samedi 6 janvier 2018

Straits Times - Hàng loạt quan chức cao cấp Việt Nam rơi rụng : Đấu đá nội bộ ?



Trường hợp ông Phan Văn Anh Vũ gây nhiều tranh cãi. Ảnh AFP
(Straits Times06/01/2018) Một người là đại gia địa ốc kiêm sĩ quan tình báo, đã đào thoát khỏi Việt Nam để rồi bị gởi trả về nước.

Người khác lái chiếc xe Lexus, là cựu lãnh đạo một tập đoàn nhà nước, đang xin tị nạn ở Đức, nhưng được cho là đã bị bắt cóc để trả lời trước tòa án Việt Nam.

Những tháng gần đây, một loạt quan chức cao cấp Việt Nam đã bị cách chức hoặc khởi tố trong chiến dịch chống tham nhũng nhưng còn bị coi là thanh trừng chính trị. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng trước đã ca ngợi nỗ lực chống tham nhũng. 


Truyền thông Việt Nam dẫn lời ông Trọng : « Các vụ án kinh tế và tham nhũng nghiêm trọng, mặc dù có liên quan đến các cán bộ cao cấp và các lãnh đạo đã nghỉ hưu, đã được giải quyết theo quy định của Đảng và luật pháp Nhà nước ».

Các quan chức và doanh nhân có liên quan đến các tập đoàn quốc doanh đã được xem xét kỹ lưỡng về các hoạt động kinh doanh trong quá khứ. Chẳng hạn tháng Tám năm ngoái, thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa, 57 tuổi, đã bị cách chức vì vi phạm các quy định kinh doanh khi còn là lãnh đạo công ty Bóng đèn Điện Quang trước năm 2010. Tháng 9/2017, một cựu lãnh đạo ngân hàng đã bị lãnh án tử hình vì biển thủ, lạm dụng quyền lực và quản lý kinh tế yếu kém.

Nhưng vụ gây tranh cãi nhiều nhất mới đây là trường hợp của ông Phan Văn Anh Vũ, một đại gia địa ốc 42 tuổi ở Đà Nẵng bị cáo buộc tiết lộ bí mật Nhà nước.

Ông Vũ, người còn được cho là thượng tá trong Bộ Công an, đã bị bắt tại Singapore vì nhập cảnh với tên giả và bị đưa về Hà Nội hôm thứ Năm 4/1.

Chính quyền Việt Nam đang điều tra rất nhiều vụ kinh doanh địa ốc của ông Vũ ở Đà Nẵng, thành phố duyên hải miền Trung đang phát triển, nơi mới đây là địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh APEC.

Hôm thứ Tư 3/1, ông Trương Quang Nghĩa, bí thư thành ủy Đà Nẵng, đã được các viên chức về hưu chất vấn làm thế nào cải thiện được tình hình thành phố, và những kẻ vi phạm phải chịu trách nhiệm về những việc làm sai trái của họ - rõ ràng là có liên quan đến ông Vũ và những tài sản của ông.

Trang tin tức Soha dẫn lời ông Nghĩa : « Quan điểm của thành ủy là các tài sản này phải chuyển thành công sản, và đất công phải được sử dụng vào mục đích văn hóa. Các tài sản này không được phép bán ».

Ông Nghĩa được bổ nhiệm làm bí thư thành ủy tháng 10/2017, sau khi ông Nguyễn Xuân Anh, một ngôi sao chính trị đang lên nhưng đã bị sa thải khỏi chức vụ này. Theo trang VNExpress, ông Anh, 42 tuổi, bị Ban Kiểm tra Trung ương cáo buộc đã tự ý ra các quyết định mà không tham khảo các đồng sự, và đã chấp nhận quà tặng của một công ty địa phương là một chiếc xe hơi và hai căn nhà. Ông Anh được cho là một người thân cận của ông Vũ.

Các nhà phân tích và nhà quan sát được The Straits Times phỏng vấn ghi nhận rằng hệ thống chính trị Việt Nam có nhiều phe phái khác nhau, mỗi phe duy trì nguồn thu nhập riêng.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, chủ tịch think tank Viet Know nói với The Straits Times: « Những người cả ở trong và ngoài nước đều thấy đây là một dạng đấu đá chính trị nội bộ ».

Cho dù các giới chức không nói cụ thể ông Vũ đã tiết lộ loại bí mật Nhà nước nào, nhưng có thể ông Vũ nắm được những thông tin liên quan đến vụ được cho là chính quyền tổ chức bắt cóc một người Việt đã đào thoát sang Berlin năm ngoái.

Ông Trịnh Xuân Thanh, 51 tuổi, chủ tịch một công ty trực thuộc tập đoàn PetroVietnam, đã bỏ trốn khỏi Việt Nam do các cáo buộc tham nhũng và xin tị nạn tại Đức. Ông bị cưỡng bức lên một chiếc xe hơi và đưa về Việt Nam để ra tòa. Cựu phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang bị buộc tội làm thiệt hại 150 triệu đô la do quản lý tài chính kém cỏi.

Tuy công an Việt Nam nói rằng ông Thanh quay về nước để tự thú, Đức tố cáo cơ quan tình báo và đại sứ quán Việt Nam đã tổ chức vụ bắt cóc ông này đưa về nước.

Ông Thanh bị bắt chỉ hai tháng sau khi một lãnh đạo khác của PetroVietnam là Đinh La Thăng, 57 tuổi, bị cách chức bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời bị loại ra khỏi Bộ Chính trị. Ông bị cáo buộc quản lý tồi và gây nhiều tổn thất trong thời gian làm lãnh đạo tập đoàn quốc doanh.

Thứ Hai 8/1 tới, các ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và 20 cựu lãnh đạo khác của PetroVietnam sẽ ra tòa ở Hà Nội với các tội danh biển thủ và quản lý kém.

Nhưng chiến dịch chống tham nhũng không thuyết phục được các nhà quan sát chính trị như ông Nguyễn Anh Tuấn, một nhà hoạt động nhân quyền, phàn nàn về sự thiếu vắng nỗ lực có hệ thống để cải thiện tính minh bạch trong chính quyền. Ông nói với The Straits Times : « Rất có thể là những xung đột trong đảng đang tăng lên. Họ không còn có thể giải quyết những bất đồng bên trong nội bộ đảng nữa ».

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.