến nghiêng rộng 20 - 30 m cho các phương tiện cơ giới dễ lên xuống.

Nhìn từ đảo Len Đao (trái qua phải): tàu 996 của Hải quân VN; bãi Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm giữ - xây dựng trái phép, tàu vận tải quân sự 961 Trung Quốc.
Trường Sa không yên tĩnh

Thời gian tới có thể phía Trung Quốc sẽ xây dựng thêm một số công trình quan trọng. Nhưng việc theo dõi phát hiện là khó bởi họ mang từ đất liền ra trồng hàng ngàn cây dương đã trưởng thành, đựng trong các bầu đất lớn và phát triển rất nhanh.

“Có thời điểm phía Trung Quốc diễn tập đổ bộ bằng trực thăng với mục đích uy hiếp tinh thần bộ đội, nhưng chúng tôi từ chỉ huy đến chiến sĩ 18 - 20 tuổi không bao giờ nao núng. Những lúc ấy, càng nâng cao cảnh giác, nếu không phải ca gác cũng hướng tai mắt sang phía bên kia, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống”.

Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Văn Thành kể vậy khi cùng theo dõi tàu vận tải tổng hợp 961 của Trung Quốc thay quân, cấp hàng cho căn cứ của họ trên bãi Gạc Ma. Anh chỉ chiếc xuồng cao tốc chở lính có vũ trang chạy lượn lờ vòng quanh chiếc tàu đậu ngoài mép xanh, cách Cô Lin khoảng 5 km và cho biết: “Ban ngày ban mặt, tàu bè tua tủa súng ống mà họ vẫn cứ lo, phải hạ xuồng chạy cảnh giới. Trong khi bên mình đàng hoàng thay quân - cấp hàng tết cho bộ đội vì đây chính là biển đảo của ta”.

MAI THANH HẢI

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.